Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || CỘI NGUỒN SANH TỬ - Kinh Lực Dẫn Sanh Hữu (bhavanettisuttaṃ)

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || CỘI NGUỒN SANH TỬ - Kinh Lực Dẫn Sanh Hữu (bhavanettisuttaṃ)

Wednesday, 11/12/2024, 23:27 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA

Bài học ngày 09.10.2024

CỘI NGUỒN SANH TỬ

Kinh Lực Dẫn Sanh Hữu (bhavanettisuttaṃ)

 Tập III – Uẩn

Chương II. Tương Ưng Rādha - Phẩm Thứ Nhất (S,iii,162)

Theo Phật Pháp, ái chấp là cội nguồn của sanh tử. Ái chấp y cứ trên sự chấp thủ đối với năm uẩn vốn bất toàn, bất toại nên tạo ra nỗi đau khổ trầm thống của cuộc trầm luân. Năm uẩn là thực tại; sự chấp thủ năm uẩn là ảo giác; sản sinh ra kiếp tử sinh vốn mang đặc tính của vô thường, khổ não, vô ngã. Đó là vòng luân chuyển bất tận của phiền não, nghiệp, quả. Tuệ giác nhận rõ thực tướng vô thường của năm uẩn giúp xoá tan ảo giác của khát ái. Bờ mê và bến giác cách nhau trong đường tơ kẽ tóc.

Kinh văn

162. sāvatthinidānaṃ. ekamantaṃ nisinno kho āyasmā rādho bhagavantaṃ etadavoca — “‘bhavanettinirodho , bhavanettinirodho’ti , bhante, vuccati. katamā nu kho, bhante, bhavanetti, katamo bhavanettinirodho”ti? “rūpe kho, rādha, yo chando yo rāgo yā nandī yā taṇhā ye upayupādānā cetaso adhiṭṭhānābhinivesānusayā — ayaṃ vuccati bhavanetti. tesaṃ nirodho bhavanettinirodho. vedanāya... saññāya... saṅkhāresu ... viññāṇe yo chando ... pe ... adhiṭṭhānābhinivesānusayā — ayaṃ vuccati bhavanetti. tesaṃ nirodho bhavanettinirodho”ti. tatiyaṃ.

Nhân duyên ở Sāvatthi.

Khi ngồi sang một bên, Tôn giả Rādha thưa với Đức Thế Tôn: "Bạch Đức Thế Tôn, người ta thường nói ‘lực dẫn tới sanh hữu, lực dẫn tới sanh hữu’ Bạch Đức Thế Tôn, thế nào là lực dẫn tới sanh hữu và thế nào là sự chấm dứt của lực dẫn tới sanh hữu?"

"Này Rādha, sự ước muốn, dục vọng, vui sướng, khát ái, chấp thủ, kiến chấp và khuynh hướng tiềm miên đối với sắc được gọi là lực dẫn tới sanh hữu. Sự chấm dứt của chúng là sự chấm dứt của lực dẫn tới sanh hữu.

Sự ước muốn, dục vọng, vui sướng, khát ái, chấp thủ, kiến chấp và khuynh hướng tiềm miên đối với thọ … tưởng … hành … thức được gọi là lực dẫn tới sanh hữu. Sự chấm dứt của chúng là sự chấm dứt của lực dẫn tới sanh hữu.”

Chú thích

Từ kép "bhavanetti" có nghĩa là “cái dẫn đến sự hiện hữu” chỉ cho căn nguyên sanh tử. Bản Sớ Giải chú thích từ này đồng nghĩa với "bhavataṇhā - hữu ái" nghĩa là "khao khát cho sự tồn tại” thường xuất hiện trong các bài kệ.

Bài kinh này, nhấn mạnh khái niệm “bhavanetti”, được hiểu là "sợi dây dẫn đến sự tồn tại" tức là những ham muốn, bám víu và khát ái khiến chúng sinh tiếp tục luân hồi trong vòng sinh tử. Các uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là những đối tượng chúng sanh dính mắc và bám víu vào, tạo ra sợi dây ràng buộc vào sự tồn tại trong ba cõi tử sinh.

Đức Phật dạy rằng sự diệt tận của “bhavanetti” (bhavanettinirodho) chính là sự chấm dứt hoàn toàn những ham muốn, tham dục và bám víu này. Điều này ám chỉ đến sự giải thoát khỏi luân hồi (samsāra), tức là chứng đắc Niết Bàn (Nibbāna).

Đức Phật nhấn mạnh rằng sự diệt tận của “bhavanetti” không chỉ xảy ra đối với một uẩn duy nhất, mà là đối với tất cả năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Bằng cách phá vỡ sự dính mắc vào các uẩn này, một người có thể đạt đến sự giải thoát hoàn toàn.

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.

Dưới đây là bản Việt dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu

Chương 23: Tương Ưng Rādha. I: Phẩm Thứ Nhất

23.3. Sợi Dây Tái Sanh

Nhân duyên ở Sāvatthi …

Ngồi xuống một bên, Tôn giả Rādha bạch Thế Tôn:

: “Ðoạn diệt sợi dây tái sanh. Ðoạn diệt sợi dây tái sanh”, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Thế nào là sợi dây tái sanh, bạch Thế Tôn? Thế nào là sự đoạn diệt sợi dây tái sanh?

—Này Rādha, phàm dục gì, tham gì, hỷ gì, khát ái gì, phàm những chấp thủ phương tiện, tâm kiên trú, thiên chấp tùy miên gì đối với sắc, như vậy gọi là sợi dây tái sanh. Sự đoạn diệt chúng là sự đoạn diệt sợi dây tái sanh.

… đối với thọ … với tưởng … với các hành …

Phàm dục gì, tham gì, hỷ gì, khát ái gì, phàm những chấp thủ phương tiện, tâm kiên trú, thiên chấp tùy miên gì đối với thức, đó gọi là sợi dây tái sanh. Sự đoạn diệt chúng là sự đoạn diệt sợi dây tái sanh.

Sớ Giải

161-169. dutiye satto sattoti laggapucchā. tatra satto tatra visattoti tatra laggo tatra vilaggo. paṃsvāgārakehīti paṃsugharakehi. keḷāyantīti kīḷanti. dhanāyantīti dhanaṃ viya maññanti. mamāyantīti “mama idaṃ, mama idan”ti mamattaṃ karonti, aññassa phusitumpi na denti. vikīḷaniyaṃ karontīti “niṭṭhitā kīḷā”ti te bhindamānā kīḷāvigamaṃ karonti. tatiye bhavanettīti bhavarajju. catutthaṃ uttānameva. pañcamādīsu catūsu cattāri saccāni kathitāni, dvīsu kilesappahānanti. dutiyādīni.

161-169. Trong bài kinh thứ hai, câu hỏi "satto sattoti" có nghĩa là sự dính mắc. Ở đây, "satto" nghĩa là sự dính mắc, và "visatto" nghĩa là sự thoát ly khỏi sự dính mắc. "Paṃsvāgārakehi" nghĩa là những lâu đài cát. "Keḷāyantī" có nghĩa là đang chơi đùa. "Dhanāyantī" có nghĩa là chúng tưởng rằng đó là tài sản của mình. "Mamāyantī" nghĩa là "Đây là của ta" tức là chúng tạo ra ý niệm sở hữu và không cho người khác chạm vào. "Vikīḷaniyaṃ karontī" nghĩa là chúng phá bỏ những lâu đài cát, kết thúc trò chơi với ý niệm "Trò chơi đã hoàn thành."

Trong bài kinh thứ ba, "bhavanettī" nghĩa là sợi dây trói buộc vào sự hiện hữu (bhava). Bài kinh thứ tư được giải thích rõ ràng. Trong các bài kinh thứ năm và các bài tiếp theo, bốn chân lý (Tứ Diệu Đế) được thuyết giảng, và trong hai bài kinh cuối cùng, đoạn trừ các phiền não được đề cập.

"Dutiyādīni" chỉ các bài kinh tiếp theo từ bài thứ hai trở đi.