- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma
Bài học ngày 9.12.2021
Chương VI. TOÁT YẾU TƯƠNG TẬP (Samuccayasaṅgaha)
BÀI 44. TOÁT YẾU HỖN HỢP (Missakasaṅgaha)
Về Thập nhị chi đạo (dvādasa maggaṅgāni)
Chánh đạo và tà đạo là hai từ ngữ rất phổ thông khi nói về tôn giáo hay tín ngưỡng. Trong Phật Pháp, khi nói về bát chánh đạo chẳng những là đề tài quan trọng mà còn chứa đựng những hướng dẫn cụ thể về con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát. Đối lập với bát chánh đạo là bát tà đạo. Sự nhập chung và liệt kê pháp bản thể của chi đạo có nhiều điểm gây ngạc nhiên cho người học Phật. Ngay cả con số 12 cũng cần được tìm hiểu cẩn thận.
3. Thập nhị chi đạo (dvādasa maggaṅgāni)
Đạo _ magga là con đường, Chi đạo là những pháp như con đường dẫn đến đích điểm.
Trong kinh tạng thì có 16 đạo lộ: 8 đạo lộ dẫn đến cõi vui và níp bàn, gọi là bát chánh đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định), 8 đạo lộ dẫn đến cõi khổ, gọi là bát tà đạo (tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà niệm, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm và tà định).
Trong thắng pháp vì lấy theo pháp thực tính có chi pháp riêng nên chỉ kể có 12 chi đạo; còn 4 chi đạo là tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng và tà niệm thì đó là tâm bất thiện nói quấy, làm quấy, nuôi mạng quấy, nhớ điều quấy.
Mười hai chi đạo với chín chi pháp như sau:
1/ Chánh kiến (sammādiṭṭhi) có chi pháp là tâm sở trí tuệ trong 79 tâm hợp trí. Là sự thấy hiểu đúng chân lý, nhân quả, thực tướng …v.v…
2/ Chánh tư duy (sammāsaṅkappo) có chi pháp là tâm sở tầm trong 35 tâm tịnh hảo hữu tầm. Là sự hướng tâm chân chính, suy nghĩ tốt đẹp …v.v…
3/ Chánh ngữ (sammāvācā) chi pháp là tâm sở chánh ngữ hiệp trong 8 tâm đại thiện và 40 tâm siêu thế. Là sự nói chân chánh, hay ngăn trừ khẩu hành ác.
4/ Chánh nghiệp (sammākammanto) có chi pháp là tâm sở chánh nghiệp hiệp trong 8 tâm đại thiện và 40 tâm siêu thế. Là sự hành động chân chánh, hay sự ngăn trừ thân hành ác.
5/ Chánh mạng (sammā_ājīvo) có chi pháp là tâm sở chánh mạng hiệp trong 8 tâm đại thiện và 40 tâm siêu thế. Là sự nuôi mạng chân chánh, hay sự ngăn trừ pháp tà mạng.
6/ Chánh tinh tấn (sammāvāyāmo) có chi pháp là tâm sở cần hiệp trong 91 tâm tịnh hảo là sự năng động không tội lỗi.
7/ Chánh niệm (sammāsati) có chi pháp là tâm sở niệm trong 91 tâm tịnh hảo. Là sự ghi nhận đối tượng một cách tốt đẹp, sự nhớ biết không tội lỗi.
8/ Chánh định (sammāsamādhi) có chi pháp là tâm sở nhất hành trong 91 tâm tịnh hảo. Là sự trụ tâm vào đối tượng một cách vững vàng, chú tâm chân chính.
9/ Tà kiến (micchādiṭṭhi) có chi pháp là tâm sở tà kiến trong 4 tâm tham tương ưng kiến. Là sự thấy biết sai lầm, phi chân lý cho là chân lý.
10/ Tà tư duy (micchāsaṅkappo) có chi pháp là tâm sở tầm trong 12 tâm bất thiện. Là sự kiếm cảnh sai trái, suy nghĩ tội lỗi.
11/ Tà tinh tấn (micchāvāyāmo) có chi pháp là tâm sở cần trong 12 tâm bất thiện. là sự năng động sai trái, siêng năng tội lỗi.
12/ Tà định (micchāsamādhi) có chi pháp là tâm sở nhất hành trong 11 tâm bất thiện trừ tâm si hoài nghi.
Mười hai chi đạo đây có chi pháp riêng biệt rõ ràng, nhưng trùng lập 3 chi pháp nên trong duyên hệ chỉ nói 9 chi pháp thôi, tức là tâm sở trí tuệ, tâm sở tầm, tâm sở chánh ngữ, tâm sở chánh nghiệp, tâm sở chánh mạng, tâm sở cần, tâm sở niệm, tâm sở nhất hành và tâm sở tà kiến. Trùng lập 3 chi pháp là tâm sở tầm (gồm chánh tư duy và tà tư duy), tâm sở cần (gồm chánh tinh tấn và tà tinh tấn), tâm sở nhứt hành (gồm chánh định và tà định).
Bài đã học: Bài 43. Toát yếu hỗn hợp (Missakasaṅgaha)
Về Lục nhân (cha hetū) và Thất chi thiền (satta jhānaṅgāni)
Bài học tiếp theo: Bài 45. Toát yếu hỗn hợp (Missakasaṅgaha) “tiếp theo)
Nhị thập nhị quyền (bāvīsatindriyāni)
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng