Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || NHẬN THỨC TRỌN VẸN CUỘC SỐNG - Kinh Khía Cạnh (Antasuttaṃ)

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || NHẬN THỨC TRỌN VẸN CUỘC SỐNG - Kinh Khía Cạnh (Antasuttaṃ)

Thursday, 15/08/2024, 09:59 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA

Bāi học ngāy 14.8.2024

NHẬN THỨC TRỌN VẸN CUỘC SỐNG

Kinh Khía Cạnh (Antasuttaṃ)

Tập III – Uẩn

Chương I. Tương Ưng Uẩn-Phần III-Phẩm Khía Cạnh (S,iii,103)

Trong sự nhận thức, có lúc nắm một góc cạnh thì sẽ hiểu toàn bộ. Thí dụ như, tỏ ngộ sự vô thường sanh diệt sẽ hiểu bản chất khổ não, vô ngã. Thế nhưng, có những cái hiểu cần được nhìn toàn diện chứ không thể phiến diện. Đây là trường hợp nhận thức ngũ uẩn và tứ đế. Năm uẩn là toàn bộ sự hiện hữu hay cuộc sống. Tứ đế là thấy được vấn đề, nguyên nhân, sự giải thoát và con đường đưa đến giải thoát. Đối với ngũ uẩn và tứ đế, cần được hiểu một cách trọn vẹn theo cách “ắt có và đủ”, để có thể giải đáp ẩn số muôn thuở của kiếp phù sinh.

Kinh văn

Các Khía cạnh

Nhân duyên tại Sāvatthī. Này chư Tỳ khưu, có bốn khía cạnh này. Bốn khía cạnh gì? Khía cạnh về tự thể, khía cạnh về nguồn gốc của tự thể, khía cạnh về sự diệt trừ của tự thể, khía cạnh về con đường dẫn đến sự diệt trừ của tự thể.

Và này chư Tỳ khưu, khía cạnh về tự thể là gì? Đó chính là năm thủ uẩn. Gồm có những gì? sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Đây được gọi là khía cạnh về tự thể.

Và này chư Tỳ khưu, khía cạnh về tập khởi của tự thể là gì? Chính là khát ái này, đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ tham, tìm cầu hỷ lạc đó đây. Đó là dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Đây được gọi là khía cạnh về tập khởi của tự thể.

Và này chư Tỳ khưu, khía cạnh về sự tịch tịnh của tự thể là gì? Đó chính là sự ly tham, đoạn diệt, không còn dư sót của khát ái ấy; sự từ bỏ, buông xả, giải thoát, không còn nương gá vào ái chấp. Đây được gọi là khía cạnh về sự tịch tịnh của tự thể.

Và này chư Tỳ khưu, khía cạnh về con đường dẫn đến sự tịch tịnh của tự thể là gì? Đó chính là chánh đạo tám chi phần; tức là, chánh kiến... chánh định. Đây được gọi là khía cạnh về con đường dẫn đến sự diệt trừ của tự thể.

“Này chư Tỳ khưu, đây là bốn khía cạnh.”

Chú thích

Chữ “antā” có nghĩa là phương diện, ngọn ngành, góc cạnh. Bản chữ Hán dịch là “biên” có nghĩa là mép cạnh. Ở đây dịch là khía cạnh hàm nghĩa là cần hiểu cả bốn góc cạnh mới thật sự là hiểu. Nói cách khác không thể hiểu phiến diện mà không tỏ rõ những phần khác.

Sớ giải chú thích đây là năm uẩn hiểu theo tứ đế nên gọi là hiểu biết tất cả góc cạnh.

Chữ “sakkāya” có nghĩa là sự hiện hữu, tự thể. Bản chữ Hán dịch là “hữu thân”. Bản Anh ngữ của ngài Bodhi dịch là Identity.

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.

Dưới đây là chánh văn Pāli cùng với bản Việt dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu

Sāvatthinidānaṃ.

Nhân duyên ở Sāvatthi …

“Cattārome, bhikkhave, antā. Katame cattāro? Sakkāyanto, sakkāyasamudayanto, sakkāyanirodhanto, sakkāyanirodhagāminippaṭipadanto. Katamo ca, bhikkhave, sakkāyanto? Pañcupādānakkhandhātissa vacanīyaṃ. Katame pañca? Seyyathidaṃ—rūpupādānakkhandho, vedanupādānakkhandho, saññupādānakkhandho, saṅkhārupādānakkhandho, viññāṇupādānakkhandho—ayaṃ vuccati, bhikkhave, sakkāyanto.

—Có bốn biên này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bốn? Hữu thân biên, hữu thân tập khởi biên, hữu thân đoạn diệt biên, hữu thân đoạn diệt đạo biên.

Này các Tỷ-kheo, thế nào là thân biên? Phải trả lời là năm thủ uẩn. Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là năm thủ uẩn.

Katamo ca, bhikkhave, sakkāyasamudayanto? Yāyaṃ taṇhā ponobhavikā nandirāgasahagatā tatratatrābhinandinī, seyyathidaṃ—kāmataṇhā, bhavataṇhā, vibhavataṇhā. Ayaṃ vuccati, bhikkhave, sakkāyasamudayanto.

Này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu thân tập khởi biên? Chính là khát ái này, đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này, chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hữu thân tập khởi biên.

Katamo ca, bhikkhave, sakkāyanirodhanto? Yo tassāyeva taṇhāya asesavirāganirodho cāgo paṭinissaggo mutti anālayo—ayaṃ vuccati, bhikkhave, sakkāyanirodhanto.

Này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu thân đoạn diệt biên? Chính là sự ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn khát ái ấy, sự xả ly, sự từ bỏ, sự giải thoát, sự thoát ly chấp trước. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hữu thân đoạn diệt biên.

Katamo ca, bhikkhave, sakkāyanirodhagāminippaṭipadanto? Ayameva ariyo aṭṭhaṅgiko maggo. Seyyathidaṃ—sammādiṭṭhi …pe… sammāsamādhi. Ayaṃ vuccati, bhikkhave, sakkāyanirodhagāminippaṭipadanto. Ime kho, bhikkhave, cattāro antā”ti.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu thân đoạn diệt đạo biên? Chính là Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hữu thân đoạn diệt đạo biên.

Sớ giải Kinh Antasuttaṃ

antavaggassa paṭhame antāti koṭṭhāsā. idaṃ suttaṃ catusaccavasena pañcakkhandhe yojetvā antoti vacanena bujjhanakānaṃ ajjhāsayavasena vuttaṃ. paṭhamaṃ.

"Bài đầu của phẩm Antā. 'antā' có nghĩa là 'tận cùng' hay 'ranh giới'. Bài kinh này được giải thích theo tứ diệu đế và áp dụng ngũ uẩn, và được nói bằng từ 'antā' theo ý hướng hiểu và giải thích về những điều này."