Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || CẢNH GIỚI VÀ TRẠNG THÁI CỦA ĐẠI NGỘ GIẢI THOÁT - Kinh Liễu Ngộ (Pariññeyyasuttaṃ)

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || CẢNH GIỚI VÀ TRẠNG THÁI CỦA ĐẠI NGỘ GIẢI THOÁT - Kinh Liễu Ngộ (Pariññeyyasuttaṃ)

, 17/08/2024, 07:58 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA

Hai bài kinh Dukkhasutta (Kinh Khổ) và Kinh Sakkāya (Kinh Thân Tự Hữu) có ý nghĩa tương tự như Kinh Các Khía Cạnh

Bāi học ngāy 17.8.2024

CẢNH GIỚI VÀ TRẠNG THÁI CỦA ĐẠI NGỘ GIẢI THOÁT

Kinh Liễu Ngộ (Pariññeyyasuttaṃ)

Tập III – Uẩn

Chương I. Tương Ưng Uẩn-Phần III-Phẩm Khía Cạnh (S,iii,106)

Cứu cánh của người tu Phật là giác ngộ giải thoát. Giác ngộ phải được xác định là thấu triệt bản chất của năm uẩn hay pháp hữu vi. Gọi là thấu triệt hay liễu ngộ phải đồng nghĩa với sự đoạn tận lậu hoặc phiền não. Những bậc đoạn tận lậu hoặc phải được biết và được tin là thật có để làm nền tảng cho chánh kiến và chánh tín. Người đi tìm ngọc mà không thật biết về ngọc và không có niềm tin là có ngọc báu trong đời thì tất cả nỗ lực chỉ là hoài công vô ích.

Kinh văn

Nhân duyên tại Sāvatthī. “Này chư Tỳ khưu, Ta sẽ giảng về các pháp cần phải liễu ngộ, sự liễu ngộ và người đã liễu ngộ. Hãy lắng nghe. Này chư Tỳ khưu, các pháp nào cần phải liễu ngộ? Sắc là pháp cần phải liễu ngộ, thọ, ... tưởng, ... hành, ... thức cũng là pháp cần phải liễu ngộ. Những điều này, này chư Tỳ khưu, được gọi là các pháp cần phải liễu ngộ.

Này chư Tỳ khưu, sự liễu ngộ là gì? Sự tận diệt tham, sân, si — đây được gọi là sự liễu ngộ.

Này chư Tỳ khưu, người đã liễu ngộ là ai? Đó là vị A la hán. Vị Tôn giả có tên như thế, dòng dõi như thế — người này được gọi là người đã liễu ngộ.

Chú thích

Bài kinh này, tuy ngắn nhưng xác định rõ những trọng điểm của hành trình giải thoát và căn bản Phật Pháp.

Theo Sớ giải, "Pariññeyya" có nghĩa là những gì cần phải được liễu ngộ, vượt qua. "Pariññā" có nghĩa là sự liễu ngộ, vượt qua. "Pariññātāvī" có nghĩa là người đã liễu ngộ, đã vượt qua và đã an trụ nhờ vào sự liễu ngộ đó.

Pariññā có nghĩa là liễu tri, thấu triệt. Ở đây dịch là liễu ngộ vì nói về thực chứng của tuệ giác.

Cảnh giới của tuệ giác ở đây là năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức hay thân tâm, hoặc nói cách khác là tự thân, là pháp hành, là “tiểu thế giới” tiêu biểu cho cả thế giới.

Sự liễu ngộ chỉ thực chứng khi đoạn tận phiền não lậu hoặc. Hiểu biết bản chất năm uẩn mà vẫn còn phiền não thì chưa thật sự gọi là liễu chứng.

Người liễu ngộ chính là những bậc a la hán hiện hữu trên thế gian với danh tính, tộc tính… nhiều vị đã được bậc Đạo sư xác chứng, được Tăng chúng xác chứng. Không thể có thối thất, không thể có biểu hiện của phiền não.

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.

Dưới đây là chánh văn Pāli cùng với bản Việt dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu

Sāvatthinidānaṃ.

“Pariññeyye ca, bhikkhave, dhamme desessāmi pariññañca pariññātāviñca puggalaṃ. Taṃ suṇātha.

Nhân duyên ở Sāvatthi …

—Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông các pháp cần phải biến tri, sự biến tri và con người đã biến tri. Hãy lắng nghe.

Katame ca, bhikkhave, pariññeyyā dhammā? Rūpaṃ, bhikkhave, pariññeyyo dhammo. Vedanā …pe… saññā … saṅkhārā … viññāṇaṃ pariññeyyo dhammo. Ime vuccanti, bhikkhave, pariññeyyā dhammā.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp cần phải biến tri? Sắc, này các Tỷ-kheo, là pháp cần phải biến tri. Thọ … tưởng … các hành … thức là pháp cần phải biến tri. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các pháp cần phải biến tri.

Katamā ca, bhikkhave, pariññā? Rāgakkhayo, dosakkhayo, mohakkhayo—ayaṃ vuccati, bhikkhave, pariññā.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự biến tri? Sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sự biến tri.

Katamo ca, bhikkhave, pariññātāvī puggalo? Arahātissa vacanīyaṃ. Yvāyaṃ āyasmā evaṃnāmo evaṅgotto—ayaṃ vuccati, bhikkhave, pariññātāvī puggalo”ti.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con người đã biến tri? Cần phải trả lời là bậc A-la-hán. Bậc Tôn giả này, với tên như vậy, với dòng họ như vậy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là con người đã biến tri.

Sớ giải Kinh Pariññeyyasuttaṃ

catutthe pariññeyyeti parijānitabbe samatikkamitabbe. pariññanti samatikkamaṃ. pariññātāvinti tāya pariññāya parijānitvā samatikkamitvā ṭhitaṃ. rāgakkhayotiādīhi nibbānaṃ dassitaṃ. catutthaṃ.

"Pariññeyye" có nghĩa là những gì cần phải được liễu ngộ, vượt qua. "Pariññā" có nghĩa là sự liễu ngộ, vượt qua. "Pariññātāvī" có nghĩa là người đã liễu ngộ, đã vượt qua và đã an trụ nhờ vào sự liễu ngộ đó. Với cụm từ "rāgakkhayo" (sự tận diệt tham) và những cụm từ tương tự, Niết-bàn được chỉ rõ. Đây là bài kinh thứ tư.