Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || CHỨNG ĐẠO CA - Bài Bổ Túc - Kinh Bảy Lãnh Vực (Sattaṭṭhānasuttaṃ)

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || CHỨNG ĐẠO CA - Bài Bổ Túc - Kinh Bảy Lãnh Vực (Sattaṭṭhānasuttaṃ)

Tuesday, 14/05/2024, 16:12 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA

Bài học ngày 13.5.2024

CHỨNG ĐẠO CA

Bài bổ túc

Kinh Bảy Lãnh Vực (Sattaṭṭhānasuttaṃ)

Tập III – Uẩn

Chương I. Tương Ưng Uẩn-Phần II-Phẩm Vướng Mắc (S,iii,57)

Cái nhìn của tuệ giác thường khi được xem là tát cạn khổ đau, đoạn tận dây kiết phược. Cao vợi nhưng khô khan. Thậm thâm nên chỉ còn là lý tính. Sự thật không hoàn toàn là vậy. Chân Pháp vẫn tạo nên nguồn cảm hứng bất tận. Không phải chỉ có phàm nhân mà ngay cả những bậc “làu thông kinh điển”, ngay cả Đấng Pháp Vương Vô Thượng Tôn cũng có những cảm hứng khi quán chiếu pháp giới. Trong cảnh giới của tuệ giác vi diệu vẫn có bản chứng đạo ca với nhiều cung bậc cảm xúc.

Đây là bài kinh trích lục từ Trung Bộ (Majjhimānikāya) bổ túc cần thiết cho bài Kinh Bảy Lãnh Vực (Sattaṭṭhānasuttaṃ) trong môn Tương Ưng Bộ ở đoạn cuối vốn ngắn gọn như sau:

Kathañca, bhikkhave, bhikkhu tividhūpaparikkhī hoti? Idha, bhikkhave, bhikkhu dhātuso upaparikkhati, āyatanaso upaparikkhati, paṭiccasamuppādaso upaparikkhati. Evaṃ kho, bhikkhave, bhikkhu tividhūpaparikkhī hoti.

Sattaṭṭhānakusalo, bhikkhave, bhikkhu tividhūpaparikkhī, imasmiṃ dhammavinaye kevalī vusitavā ‘uttamapuriso’ti vuccatī”ti.

Và này chư Tỳ khưu, như thế nào là người thẩm định theo ba cách? Này chư Tỳ khưu, ở đây người tu tập thẩm định theo giới, theo xứ, theo duyên sinh. Như vậy là thẩm định theo ba cách.

Này chư Tỳ khưu, một người tu tập thiện xảo trong bảy lãnh vực, với sự thẩm định theo ba cách được gọi là bậc chí thiện, bậc viên mãn phạm hạnh, bậc tối thượng trong Pháp và Luật này.

 

 

Chú Thích

Kinh Đa Giới (Bahudhàtuka sutta) là một bài kinh quan trọng đối với người nghiên cứu Phật học. Chữ “dhātu - giới” ở đây có nghĩa là nguyên tố, nguyên liệu, thành tố chỉ cho hai điều: một là đối tượng để phân tích đến mức độ tận cùng để gọi là nguyên tố; hai là những thành tố kết hợp tạo nên hiện tượng “pháp hữu vi”. Có thể nói bài kinh này phản ánh của lăng kính đa chiều, mà thường gọi là “tứ vô ngại giải (patisambhidā) gồm: “nghĩa vô ngại giải - attha-patisambhidā, pháp vô ngại giải - dhamma-patisambhidā, biện vô ngại giải - patibhana-patisambhidā, và từ vô ngại giải - nirutti-patisambhidā.

Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya) - Bài kinh số 115

KINH ĐA GIỚI

(Bahudhàtuka sutta)

Chánh văn

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tại tịnh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: -- "Này các Tỷ-kheo". -- "Bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

-- Phàm có những sợ hãi gì sanh khởi, này các Tỷ-kheo, tất cả những sợ hãi ấy sanh khởi cho người ngu, không phải cho người hiền trí (pandita). Phàm có những thất vọng gì sanh khởi, này các Tỷ-kheo, tất cả thất vọng ấy sanh khởi cho người ngu, không phải cho người hiền trí. Phàm có những hoạn nạn gì sanh khởi, này các Tỷ-kheo, tất cả hoạn nạn ấy sanh khởi cho người ngu, không phải cho người hiền trí. Ví như, này các Tỷ-kheo, tia lửa từ ngôi nhà bằng cỏ, thiêu cháy ngôi nhà có lầu gác được trét trong trét ngoài, được che chở khỏi gió, có chốt khóa gài kỹ, có cửa sổ đóng kỹ; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có những sợ hãi gì sanh khởi, này các Tỷ-kheo, tất cả những sợ hãi ấy sanh khởi cho người ngu, không phải cho người hiền trí; phàm có những thất vọng gì sanh khởi, này các Tỷ-kheo, tất cả những thất vọng ấy sanh khởi cho người ngu, không phải cho người hiền trí; phàm có những hoạn nạn gì sanh khởi, này các Tỷ-kheo, tất cả những hoạn nạn ấy sanh khởi cho người ngu, không phải cho người hiền trí. Như vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ ngu đầy những sợ hãi, người hiền trí không có sợ hãi. Kẻ ngu đầy những thất vọng, người hiền trí không có thất vọng. Kẻ ngu đầy những hoạn nạn, người hiền trí không có hoạn nạn. Này các Tỷ-kheo, không có sợ hãi cho người hiền trí, không có thất vọng cho người hiền trí, không có hoạn nạn cho người hiền trí. Do vậy, này các Tỷ-kheo, "Chúng tôi sẽ thành người hiền trí, biết suy tư tìm hiểu", như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

Chú thích

Với lời mở đầu bài kinh này, Đức Phật khẳng định sự tương quan mật thiết giữa lý trí và tình cảm: sự hiểu biết thật sự khiến người ta vững lòng trước phong ba bão tố trong cuộc đời. Trái lại, sự hoảng loạn trước những điều ngoài ý muốn, bất ngờ đến từ sự thiếu hiểu biết thường được gọi là “đinh ninh” hay cái nhìn chủ quan xa rời thực tại.

Chánh văn

Khi được nghe nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

-- Ðến mức độ nào, bạch Thế Tôn, là vừa đủ để nói: "Tỷ-kheo là người hiền trí, biết suy tư tìm hiểu?"

-- Cho đến khi, này Ananda, Tỷ-kheo thiện xảo về giới, thiện xảo về xứ, thiện xảo về duyên khởi và thiện xảo về xứ phi xứ, cho đến mức độ như vậy, này Ananda, là vừa đủ để nói: "Tỷ-kheo là người hiền trí, biết suy tư tìm hiểu".

(Giới)

-- Ðến mức độ nào, bạch Thế Tôn, là vừa đủ để nói: "Tỷ-kheo thiện xảo về giới?"

-- Này Ananda, có mười tám giới này: nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới; nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới; tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới; thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới; thân giới, xúc giới, thân thức giới; ý giới, pháp giới, ý thức giới. Này Ananda, cho đến khi biết được, thấy được mười tám giới này, cho đến mức độ như vậy, này Ananda, là vừa đủ để nói: "Tỷ-kheo thiện xảo về giới".

-- Nhưng bạch Thế Tôn, có thể có pháp môn nào khác là vừa đủ để nói: "Tỷ-kheo thiện xảo về giới?"

-- Có thể có, này Ananda. Này Ananda, có sáu giới này: địa giới, thủy giới, phong giới, hỏa giới, không giới, thức giới. Này Ananda, cho đến khi biết được, thấy được sáu giới này, cho đến mực độ như vậy, này Ananda, là vừa đủ để nói: "Tỷ-kheo thiện xảo về giới".

-- Nhưng bạch Thế Tôn, có thể có pháp môn nào khác, là vừa đủ để nói: "Tỷ-kheo thiện xảo về giới".

-- Có thể có, này Ananda. Này Ananda, có sáu giới này: lạc giới, khổ giới, hỷ giới, ưu giới, xả giới, vô minh giới. Này Ananda, cho đến khi biết được, thấy được sáu giới này, cho đến mức độ như vậy, này Ananda, là vừa đủ để nói: "Tỷ-kheo thiện xảo về giới".

-- Nhưng bạch Thế Tôn, có thể có pháp môn nào khác, là vừa đủ để nói: "Tỷ-kheo thiện xảo về giới?"

-- Có thể có, này Ananda. Này Ananda, có sáu giới này: dục giới, ly dục giới, sân giới, vô sân giới, hại giới, bất hại giới. Này Ananda, cho đến khi biết được, thấy được sáu giới này, cho đến mức độ như vậy, này Ananda, là vừa đủ để nói: "Tỷ-kheo thiện xảo về giới".

-- Nhưng bạch Thế Tôn, có thể có pháp môn nào khác, là vừa đủ để nói: "Tỷ-kheo thiện xảo về giới?"

-- Có thể có, này Ananda. Này Ananda, có ba giới này: dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Này Ananda, cho đến khi biết được, thấy được ba giới này, cho đến mức độ như vậy, này Ananda, là vừa đủ để nói: "Tỷ-kheo thiện xảo về giới".

-- Nhưng bạch Thế Tôn, có thể có pháp môn nào khác, là vừa đủ để nói: "Tỷ-kheo thiện xảo về giới?"

-- Có thể có, này Ananda. Này Ananda, có hai giới này: hữu vi giới và vô vi giới. Này Ananda, cho đến khi biết được, thấy được hai giới này, cho đến mức độ như vậy, này Ananda, là vừa đủ để nói: "Tỷ-kheo thiện xảo về giới"

Chú thích

Có hai điểm trong đoạn kinh trên cần lưu ý.

Một là trong Phật học, nói chính xác hơn là trong lời dạy của Đức Phật, có rất nhiều pháp và ý nghĩa cần được hiểu rất thoát, trên cả hai phương diện ngữ và nghĩa. Đoạn kinh này là một thí dụ điển hình. Chữ “dhātu” vốn mang nhiều ý nghĩa như nguyên tố, thành tố, xá lợi … nhưng khi nói về nguyên tố như trong phạm trù “uẩn, xứ, giới, đế” thì thường được hiểu như căn, cảnh, thức. Tuy nhiên, chữ giới trong bài học này được Đức Phật dạy với rất nhiều phạm trù khác nhau. Người học Phật cần có cái nhìn rộng thoáng về điểm này. Những cách hiểu cục bộ, hạn hẹp thường dẫn tới sự tranh cãi không cần thiết.

Hai là qua những câu hỏi của Tôn giả Ananda, vị thị giả của Đức Phật cũng là “bậc thủ khố chánh pháp” cho thấy giá trị của một người biết hỏi và khéo hỏi. Từ đó tạo nên rất nhiều lợi lạc cho bao thế hệ sau này.

Câu Phật ngôn: “siyā, ānanda. tisso imā, ānanda, dhātuyo — kāmadhātu, rūpadhātu, arūpadhātu”. (Này Ananda, có ba giới này: dục giới, sắc giới, vô sắc giới) là một sự trùng hợp về ngữ và nghĩa trong dịch thuật. Ba thuật ngữ: “kāmadhātu, rūpadhātu, arūpadhātu” được dịch là dục giới, sắc giới, vô sắc giới và ba thuật ngữ “kāmāvacara, rūpāvacara, arūpāvacara” cũng dịch là dục giới, sắc giới, vô sắc giới có những dị biệt và tương đồng về chữ dịch và ý nghĩa một cách thú vị nhưng dễ tạo ngộ nhận. Chữ “dhātu” chỉ cho nguyên tố, thành tố dịch là giới. Chữ “avacara” chỉ cho cảnh giới, giới phận, khu vực cũng dịch là giới. Trong “kāmāvacara” (dục giới) bắt buộc phải có “kāmadhātu” nhưng “kāmadhātu” không nhất thiết chỉ có ở “kāmāvacara”.

Chánh văn

(Xứ)

-- Nhưng bạch Thế Tôn, cho đến mức độ nào là vừa đủ để nói: "Tỷ-kheo thiện xảo về xứ?"

-- Này Ananda, có sáu nội xứ, ngoại xứ này: mắt và sắc, tai và tiếng, mũi và hương, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp. Này Ananda, cho đến khi biết được, thấy được sáu nội ngoại xứ này, cho đến mức độ như vậy, này Ananda, là vừa đủ để nói: "Tỷ-kheo thiện xảo về xứ".

Chú thích

Thuật ngữ “xứ - āyatana” trong bài kinh này, cũng là trường hợp thú vị trong dịch thuật. Chữ “xứ” trong đoạn kinh ngắn trên chỉ cho nơi chỗ, cơ sở, nền tảng cho tâm thức sanh khởi. Trong Phật học Hán Việt, chữ “xứ” còn được dịch từ thuật ngữ “ṭhāna” như trong “tứ niệm xứ hay bốn lãnh vực chánh niệm”. Trong lúc chữ “ṭhāna” trong “ṭhānāṭhāna” ở đoạn áp chót của bài kinh này, được Hoà thượng Thích Minh Châu dịch là “xứ phi xứ” thì là một “tai họa dịch thuật”, vì cụm từ này có nghĩa là “những điều có thể và không thể” (trong tiếng Việt có trường hợp chữ “thị phi” vốn mang nghĩa gốc là “chính nó (thị) và chẳng phải nó (phi) chỉ cho những đàm tiếu chuyện có chuyện không. Nguyên nghĩa thì không xấu, nhưng cách dùng khiến từ vựng tạo nên ý nghĩa tiêu cực. Cụm từ nên được hiểu là “có thể và không thể theo ngữ pháp tương tự. Tất nhiên chỉ là ngữ pháp chứ không là ý nghĩa).

Chánh văn

(Duyên sinh)

-- Nhưng bạch Thế Tôn, cho đến mức độ nào là vừa đủ để nói: "Tỷ-kheo thiện xảo về duyên sinh?"

-- Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo biết như sau: Nếu cái này có, cái kia có; do cái này sanh, cái kia sanh. Nếu cái này không có, cái kia không có; do cái này diệt, cái kia diệt. Tức là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; do duyên sanh lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy, này Ananda, là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

Nhưng do sự diệt trừ, sự ly tham hoàn toàn của chính vô minh này, các hành diệt; do các hành diệt, danh sắc diệt; do danh sắc diệt, lục nhập diệt; do lục nhập diệt, xúc diệt; do xúc diệt, thọ diệt; do thọ diệt, ái diệt; do ái diệt, thủ diệt; do thủ diệt, hữu diệt; do hữu diệt, sanh diệt; do sanh diệt, lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt hoàn toàn của khổ uẩn này. Cho đến như vậy, này Ananda, là vừa đủ để nói: "Tỷ-kheo thiện xảo về duyên sinh".

Chú thích

Duyên sinh hay duyên khởi là đề tài lớn trong Phật học. Giáo lý duyên sinh cho thấy sự phiến diện của nhận thức, nếu chỉ nhìn vào sự trạng mà không thấy được nguyên nhân xa gần. Thí dụ như một đứa trẻ có thái độ khó dạy không hẳn là vì cứng đầu, mà có thể do muốn sự chú ý từ người lớn bởi cảm giác thiếu tình thương. Duyên sinh phủ nhận địa vị độc tôn của thượng đế. Duyên sinh phủ nhận lập luận ngẫu nhiên của vạn hữu. Duyên sinh phủ nhận sự biến mất mà không để lại hệ quả (theo cái nhìn đoạn kiến) và cũng phủ nhận sự tồn tại vĩnh hằng của pháp hữu vi, vì vai trò giới hạn trong thời điểm nhất định.

(Xứ phi xứ)

-- Nhưng cho đến mức độ nào, bạch Thế Tôn, là vừa đủ để nói: "Tỷ-kheo thiện xảo về xứ phi xứ?"

-- Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo biết rõ rằng: "Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: khi một người thành tựu (chánh) kiến lại đi đến các hành (samkhara) và xem là thường còn. Sự kiện như vậy không xảy ra". Và vị ấy biết rằng: "Sự kiện này có xảy ra, có hiện hữu: Khi một người phàm phu đi đến các hành và xem là thường còn. Sự hiện như vậy có xảy ra". Vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một người thành tựu (chánh) kiến, lại có thể đi đến các hành với ý niệm lạc thọ. Sự kiện như vậy không có xảy ra". Và vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này có xảy ra, có hiện hữu: Khi một người phàm phu đi đến các hành với ý niệm lạc thọ. Sự kiện như vậy có xảy ra". Vị ấy biết rằng: "Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một người nào thành tựu (chánh) kiến, lại có thể đi đến các pháp với ý niệm tự ngã. Sự kiện như vậy không có xảy ra". Và vị ấy biết rằng: "Sự kiện này có xảy ra, có hiện hữu: Khi một người phàm phu đi đến các pháp với ý niệm tự ngã. Sự kiện như vậy có xảy ra".

Vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: khi một người thành tựu (chánh) kiến, có thể giết sinh mạng người mẹ. Sự kiện như vậy không có xảy ra". Và vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này có xảy ra: Khi một người phàm phu có thể giết sinh mạng người mẹ. Sự kiện như vậy có xảy ra". Vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một người thành tựu (chánh) kiến, có thể giết sinh mạng người cha... có thể giết sinh mạng A-la-hán.. Vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một người thành tựu (chánh) kiến có thể với ác tâm làm Như Lai chảy máu. Sự kiện như vậy không có xảy ra". Và vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này có xảy ra: Khi một người phàm phu với ác tâm làm Như Lai chảy máu. Sự kiện như vậy có xảy ra". Vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một người thành tựu (chánh) kiến có thể phá hòa hợp Tăng. Sự kiện như vậy không xảy ra". Và vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này có xảy ra: Khi một người phàm phu có thể phá hòa hợp với Tăng. Sự kiện như vậy có xảy ra". Vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một người thành tựu (chánh) kiến có thể đề cao một Ðạo sư khác. Sự kiên như vậy không có xảy ra". Và vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này có xảy ra: Khi một người phàm phu đề cao một Ðạo sư khác. Sự kiện như vậy có xảy ra".

Vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi cùng trong một thế giới (lokadhatu), hai A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có thể xuất hiện (một lần) không trước không sau. Sự kiện như vậy không có xảy ra". Và vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này có xảy ra: Khi cùng trong một thế giới, một A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có thể xuất hiện. Sự kiện như vậy có xảy ra". Vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này không có xảy ra: Khi cùng trong một thế giới, hai vua Chuyển Luân có thể xuất hiện (một lần), không trước không sau. Sự kiện như vậy không có xảy ra". Và vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này có xảy ra: Khi trong một thế giới, một vị vua Chuyển Luân có thể xuất hiện. Sự kiện như vậy có xảy ra".

Vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một nữ nhân có thể thành A-La-Hán, Chánh Ðẳng Giác. Sự kiện như vậy không có xảy ra". Và vị ấy biết rõ rằng: Sự kiện này có xảy ra: Khi một nam nhân có thể thành một A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Sự kiện như vậy có xảy ra. "Vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một nữ nhân có thể thành Sakka (Ðế -thích). Sự kiện như vậy không có xảy ra". Và vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này có xảy ra, có hiện hữu: Khi một nam nhân có thể trở thành Sakka. Sự kiện như vậy có xảy ra". Vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một nữ nhân có thể trở thành Ma vương. Sự kiện như vậy không có xảy ra". Và vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này có xảy ra khi một nam nhân trở thành một Ma vương. Sự kiện như vậy có xảy ra". Vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một nữ nhân có thể trở thành Phạm thiên. Sự kiện như vậy không có xảy ra". Và vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này có xảy ra: Khi một nam nhân có thể trở thành Phạm thiên. Sự kiện này như vậy có xảy ra".

Vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một thân ác hành có thể sanh ra quả báo khả ái, khả hỷ, khả lạc. Sự kiện này không có xảy ra". Và vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này có xảy ra: Khi một thân ác hành có thể sanh ra quả báo không khả ái, không khả hỷ, không khả lạc. Sự kiện như vậy có xảy ra". Vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một khẩu ác hành... Khi một ý ác hành có thể sanh ra quả báo khả ái, khả hỷ, khả lạc. Sự kiện như vậy không có xảy ra". Và vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này có xảy ra: Khi một ý ác hành có thể sanh ra quả báo không khả ái, không khả hỷ, không khả lạc. Sự kiện như vậy có xảy ra".

Vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một thân thiện hành có thể sanh ra quả báo không khả ái, không khả hỷ, không khả lạc. Sự kiện như vậy không có xảy ra". Và vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này có xảy ra: Khi một thân thiện hành có thể sanh ra quả báo khả ái, khả hỷ, khả lạc. Sự kiện như vậy có xảy ra". Vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một khẩu thiện hành... một ý thiện hành có thể sanh ra quả báo không khả ái, không khả hỷ, không khả lạc. Sự kiện như vậy không có xảy ra". Và vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này có xảy ra: Khi một ý thiện hành có thể sanh ra quả báo khả ái, khả hỷ, khả lạc. Sự kiện như vậy có xảy ra".

Vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một người hành trì thân ác hành, do nhân thân ác hành ấy, do duyên thân ác hành ấy sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Sự kiện như vậy không có xảy ra". Và vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này có xảy ra: Khi một người hành trì thân ác hành, do nhân thân ác hành ấy, do duyên thân ác hành ấy, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Sự kiện này có xảy ra". Vị ấy biết rõ rằng sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một người hành trì khẩu ác hành... hành trì ý ác hành, do nhân ý ác hành ấy, do duyên ý ác hành ấy, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Sự kiện như vậy không có xảy ra". Và vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này có xảy ra, khi một người hành trì khẩu ác hành... ý ác hành, sau khi thân hoại mạng chung có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Sự kiện như vậy có xảy ra".

Vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một người hành trì thân thiện hành, do nhân thân thiện hành ấy, do duyên thân thiện ấy, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Sự kiện như vậy không có xảy ra". Và vị ấy biết rằng: "Sự kiện này có xảy ra: Khi một người hành trì thân thiện hành, do nhân thân thiện hành ấy, do duyên thân thiện hành ấy, có thể sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Sự kiện như vậy có xảy ra". Vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một người hành trì khẩu thiện hành... hành trì thiện hành, do nhân ý thiện hành ấy, do duyên ý thiện hành ấy, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Sự kiện như vậy không có xảy ra". Và vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này có xảy ra, có hiện hữu: Khi một người hành trì khẩu thiện hành... hành trì ý thiện hành, do nhân ý thiện hành ấy, do duyên ý thiện hành ấy, có thể sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Sự kiện như vậy có xảy ra".

Cho đến mức độ như vậy, là vừa đủ để nói: "Tỷ-kheo thiện xảo về xứ phi xứ".

Chú thích

Những điều có thể và không thể ở đây, tạo nên sự khác biệt sâu sắc giữa Phật giáo nguyên thuỷ và Phật giáo phát triển sau này. Nếu đi vào chi tiết, sẽ thấy những trọng điểm tạo nên ngã rẽ giữa hai truyền thống Nam Tông và Bắc Tông ngày nay, trên cả hai phương diện văn hoá và hành trì. Vài thí dụ đơn cữ như “không thể có hai vị Chánh Đẳng Chánh Giác ra đời cùng lúc, trong một hệ thống thế giới”, hay “một bậc chí tôn mang thân nữ nhân" hoặc vì “phương tiện nghịch hành” mà một hành động bất thiện trở thành thiện như “sát nhất miêu cứu vạn thử” …

Chánh văn

Khi được nghe nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn: -- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, pháp môn này có tên gì?

-- Do vậy, này Ananda, Ông hãy thọ trì pháp môn này là Ða giới, hãy thọ trì pháp môn này là Bốn chuyển (Catuparivaṭṭo) hãy thọ trì pháp môn này là Pháp kính (Dhammadasa), hãy thọ trì pháp môn này là Trống bất tử (Amatadundubhī), hãy thọ trì pháp môn này là Vô thượng chiến thắng (Anuttaro saṅgāmavijayo).

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.

Chú thích

Đoạn sau cùng của bài kinh, cho thấy sự hân hoan không tả của một bậc thủ trì chánh pháp là Tôn giả Ananda, trong sự cảm nhận vi diệu chánh pháp. Câu trả lời của Đức Phật cũng tạo nên những tiết tấu đầy thi vị, khi bản ca chánh pháp được trỗi lên.

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn giáo trình

Sớ Giải Kinh Sattaṭṭhāna

pañcame sattaṭṭhānakusaloti sattasu okāsesu cheko. vusitavāti vusitavāso. uttamapurisoti seṭṭhapuriso. sesamettha vuttanayeneva veditabbaṃ. idaṃ pana suttaṃ ussadanandiyañceva palobhanīyañcāti veditabbaṃ. yathā hi rājā vijitasaṅgāmo saṅgāme vijayino yodhe uccaṭṭhāne ṭhapetvā tesaṃ sakkāraṃ karoti. kiṃ kāraṇā? etesaṃ sakkāraṃ disvā sesāpi sūrā bhavituṃ maññissantīti, evameva bhagavā appameyyaṃ kālaṃ pāramiyo pūretvā mahābodhimaṇḍe kilesamāravijayaṃ katvā sabbaññutaṃ patto sāvatthiyaṃ jetavanamahāvihāre nisīditvā imaṃ suttaṃ desento khīṇāsave ukkhipitvā thomesi vaṇṇesi. kiṃ kāraṇā? evaṃ avasesā sekkhapuggalā arahattaphalaṃ pattabbaṃ maññissantīti. evametaṃ suttaṃ khīṇāsavānaṃ ukkhipitvā pasaṃsitattā ussadanandiyaṃ, sekkhānaṃ palobhitattā palobhanīyanti veditabbaṃ.

evaṃ kho, bhikkhave, bhikkhu sattaṭṭhānakusalo hotīti ettāvatā cettha maggaphalapaccavekkhaṇavasena desanaṃ niṭṭhapetvāpi puna kathañca, bhikkhave, bhikkhu tividhūpaparikkhī hotīti idaṃ “khīṇāsavo yasmiṃ ārammaṇe satatavihārena viharati, taṃ satto vā puggalo vā na hoti, dhātuādimattameva pana hotī”ti evaṃ khīṇāsavassa satatavihārañca, “imesu dhammesu kammaṃ katvā ayaṃ āgato”ti āgamanīyapaṭipadañca dassetuṃ vuttaṃ. tattha dhātuso upaparikkhatīti dhātusabhāvena passati oloketi. sesapadadvayepi eseva nayo. pañcamaṃ.