Môn học: Thắng Pháp Toát Yếu - Bài 74. CHƯƠNG IX. TOÁT YẾU NGHIỆP XỨ  (Kammaṭṭhānasaṅgaha) “tiếp theo”

Môn học: Thắng Pháp Toát Yếu - Bài 74. CHƯƠNG IX. TOÁT YẾU NGHIỆP XỨ (Kammaṭṭhānasaṅgaha) “tiếp theo”

Monday, 02/05/2022, 09:05 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Toát Yếu

Bài học ngày 2.5.2022


Bài 74. 

CHƯƠNG IX. TOÁT YẾU NGHIỆP XỨ (Kammaṭṭhānasaṅgaha) “tiếp theo”

B. QUÁN NGHIỆP XỨ (Vipassanākammaṭṭhāna)

Đề mục để tu tập thiền minh sát, gọi là quán nghiệp xứ.

Trong kinh, Đức Phật dạy bốn niệm xứ (cattāro satipaṭṭhānā) là:

1. Thân quán niệm xứ (kāyānupassanāsatipaṭṭhānaṃ)

2. Thọ quán niệm xứ (vedanānupassanāsatipaṭṭhānaṃ)

3. Tâm quán niệm xứ (cittānupassanāsatipaṭṭhānaṃ)

4. Pháp quán niệm xứ (dhammānupassanāsatipaṭṭhānaṃ)

Bốn niệm xứ này lấy ngũ uẩn hay danh sắc làm đề tài quán niệm. Thân quán niệm xứ là niệm sắc uẩn. Thọ quán niệm xứ là niệm thọ uẩn. Tâm quán niệm xứ là niệm thức uẩn. Pháp quán niệm xứ là niệm tưởng uẩn và hành uẩn; Thật ra pháp quán niệm xứ là niệm của năm uẩn vì là quán năm triền cái, năm thủ uẩn, mười hai xứ, bảy giác chi, bốn thánh đế.

Quán niệm thân cũng có nghĩa là quán sắc, Quán niệm thọ, Quán niệm tâm nghĩa là quán danh. Quán niệm pháp nghĩa là quán danh sắc.

Bốn niệm xứ nầy là đề mục tu quán, gọi là Quán nghiệp xứ (vipassanākammaṭṭhāna).

Tu quán tức là tu tuệ (paññā), tuệ thấy rõ thực tướng của danh sắc vô thường, khổ não và vô ngã (tilakkhaṇa).

Tu quán dựa trên nền tảng Giới (sīla), Định (samādhi) – Tuệ (paññā). Tức là tăng thượng giới (adhisīla), tăng thượng tâm (adhicitta) và tăng thượng tuệ (adhipaññā).

Tu quán là cửa ngõ đi vào giải thoát (vimokkhamukha)

Giải chi tiết trong tu quán nghiệp xứ

a. Danh (nāma) và sắc (rūpa) là đề mục tu quán:

Danh (nāma) là pháp thực tính bao gồm thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, và thức uẩn. Sắc (rūpa) là sắc uẩn. Đây là danh sắc phân theo ngũ uẩn (pañcakkhandha), nhưng đề mục tu quán chỉ giới hạn trong phạm vi ngũ thủ uẩn (pañcupādānakkhandha).

Danh sắc phân theo thập nhị xứ (dvādasāyatana). Danh là ý xứ và pháp xứ tâm sở. Sắc là nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, sắc xứ, thinh xứ, khí xứ, vị xứ, xúc xứ, và pháp xứ sắc tế. Danh sắc theo thập nhị xứ thành đề mục tu quán ở đây giới hạn xứ hiệp thế (lokiyāyatana).

Danh sắc phân theo thập bát giới (aṭṭhārasadhātu). Danh là nhãn thức giới, nhĩ thức giới, tỷ thức giới, thiệt thức giới, thân thức giới, ý giới, ý thức giới và pháp giới tâm sở. Sắc là nhãn giới, nhĩ giới, tỷ giới, thiệt giới, thân giới, sắc giới, thinh giới, khí giới, vị giới, xúc giới và pháp giới thuộc sắc tế. Danh sắc theo thập bát giới thành đề mục tu quán ở đây chỉ lấy giới hiệp thế (lokiyadhātu).

Danh sắc phân theo pháp hữu vi (saṅkhārā hay saṅkhatadhamma). Danh là Tâm và Tâm Sở. Sắc là sắc pháp. Danh sắc theo pháp hữu vi thành đề mục tu quán ở đây giới hạn pháp hiệp thế (lokiyadhamma).

b. Tùy quán tam tướng (tilakkhaṇānupassanā) là phương pháp tu quán

Tam tướng (tilakkhana) là ba đặc tính, ba tướng trạng của pháp hữu vi (danh sắc hữu vi). Ba tướng là vô thường tướng, khổ tướng và vô ngã tướng.

Vô thường tướng (aniccalakkhaṇa) có 4 ý nghĩa:

· Diễn tiến sanh diệt (uppādavayavattito)

· Biến đổi (vipariṇāmato)

· Tạm thời (tāvakālikato)

· Trái nghĩa thường còn (niccapaṭikkhepato)

Khổ tướng (dukkhalakkhaṇa) có 4 ý nghĩa:

· Luôn bức xúc (abhiṇhasampaṭipīlanato)

· Khó chịu đựng (dukkhamato)

· Căn nguyên đau khổ (dukkhavatthuto)

· Trái nghĩa với lạc (sukhapaṭikkhepato)

Vô ngã tướng (anattalakkhaṇa) có 4 ý nghĩa:

· Trống rỗng (suññato)

· Không sở hữu chủ (assāmikato)

· Không diễn tiến theo quyền năng (avasavattito)

· Trái nghĩa với bản ngã (attapatikkhepato)

Tam tướng có ba ý nghĩa chính: vô thường nghĩa là hoại tiêu (aniccaṃ khayatthena). Khổ nghĩa là kinh khiếp (dukkhaṃ bhayatthena). Vô ngã nghĩa là không kiên thực (anattā asāratthena).

Tùy quán tam tướng là tùy quán vô thường (aniccānupassanā), tùy quán khổ não (dukkhānupassanā), tùy quán vô ngã (anattānupassanā).

Thế nào là tùy quán vô thường?

Hành giả quán xét bằng trí tuệ, thấy rằng thân danh sắc này là giả tạm, luôn biến đổi, diễn tiến sanh rồi diệt; Thấy rõ thực tướng của các pháp hữu vi là vô thường. Như vậy gọi là tùy quán vô thường.

Thế nào tùy quán khổ não?

Hành giả quán xét bằng trí tuệ, thấy rằng thân danh sắc này luôn biến đổi, biến diệt, bị bức xúc, không kham nổi; Thấy rõ thực tướng của các pháp hữu vi là khổ. Như vậy gọi là tùy quán khổ não.

Thế nào là tùy quán vô ngã?

Hành giả quán xét bằng trí tuệ, thấy rằng thân danh sắc này tự sanh tự diệt, không có chủ quyền, không theo sự sắp đặt; Thấy rõ các pháp hữu vi là vô ngã. Như vậy gọi là tùy quán vô ngã.

Tu tập tùy quán tam tướng là ba lối dẫn đến sự giải thoát, ba cửa ngõ đi vào giải thoát. Gọi là tam giải thoát môn (vimokkhamukha).

Có ba sự giải thoát (vimokkha): vô tướng giải thoát (animittavimokkha), vô nguyện giải thoát (appaṇihitavimokkha), không tánh giải thoát (suññatāvimokkha).

Vô tướng giải thoát là gì?

Sự thoát khỏi phiền não bằng thánh đạo mà bắt cảnh níp bàn ở khía cạnh vô tướng (không hiện tượng sanh diệt). Đây gọi là vô tướng giải thoát.

Vô nguyện giải thoát là gì?

Sự thoát khỏi phiền não bằng thánh đạo mà bắt cảnh níp Bàn ở khía cạnh vô nguyện (không ước vọng). Đây gọi là vô nguyện giải thoát.

Không tánh giải thoát là gì?

Sự giải thoát khỏi phiền não bằng thánh đạo mà bắt cảnh níp bàn ở khía cạnh tánh không (tính rỗng không, không có thực ngã). Đây gọi là không tánh giải thoát.

Ba sự giải thoát này chứng đắc được do ba tùy quán tam tướng:

Hành giả có tín mạnh (sung mãn, thắng giải, adhimokkhabahula) tu tập tùy quán vô thường, vị ấy sẽ đắc vô tướng giải thoát (animittavimokkha).

Hành giả có định mạnh (sung mãn tịnh an, passaddhibahulo) tu tập tùy quán khổ não, vị ấy sẽ chứng vô nguyện giải thoát (appaṇihitavimokkha).

Hành giả có tuệ mạnh (sung mãn mẫn tiệp, vedabahulo) tu tập tùy quán vô ngã, vị ấy sẽ chứng không tánh giải thoát (suññatāvimokkha).

Do đó, ba pháp tùy quán được gọi là tam giải thoát môn (vimokkhamukha).

(1) Tùy quán vô thường (aniccānupassanā) là vô tướng giải thoát môn (animittavimokkhamukha).

(2) Tùy quán khổ não (dukkhānupassanā) là vô nguyện giải thoát môn (appaṇihitavimokkhamukha).

(3) Tùy quán vô ngã (anattānupassanā) là không tánh giải thoát môn (suññatāvimokkhamukha).

Khi bậc tu tiến ba pháp tùy quán này lần lượt sẽ phát sanh mười tuệ quán (vipassanāñāṇa). Không lâu sau, khi tuệ quán cuối cùng sanh khởi thì Đạo tuệ (maggañāṇa) và Quả tuệ (phalañāṇa) cũng sanh.

c. Mười tuệ quán (vipassanāñāṇa) là trí sanh khởi trình tự trong tu tiến minh sát:

(1) Thẩm sát tuệ (sammasanañāṇa) là trí quán xét ba tướng phổ thông (vô thường, khổ não, vô ngã) của danh sắc ngũ thủ uẩn. Quán thấy tướng vô thường là thấy danh sắc có tính chất tạm bợ, sanh rồi diệt; Quán thấy tướng khổ não là thấy danh sắc có tính chất đáng sợ, luôn bị bức xúc, bất an vì liên tục sanh diệt; Quán thấy tướng vô ngã là thấy danh sắc có tính chất rỗng không, vô năng, không chủ quyền.

(2) Sanh diệt tuệ (udayabbayañāṇa) là tuệ thấy rõ danh sắc sanh và danh sắc diệt, thấy rõ sự biến đổi của các pháp hiện tại đang diễn ra. Tuệ này khởi lên có hai giai đoạn: Giai đoạn đầu, tuệ mới mẻ non nớt, sẽ phát sanh 10 ấn chứng tùy phiền não [10 tùy phiền não là ánh sáng (obhāso), tiệp tuệ (ñāṇaṃ), hoan hỷ (pīti), tịnh an (passaddhi), an lạc (sukhaṃ), xác tín (adhimokkho), cần dõng (paggaho), cường niệm (upaṭṭhānaṃ), xả nhiên (upekkhā), khát vọng (nikanti)] dễ sanh ngộ nhận, giai đoạn này gọi là sơ cơ sanh diệt tuệ (taruṇudayabbayañāṇa). Giai đoạn sau, tuệ đến mức độ mạnh mẽ, sắc xảo, vượt qua tùy phiền não, không thể bị ngăn ngại bởi kiến chấp, mạn chấp và ái chấp, giai đoạn này gọi là dõng lực sanh diệt tuệ (balavudayabbayañāṇa).

(3) Hoại tán tuệ (bhaṅgañāṇa) là tuệ thấy hiện trạng danh sắc biến hoại, tan rã. Khi hành giả ghi nhận sự sanh và sự diệt của danh sắc càng lúc càng nhanh, đến nổi không còn kịp ghi nhận hiện tượng sanh nữa mà chỉ thấy hiện tượng diệt thôi. Ví như người ngồi xe, lúc đầu xe chạy chậm thì còn thấy cây bên đường đến rồi đi qua, nhưng khi xe chạy nhanh thì chỉ thấy hàng cây vụt qua thôi.

(4) Kinh úy tuệ (bhayañāṇa) là tuệ thấy tính chất đáng sợ của danh sắc, vì chúng hoại diệt quá nhanh và không ngừng nghĩ.

(5) Nguy hại tuệ (ādīnavañāṇa) là tuệ thấy sự nguy hiểm trong danh sắc hữu vi. Cũng như kinh úy tuệ, nguy hại tuệ đều là thấy khuyết điểm của pháp hữu vi; Trước là thấy danh sắc đáng sợ (kinh úy tuệ), sau là thấy danh sắc nguy hiểm (nguy hại tuệ). Như người đứng nhìn xuống hố chông với những mũi chông nhọn hoặc chỉa lên, trước người ấy thấy những chông nhọn đáng sợ, sau đó thấy hố chông nguy hiểm.

(6) Yếm ố tuệ (nibbidāñāṇa) là tuệ nhàm chán, chán ghét đối với danh sắc hữu vi bởi vì danh sắc sanh diệt, biến hoại thật đáng sợ và thật nguy hiểm. Như người dân quê mò tay vào cái nôm bắt cá, túm nhằm con rắn, khi lôi ra thấy đó là con rắn hổ đáng sợ và nguy hiểm, anh ta chán ghét, không thích cầm nó trong tay nữa.

(7) Dục thoát tuệ (muñcitukamyatāñāṇa) là tuệ quán chán danh sắc và muốn thoát khỏi hệ lụy các pháp hữu vi. Như anh nhà quê túm nhằm con rắn hổ, ớn nó, muốn vất bỏ ngay, muốn nhanh chóng thoát khỏi nó.

(8) Giãn trạch tuệ (paṭisaṅkhāñāṇa) là tuệ hồi quán tam tướng, phản chiếu các hành vô thường khổ não vô ngã để cũng cố tuệ mạnh hơn hầu thoát khỏi các pháp hữu vi hệ lụy. Như người nhà quê khi muốn thoát khỏi con rắn, muốn quẳng nó đi, bèn nắm đuôi con rắn quay tít hai ba vòng và buông tay, con rắn văng ra xa.

(9) Hành xả tuệ (saṅkhārupekkhāñāṇa) là tuệ quán đã tinh thục già dặn, nhìn tướng sanh diệt của danh sắc một cách bình thản, dửng dưng, không thấy sợ, không chán ghét, xem đó là vận hành tự nhiên của pháp hữu vi.

(10) Thuận thứ tuệ (anulomañāṇa) là tuệ thuận theo trước và sau. Thuận theo trước là cũng cái nhìn danh sắc qua khía cạnh tam tướng như chín tuệ quán trước; Thuận theo sau pháp giác phần thể nhập thánh đạo.

Tuệ thuận thứ khởi lên trong lộ đắc đạo (maggavīthi). Tuệ này diễn ra vài sát na tâm, đầu tiên có tên là sát na chuẩn bị (parikammakhaṇa), thứ hai là sát na cận hành (upacārakhaṇa), thứ ba là sát na thuận thứ (anulomakhaṇa).

Hành giả nếu hợp duyên chứng níp bàn ngay trong kiếp hiện tại thì sau khi đạt đến hành xả tuệ, Tín – Tấn – Niệm – Định trở nên mạnh mẽ thì tuệ thuận thứ sẽ khởi lên tạo thành lộ đắc đạo, cứu cánh của quá trình tu tiến tuệ quán. Nếu hành giả tu quán nhưng chưa hợp duyên đắc đạo hiệp thế, thì chỉ đạt tới hành xả tuệ (saṅkhārupekkhāñāṇa) rồi dừng lại đó.

Mười tuệ quán hay tuệ minh sát (vipassanāñāṇa) là những tuệ tu tiến lấy tam tướng (tilakkhaṇa) làm cảnh. Nếu kể mười sáu tuệ trong tăng thượng tuệ (adhipaññā) thì kể thêm sáu tuệ nữa là hai tuệ lấy danh sắc làm cảnh (phân định danh sắc tuệ, Hiển duyên danh sắc tuệ), ba tuệ lấy níp bàn làm cảnh (Chuyển tộc tuệ, Đạo tuệ, Quả tuệ), một tuệ lấy đạo quả níp bàn và phiền não đã trừ làm cảnh (phản khán tuệ).

Mười sáu tuệ thứ tự như sau:

(1) Phân định danh sắc tuệ (nāmarūpaparicchedañāṇa)

(2) Hiển duyên danh sắc tuệ (nāmarūpapaccayapariggahañāṇa)

(3) Thẩm sát tuệ (sammasanañāṇa)

(4) Sanh diệt tuệ (udayabbayañāṇa)

(5) Hoại tán tuệ (bhaṅgañāṇa)

(6) Kinh úy tuệ (bhayañāṇa)

(7) Nguy hại tuệ (ādīnavañāṇa)

(8) Yếm ố tuệ (nibbidāñāṇa)

(9) Dục thoát tuệ (muñcitukamyatāñāṇa)

(10) Giãn trạch tuệ (paṭisaṅkhāñāṇa)

(11) Hành xã tuệ (saṅkhārupekkhāñāṇa)

(12) Thuận thứ tuệ (anulomañāṇa)

(13) Chuyển tộc tuệ (gotrabhūñāṇa)

(14) Đạo tuệ (maggañāṇa)

(15) Quả tuệ (phalañāṇa)

(16) Phản khán tuệ (paccavekkhaṇañāṇa)

(còn tiếp)

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu