Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ | Đôi Điều Dẫn Nhập Thiên Nhân Duyên Hay Tương Ưng Bộ tập II

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ | Đôi Điều Dẫn Nhập Thiên Nhân Duyên Hay Tương Ưng Bộ tập II

, 07/01/2023, 19:42 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA

Bài học ngày 7.1.2023


Đôi Điều Dẫn Nhập Thiên Nhân Duyên

Hay Tương Ưng Bộ tập II

Tương Ưng Bộ mang đặc tính là sưu tập những đề tài pháp mang nội dung liên hệ với nhau. Do vậy rất quan trọng để có cái nhìn đại lược về bố cục của từng chương. Nếu tìm hiểu từng bài kinh như những nội dung rời rạc thì là một điều sai sót đáng tiếc khi học Tương Ưng Bộ nói chung và chương Nhân Duyên nói riêng.

Bản dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu dùng các từ “thiên”, “chương”, “phẩm”, “kinh” đi từ phần lớn nhất đến từng bài kinh. Sự phân định nầy dựa trên bố cục truyền thống do các vị A xà lê kết tập lần đầu. Tuy vậy trong thuật ngữ Hán Việt không hẳn là nhất quán. Nên hiểu theo cách riêng của bộ kinh nầy. Thiên được hiểu như “tập”. Tương Ưng Bộ có 5 chương đồng nghĩa với 5 tập. “Chương” là phân định tiếp theo nhỏ hơn “thiên” và lớn hơn “phẩm”. Thỉnh thoảng trong vài “phẩm” được chia thành nhiều “tiểu phẩm” (chữ “tiểu phẩm” ở đây chỉ cho những phần nhỏ trong một “phẩm” của “chương” chứ không mang ý nghĩa “tiểu phẩm” trong báo chí hay văn học). Cũng nên lưu ý chữ “kinh” trong Hán Tạng chỉ cho một bài kinh mà cũng chỉ cho một bộ kinh (đơn vị nhỏ nhất mà cũng là đơn vị lớn nhất.

Cách đặt tên các tập, chương, phẩm trong Tương Ưng Bộ theo cách cổ điển của văn học Phạm ngữ là dùng hai cách đơn cử và tổng lược. Đơn cử là lấy tên phần đầu tiên để định danh. Tổng lược là lấy nội dung chung để đặt tên. Cách đơn cử thường được dùng khi tất cả tiểu mục có nhiều phần “không liên quan gì nhau. Tập II của Tương Ưng Bộ có tên là “Thiên Nhân Duyên” là lấy tên chương đầu tiên mà đặt. (Ngài Tịnh Sự dùng chữ “chiết bán” và “hàm tận” chỉ cho đơn cử và tổng lược).

Đặc điểm của Tương Ưng Bộ cũng là đặc điểm của kinh điển Kinh Tạng Pāli là cách trình bày theo hình thức sưu tập. Ở đây các đề tài được tìm thấy bằng sự kết hợp nhiều mảng rời. Không có một hay vài kinh trình bày đầy đủ về duyên khởi mà là một sưu tập nhiều bài kinh. Điểm bất tiện của cách nầy là phải đọc thật nhiều mới có khái niệm tổng quát. Nhưng lợi điểm của cách nầy là tránh sự ngộ nhận do hiểu rập khuôn theo một lập trình. Thí dụ người học võ có những bài quyền nhưng khi trực chiến thì không bao giờ theo trình tự như vậy. Cách đặt tên theo sự đơn cử (chiết bán) chỉ tốt trong văn học truyền khẩu nhưng không phù hợp với cách đề tựa sách ngày nay. (Mặc dù cách đặt tên theo tổng lược (hàm tận) đôi khi rất mơ hồ nhưng “Phật Giáo Tổng Quan”, hay “Phật Giáo Sử Lược”…)

Chương Nhân Duyên (Nidānasaṃyutta) là sưu tập 93 bài kinh được phân làm 9 phẩm mang nội dung đặc biệt quan trọng về duyên khởi. Đây là tư liệu mà người học về duyên sinh không thể không biết. Chữ nhân duyên dịch từ chữ nidāna có nghĩa là nguyên nhân, khởi nguồn chỉ cho duyên sinh hay duyên khởi. (paṭiccasamuppāda). Điều nầy giống như bài kinh dài về duyên khởi trong Trường Bộ mang tên là Kinh Đại Duyên hay Đại Kinh Về Duyên - Mahānidāna Sutta (DN No. 15).

Tên chương Nhân Duyên cũng dùng để đặt cho Tập II của Tương Ưng Bộ (cũng gọi là Thiên Nhân Duyên).

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn