Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || CỘI NGUỒN CỦA KHỔ ĐAU - Kinh Khởi Sanh của Khổ I và II  (paṭhamadukkhuppādasuttaṃ), (dutiyābhinandasuttaṃ)

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || CỘI NGUỒN CỦA KHỔ ĐAU - Kinh Khởi Sanh của Khổ I và II (paṭhamadukkhuppādasuttaṃ), (dutiyābhinandasuttaṃ)

Sunday, 05/01/2025, 18:42 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA

Bāi học ngāy 28.12.2024

CỘI NGUỒN CỦA KHỔ ĐAU

Kinh Khởi Sanh của Khổ I và II

(paṭhamadukkhuppādasuttaṃ), (dutiyābhinandasuttaṃ)

Chương XXXV. Tương Ưng Sáu Xứ – Phẩm Song Đối (S.35.21&22)

Tất cả dòng sông đều có thượng nguồn. Phần lớn bắt đầu từ núi non hay cao nguyên rồi chảy ra biển cả. Dòng khổ đau của kiếp trầm luân cũng vậy. Chính sự sanh khởi và ái nhiễm của sáu giác quan đã sản sinh vô số hiệu ứng, từ sự tác động cho đến thành phẩm bất toàn rồi lão hoá và hoại diệt. Sự khởi sanh của lục nhập và tất cả mắt xích trong duyên khởi, đều có bản chất giống nhau là không đứng yên một chỗ. Đã hiện khởi thì tạo phản ứng dây chuyền. Đúng như thành ngữ “sanh sự, sự sanh”.

Kinh văn

Kinh Khởi Sinh của Khổ I

21. “yo, bhikkhave, cakkhussa uppādo ṭhiti abhinibbatti pātubhāvo, dukkhasseso uppādo, rogānaṃ ṭhiti, jarāmaraṇassa pātubhāvo. yo sotassa ... pe ... yo ghānassa... yo jivhāya... yo kāyassa... yo manassa uppādo ṭhiti abhinibbatti pātubhāvo, dukkhasseso uppādo, rogānaṃ ṭhiti, jarāmaraṇassa pātubhāvo.

“yo ca kho, bhikkhave, cakkhussa nirodho vūpasamo atthaṅgamo, dukkhasseso nirodho, rogānaṃ vūpasamo, jarāmaraṇassa atthaṅgamo. yo sotassa... yo ghānassa... yo jivhāya... yo kāyassa... yo manassa nirodho vūpasamo atthaṅgamo, dukkhasseso nirodho, rogānaṃ vūpasamo, jarāmaraṇassa atthaṅgamo”ti. navamaṃ.

Này chư Tỳ khưu, sự khởi sanh, tiếp tục, hình thành và biến hiện của mắt chính là sự khởi sanh của khổ, sự tiếp diễn của bệnh tật, sự biến hiện của già và chết. Sự khởi sanh của tai… mũi… lưỡi… thân… ý chính là sự khởi sanh của khổ, sự tiếp diễn của bệnh tật, sự biến hiện của già và chết.

"Sự chấm dứt, lắng dịu và sự tịch tịnh của mắt, của tai… mũi… lưỡi… thân… ý chính là sự chấm dứt của khổ, sự lắng dịu của bệnh tật và sự hoại diệt của già và chết."

Kinh Sanh Khổ II

22. “yo, bhikkhave, rūpānaṃ uppādo ṭhiti abhinibbatti pātubhāvo, dukkhasseso uppādo, rogānaṃ ṭhiti, jarāmaraṇassa pātubhāvo. yo saddānaṃ ... pe ... yo gandhānaṃ... yo rasānaṃ... yo phoṭṭhabbānaṃ... yo dhammānaṃ uppādo ṭhiti abhinibbatti pātubhāvo, dukkhasseso uppādo, rogānaṃ ṭhiti, jarāmaraṇassa pātubhāvo.

“yo ca kho, bhikkhave, rūpānaṃ nirodho vūpasamo atthaṅgamo, dukkhasseso nirodho, rogānaṃ vūpasamo, jarāmaraṇassa atthaṅgamo. yo saddānaṃ ... pe ... yo gandhānaṃ... yo rasānaṃ... yo phoṭṭhabbānaṃ... yo dhammānaṃ nirodho vūpasamo atthaṅgamo, dukkhasseso nirodho, rogānaṃ vūpasamo, jarāmaraṇassa atthaṅgamo”ti. dasamaṃ.

“Này chư Tỳ khưu, sự khởi sanh, tiếp tục, hình thành và biến hiện của sắc chính là sự khởi sanh của khổ, sự tiếp diễn của bệnh tật, sự biến hiện của già và chết. Sự khởi sanh của thinh… khí… vị… xúc… pháp chính là sự khởi sanh của khổ, sự tiếp diễn của bệnh tật, sự biến hiện của già và chết.

"Sự chấm dứt, lắng dịu và sự tịch tịnh của sắc, của thinh… khí… vị… xúc… pháp chính là sự chấm dứt của khổ, sự lắng dịu của bệnh tật và sự hoại diệt của già và chết."

Chú Thích

 Theo Sớ Giải, thì khổ và thoát khổ trong hai bài kinh này và hai bài kinh trước, đều nói về cái khổ luân hồi và giải thoát niết bàn. Điều này có nghĩa là sự đau khổ ở đây phải hiểu trên bình diện đại quan, vĩ mô.

Tiến trình sản sinh đau khổ từ sáu nội xứ, sáu ngoại xứ ở đây có thể hiểu như cách nói khác của duyên khởi từ lục nhập tới lão tử.

Sự khởi sinh -uppādo – là từ chỗ không có rồi hiện khởi.

Sự tiếp tục - ṭhiti – là sự tồn tại sau khi sinh khởi.

Sự sản sinh - abhinibbatti - là sự tạo tác từ cái đang hiện hữu.

Sự biến hiện – pātubhāvo – là sự biến hoá với nhiều hình thái.

Sớ Giải

19-22. sattamādīsu catūsu vaṭṭavivaṭṭameva kathitaṃ. anupubbakathā pana nesaṃ heṭṭhā vuttanayeneva veditabbāti

19-22. Trong bốn phần bắt đầu từ phần thứ bảy, chỉ có sự luân hồi (vaṭṭa) và sự giải thoát khỏi luân hồi (vivaṭṭa) được giảng dạy. Sự giảng giải tuần tự cần được hiểu theo cách những kinh trước.

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.

Bản dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu.

21.IX. Sự Sanh Khởi (1) (S.iv,14)

1) ...

2) -- Này các Tỷ-kheo, mắt sanh khởi, chỉ trú, xuất sanh, xuất hiện là khổ sanh khởi, tật bệnh chỉ trú, già chết xuất hiện.

3-6) Tai... Mũi... Lưỡi... Thân...

7) Ý sanh khởi, chỉ trú, xuất sanh, xuất hiện là khổ sanh khởi, tật bệnh chỉ trú, già chết xuất hiện.

8) Và này các Tỷ-kheo, mắt đoạn diệt, chỉ tức, diệt tận là khổ đoạn diệt, bệnh tật chỉ tức, già chết diệt tận.

9-13)... Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý đoạn diệt, chỉ tức, diệt tận là khổ đoạn diệt, bệnh tật chỉ tức, già chết diệt tận.

22.X. Sự Sanh Khởi (2) (S.iv,14)

1) ...

2) -- Này các Tỷ-kheo, các sắc sanh khởi, chỉ trú, xuất sanh, xuất hiện là khổ sanh khởi, bệnh tật chỉ trú, già chết xuất hiện.

3-4) Các tiếng... Các hương...

5-6) Các vị... Các xúc...

7) Các pháp sanh khởi, chỉ trú, xuất sanh, xuất hiện là khổ sanh khởi, bệnh tật chỉ trú, già chết xuất hiện.

8) Và này các Tỷ-kheo, các sắc đoạn diệt, chỉ tức, diệt tận là khổ đoạn diệt, bệnh tật chỉ tức, già chết tận diệt.

9-12) Các tiếng... Các hương... Các vị... Các xúc...

13) Các pháp đoạn diệt, chỉ tức, diệt tận là khổ đoạn diệt, bệnh tật chỉ tức, già chết diệt tận.