Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || NGUYÊN DO KHÁCH QUAN VÀ CHỦ QUAN - Kinh Những Thứ Trói Buộc (Saṃyojaniyasuttaṃ)

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || NGUYÊN DO KHÁCH QUAN VÀ CHỦ QUAN - Kinh Những Thứ Trói Buộc (Saṃyojaniyasuttaṃ)

Wednesday, 04/09/2024, 08:21 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA

Bāi học ngāy 4.9.2024

NGUYÊN DO KHÁCH QUAN VÀ CHỦ QUAN

Kinh Những Thứ Trói Buộc (Saṃyojaniyasuttaṃ)

Tập III – Uẩn

Chương I. Tương Ưng Uẩn-Phần III-Phẩm Người Thuyết Pháp (S,iii,120)

Có biết bao người sống giữa cuộc đảo điên với bao hệ lụy, nhưng vẫn không thể dứt áo ra đi. Đôi lúc thở than là do nghiệp dĩ hoặc con tạo trớ trêu. Kỳ thực, sự trói buộc nào cũng có cả hai nguyên do: khách quan và chủ quan. Sự lưu luyến trong lòng là nguyên nhân chủ quan và cái khiến lòng lưu luyến là nguyên nhân khách quan. Sự quanh quẩn của trầm luân sanh tử khiến chúng sanh không thể vượt thoát, bắt nguồn từ kiết sử hay trói buộc. Năm uẩn là những gì khiến bị cột trói. Dục và tham chính là sự cột trói. Phải thấy được cả hai nguyên nhân chủ quan và khách quan mới tìm ra cách tháo gỡ. Nút thắt ở đâu thì phải gỡ ở đó.

Kinh văn

Nhân duyên ở Sāvatthi

Này chư Tỳ khưu, Ta sẽ dạy các Thầy về những thứ làm trói buộc và sự trói buộc. Hãy lắng nghe…

"Này chư Tỳ khưu, cái gì là những thứ làm trói buộc và cái gì là sự trói buộc? Này chư Tỳ khưu, sắc là thứ làm trói buộc; ưa thích và tham đắm đối với nó là sự trói buộc ở đó.

Thọ là thứ làm trói buộc; ưa thích và tham đắm đối với nó là sự trói buộc ở đó.

Tưởng là thứ làm trói buộc; ưa thích và tham đắm đối với nó là sự trói buộc ở đó.

Hành là thứ làm trói buộc; ưa thích và tham đắm đối với nó là sự trói buộc ở đó.

Thức là thứ làm trói buộc; ưa thích và tham đắm đối với nó là sự trói buộc ở đó.

Những thứ này được gọi là những thứ làm trói buộc và đây là sự trói buộc."

Chú thích

Chữ “saṃyojana” từ động từ “saṃyuñjati” nghĩa là cột, buộc. “Saṃyojana” thường được dịch là kiết sử. “Saṃyojaniya” là tĩnh từ của “saṃyojana”; ở đây chỉ cho pháp tạo nên sự trói buộc.

“Chandarāga” là một từ kép gồm “chanda” là dục hay sự ưa thích; “rāga” là sự tham luyến hay đam mê.

Để phân biệt, nên dùng thí dụ ở đây nói về cái khiến cho cột trói và sự cột trói. Năm uẩn là những thứ tạo nên cột trói. Dục và tham sự cột trói…

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.

Dưới đây là chánh văn Pāli cùng với bản Việt dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu

KINH KIẾT SỬ

Sāvatthinidānaṃ.

“Saṃyojaniye ca, bhikkhave, dhamme desessāmi saṃyojanañca. Taṃ suṇātha.

Nhân duyên ở Sāvatthi

—Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về các pháp bị trói buộc và sự trói buộc. Hãy lắng nghe.

Katame ca, bhikkhave, saṃyojaniyā dhammā, katamaṃ saṃyojanaṃ?

Rūpaṃ, bhikkhave, saṃyojaniyo dhammo; yo tattha chandarāgo, taṃ tattha saṃyojanaṃ.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp bị trói buộc? Thế nào là sự trói buộc? Sắc, này các Tỷ-kheo, là pháp bị trói buộc. Dục và tham đối với sắc là sự trói buộc của sắc.

Vedanā …pe…

saññā …

saṅkhārā …

viññāṇaṃ saṃyojaniyo dhammo; yo tattha chandarāgo, taṃ tattha saṃyojanaṃ.

… Thọ … Tưởng … Các hành …

Thức, này các Tỷ-kheo, là pháp bị trói buộc. Dục và tham đối với thức là sự trói buộc của thức.

Ime vuccanti, bhikkhave, saṃyojaniyā dhammā, idaṃ saṃyojanan”ti.

Này các Tỷ-kheo, các pháp này, này các Tỷ-kheo, được gọi là các pháp bị trói buộc. Ðây là sự trói buộc.

Sớ giải của bài kinh nầy giống như bốn bài kinh trước vẫn là nói về “bờ mê” và “bến giác.