Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _  Chương IV. TOÁT YẾU SẮC PHÁP (Rūpasaṅgaha) _ Bài 30. TỔNG QUAN VỀ SẮC PHÁP

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Chương IV. TOÁT YẾU SẮC PHÁP (Rūpasaṅgaha) _ Bài 30. TỔNG QUAN VỀ SẮC PHÁP

Sunday, 17/10/2021, 18:11 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 17.10.2021


Chương IV. TOÁT YẾU SẮC PHÁP (Rūpasaṅgaha)

Bài 30. TỔNG QUAN VỀ SẮC PHÁP

1. Tại sao gọi vật chất là “sắc-rūpa”?

Chữ rūpa trong Phạm ngữ mang nhiều ý nghĩa. Cụm từ "nāmarūpa" thường được dịch là danh sắc hay “vô tướng - hữu hình” chỉ cho thân và tâm. Nói cách khác "rūpa" ở đây chỉ cho vật thể, vật chất trong lúc "rūpa" cũng được dùng để chỉ cảnh sắc hay đối tượng của mắt. Người Trung Hoa dịch chữ sắc để chỉ cho cả hai là vật chất và đối tượng của nhãn thức là dùng theo cách nói của người Ấn Độ.


2. Phải chăng sắc pháp trong Abhidhamma nói riêng và Phật Pháp nói chung gần với môn sinh vật học hơn là vật lý học trong nền giáo dục hiện nay?

Nói chính xác thì sắc pháp trong Abhidhamma đề cập chung tất cả hiện tượng vật chất. Tuy vậy khi nói về pháp hữu vi, về uẩn, xứ, giới, đế thì đều đề cập chung quanh hiện tượng của cái gọi là “chúng sanh” hơn là sự trình bày thuần về thế giới đại tự nhiên. Đây là tánh cách khác biệt giữa khoa học và Phật học. Sự phân chia các môn học như sinh vật học, vật lý học, hoá học của nền giáo dục ngày nay cũng không hẳn được ứng dụng với sự phân định tương tự trong thực tế. Dĩ nhiên đối với Phật học thì những phân chia như vậy không thể áp dụng.


3. Bốn nhân sanh sắc pháp là nghiệp (kamma), tâm (citta), quí tiết (utu), vật thực (āhāra) cho thấy sự khác biệt gì về cái nhìn đối với vật chất giữa Phật học và khoa học?

Tâm và nghiệp là hai lãnh vực khoa học ngày nay không đề cập đến trong sách vở cũng như học đường mặc dù người ta có nhiều công trình nghiên cứu về não bộ. Có thể nói sự liên hệ giữa tâm và nghiệp đối với vật chất là những đặc điểm thú vị nhất và lợi ích nhất khi học sắc pháp trong môn Thắng Pháp. Chỉ riêng về sự liên hệ giữa căn, cảnh và thức đã nói lên tương quan đặc biệt giữa tâm thức và vật chất - điều mà khoa học ngày nay thừa nhận nhưng không xác lập rõ ràng.


4. Có bao nhiêu pháp được nói đến về sắc pháp?

Cũng như danh pháp, sự phân chia sắc pháp không hẳn là những thành phần cá biệt của vật chất mà gồm cả những thuộc tánh, tính cách và yếu tánh tồn tại. Sắc pháp có 28 thứ, chia thành hai nhóm:

· 4 sắc đại hiển (Mahābhūtarūpa)

1. Đất (paṭhavī)

2. Nước (āpo)

3. Lửa (tejo)

4. Gió (vāyo)

· 24 sắc y sinh (Upādāyarūpa)

1. Nhãn (cakkhu)

2. Nhĩ (sota)

3. Tỷ (ghāna)

4. Thiệt (jivhā)

5. Thân (kāya)

6. Sắc (rūpa)

7. Thinh (sadda)

8. Khí (gandha)

9. Vị (rasa)

- Xúc (phoṭṭhabba) là ba hiển sắc trừ nước.

10. Nữ tánh (itthatta)

11. Nam tánh (purisatta)

12. Ý vật (hadayavatthu)

13. Mạng quyền (jīvitindriya)

14. Dưỡng tố (oja)

15. Không giới (ākāsadhātu)

16. Thân biểu (kāyaviññatti)

17. Khẩu biểu (vācīviññatti)

18. Khinh (lahutā)

19. Nhu (mudutā)

20. Thích sự (kammaññatā)

21. Sinh (upacaya)

22. Diễn (santati)

23. Dị (jaratā)

24. Diệt (aniccatā)

Bài học tiếp theo: Bài 31. 4 sắc đại hiển (Mahabhūtarūpa)


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu