Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || NẾP SỐNG CĂN BẢN CỦA NGƯỜI TU - Kinh Sāriputta và vị đồng cư (sāriputtasaddhivihārikasuttaṃ)

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || NẾP SỐNG CĂN BẢN CỦA NGƯỜI TU - Kinh Sāriputta và vị đồng cư (sāriputtasaddhivihārikasuttaṃ)

Friday, 09/05/2025, 04:16 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA

Bài học ngày 5.5.2025

Kinh Câu hỏi của Pañcasikha (pañcasikhasuttaṃ) SN.35.119 có nội dung giống như trước chỉ khác là người vấn đạo là Càn Thát Bà Pañcasikha thay vì Thiên chủ Sakka.

NẾP SỐNG CĂN BẢN CỦA NGƯỜI TU

Kinh Sāriputta và vị đồng cư (sāriputtasaddhivihārikasuttaṃ)

Chương XXXV. Tương Ưng Sáu Xứ – Phẩm Thế Giới Dục Trưởng Dưỡng (SN.35.120)

A monk walking on a path in a forest

AI-generated content may be incorrect.

Căn bản của Phật Pháp là hướng dẫn về nếp sống chuyển hoá bản thân. Sự thực hành Phật Pháp mang tính cụ thể và khả thi. Mục đích thiết thực của Phật Pháp là khiến nội tâm an tịnh, sáng suốt, tỉnh giác. Những đặc điểm này nếu không được nhận biết thì giáo pháp chỉ là nguồn triết lý. Đức Phật thường nhắc nhở chỉ có những ai ứng dụng được giáo pháp vào đời sống mới thật sự hưởng được hương vị giải thoát.

KINH VĂN

 Ekaṃ samayaṃ āyasmā Sāriputto Sāvatthiyaṃ viharati Jetavane Anāthapiṇḍikassa ārāme.

Một thuở, Tôn giả Sāriputta trú ở Sāvatthī, tại Kỳ Viên, ngôi già lam do Cấp Cô Độc dâng cúng.

Atha kho aññataro bhikkhu yenāyasmā Sāriputto tenupasaṅkami; upasaṅkamitvā āyasmatā Sāriputtena saddhiṃ sammodi. Sammodanīyaṃ kathaṃ sāraṇīyaṃ vītisāretvā ekamantaṃ nisīdi.

Bấy giờ, một tỳ khưu đến chỗ Tôn giả Sāriputta, đảnh lễ và trao đổi lời chào hỏi thân thiện rồi ngồi xuống một bên.

Ekamantaṃ nisinno kho so bhikkhu āyasmantaṃ Sāriputtaṃ etadavoca: “Saddhivihāriko, āvuso Sāriputta, bhikkhu sikkhaṃ paccakkhāya hīnāyāvatto”ti.

Ngồi một bên, vị tỳ khưu ấy thưa: “Thưa Tôn giả Sāriputta, vị đồng cư của tôi đã từ bỏ học pháp và thối thất trở lại đời sống thấp kém.”

“Evametaṃ, āvuso, hoti indriyesu aguttadvārassa, bhojane amattaññuno, jāgariyaṃ ananuyuttassa.‘So vatāvuso, bhikkhu indriyesu aguttadvāro bhojane amattaññū jāgariyaṃ ananuyutto yāvajīvaṃ paripuṇṇaṃ parisuddhaṃ brahmacariyaṃ santānessatī’ti netaṃ ṭhānaṃ vijjati.

“Quả thật vậy, này Hiền giả, điều ấy xảy ra đối với người không hộ trì các căn, không tiết độ trong ăn uống, không chuyên cần tỉnh thức. Một vị Tỳ-kheo như vậy thì không thể tiếp tục sống trọn đời phạm hạnh đầy đủ và thanh tịnh.

‘So vatāvuso, bhikkhu indriyesu guttadvāro, bhojane mattaññū, jāgariyaṃ anuyutto yāvajīvaṃ paripuṇṇaṃ parisuddhaṃ brahmacariyaṃ santānessatī’ti ṭhānametaṃ vijjati.

Ngược lại, nếu vị ấy hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống, chuyên cần tỉnh thức thì có khả năng sống trọn đời phạm hạnh thanh tịnh.”

“Kathañcāvuso, indriyesu guttadvāro hoti?

“Thế nào, hiền giả, là hộ trì các căn?”

Idhāvuso, bhikkhu cakkhunā rūpaṃ disvā na nimittaggāhī hoti nānubyañjanaggāhī. Yatvādhikaraṇamenaṃ cakkhundriyaṃ asaṃvutaṃ viharantaṃ abhijjhādomanassā pāpakā akusalā dhammā anvāssaveyyuṃ, tassa saṃvarāya paṭipajjati, rakkhati cakkhundriyaṃ, cakkhundriye saṃvaraṃ āpajjati.

Ở đây, một Tỳ-kheo khi thấy sắc bằng mắt, không nắm bắt tướng chung, không nắm bắt chi tiết. Vì nếu không hộ trì nhãn căn thì tham ưu và các pháp bất thiện sẽ tràn ngập tâm; do vậy, vị ấy chế ngự và gìn giữ căn mắt.

Sotena saddaṃ sutvā... ghānena gandhaṃ ghāyitvā... jivhāya rasaṃ sāyitvā... kāyena phoṭṭhabbaṃ phusitvā...

Tương tự, khi nghe âm thanh bằng tai, ngửi mùi bằng mũi, nếm vị bằng lưỡi, xúc chạm bằng thân...

Manasā dhammaṃ viññāya na nimittaggāhī hoti nānubyañjanaggāhī... manindriye saṃvaraṃ āpajjati.

Khi nhận biết cảnh pháp bằng ý, vị ấy cũng không nắm bắt tướng chung hay chi tiết và hộ trì căn ý.

Evaṃ kho, āvuso, indriyesu guttadvāro hoti.

Như vậy gọi là hộ trì các căn.

 “Kathañcāvuso, bhojane mattaññū hoti?

“Thế nào là tiết độ trong ăn uống?”

Idhāvuso, bhikkhu paṭisaṅkhā yoniso āhāraṃ āhāreti:
‘Neva davāya, na madāya, na maṇḍanāya, na vibhūsanāya...Yāvadeva imassa kāyassa ṭhitiyā yāpanāya, vihiṃsūparatiyā, brahmacariyānuggahāya...Iti purāṇañca vedanaṃ paṭihaṅkhāmi, navañca vedanaṃ na uppādessāmi...

Yātrā ca me bhavissati, anavajjatā ca phāsuvihāro cā’ti.

Một Tỳ-kheo khéo tư duy khi thọ thực như sau: ‘Không phải để vui sướng, không để say sưa, không để làm đẹp hay trang sức... Mà chỉ để duy trì thân thể, để khắc phục cơn đói, để hỗ trợ cho đời sống phạm hạnh... Để diệt cảm thọ cũ, không tạo cảm thọ mới... Giúp cho sự sống tiếp diễn, không lỗi lầm và an lạc.”

Evaṃ kho, āvuso, bhojane mattaññū hoti.

Đó gọi là tiết độ trong ăn uống.

“Kathañcāvuso, jāgariyaṃ anuyutto hoti?

“Thế nào là chuyên cần tỉnh thức?”

Idhāvuso, bhikkhu divasaṃ caṅkamena nisajjāya āvaraṇīyehi dhammehi cittaṃ parisodheti.

Ban ngày, vị tỳ khưu đi kinh hành, ngồi thiền để tịnh hóa tâm khỏi các pháp chướng ngại.

Rattiyā paṭhamaṃ yāmaṃ caṅkamena nisajjāya āvaraṇīyehi dhammehi cittaṃ parisodheti.

Canh đầu ban đêm, đi kinh hành, tọa thiền để tịnh hóa tâm khỏi pháp chướng ngại.

Rattiyā majjhimaṃ yāmaṃ dakkhiṇena passena sīhaseyyaṃ kappeti...

Canh giữa, nằm nghiêng bên phải theo tư thế sư tử, chân này gác lên chân kia, chánh niệm tỉnh giác, tác ý thời điểm thức dậy.

Rattiyā pacchimaṃ yāmaṃ paccuṭṭhāya caṅkamena nisajjāya āvaraṇīyehi dhammehi cittaṃ parisodheti.

Canh cuối đêm, sau khi thức dậy, lại đi kinh hành, tọa thiền để tịnh hóa tâm khỏi pháp chướng ngại.

Evaṃ kho, āvuso, jāgariyaṃ anuyutto hoti.

Đó gọi là chuyên cần tỉnh thức.

Tasmātihāvuso, evaṃ sikkhitabbaṃ:‘Indriyesu guttadvārā bhavissāma, bhojane mattaññuno, jāgariyaṃ anuyuttā’ti. Evañhi vo, āvuso, sikkhitabban”ti.

“Do vậy, hiền giả, cần phải tu học như sau: ‘Chúng ta sẽ hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống và chuyên cần trong tỉnh thức’. Hiền giả, chư vị nên thực hành như vậy.”

CHÚ THÍCH

 Tựa đề bài kinh Sāriputtasaddhivihārikasuttaṃ, nếu dịch đầy đủ là “Kinh huấn thị của Tôn giả Sāriputta cho một tỳ khưu có bạn đồng cư hoàn tục”.

Ba pháp “hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống, chuyên cần tỉnh thức” được xem là công thức của nếp sống hằng ngày của người xuất gia. Những pháp này tìm thấy rất nhiều nơi trong Tam tạng, đặc biệt là trong giới bổn được chư Phật truyền dạy.

Theo Sớ giải thì một yếu tính cần thiết của đời sống phạm hạnh là nỗ lực liên tục không ngừng nghỉ. Nói cách khác là sự gián đoạn sẽ làm hỏng những cố gắng từng có.

SỚ GIẢI

“120. sattame santānessatīti ghaṭessati, yogavicchedamassa pāpuṇituṃ na dassati.”

“(Trong kinh thứ bảy) ‘Sẽ duy trì phạm hạnh’ nghĩa là sẽ nỗ lực miên mật, không để gián đoạn trong sự liên tục tu tập.”

  • santānessatīti: “sẽ duy trì” – chỉ việc tiếp tục sống trong phạm hạnh thanh tịnh.
  • ghaṭessati: “sẽ nỗ lực, cố gắng” – tức là sẽ tinh cần tu tập.
  • yogaviccheda: “sự gián đoạn trong phạm hạnh” (yoga = sự liên kết, phạm hạnh; viccheda = gián đoạn, đứt gãy).
  • na dassati: “sẽ không cho phép, không tạo điều kiện.”
  • amassa pāpuṇituṃ: “để điều đó xảy ra, đạt đến điều đó.”

Bản dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu

120. VII. Sàriputta (S.iv,103)

1) Một thời Tôn giả Sàriputta trú ở Sàvatthi, tại Jetanvana, vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).

2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy nói với Tôn giả Sàriputta:

-- Tỷ-kheo đồng trú, thưa Tôn giả Sàriputta, đã từ bỏ học pháp và hoàn tục.

4) -- Này Hiền giả, như vậy xẩy đến cho vị nào không hộ trì các căn, không tiết độ trong ăn uống, không chú tâm tỉnh giác. Cho đến trọn đời, vị ấy có thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh, sự việc như vậy không xảy ra.

5) Này Hiền giả, một Tỷ-kheo hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống, chú tâm tỉnh giác. Cho đến trọn đời, vị ấy có thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh, sự việc như vậy có xảy ra.

6) Và này Hiền giả, thế nào là hộ trì các căn? Này Hiền giả, khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì đó nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự chế ngự những nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng... khi mũi ngửi hương... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc... khi ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì đó ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự chế ngự những nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Như vậy, này Hiền giả, là sự hộ trì các căn.

7) Này Hiền giả, thế nào là tiết độ trong ăn uống? Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo như lý giác sát, thọ dụng các món ăn. Không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự mình làm đẹp mình mà chỉ để thân này được duy trì và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh, nghĩ rằng: "Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn". Như vậy, này Hiền giả, là tiết độ trong ăn uống.

8) Và này Hiền giả, như thế nào là chú tâm tỉnh giác? Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ban ngày trong khi đi kinh hành và ngồi, tâm gột sạch các pháp triền cái. Ban đêm trong canh một, trong khi vị ấy đi kinh hành và ngồi, tâm gột sạch các pháp triền cái. Ban đêm trong canh giữa, vị ấy nằm phía hông bên hữu, trong tư thế con sư tử, chân này đặt trên chân kia, chánh niệm tỉnh giác, tác ý tưởng đến lúc ngồi dậy. Ban đêm trong canh cuối, khi vị ấy đi kinh hành và trong khi ngồi, tâm gột sạch khỏi các pháp triền cái. Như vậy, này Hiền giả, là chú tâm tỉnh giác.

9) Do vậy, này Hiền giả, cần phải học tập như sau: "Chúng tôi sẽ hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống, chú tâm tỉnh giác".

Như vậy, này Hiền giả, ông cần phải học tập.