Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || BUÔNG HAY BÁM: LẰN RANH ĐAU KHỔ - Kinh Chấp Thủ (Upādāniyasuttaṃ)

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || BUÔNG HAY BÁM: LẰN RANH ĐAU KHỔ - Kinh Chấp Thủ (Upādāniyasuttaṃ)

, 07/09/2024, 06:10 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA

Bāi học ngāy 7.9.2024

BUÔNG HAY BÁM: LẰN RANH ĐAU KHỔ

Kinh Chấp Thủ (Upādāniyasuttaṃ)

Tập III – Uẩn

Chương I. Tương Ưng Uẩn-Phần III-Phẩm Người Thuyết Pháp (S,iii,121)

Pháp hữu vi là guồng máy phức tạp. Năm uẩn là tất cả sự hiện hữu của chúng sanh trong đời. Đau khổ là vấn nạn muôn thuở của cuộc trầm luân. Tất cả được quyết định ở lằn ranh mỏng manh: chấp thủ hay buông xả. Khi chấp thủ thì một cọng rau ngọn cỏ cũng đủ gây phiền; khi không chấp thủ thì dù cả thiên hà tiêu hoại cũng chẳng khiến cõi lòng nao núng. Ngay cả trong chút tàn hơi còn lại của đời người, mấy ai đủ tỉnh táo để buông xả tất cả những gì vốn không mang theo được?

Kinh văn

Nhân duyên ở Sāvatthi.

Này chư Tỳ khưu, Ta sẽ dạy các Thầy về những pháp có thể bị chấp thủ và sự chấp thủ. Hãy lắng nghe...

"Này chư Tỳ khưu, cái gì là những pháp có thể bị chấp thủ và cái gì là sự chấp thủ? Này chư Tỳ khưu, sắc là pháp có thể bị chấp thủ; ưa thích và tham đắm đối với nó là sự chấp thủ ở đó.

Thọ là pháp có thể bị chấp thủ; ưa thích và tham đắm đối với nó là sự chấp thủ ở đó.

Tưởng là pháp có thể bị chấp thủ; ưa thích và tham đắm đối với nó là sự chấp thủ ở đó.

Hành là pháp có thể bị chấp thủ; ưa thích và tham đắm đối với nó là sự chấp thủ ở đó.

Thức là pháp có thể bị chấp thủ; ưa thích và tham đắm đối với nó là sự chấp thủ ở đó.

Những thứ này được gọi là những pháp có thể bị chấp thủ và đây là sự chấp thủ."

Chú thích

Chữ “upādāna” có nghĩa là sự bám víu, chấp thủ, nhiên liệu.

“Upādāna - thủ” là một trong 12 mắt xích của thập nhị duyên khởi. Trong giáo nghĩa duyên khởi thì “ái duyên cho thủ”; ở trong tứ đế thì ái là tập đế, năm thủ uẩn là khổ đế.

Năm thủ uẩn được xem là cách nói tổng lưọc về khổ đau của chúng sanh trong đời.

Năm thủ uẩn có thể được quán chiếu bởi hành giả tu tứ niệm xứ qua pháp quán niệm xứ.

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.

Dưới đây là chánh văn Pāli cùng với bản Việt dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu

Sāvatthinidānaṃ.

Upādāniye ca, bhikkhave, dhamme desessāmi upādānañca. Taṃ suṇātha.

Nhân duyên ở Sāvatthi …

—Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết giảng cho các Ông về các pháp bị chấp thủ và sự chấp thủ. Hãy lắng nghe.

Katame ca, bhikkhave, upādāniyā dhammā, katamaṃ upādānaṃ?

Rūpaṃ, bhikkhave, upādāniyo dhammo, yo tattha chandarāgo, taṃ tattha upādānaṃ.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp bị chấp thủ? Thế nào là sự chấp thủ? Sắc, này các Tỷ-kheo, là pháp bị chấp thủ. Dục và tham đối với sắc là sự chấp thủ đối với sắc.

Vedanā …pe…

saññā …

saṅkhārā …

viññāṇaṃ upādāniyo dhammo; yo tattha chandarāgo, taṃ tattha upādānaṃ.

… Thọ … Tưởng … Các hành …

Thức, này các Tỷ-kheo, là pháp bị chấp thủ. Dục và tham đối với thức là sự chấp thủ đối với thức.

Ime vuccanti, bhikkhave, upādāniyā dhammā, idaṃ upādānan”ti.

Này các Tỷ-kheo, các pháp này, được gọi là các pháp bị chấp thủ. Ðây là sự chấp thủ.

 

Sớ giải của bài kinh nầy giống như năm bài kinh trước vẫn là nói về “bờ mê” và “bến giác”.