Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || KHỔ LỤY DO CHÍNH CÁI MÌNH ĐEO BÁM - Kinh Dòng Sông (Nadīsuttaṃ)

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || KHỔ LỤY DO CHÍNH CÁI MÌNH ĐEO BÁM - Kinh Dòng Sông (Nadīsuttaṃ)

, 27/07/2024, 08:26 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA

Hai bài kinh Kinh Rāhula (Rāhulasuttaṃ), Kinh Rāhula II trong phần sau cũng của Phẩm Trưởng Lão (S,ii,376 và 377) có nội dung giống như Kinh Uẩn (Khandhasutta) SN 22.48.

Bài học ngày 27.7.2024

KHỔ LỤY DO CHÍNH CÁI MÌNH ĐEO BÁM

Kinh Dòng Sông (Nadīsuttaṃ)

Tập III – Uẩn

Chương I. Tương Ưng Uẩn-Phần II-Phẩm Hoa (S,iii,93)

Cuộc sống, cho dù bất cứ hình thái cá nhân nào, cũng như dòng sông cuồn cuộc chảy từ lúc sanh ra đến khi nhắm mắt lìa đời. Trong sự phấn đấu sinh tồn, chúng sanh thường bám chấp vào ý niệm ngã, ngã sở đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức như sự đeo bám cần thiết để tồn tại. Năm uẩn vốn phù du trong dòng sanh diệt. Đeo bám năm uẩn như những chiếc phao giữa dòng thác lũ là tự chuốc khổ đau. Đây là hình ảnh khổ ải muôn đời giữa dòng đời cuộn chảy.

Kinh văn

Nhân duyên ở Sāvatthi…

“Này các Tỳ khưu, ví như một con sông bắt nguồn từ núi chảy xiết, cuộn nhanh và đi xa. Nếu trên hai bờ sông ấy có những cọng cỏ Kāsa mọc rũ xuống, chúng sẽ bị dòng nước cuốn trôi; nếu có những cọng cỏ Kusā mọc rũ xuống, chúng sẽ bị dòng nước cuốn trôi; nếu có những cây Pabbajā mọc mọc rũ xuống, chúng sẽ bị dòng nước cuốn trôi; nếu có những cọng cỏ Bīraṇā mọc rũ xuống, chúng sẽ bị dòng nước cuốn trôi; nếu có những cây cối mọc rũ xuống, chúng sẽ bị dòng nước cuốn trôi. Nếu một người bị cuốn trôi theo dòng nước, dù có bám lấy cỏ Kāsa, cỏ Kusā, cây Pabbajā, cỏ Bīraṇā hay cây cối, chúng cũng sẽ bị đứt và người ấy sẽ gặp hiểm nạn.

Cũng vậy, này các Tỳ khưu, một phàm phu không học hiểu, không thực hành, không thuần thục pháp của các bậc Thánh; không học hiểu, không thực hành, không thuần thục pháp của các bậc thiện trí, xem sắc như là tự ngã, hoặc xem tự ngã có sắc, hoặc nghĩ tự ngã ở trong sắc, hoặc nghĩ sắc ở trong tự ngã. Sắc ấy bị tan rã người ấy sẽ gặp hiểm nạn vì lý do ấy. Cảm thọ... tưởng... hành... thức cũng vậy, người ấy xem thức như là tự ngã, hoặc xem tự ngã có thức, hoặc xem tự ngã ở trong thức, hoặc xem thức ở trong tự ngã. Thức ấy bị tan rã người ấy sẽ gặp hiểm nạn vì lý do ấy.

Này các Tỳ khưu, các Thầy nghĩ sắc là thường hay vô thường?” “Vô thường, bạch Thế Tôn.” “Cảm thọ... tưởng... hành... thức là thường hay vô thường?” “Vô thường, bạch Thế Tôn.” “Do vậy... thấy như vậy... biết rõ rằng không còn sự trở lại này nữa.”

Chú Thích

Bài kinh này, làm bài thứ nhất khởi đầu phẩm hoa nhưng không có gì liên hệ tới hoa. Bông hoa là tên của bài kinh tiếp theo. Có lẽ vì vài trùng lập về nội dung nên được liệt vào chương này.

Tên của những cây cỏ được đề cập tới, vốn quen thuộc với người thời Đức Phật nhưng một số xa lạ ở những thổ nhưỡng khác và không có lý do đặc biệt để chú thích nên giữ nguyên tên được ghi trong chánh văn.

Ý nghĩa của bài kinh được Sớ giải ghi là: “Trong dòng chảy của sinh tử, kẻ phàm phu giống như người bị cuốn theo dòng nước và ngũ uẩn yếu ớt giống như những cọng cỏ trên bờ sông. Kẻ phàm phu không biết rằng những cọng cỏ này không thể cứu mình, tương tự như không biết rằng ngũ uẩn này không phải là bạn đồng hành của mình và không thể giúp mình thoát khỏi đau khổ. Do đó, khi ngũ uẩn biến đổi, kẻ phàm phu sẽ gặp phải sự đau khổ và bất hạnh.”

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.

Dưới đây là chánh văn Pāli cùng với bản Việt dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu

Sāvatthinidānaṃ.

“Seyyathāpi, bhikkhave, nadī pabbateyyā ohārinī dūraṅgamā sīghasotā. Tassā ubhosu tīresu kāsā cepi jātā assu, te naṃ ajjholambeyyuṃ; kusā cepi jātā assu, te naṃ ajjholambeyyuṃ; pabbajā cepi jātā assu, te naṃ ajjholambeyyuṃ; bīraṇā cepi jātā assu, te naṃ ajjholambeyyuṃ; rukkhā cepi jātā assu, te naṃ ajjholambeyyuṃ. Tassā puriso sotena vuyhamāno kāse cepi gaṇheyya, te palujjeyyuṃ. So tatonidānaṃ anayabyasanaṃ āpajjeyya. Kuse cepi gaṇheyya, pabbaje cepi gaṇheyya, bīraṇe cepi gaṇheyya, rukkhe cepi gaṇheyya, te palujjeyyuṃ. So tatonidānaṃ anayabyasanaṃ āpajjeyya.

Nhân duyên ở Sāvatthi …

—Ví như, này các Tỷ-kheo, một con sông từ núi cao chảy xuống, từ xa chảy đến, dòng nước chảy xiết. Trên hai bờ con sông ấy, nếu các loại cỏ kāsā mọc lên, chúng từ bờ rũ xuống; nếu các loại lau babbajā mọc lên, chúng từ bờ rũ xuống; nếu các loại cỏ bīranā mọc lên, chúng từ bờ rũ xuống; nếu các loại cây mọc lên, chúng từ bờ rũ xuống.

Và một người bị dòng nước của con sông ấy cuốn trôi, nếu người ấy nắm lấy cỏ lau kāsā, cỏ này có thể bị đứt. Do nhân duyên ấy, người ấy bị rơi vào tai ách khổ nạn. Nếu người ấy nắm lấy loại cỏ kāsā, cỏ này có thể bị đứt. Nếu người ấy nắm lấy loại lau babbajā, cỏ này có thể bị đứt. Nếu người ấy nắm lấy loại cỏ bīranā, cỏ này có thể bị đứt. Nếu người ấy nắm lấy các loại cây, loại cây này có thể bị đứt. Do nhân duyên ấy, người ấy bị rơi vào tai ách khổ nạn.

Evameva kho, bhikkhave, assutavā puthujjano ariyānaṃ adassāvī ariyadhammassa akovido ariyadhamme avinīto, sappurisānaṃ adassāvī sappurisadhammassa akovido sappurisadhamme avinīto rūpaṃ attato samanupassati, rūpavantaṃ vā attānaṃ; attani vā rūpaṃ, rūpasmiṃ vā attānaṃ. Tassa taṃ rūpaṃ palujjati. So tatonidānaṃ anayabyasanaṃ āpajjati. Vedanaṃ … saññaṃ … saṅkhāre … viññāṇaṃ attato samanupassati, viññāṇavantaṃ vā attānaṃ; attani vā viññāṇaṃ, viññāṇasmiṃ vā attānaṃ. Tassa taṃ viññāṇaṃ palujjati. So tatonidānaṃ anayabyasanaṃ āpajjati.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Khi sắc ấy của người ấy bị bựt đứt, do nhân duyên ấy, người ấy bị rơi vào tai ách khổ nạn.

… quán thọ … quán tưởng … quán các hành …

… quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Thức ấy của người ấy bị bựt đứt, do nhân duyên ấy, người ấy rơi vào tai ách khổ nạn.

Taṃ kiṃ maññatha, bhikkhave, rūpaṃ niccaṃ vā aniccaṃ vā”ti?

“Aniccaṃ, bhante”. …pe…

“Vedanā … saññā … saṅkhārā … viññāṇaṃ niccaṃ vā aniccaṃ vā”ti?

“Aniccaṃ, bhante”.

Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?

—Vô thường, bạch Thế Tôn.

—Thọ … Tưởng … Các hành … Thức là thường hay vô thường?

—Vô thường, bạch Thế Tôn.

“Tasmātiha …pe… evaṃ passaṃ …pe… nāparaṃ itthattāyāti pajānātī”ti.

Do vậy … Thấy vậy … ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”. Vị ấy biết rõ như vậy.

Sớ giải kinh Nadīsuttaṃ

pupphavaggassa paṭhame pabbateyyāti pabbate pavattā. ohārinīti sote patitapatitāni tiṇapaṇṇakaṭṭhādīni heṭṭhāhārinī. dūraṅgamāti nikkhantaṭṭhānato paṭṭhāya catupañcayojanasatagāminī. sīghasotāti caṇḍasotā. kāsātiādīni sabbāni tiṇajātāni. rukkhāti eraṇḍādayo dubbalarukkhā. te naṃ ajjholambeyyunti te tīre jātāpi onamitvā aggehi udakaṃ phusantehi adhiolambeyyuṃ, upari lambeyyunti attho. palujjeyyunti samūlamattikāya saddhiṃ sīse pateyyuṃ. so tehi ajjhotthaṭo vālukamattikodakehi mukhaṃ pavisantehi mahāvināsaṃ pāpuṇeyya.

evameva khoti ettha sote patitapuriso viya vaṭṭasannissito bālaputhujjano daṭṭhabbo, ubhatotīre kāsādayo viya dubbalapañcakkhandhā, “ime gahitāpi maṃ tāretuṃ na sakkhissantī”ti tassa purisassa ajānitvā gahaṇaṃ viya ime khandhā “na mayhaṃ sahāyā”ti bālaputhujjanassa ajānitvā catūhi gāhehi gahaṇaṃ, gahitagahitānaṃ palujjanattā purisassa byasanappatti viya catūhi gāhehi gahitānaṃ khandhānaṃ vipariṇāme bālaputhujjanassa sokādibyasanappatti veditabbā. paṭhamaṃ.

Pabbateyyā có nghĩa là bắt nguồn từ núi. Ohārinī nghĩa là cuốn theo những cọng cỏ, lá cây và các thứ khác xuống dưới. Dūraṅgamā có nghĩa là đi xa từ nơi khởi nguồn, có thể đi xa đến bốn, năm trăm do-tuần. Sīghasotā nghĩa là dòng chảy xiết. Kāsāti và các loại khác đều là các loại cỏ. Rukkhāti là những cây yếu ớt như cây Eranda. Te naṃ ajjholambeyyuṃ nghĩa là chúng mọc trên bờ sông, nghiêng mình xuống và chạm vào nước, sẽ bị cuốn đi. Palujjeyyuṃ nghĩa là chúng bị bật gốc và trôi đi hoàn toàn. Người bị cuốn theo dòng nước, bị cát, đất và nước cuốn theo, sẽ gặp đại họa.

Trong dòng chảy của sinh tử, kẻ phàm phu giống như người bị cuốn theo dòng nước, và ngũ uẩn yếu ớt giống như những cọng cỏ trên bờ sông. Kẻ phàm phu không biết rằng những cọng cỏ này không thể cứu mình, tương tự như không biết rằng ngũ uẩn này không phải là bạn đồng hành của mình, và không thể giúp mình thoát khỏi đau khổ. Do đó, khi ngũ uẩn biến đổi, kẻ phàm phu sẽ gặp phải sự đau khổ và bất hạnh.