- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA
Bāi học ngāy 14.9.2024
Các bài kinh: Kinh Pháp Tập Khởi II (S,ii,412), Kinh Koṭṭhita I (S,ii,413); Kinh Koṭṭhita II (S,ii,414); Kinh Koṭṭhita III (S,ii,415) có nội dung trùng lập với Kinh Pháp Tập Khởi (Samudayadhammasuttaṃ) chỉ khác biệt là có bài Tôn giả Sāriputta hỏi và Tôn giả Mahākoṭṭhita trả lời; có bài Tôn giả Mahākoṭṭhita hỏi và Tôn giả Sāriputta trả lời. Có bài thêm vào vị ngọt, nguy hiểm và sự xuất ly của năm uẩn.
CHƠI VỚI LỬA MÀ KHÔNG THẤY NÓNG
Kinh Than Hừng (Kukkuḷasuttaṃ)
Tập III – Uẩn
Chương I. Tương Ưng Uẩn-Phần III-Phẩm Than Hừng (S,iii,136)
Điều nghịch lý lớn nhất của cuộc đời là chúng sanh bám víu với đau khổ, nhưng không ý thức đó là khổ đau. Năm uẩn là khổ. Để thoát khổ cần buông xả không bám chấp. Buông xả hoàn toàn thì được giải thoát. Dù khổ đau rất hiển nhiên nhưng không phải dễ dàng ý thức được sự nhiệt não. Bản năng muôn thuở của nhân sinh là mê đắm vị ngọt, mà không màng tới mặt trái khổ ải. Không thấy được cả hai mặt của đồng tiền thì muôn thuở sống với cái nhìn phiến diện.
Kinh văn
Sāvatthinidānaṃ. “rūpaṃ, bhikkhave, kukkuḷaṃ, vedanā kukkuḷā, saññā kukkuḷā, saṅkhārā kukkuḷā, viññāṇaṃ kukkuḷaṃ. evaṃ passaṃ, bhikkhave, sutavā ariyasāvako rūpasmimpi nibbindati, vedanāyapi nibbindati, saññāyapi nibbindati, saṅkhāresupi nibbindati, viññāṇasmimpi nibbindati. nibbindaṃ virajjati; virāgā vimuccati. vimuttasmiṃ vimuttamiti ñāṇaṃ hoti. ‘khīṇā jāti, vusitaṃ brahmacariyaṃ, kataṃ karaṇīyaṃ, nāparaṃ itthattāyā’ti pajānātī”ti.
Nhân duyên tại Sāvatthi.
“Này chư Tỳ khưu, sắc là than hừng, thọ là than hừng, tưởng là than hừng, hành là than hừng và thức cũng là than hừng. Này chư Tỳ khưu, vị thánh đệ tử có học hiểu sẽ nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với hành, nhàm chán đối với thức. Khi nhàm chán thì ly tham; khi ly tham thì được giải thoát. Khi đã giải thoát, trí tuệ về sự giải thoát sanh khởi. Vị ấy biết rằng: ‘Sanh đã tận, phạm hạnh đã viên mãn, việc cần làm đã làm, không còn trạng thái này nữa.’”
Chú thích
Tên của bài kinh này được dùng để đặt tên cho Phẩm Than Hừng (Kukkuḷavagga)
Theo Sớ Giải, thì than hừng ở đây chỉ cho sự đau khổ. Bản chất của năm uẩn là khổ lụy. Chúng sanh sống trong đau khổ nhưng không ý thức sự hiện hữu của khổ đau, lại còn mê chấp “đó là của ta, đó là ta, đó là tự ngã của ta”.
Quán chiếu và nhận ra bản chất khổ lụy của sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn thì hành giả khởi tâm nhàm chán. Nhờ đó mà không còn bám chấp và được giải thoát.
Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.
Dưới đây là chánh văn Pāli cùng với bản Việt dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu
I. Than Ðỏ Hực (S.iii,177)
1-2) Nhân duyên ở Sāvatthi...
3) Sắc là than đỏ, này các Tỷ-kheo! Thọ là than đỏ! Tưởng là than đỏ! Các hành là than đỏ! Thức là than đỏ!
4) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với các hành, nhàm chán đối với thức.
5) Do nhàm chán nên ly tham, do ly tham nên giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
kukkuḷavaggassa paṭhame kukkuḷanti santattaṃ ādittaṃ chārikarāsiṃ viya mahāpariḷāhaṃ. imasmiṃ sutte dukkhalakkhaṇaṃ kathitaṃ, sesesu aniccalakkhaṇādīni. sabbāni cetāni pāṭiyekkaṃ puggalajjhāsayena kathitānīti.
Trong bài kinh đầu tiên của Kukkuḷavagga, "kukkuḷa" có nghĩa là nóng bỏng, rực cháy, giống như than hừng đang cháy rực, tượng trưng cho sự đau khổ lớn. Trong bài kinh này, tướng khổ được thuyết giảng, còn trong các bài kinh khác, các tướng vô thường và vô ngã được đề cập. Tất cả những điều này đều được thuyết giảng riêng biệt dựa trên căn cơ của từng cá nhân.