Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ | LIỄU TRI SANH DIỆT LÀ BIẾT TẤT CẢ - Kinh Thập Lực I (Dasabalasuttaṃ)

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ | LIỄU TRI SANH DIỆT LÀ BIẾT TẤT CẢ - Kinh Thập Lực I (Dasabalasuttaṃ)

, 18/02/2023, 19:26 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA

Bài học ngày 18.2.2023


LIỄU TRI SANH DIỆT LÀ BIẾT TẤT CẢ

Kinh Thập Lực I (Dasabalasuttaṃ)

Tập II – Thiên Nhân Duyên

Chương I. Tương Ưng Nhân Duyên (a) - Phẩm Mười Lực (S. ii, 27)

Đức Phật là bậc toàn tri. Gọi là liễu tri đúng nghĩa là thấy biết tướng trạng của vạn pháp, sự tập khởi, và sự hoại diệt. Người ta có câu “nữa ổ bánh mì cũng là bánh mì nhưng nữa sự thật thì không là sự thật”. Sự quán triệt các pháp không phải chỉ có sự nhận rõ trạng thái mà còn ở sự thấy rõ sự tập khởi, sự hoại diệt, và duyên tập khởi cũng như tác động tạo nên sở duyên khác. Đó là lý do tại sao có sự liên hệ mật thiết giữa pháp học với pháp hành, giữa tướng và tánh, giữa sự giác ngộ của các Đấng Như Lai đối với cả hai pháp hiệp thế và siêu thế.

Sāvatthiyaṃ viharati...pe... ‘‘dasabalasamannāgato, bhikkhave, tathāgato catūhi ca vesārajjehi samannāgato āsabhaṃ ṭhānaṃ paṭijānāti, parisāsu sīhanādaṃ nadati, brahmacakkaṃ pavatteti – iti rūpaṃ iti rūpassa samudayo iti rūpassa atthaṅgamo, iti vedanā iti vedanāya samudayo iti vedanāya atthaṅgamo, iti saññā iti saññāya samudayo iti saññāya atthaṅgamo, iti saṅkhārā iti saṅkhārānaṃ samudayo iti saṅkhārānaṃ atthaṅgamo, iti viññāṇaṃ iti viññāṇassa samudayo iti viññāṇassa atthaṅgamo. Iti imasmiṃ sati idaṃ hoti, imassuppādā idaṃ uppajjati. Imasmiṃ asati idaṃ na hoti, imassa nirodhā idaṃ nirujjhati. Yadidaṃ avijjāpaccayā saṅkhārā; saṅkhārapaccayā viññāṇaṃ...pe... evametassa kevalassa dukkhakkhandhassa samudayo hoti. Avijjāya tveva asesavirāganirodhā saṅkhāranirodho; saṅkhāranirodhā viññāṇanirodho...pe... evametassa kevalassa dukkhakkhandhassa nirodho hotī’’ti. Paṭhamaṃ.

Ngự ở Sāvatthi.

Này chư Tỳ khưu, với đầy đủ mười lực và bốn vô sở úy, Như Lai tự nhận cương vị Ngưu vương, cất tiếng sư tử hống giữa các hội chúng, chuyển Phạm luân và tuyên bố: "Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Ðây là thọ, đây là thọ tập khởi, đây là thọ đoạn diệt. Ðây là tưởng, đây là tưởng tập khởi, đây là tưởng đoạn diệt. Ðây là hành, đây là hành tập khởi, đây là hành đoạn diệt. Ðây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt".

Như vậy do cái này hiện hữu, nên cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không hiện hữu, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt.

Nghĩa là với vô minh là duyên, hành sanh khởi; hành là duyên, thức sanh khởi; thức là duyên, danh sắc sanh khởi; danh sắc là duyên, lục nhập sanh khởi; lục nhập là duyên, xúc sanh khởi; xúc là duyên, thọ sanh khởi; thọ là duyên, ái sanh khởi; ái là duyên, thủ sanh khởi; thủ là duyên, hữu sanh khởi; hữu là duyên, sinh sanh khởi; sinh là duyên, già, chết, khổ, ưu, ai sanh khởi. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn tập khởi.

Do vô minh diệt hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sinh diệt. Do sinh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, ai diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này diệt tận.

Chú Thích

Có hai bài kinh mang tên Kinh Thập Lực nên bài nầy gọi là Kinh Thập Lực I. Chánh tạng chỉ ghi là Kinh Thập Lực và bài kinh tiếp theo gọi là Kinh Thập Lực II.

Mười Như Lai lực và bốn vô sở uý (trích từ Kho Tàng Pháp Học của Hoà thượng Tuệ Siêu (Tỳ Khưu Giác Giới)

[474] Mười trí lực (Dasabalañāṇa), hay mười Như Lai trí lực (Tathāgatabalañāṇa):

1. Trí hiểu nguyên lý và phi nguyên lý (Ṭhānāṭhānañāṇa), đức Như Lai biết rõ các sự kiện, cái gì có thể xảy ra và cái gì không thể xảy ra.

2. Trí biết quả nghiệp (Kammavipākañāṇa), đức Như Lai biết rõ các hạnh nghiệp của chúng sanh, thiện ác dẫn đến quả dị thục tốt xấu ra sao? Quả trổ mức độ như thế nào?

3. Trí biết đạo lộ mọi sanh thú (Sabbatthagāminīpaṭipadāñāṇa), đức Như Lai biết rõ các sự thực hành là con đường dẫn đến tái sanh trong những cõi vui và cõi khổ, biết rõ hành động đưa đến lợi ích hiện tại, lợi ích tương lai và lợi ích tối thượng.

4. Trí biết bản chất dị biệt (Nānādhātuñāṇa), đức Như Lai biết rõ thế gian có bản chất đa dạng như uẩn sai biệt, xứ sai biệt, và giới sai biệt.

5. Trí biết khuynh hướng dị biệt (Nānādhimuttikañāṇa), đức Như Lai biết rõ sự khác biệt khuynh hướng của chúng sanh, có chúng sanh khuynh hướng hạ liệt, có chúng sanh khuynh hướng cao thượng, chúng sanh đồng khuynh hướng sẽ thuận dòng với nhau, hạ liệt thân cận hạ liệt, cao thượng thân cận cao thượng, dù ở quá khứ hay hiện tại cũng vậy.

6. Trí biết thượng hạ căn (Indriyaparopariyattañāṇa), đức Như Lai biết rõ căn cơ cao thấp của chúng sanh, biết rõ chúng sanh có kiến chấp như vậy tiềm miên như vậy, sở hành như vậy, có căn trì độn, có căn lanh lợi, có tính khó dạy, có tính dễ dạy, có khả năng giác ngộ hay không thể giác ngộ.

7. Trí biết sự nhiễm-tịnh-ly của thiền định (Jhānādisaṅkilesādiñāṇa), đức Như Lai biết rõ sự ô nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất ly của thiền định, nhập định và sự giải thoát.

8. Trí biết tiền kiếp (Pubbenivāsānussatiñāṇa), đức Như Lai có trí nhớ chính xác và nhớ nhiều về các kiếp sống quá khứ, từng nét đại cương và chi tiết đa dạng.

9. Trí biết sự sanh tử (Cutūpapātañāṇa), đức Như Lai với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân ngài thấy rõ sự sống chết của chúng sanh; biết chúng sanh này sanh đến chỗ hèn hạ hoặc cao sang, xấu xí hay xinh đẹp, hạnh phúc hay đau khổ, là do hạnh nghiệp như vậy. Chúng sanh đi đến tùy theo nghiệp.

10. Trí đoạn lậu (Āsavakkhayañāṇa), đức Như Lai tự mình thắng tri vô lậu tâm giải thoát, đoạn tận các lậu hoặc. Ngài biết rõ sự đoạn diệt hoàn toàn các lậu hoặc như vậy.

M.I.69; A.V.33; Vbh.336.

[195] Bốn vô sở úy (Vesārajja) hay bốn vô ngại trí (Vesārajjañāṇa) của Đức Phật:

1. Ngài tự nhận là bậc Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddhapatiññā), Ngài không sợ ai bắt bẻ buộc tội, vì Ngài đã thật sự chứng đạt quả vị Chánh Đẳng Giác.

2. Ngài tự nhận là bậc đoạn lậu (Khīṇāsavapatiññā), Ngài không sợ ai bắt bẻ chỉ trích, vì Ngài đã thật sự đoạn trừ các lậu hoặc.

3. Ngài tuyên bố pháp chướng ngại (Antarāyikadhammavāda), Ngài không sợ ai phản bác lời Ngài nói là sai, vì Ngài đã thật sự biết rõ pháp chướng ngại là chướng ngại.

4. Ngài thuyết pháp hướng thượng (Niyyānikadhammadesanā), Ngài không sợ ai chỉ trích pháp Ngài thuyết là vô ích, vì thật sự Ngài đã thể nhập các pháp hướng thượng.

Bốn vô sở úy này là điều song song với thập lực Như Lai trí, là cơ sở để Ngài tự nhận địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống sư tử giữa các hội chúng vận Chuyển Pháp Luân.

M.I.71; A.11.8.

Thuật ngữ brahmacakka – phạm luân – tên gọi khác của pháp luân có nghĩa là giáo pháp thanh tịnh (visuddhadhammacakka). Sớ giải cũng chú thích ý nghĩa nầy trong văn hoá Ấn mang nghĩa là tốt nhất hay tối thượng (seṭṭha, uttama).

Sự nhận thức trạng thái, sự sanh, sự diệt đối với năm uẩn được hiểu sự nhuần nhuyễn trong pháp hành hành thiền quán.

Câu nói cô đọng của duyên khởi “imasmiṃ sati idaṃ hoti, imass’uppādā idaṃ uppajjati; imasmiṃ asati idaṃ na hoti, imassa nirodhā idaṃ nirujjhati – Như vậy do cái này hiện hữu, nên cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không hiện hữu, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt” hàm nghĩa chỉ cho cái đã sanh vì có duyên sanh và cái không sanh vì duyên sanh không xẩy ra. Thí dụ bản dịch thường được hiểu chữ nirodha là “vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt…” thực tế thì nên hiểu là “không vô minh thì không hành, không hành thì không thức…” bởi vì cái gì đã sanh mới có diệt. Nêú không có thì không cái nầy nên không có cái kia.

Tỳ khưu Giác Đẳng soạn dịch

1. Dasabalasuttaṃ

21. Sāvatthiyaṃ viharati...pe... ‘‘dasabalasamannāgato, bhikkhave, tathāgato catūhi ca vesārajjehi samannāgato āsabhaṃ ṭhānaṃ paṭijānāti, parisāsu sīhanādaṃ nadati, brahmacakkaṃ pavatteti – iti rūpaṃ iti rūpassa samudayo iti rūpassa atthaṅgamo, iti vedanā iti vedanāya samudayo iti vedanāya atthaṅgamo, iti saññā iti saññāya samudayo iti saññāya atthaṅgamo, iti saṅkhārā iti saṅkhārānaṃ samudayo iti saṅkhārānaṃ atthaṅgamo, iti viññāṇaṃ iti viññāṇassa samudayo iti viññāṇassa atthaṅgamo. Iti imasmiṃ sati idaṃ hoti, imassuppādā idaṃ uppajjati. Imasmiṃ asati idaṃ na hoti, imassa nirodhā idaṃ nirujjhati. Yadidaṃ avijjāpaccayā saṅkhārā; saṅkhārapaccayā viññāṇaṃ...pe... evametassa kevalassa dukkhakkhandhassa samudayo hoti. Avijjāya tveva asesavirāganirodhā saṅkhāranirodho; saṅkhāranirodhā viññāṇanirodho...pe... evametassa kevalassa dukkhakkhandhassa nirodho hotī’’ti. Paṭhamaṃ.

1. Dasabalasuttavaṇṇanā

21. Dasabalavaggassa paṭhamaṃ dutiyasseva saṅkhepo.