Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || QUẨN QUANH TỪ VÔ LƯỢNG KIẾP - Kinh Dây Buộc (Gaddulabaddhasuttaṃ)

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || QUẨN QUANH TỪ VÔ LƯỢNG KIẾP - Kinh Dây Buộc (Gaddulabaddhasuttaṃ)

Monday, 12/08/2024, 09:13 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA

Kinh Móng Tay (Nakhasikhāsuttaṃ) và Kinh Lược Giản (Suddhikasuttaṃ) có ý nghĩa tương tự như Kinh Phân Bò.

 

Bāi học ngāy 6.8.2024

QUẨN QUANH TỪ VÔ LƯỢNG KIẾP

Kinh Dây Buộc (Gaddulabaddhasuttaṃ)

Tập III – Uẩn

Chương I. Tương Ưng Uẩn-Phần II-Phẩm Hoa (S,iii,99)

Với cái nhìn tỉnh táo thì cuộc sống là vòng luẩn quẩn. Những sầu, bi, khổ, ưu, ai cứ lặp đi lặp lại như những điệp khúc bất tận. Trải qua rất nhiều nhưng vẫn mê đắm. Sự cột buộc vô hình nhưng bền chặt hơn sơn hà đại địa. Không ý thức được sự quanh quẩn muôn thuở thì không thể hướng cầu giác ngộ giải thoát. Điều lạ lùng nhất là sự trầm nịch khổ đau muôn kiếp vẫn không làm cho đa số chúng sanh chán ngán.

Kinh văn

Nhân duyên ở Sāvatthi

Này chư Tỳ khưu, vô thỉ là luân hồi. Điểm bắt đầu không thể nhận biết được của cuộc trầm luân, mà chúng sanh lang thang vô định bị vô minh bao phủ, ái dục buộc cột.

Có lúc, này chư Tỳ khưu, biển cả khô cằn, cạn kiệt và không tồn tại nữa; nhưng Ta không nói rằng có sự kết thúc của khổ đau cho chúng sanh lang thang vô định, trong cuộc trầm luân bị vô minh bao phủ, ái dục buộc cột.

Có lúc, này chư Tỳ khưu, núi Sineru, vua của các ngọn núi, cháy rụi, tiêu hủy và không còn nữa; nhưng Ta không nói rằng có sự kết thúc của khổ đau cho chúng sanh lang thang vô định, trong cuộc trầm luân bị vô minh bao phủ, ái dục buộc cột.

Có lúc, này chư Tỳ khưu, đại địa cháy rụi, tiêu hủy và không còn nữa; nhưng Ta không nói rằng có sự kết thúc của khổ đau cho chúng sanh lang thang vô định, trong cuộc trầm luân bị vô minh bao phủ, ái dục buộc cột.

Này chư Tỳ khưu, ví như một con chó bị buộc vào một cái cột hay cái trụ chôn chặt cứ chạy vòng quanh cái cột hoặc cái trụ đó; cũng vậy, này chư Tỳ khưu, một người phàm phu không học hiểu pháp của các bậc thánh… xem sắc là tự ngã … xem thọ là tự ngã... xem tưởng là tự ngã... xem hành là tự ngã... xem thức là tự ngã, hoặc xem tự ngã là thức; xem thức là trong tự ngã, hoặc xem tự ngã là trong thức. Người ấy cứ chạy quanh sắc, quanh thọ, quanh tưởng, quanh hành, quanh thức. Do cứ chạy quanh sắc, quanh thọ, quanh tưởng, quanh hành, quanh thức nên không giải thoát khỏi sắc, không giải thoát khỏi thọ, không giải thoát khỏi tưởng, không giải thoát khỏi hành, không giải thoát khỏi thức, không giải thoát khỏi sanh, lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói ‘Không giải thoát khỏi khổ đau’ là vậy.

Nhưng, này chư Tỳ khưu, một vị thánh đệ tử học hiểu pháp của bậc thánh, không xem sắc là tự ngã... không xem thọ... không xem tưởng... không xem hành... không xem thức là tự ngã, hoặc không xem tự ngã là thức; không xem thức là trong tự ngã, hoặc không xem tự ngã là trong thức. Người ấy không chạy quanh sắc, không chạy quanh thọ, không chạy quanh tưởng, không chạy quanh hành, không chạy quanh thức. Do không chạy quanh sắc, không chạy quanh thọ, không chạy quanh tưởng, không chạy quanh hành, không chạy quanh thức; giải thoát khỏi sắc, giải thoát khỏi thọ, giải thoát khỏi tưởng, giải thoát khỏi hành, giải thoát khỏi thức, giải thoát khỏi sanh, lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói ‘Giải thoát khỏi khổ đau’ là vậy.

Chú thích:

Những thay đổi biển cả thành đại lục, hay núi thành biển vốn được ghi nhận rõ theo hiểu biết của nhân loại ngày nay. Kể cả sự hoại diệt chắc chắn của quả đất trong tương lai. Một thành ngữ mang ý nghĩa tương tự nhưng nhỏ bé hơn nhiều là “bãi biển nương dâu” (thương hải hoá vi tang điền).

Thí dụ con chó bị cột chạy quanh cây trụ được tìm thấy nhiều nơi trong Kinh Tạng. Con chó được ví dụ cho phàm phu vô minh; dây cột ví như cái nhìn chấp thủ; cột trụ ví cho thân kiến (sakkāya).

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.

Dưới đây là chánh văn Pāli cùng với bản Việt dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu

Sāvatthinidānaṃ.

“Anamataggoyaṃ, bhikkhave, saṃsāro. Pubbā koṭi na paññāyati avijjānīvaraṇānaṃ sattānaṃ taṇhāsaṃyojanānaṃ sandhāvataṃ saṃsarataṃ.

Nhân duyên ở Sāvatthi …

—Vô thỉ, này các Tỷ-kheo, là sự luân hồi này. Ðiểm bắt đầu không thể nêu rõ đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi.

Hoti so, bhikkhave, samayo yaṃ mahāsamuddo ussussati visussati na bhavati; na tvevāhaṃ, bhikkhave, avijjānīvaraṇānaṃ sattānaṃ taṇhāsaṃyojanānaṃ sandhāvataṃ saṃsarataṃ dukkhassa antakiriyaṃ vadāmi.

Có thể có một thời, này các Tỷ kheo, biển lớn đi đến khô cạn, hoàn toàn đi đến khô kiệt, không có hiện hữu. Nhưng này các Tỷ kheo, Ta không có tuyên bố rằng, có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi.

Hoti so, bhikkhave, samayo yaṃ sineru pabbatarājā ḍayhati vinassati na bhavati; na tvevāhaṃ, bhikkhave, avijjānīvaraṇānaṃ sattānaṃ taṇhāsaṃyojanānaṃ sandhāvataṃ saṃsarataṃ dukkhassa antakiriyaṃ vadāmi.

Có thể có một thời, này các Tỷ-kheo, Sineru (Tu-di), Vua các núi, đi đến băng hoại, hoại diệt, không có hiện hữu. Nhưng này các Tỷ-kheo, Ta không có tuyên bố rằng, có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi!

Hoti so, bhikkhave, samayo yaṃ mahāpathavī ḍayhati vinassati na bhavati; na tvevāhaṃ, bhikkhave, avijjānīvaraṇānaṃ sattānaṃ taṇhāsaṃyojanānaṃ sandhāvataṃ saṃsarataṃ dukkhassa antakiriyaṃ vadāmi.

Có thể có một thời, này các Tỷ-kheo, đại địa đi đến băng hoại, hoại diệt, không có hiện hữu. Nhưng này các Tỷ-kheo, Ta không có tuyên bố rằng, có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển luân hồi!

Seyyathāpi, bhikkhave, sā gaddulabaddho daḷhe khīle vā thambhe vā upanibaddho tameva khīlaṃ vā thambhaṃ vā anuparidhāvati anuparivattati;

evameva kho, bhikkhave, assutavā puthujjano ariyānaṃ adassāvī …pe… sappurisadhamme avinīto rūpaṃ attato samanupassati …pe… vedanaṃ attato samanupassati … saññaṃ attato samanupassati … saṅkhāre attato samanupassati … viññāṇaṃ attato samanupassati, viññāṇavantaṃ vā attānaṃ; attani vā viññāṇaṃ, viññāṇasmiṃ vā attānaṃ. So rūpaññeva anuparidhāvati anuparivattati, vedanaññeva …pe… saññaññeva … saṅkhāreyeva … viññāṇaññeva anuparidhāvati anuparivattati. So rūpaṃ anuparidhāvaṃ anuparivattaṃ, vedanaṃ …pe… saññaṃ … saṅkhāre … viññāṇaṃ anuparidhāvaṃ anuparivattaṃ, na parimuccati rūpamhā, na parimuccati vedanāya, na parimuccati saññāya, na parimuccati saṅkhārehi, na parimuccati viññāṇamhā, na parimuccati jātiyā jarāmaraṇena sokehi paridevehi dukkhehi domanassehi upāyāsehi. ‘Na parimuccati dukkhasmā’ti vadāmi.

Ví như, này các Tỷ-kheo, có con chó bị dây thằng trói chặt vào một cây cột hay cột trụ vững trắc, chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh cây cột ấy hay cột trụ ấy. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu … không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã … quán thọ như là tự ngã … quán tưởng như là tự ngã … quán các hành như là tự ngã … quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Người ấy chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh sắc … thọ … tưởng … các hành … Người ấy chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh thức. Vì rằng người ấy chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh sắc … thọ … tưởng … các hành … người ấy chạy theo vòng theo, chạy tròn xung quanh thức; người ấy không giải thoát khỏi sắc, không giải thoát khỏi thọ, không giải thoát khỏi tưởng, không giải thoát khỏi các hành, không giải thoát khỏi thức, không giải thoát khỏi sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta tuyên bố rằng: “Vị ấy không giải thoát khỏi khổ đau”.

Sutavā ca kho, bhikkhave, ariyasāvako ariyānaṃ dassāvī …pe… sappurisadhamme suvinīto, na rūpaṃ attato samanupassati …pe… na vedanaṃ … na saññaṃ … na saṅkhāre … na viññāṇaṃ attato samanupassati, na viññāṇavantaṃ vā attānaṃ; na attani vā viññāṇaṃ, na viññāṇasmiṃ vā attānaṃ. So rūpaṃ nānuparidhāvati nānuparivattati, vedanaṃ … saññaṃ … saṅkhāre … viññāṇaṃ nānuparidhāvati nānuparivattati. So rūpaṃ ananuparidhāvaṃ ananuparivattaṃ, vedanaṃ … saññaṃ … saṅkhāre … viññāṇaṃ ananuparidhāvaṃ ananuparivattaṃ; parimuccati rūpamhā, parimuccati vedanāya, parimuccati saññāya, parimuccati saṅkhārehi, parimuccati viññāṇamhā, parimuccati jātiyā jarāmaraṇena sokehi paridevehi dukkhehi domanassehi upāyāsehi. ‘Parimuccati dukkhasmā’ti vadāmī”ti.

Nhưng bậc Ða văn Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, được thấy các bậc Thánh … khéo tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã … không quán thọ … không quán tưởng … không quán các hành … không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy không chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh thức. Vị ấy không chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh sắc … thọ … tưởng … các hành … không chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh thức. Vị ấy không chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh sắc … thọ … tưởng … các hành … thức; do không chạy vòng theo, chạy vòng tròn xung quanh thức, vị ấy được giải thoát khỏi sắc, được giải thoát khỏi thọ, được giải thoát khỏi tưởng, được giải thoát khỏi các hành, được giải thoát khỏi thức, được giải thoát khỏi sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói: “Vị ấy được giải thoát khỏi đau khổ”.

Sớ giải Kinh Gaddulabaddhasuttaṃ

Sattame yaṃ mahāsamuddoti yasmiṃ samaye pañcame sūriye uṭṭhite mahāsamuddo ussussati. Dukkhassa antakiriyanti cattāri saccāni appaṭivijjhitvā avijjāya nivutānaṃyeva sataṃ vaṭṭadukkhassa antakiriyaṃ paricchedaṃ na vadāmi. Sā gaddulabaddhoti gaddulena baddhasunakho. Khīleti pathaviyaṃ ākoṭite mahākhīle. Thambheti nikhaṇitvā ṭhapite thambhe. Evameva khoti ettha sunakho viya vaṭṭanissito bālo, gaddulo viya diṭṭhi, thambho viya sakkāyo, gaddularajjuyā thambhe upanibaddhasunakhassa thambhānuparivattanaṃ viya diṭṭhitaṇhāya sakkāye baddhassa puthujjanassa sakkāyānuparivattanaṃ veditabbaṃ. Sattamaṃ.

Khi mặt trời thứ năm mọc lên, đại dương khô cạn. Việc chấm dứt khổ đau có nghĩa là không thể nói về sự kết thúc khổ đau, trong vòng luân hồi đối với những chúng sanh bị vô minh che lấp mà chưa chứng ngộ được bốn sự thật. Sā gaddulabaddhoti có nghĩa là con chó bị buộc bởi sợi dây. Khīleti có nghĩa là cái cọc lớn được đóng sâu vào mặt đất. Thambheti có nghĩa là cái cọc được dựng lên bằng cách chôn chặt xuống. Cũng như vậy, ở đây người phàm phu bị ràng buộc trong vòng luân hồi giống như con chó, bị ràng buộc bởi sự chấp thủ và sự tồn tại của “cái ta”, giống như con chó bị buộc vào cái cọc. Việc quay vòng quanh cái cọc giống như việc bị ràng buộc bởi sự chấp thủ và sự tồn tại của cái tôi.