Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ | CÓ CHĂNG SỰ TỒN TẠI ĐỘC LẬP CỦA THẾ GIỚI KHÁCH QUAN? - Kinh Người Theo Vũ Trụ Luận (Lokāyatikasuttaṃ)

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ | CÓ CHĂNG SỰ TỒN TẠI ĐỘC LẬP CỦA THẾ GIỚI KHÁCH QUAN? - Kinh Người Theo Vũ Trụ Luận (Lokāyatikasuttaṃ)

Tuesday, 11/04/2023, 17:48 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA

Bài học ngày 11.4.2023


CÓ CHĂNG SỰ TỒN TẠI ĐỘC LẬP CỦA THẾ GIỚI KHÁCH QUAN?

Kinh Người Theo Vũ Trụ Luận (Lokāyatikasuttaṃ)

Tập II – Thiên Nhân Duyên

Chương I. Tương Ưng Nhân Duyên (b) - Phẩm Gia Chủ (S. ii, 76)

Vũ trụ quan có một ảnh hưởng lớn đối với nhân sinh quan. Khoa học ngày nay đưa con người thiên nặng về duy vật mà trong đó là sự tồn tại của một thế giới khách quan độc lập với nhận thức được xem là chân lý. Thật ra từ rất xa xưa, do sự nhỏ bé của con người trước đại tự nhiên đã có quan niệm rất bản năng vũ trụ là một huyền cơ khổng lồ mà nỗ lực cá nhân không là gì cả. Sau nầy với quan niệm duy linh người ta nói về thế giới nhận thức chủ quan nội tại mà “tâm như hoạ sĩ vẽ vời cảnh thế gian”. Đức Phật dạy “xúc” là giao điểm của căn, cảnh tạo nên thức bao gồm cả yếu tính nội tại và ngoại tại. Từ đó duyên cảm thọ, cảm thọ duyên ái… Không có chữ “duy” ở đây. Tất cả biên kiến đối đãi đều nguy hiểm khi đưa đến chấp thường hay chấp đoạn.

Sāvatthiyaṃ viharati. Atha kho lokāyatiko brāhmaṇo yena bhagavā...pe... ekamantaṃ nisinno kho lokāyatiko brāhmaṇo bhagavantaṃ etadavoca –

Ngự tại Sāvatthi.

Bấy giờ một bà la môn theo thuyết vũ trụ luận đi đến Đức Thế Tôn. Sau khi nói lên những lời xã giao thân thiện, đã ngồi xuống một bên và nói rằng:

‘‘Kiṃ nu kho, bho gotama, sabbamatthī’’ti? ‘‘‘Sabbamatthī’ti kho, brāhmaṇa, jeṭṭhametaṃ lokāyataṃ’’

-- Thưa Tôn giả Gotama, đúng chăng là “nhất thiết hữu”?

-- Này Bà la môn, “nhất thiết hữu” là lập thuyết xưa nhất của vũ trụ luận.

‘‘Kiṃ pana, bho gotama, sabbaṃ natthī’’ti? ‘‘‘Sabbaṃ natthī’ti kho, brāhmaṇa, dutiyametaṃ lokāyataṃ’’.

-- Thưa Tôn giả Gotama, đúng chăng là “nhất thiết vô”?

-- Này Bà la môn, “nhất thiết vô” là lập thuyết thứ hai của vũ trụ luận.

‘‘Kiṃ nu kho, bho gotama, sabbamekatta’’nti? ‘‘‘Sabbamekatta’nti kho, brāhmaṇa, tatiyametaṃ lokāyataṃ’’.

-- Thưa Tôn giả Gotama, phải chăng “tất cả là nhất thể”?

-- Này Bà la môn, “tất cả là nhất thể” là lập thuyết thứ ba của vũ trụ luận.

‘‘Kiṃ pana, bho gotama, sabbaṃ puthutta’’nti? ‘‘‘Sabbaṃ puthutta’nti kho, brāhmaṇa, catutthametaṃ lokāyataṃ’’.

-- Thưa Tôn giả Gotama, phải chăng “tất cả là đa nguyên”?

-- Này Bà la môn, “tất cả là đa nguyên” là lập thuyết thứ tư của vũ trụ luận

‘‘Ete te, brāhmaṇa, ubho ante anupagamma majjhena tathāgato dhammaṃ deseti – ‘avijjāpaccayā saṅkhārā; saṅkhārapaccayā viññāṇaṃ...pe... evametassa kevalassa dukkhakkhandhassa samudayo hoti. Avijjāya tveva asesavirāganirodhā saṅkhāranirodho; saṅkhāranirodhā viññāṇanirodho...pe... evametassa kevalassa dukkhakkhandhassa nirodho hotī’’’ti.

Này Bà la môn, từ bỏ những cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo:

Với vô minh là duyên, hành sanh khởi; hành là duyên, thức sanh khởi; thức là duyên, danh sắc sanh khởi; danh sắc là duyên, lục nhập sanh khởi; lục nhập là duyên, xúc sanh khởi; xúc là duyên, thọ sanh khởi; thọ là duyên, ái sanh khởi; ái là duyên, thủ sanh khởi; thủ là duyên, hữu sanh khởi; hữu là duyên, sinh sanh khởi; sinh là duyên, già, chết, khổ, ưu, ai sanh khởi. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn tập khởi.

Do vô minh diệt hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sinh diệt. Do sinh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, ai diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này diệt tận.

Evaṃ vutte, lokāyatiko brāhmaṇo bhagavantaṃ etadavoca – ‘‘abhikkantaṃ, bho gotama...pe... ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gata’’nti. Aṭṭhamaṃ.

Khi nghe nói vậy, vị Bà-la-môn theo vũ trụ luận bạch Thế Tôn:

-- Thật là vi diệu, thưa Tôn giả Gotama! Thật là vi diệu, thưa Tôn giả Gotama!... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.

Chú Thích

Chữ lokāyatika có nghĩa là người theo vũ trụ luận (lokāyata). Theo Sớ giải đây là lập thuyết y cứ trên biện chứng pháp (vitaṇḍasatthe lokāyate kataparicayo). Hậu Sớ Giải chú thích rằng “lokāyata – vũ trụ luận – có quan điểm rằng thế giới nầy tự hữu không có gì để phấn đấu, không thể cải thiện, không có lợi lạc gì hơn ở tương lai (āyatiṃ hitaṃ tena loko na yatati na īhatī ti lokāyataṃ). Từ quan điểm chấp thủ nầy dẫn đến thái độ không làm các thiện sự và không có những nỗ lực tu tập bản thân. Do tư duy nặng về biện chứng pháp nên một số lớn những luận sư theo vũ trụ luận nghiêng về chủ nghĩa duy vật, tiêu biểu là Cārvāka.

Vũ trụ luận nhấn mạnh về vận hành của thế giới khách quan mà nỗ lực cá nhân không làm gì khác được. Đối lập là ngã luận chủ trương về duy tâm hay duy thức là sự năng lực chủ quan có thể thay đổi cả thế giới (trong sự so sánh chừng mực nào đó giống như câu “tâm bình thế giới bình”)

Ngay trong dòng lịch sử của Phật giáo thì có cả hai khuynh hướng bộ phái nổi bật là Nhất Thiết Hữu Bộ (sarvāstivāda) với Luận Tỳ Bà Sa (Mahāvibhāṣa Śāstra) và sau nầy bộ phái đối lập là trường phái Bát Nhã với Trung Quán Luận (Mulamadhyamakakarika) về tánh không. Bài kinh tuy ngắn nhưng khẳng định Phật pháp thời nguyên thuỷ không thuộc cả hai. Điều nầy được nêu rõ bởi cả hai học giả Rhys Davids (Dialogues of the Buddha, 1:166-72) và Jayatilleke (Early Buddhist Theory of Knowledge, pp. 48-57). (Cũng nên nói thêm là một số người cho rằng Phật giáo Nam Tông ngày nay là một nhánh còn sót lại của Nhất Thiết Hữu Bộ vì cùng thọ trì Thắng Pháp Tạng và sự tương đồng của phần lớn kinh điển nhưng sự gom chung nầy rất nguy hiểm nếu xem Phật giáo thuộc về “nhất thiết hữu” hoặc “nhất thiết vô”)

Theo Sớ Giải cụm từ “jeṭṭhametaṃ lokāyataṃ – vũ trụ luận cổ xưa nhất” bao gồm cả chiều kích không gian và thời gian. Nói cách khác là quan niệm chấp thủ sai lầm và tầm thường nhất nhưng lại phổ biến và ảnh hưởng sâu rộng nhất (mahantaṃ gambhīran ti upaṭṭhitaṃ parittaṃ sāsavaṃ diṭṭhigataṃ). Một trong những hình thái dễ nhận ra nhất là môn chiêm tinh với lập luận về sự chi phối của các vì sao đối với vận mệnh con người.

Theo Sớ Giải thuật ngữ Ekattaṃ – nhất nguyên – nhất mạnh sự hằng hữu (niccasabhāva) tương tự như cách nói người gieo nhân và người gặt quả là một.

Trong lúc Puthuttaṃ – đa nguyên – như cách nói người gây đau khổ và người cảm thọ khổ là hai.

Theo Sớ Giải bốn luận cứ của vũ trụ luận trong bài kinh thì kiến chấp thứ nhất và thứ ba thuộc thường kiến (sassatadiṭṭhi). Kiến chấp thứ hai và thứ tư thuộc đoạn kiến (ucchedadiṭṭhi)

Tỳ khưu Giác Đẳng soạn dịch

8. Lokāyatikasuttaṃ

48. Sāvatthiyaṃ viharati. Atha kho lokāyatiko brāhmaṇo yena bhagavā...pe... ekamantaṃ nisinno kho lokāyatiko brāhmaṇo bhagavantaṃ etadavoca –

‘‘Kiṃ nu kho, bho gotama, sabbamatthī’’ti? ‘‘‘Sabbamatthī’ti kho, brāhmaṇa, jeṭṭhametaṃ lokāyataṃ’’.

‘‘Kiṃ pana, bho gotama, sabbaṃ natthī’’ti? ‘‘‘Sabbaṃ natthī’ti kho, brāhmaṇa, dutiyametaṃ lokāyataṃ’’.

‘‘Kiṃ nu kho, bho gotama, sabbamekatta’’nti? ‘‘‘Sabbamekatta’nti kho, brāhmaṇa, tatiyametaṃ lokāyataṃ’’.

‘‘Kiṃ pana, bho gotama, sabbaṃ puthutta’’nti? ‘‘‘Sabbaṃ puthutta’nti kho, brāhmaṇa, catutthametaṃ lokāyataṃ’’.

‘‘Ete te, brāhmaṇa, ubho ante anupagamma majjhena tathāgato dhammaṃ deseti – ‘avijjāpaccayā saṅkhārā; saṅkhārapaccayā viññāṇaṃ...pe... evametassa kevalassa dukkhakkhandhassa samudayo hoti. Avijjāya tveva asesavirāganirodhā saṅkhāranirodho; saṅkhāranirodhā viññāṇanirodho...pe... evametassa kevalassa dukkhakkhandhassa nirodho hotī’’’ti.

Evaṃ vutte, lokāyatiko brāhmaṇo bhagavantaṃ etadavoca – ‘‘abhikkantaṃ, bho gotama...pe... ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gata’’nti. Aṭṭhamaṃ.

8. Lokāyatikasuttavaṇṇanā

48. Aṭṭhame lokāyatikoti vitaṇḍasatthe lokāyate kataparicayo. Jeṭṭhametaṃ lokāyatanti paṭhamaṃ lokāyataṃ. Lokāyatanti ca lokasseva āyataṃ, bālaputhujjanalokassa āyataṃ, mahantaṃ gambhīranti upadhāritabbaṃ parittaṃ bhāvaṃ diṭṭhigataṃ. Ekattanti ekasabhāvaṃ, niccasabhāvamevāti pucchati. Puthuttanti purimasabhāvena nānāsabhāvaṃ, devamanussādibhāvena paṭhamaṃ hutvā pacchā na hotīti ucchedaṃ sandhāya pucchati. Evamettha ‘‘sabbamatthi, sabbamekatta’’nti imā dvepi sassatadiṭṭhiyo, ‘‘sabbaṃ natthi, sabbaṃ puthutta’’nti imā dve ucchedadiṭṭhiyoti veditabbā. Aṭṭhamaṃ.