- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG
Bài học ngày 13.1.2023
THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)
37. Nhóm Thuộc Tánh Tịnh Hảo (sobhanacetasikā)
Thuộc Tánh Vô Sân (adosacetasika)
Cũng như thuộc tánh vô tham, vô sân là một trong ba căn cội của thiện – trên bình diện rộng hơn là của tất cả tâm tịnh hảo. Chính vì thế cần hiểu rõ đặc tính và ảnh hưởng của thuộc tánh nầy đối với các danh pháp đồng sanh.
Chữ vô sân ở đây không chỉ đơn giản là không có sân mà là trạng thái hoà dịu mát mẽ đối lập với sân. Vô sân giống như cơ phận quạt lạnh (cooling fan) trong cái máy có chức năng làm mát máy. Nên hiểu thuộc tánh nầy không chỉ làm cho tâm không nóng nảy mà còn mang lại sự dễ chịu đối với cảnh.
Thuộc tánh sân khiến cho các pháp đồng sanh được an hoà. Sự thanh thản không nhiệt não của danh pháp là biểu hiện của thuộc tánh vô sân. Có thể thí dụ như gia tộc trên thuận dưới hoà nhờ có một người đức độ thu phục nhân tâm. Như đã đề cập trên, vô sân là một trong ba căn cội của thiện pháp. Nếu được phát triển mạnh trở thành đức từ mẫn, an nhẫn và nhiều đức tánh khác. Trong ý nghĩa của một thuộc tánh, vô sân tạo nên sự hoà dịu không những chỉ đối với trường hợp bình thường mà ngay cả khi có những nghịch cảnh hay chi phối bất ổn. Có thể hiểu thuộc tánh vô sân như lớp cách nhiệt (insulation) là sự ngăn chận nhiệt độ quá nóng chứ không phải là sự mát dịu do không gặp nghịch cảnh hay bản chất không nhiệt não. Vai trò nầy cần thiết cho các tâm tịnh hảo được tồn tại không bị nóng bức.
Có thể nói trên phương diện rộng thì vô sân được đề cập với rất nhiều hình thái trong kinh điển. Phước do thiện nghiệp quá khứ cũng tạo nên cảnh khả ái, khả ý vì thế tâm vô sân. Người sanh ra với tâm tục sinh có thuộc tánh vô sân hoặc thọ hỷ thì ảnh hưởng đời sống hằng ngày được thanh thản, vui vẻ do vậy giấc ngủ với tiềm thức có thuộc tánh vô sân khiến người ta lấy lại sự thanh thản. Vô sân cũng có thể phát triển thành tâm từ khi lấy chúng sanh làm đối tượng như là sự biểu lộ của từ mẫn, nhân ái. Vô sân cũng có thể là biểu hiện an nhẫn trước nghịch cảnh nhờ khéo tác ý (yoniso manasikāra).
Đối diện với nghịch cảnh là điều tự nhiên phải có trong cuộc sống. Trong Phật học sự khó chịu của tâm được gọi là thọ ưu. Sự khó chịu của thân gọi là thọ khổ. Thọ ưu là sân trong Thắng pháp nhưng không nhất thiết là sân trong cách nói đại loại. Thí dụ một người bị người khác công kích dù khó chịu nhưng tự chế không phản ứng sân hận thì được xem là nhẫn nại bên ngoài nhưng trong lòng vẫn còn bị sân chi phối vì có thọ ưu. Và cũng nên hiểu điều nầy: chịu khó khác với khó chịu.
Có nhiều trường hợp vô sân và từ mẫn được hiểu là đồng nghĩa. Từ mẫn luôn là vô sân. Nhưng tâm từ lấy chúng sanh làm đối tượng do vậy dù tâm từ là vô sân nhưng vô sân không hẳn là tâm từ. (Điều nầy khác với vô si là sự không mê mờ lại đồng nghĩa với trí tuệ sáng suốt)
Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn