Môn học: Thắng Pháp Toát Yếu - Bài 75. CHƯƠNG IX. TOÁT YẾU NGHIỆP XỨ  (Kammaṭṭhānasaṅgaha) “tiếp theo”

Môn học: Thắng Pháp Toát Yếu - Bài 75. CHƯƠNG IX. TOÁT YẾU NGHIỆP XỨ (Kammaṭṭhānasaṅgaha) “tiếp theo”

Monday, 09/05/2022, 09:45 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Toát Yếu

Bài học ngày 9.5.2022


Bài 75.

CHƯƠNG IX. TOÁT YẾU NGHIỆP XỨ (Kammaṭṭhānasaṅgaha) “tiếp theo”

d. Thất tịnh (visuddhi) là bảy giai đoạn thanh tịnh của hành trình giải thoát:

Trong kinh Trạm xe (Rathavinītasutta), Trung bộ kinh, bài số 24 – Bảy Tịnh Pháp được thí dụ như bảy trạm xe. Nhà vua đi từ Sāvatthi đến Sāketa, chặng đường dài được bố trí mỗi quãng đường có một trạm dừng chân để thay đổi xe và ngựa. Từ thành Sāvatthi đến thành Sāketa có bảy trạm. Vua phải đi qua tuần tự bảy trạm xe mới đến nơi. Cũng vậy, hành trình tu tập đến giải thoát, vị hành giả phải tuần tự thực hành bảy pháp tịnh là giới tịnh, tâm tịnh, kiến tịnh, đoạn nghi tịnh, đạo phi đạo tri kiến tịnh, hành lộ tri kiến tịnh và tri kiến tịnh.

Giới tịnh (Sīlavisuddhi) là sự thanh tịnh về giới hạnh, nghiêm trì giới luật làm cho thân khẩu ý được trong sạch. Hành giả, là vị tu sĩ phải thực thi tứ thanh tịnh giới (biệt giải thoát thu thúc giới, lục căn thu thúc giới, tưởng mạng thanh tịnh giới, nhu yếu thọ dụng giới). Hành giả là cư sĩ phải thực thi một trong bốn loại giới tại gia (ngũ giới, bát quan trai giới, thập giới, hượt mạng đệ bát giới – Ājīvaṭṭhamakasīla).

Khi hành giả có giới tịnh mới an trú tâm bất hối, không nóng nảy, và tiến hành tâm tịnh được.

Tâm tịnh (cittavisuddhi) là an định nội tâm, tâm được vắng lặng năm triền cái (nīvaraṇa). Có ba loại định tâm (samādhi) là kiên cố định (appanāsamādhi), cận hành định (upacārasamādhi), và sát na định (khaṇikasamādhi).

Có hai hạng hành giả tu tiến quán nghiệp xứ: Hạng samathayānika (chỉ thừa), hạng vipassanāyānika (quán thừa).

Hạng hành giả chỉ thừa (samathayānika) là người có thiền chỉ làm phương tiện, tức là tu tiến thiền chỉ trước, đắc kiên cố định (appanāsamādhi) hoặc cận hành định (upacārasamādhi) rồi dùng định này làm phương tiện để tu tiến thiền quán.

Hạng hành giả quán thừa (vipassanāyānika) cũng gọi là hành giả quán khô (sukkhavipassaka), hạng hành giả này không tu thiền chỉ, mà nhiếp tâm chánh niệm vào đề mục minh sát, tập trung trên đối tượng quán và đè nén các triền cái, gọi là sát na định (khaṇikasamādhi), lấy sát na định làm phương tiện tu tiến thiền quán. Vì hành giả tu quán này “khô thiền”, không có thiền chỉ làm phương tiện nên gọi là “quán khô” (sukkhavipassaka).

Kiến tịnh (diṭṭhivisuddhi) là sự thanh tịnh tri kiến, chánh kiến sanh khởi.

Giai đoạn kiến tịnh là giai đọan khởi lên tuệ phân định danh sắc (nāmarūpaparicchedañāṇa).

Hành giả có cái nhìn phân định “đây là danh, đây là sắc”; thấy danh sắc qua năm uẩn (khandha), thấy danh sắc qua 12 xứ (āyatana), thấy danh sắc qua mười tám giới (dhātu).

Tuệ là chánh kiến về danh sắc, đó gọi là kiến tịnh.

Đoạn nghi tịnh (kaṅkhāvitaraṇavisuddhi) là sự thanh tịnh của trí tuệ vượt qua sự hoài nghi tam thế: phá tan hoài nghi quá khứ, phá tan hoài nghi vị lai, phá tan hoài nghi hiện tại.

Giai đoạn Đoạn nghi tịnh là giai đoạn khởi lên tuệ hiển duyên danh sắc (nāmarūpapaccayapariggahañāṇa).

Hành giả nghiệm ra tứ thực (āhāra) là duyên trợ sanh danh sắc; Hoặc nghiệm ra căn, cảnh, thức và nghiệp là duyên trợ sanh danh sắc; Hoặc nghiệm ra y tương sinh là duyên sanh ra danh sắc; Hoặc nghiệm ra ba luân là duyên sanh ra danh sắc ..v.v..

Chính nhờ trí nghiệm ra duyên sanh danh sắc mà hành giả dẹp tan các mối nghi hoặc nên gọi là đoạn nghi tịnh.

Đạo phi đạo tri kiến tịnh (maggāmaggañāṇadassanavisuddhi) là sự thanh tịnh tri kiến do trí biết rõ đạo (magga) và phi đạo (amagga).

Thế nào?

Giai đoạn tịnh này là hành giả sanh khởi Thẩm sát tuệ (sammasanañāṇa) và sanh diệt tuệ (udayabbayañāṇa).

Hành giả tùy quán ba tướng phổ thông đối với danh sắc ngũ uẩn; Thấy danh sắc là vô thường (anicca) vì tính chất tạm bợ, diễn biến sanh rồi diệt, có rồi mất; Thấy danh sắc là khổ vì tính chất biến hoại không ngừng, bức xúc, bất toại; Thấy danh sắc là vô ngã vì tính chất rỗng không, vô quyền năng. Đây gọi là Thẩm sát tuệ.

Sau khi tùy quán tam tướng, hành giả nhận thấy danh sắc rốt ráo chỉ là hiện tượng sanh diệt, từ hiện tượng sanh diệt của danh sắc mà có tính chất vô thường, khổ, vô ngã, nên hành giả tác ý đến sanh diệt thôi. Đây gọi là Sanh diệt tuệ.

Chính trong giai đoạn này mười tùy phiền não sẽ quán hiện ra nơi hành giả [tùy phiền não quán (vipassanūpakilesa) là ánh sáng, tiệp tuệ, hoan hỷ, yên tịnh, an lạc, xác tín, cần dõng, cường niệm, xả nhiên và khát vọng] và do đó dễ bị vướng mắc ngộ nhận. Nếu hành giả giữ vững lập trường, không chú ý tới ánh sáng ..v.v.. thì đạo và phi đạo sẽ phân ranh rõ ràng, nên giai đoạn này được gọi là Đạo phi đạo tri kiến tịnh.

Hành lộ tri kiến tịnh (paṭipadāñāṇadassanavisuddhi) là sự thanh tịnh tri kiến do hành trình tuệ quán tuần tự dẫn đến đích điểm. Cũng ví như một người đi vào thạch động để khám phá. Sau khi đi qua các ngõ ngách, cuối cùng hiện ra một lối đi dẫn tới điểm sáng phía trước. Cũng vậy cuối hành lộ tri kiến tịnh là điểm sáng giải thoát.

Hành lộ tri kiến tịnh là giai đoạn sanh khởi chín thứ tuệ quán tuần tự: Dõng lực sanh diệt tuệ (balavudayabbayañāṇa), Hoại tán tuệ (bhaṅgañaṇa), Kinh úy tuệ (bhayañāṇa), Nguy hoại tuệ (ādīnavañāṇa), Yếm ố tuệ (nibbidāñāṇa), Dục thoát tuệ (muñcitukamyatāñāṇa), Giãn trạch tuệ (paṭisaṅkhāñāṇa), Hành xã tuệ (saṅkhārupekkhāñāṇa), và Thuận thứ tuệ (anulomañāṇa).

Từ tuệ thẩm sát (sammasanañāṇa) đến tuệ Thuận thứ (anulomañāṇa) là mười tuệ quán (vipassanāñāṇa) lấy tam tướng là cảnh.

Tri kiến tịnh (ñāṇadassanavisuddhi) là sự thanh tịnh tri kiến, giai đoạn cuối cùng của hành trình minh sát, đạt tới giải thoát (vimokkha).

Giai đoạn tri kiến tịnh có bốn tuệ là Chuyển tộc tuệ (gotrabhūñāṇa), Đạo tuệ (maggañāṇa), Quả tuệ (phalañāṇa), và phản khán tuệ (paccavekkhanañāṇa). Đến đây đã đủ mười sáu tuệ.

Chuyển tộc tuệ (gotrabhūñāṇa) là tuệ chấm dứt phàm chủng tánh (puthujjanagottaṃ abhibhūyati) để bước qua thánh chủng tánh (ariyagotta).

Chuyển tộc tuệ lấy Níp bàn làm cảnh nhưng vẫn còn là tuệ hiệp thế (trí đổng lực thiện dục giới). Trong lộ đắc đạo, sát na chuẩn bị, sát na cận hành, sát na thuận thứ và sát na chuyển tộc đồng một thứ tâm là tâm thiện dục giới hợp trí.

Chuyển tộc tuệ là giao điểm giữa phàm phu tánh và thánh tánh, dẫn xuất minh sát và dẫn nhập thánh đạo.

Đạo tuệ (maggañaṇa) chính là sát na tâm đạo tiếp nối sát na chuyển tộc trong lộ đắc đạo (maggavīthi). Tuệ thánh đạo thuộc lãnh vực siêu thế (lokuttarabhūmi).

Có bốn thứ Đạo tuệ:

a. Sơ đạo tuệ (paṭhamamaggañāṇa) là dự lưu đạo hay Tu đà hườn đạo (sotāpattimagga), Tầng thánh đạo thứ nhất (paṭhamamagga). Thánh đạo này có mãnh lực tuyệt trừ ba kiết sử thấp là Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, đồng thời tuyệt trừ tham dẫn đọa xứ (apāyagamanīyarāga) và sân dẫn đọa xứ (apāyagamanīyapaṭigha).

b. Nhị đạo tuệ (dutiyamaggañāṇa) là thánh đạo thứ hai, tức là Nhất lai đạo hay Tư đà hàm đạo (sakadāgāmimagga). Thánh đạo này có tác dụng làm suy yếu dục tham kiết sử, phẫn nộ kiết sử, đồng thời làm hoại chủng tử tái sanh cõi dục quá hai đời.

c. Tam đạo tuệ (tatiyamaggañāṇa) là thánh đạo thứ ba, tức là Bất lai đạo hay A na hàm đạo (Anāgāmimagga). Thánh đạo này có mãnh lực tuyệt trừ hai kiết sử đã muội lược là tham dục kiết sử và phẫn nộ kiết sử, đồng thời làm hoại chủng tử tái sanh dục giới.

d. Tứ đạo tuệ (catutthamaggañāṇa) là thánh đạo thứ tư, đạo tột bực, tức là Ứng cúng đạo hay A la hán đạo (arahattamagga). Thánh đạo này tuyệt trừ năm thượng phần kiết sử là sắc ái, vô sắc ái, mạn, phóng dật và vô minh, đồng thời triệt tiêu chủng tử tái sanh luân hồi.

Đạo tuệ khởi lên trong lộ đắc đạo chỉ một sát na. Sát na sơ đạo thì sanh tiếp nối sát na chuyển tộc (gotrabhū). Sát na nhị đạo, tam đạo, tứ đạo thì sanh tiếp nối sát na khiết hóa (vodāna) – Tâm vodāna thay thế tâm gotrabhū. Thay vì là tâm chuyển tộc (chuyển hóa từ phàm chủng tánh sang thánh chủng tánh) thì đắc ba đạo cao, tâm nhị đạo, tam đạo và tứ đạo tiếp nối tâm khiết hóa (tinh khiết hơn, từ thánh tánh thấp lên thánh tánh cao).

Khi sát na tâm đạo diệt trợ liên tiếp sát na tâm quả siêu thế sanh khởi, gọi là quả tuệ.

Quả tuệ (phalañāṇa) chính là sát na tâm quả siêu thế sanh tiếp nối tâm đạo trong lộ đắc đạo (maggavīthi). Quả tuệ cũng thuộc lãnh vực siêu thế (lokuttarabhūmi).

Có bốn thứ quả tuệ:

a. Sơ quả tuệ (paṭhamaphalañāṇa) là thánh quả thứ nhất, tức là Dự lưu quả hay Tu Đà Hườn quả (sotāpattiphala). Sơ quả tuệ sanh khởi tiếp nối sơ đạo trong lộ đắc sơ đạo; Sơ quả tuệ khởi lên hai hay ba sát na. Khi đắc sơ đạo hành giả được gọi là người đạo Dự lưu (sotāpattimaggapuggala), và khi tâm sơ quả khởi lên, vị ấy trở thành bậc Thánh quả dự lưu (sotāpattiphalapuggala) Sơ đạo tuệ cắt đứt ba hạ phần kiết sử; Sơ quả tuệ lắng yên nên ba kiết sử ấy.

b. Nhị quả tuệ (dutiyaphalañāṇa) là thánh quả thứ hai, tức là Nhất lai quả hay Tư đà hàm quả (sakadāgamiphala). Nhị quả tuệ sanh khởi tiếp nối Nhị đạo tuệ trong lộ đắc nhị đạo; Nhị quả tuệ khởi lên hai hay ba sát na. Khi đắc nhị đạo gọi là người đạo Nhất lai (sakadāgāmimaggapuggala) và khi tâm Nhị quả khởi lên gọi là người quả Nhất Lai (sakadāgāmiphalapuggala). Nhị quả tuệ tạm lắng yên Dục ái và phẫn nộ, hai kiết sử mà Nhị Đạo tuệ đã làm suy yếu.

c. Tam quả tuệ (tatiyaphalañāṇa) là thánh quả thứ ba, tức là bất lai quả hay A na hàm quả (Anāgāmiphala). Tam quả tuệ sanh khởi tiếp nối Tam đạo tuệ trong lộ đắc tam đạo, Tam quả tuệ khởi lên hai hay ba sát na. Khi đắc tam đạo gọi là người đạo bất lai (Anāgāmimaggapuggala) và khi tâm tam quả khởi lên gọi là người quả bất lai (Anāgāmiphalapuggala). Tam quả tuệ lắng yên Dục ái và phẫn nộ, hai kiết sử mà tam đạo tuệ đã cắt đứt.

d. Tứ quả tuệ (catutthaphalañāṇa) là thánh quả thứ tư, tức là ứng cúng quả hay A la Hán quả (Arahattaphala). Tứ quả tuệ sanh khởi tiếp nối Tứ Đạo tuệ trong lộ đắc Tứ đạo. Tứ quả tuệ khởi lên hai hay ba sát na. Khi đắc tứ đạo gọi là người đạo ứng cúng (Arahattamaggapuggala) và khi tâm tứ quả khởi lên gọi là người quả ứng cúng (Arahattaphalapuggala). Tứ quả tuệ lắng yên sắc ái, vô sắc ái, mạn, phóng dật và vô minh, là năm thượng phần kiết sử mà tứ đạo tuệ đã cắt đứt.

Cũng nên biết rằng, Đạo tuệ (maggañāṇa) là Đoạn tận trí (khayeñāṇaṃ) bởi cắt đứt phiền não (kilesasamucchedana); Quả tuệ (phalañāṇa) là vô sanh trí (uppādenānaṃ) bởi lắng yên phiền não (kilesapassambhana).

Bây giờ nói đến Phản khán tuệ (paccavekkhaṇañāṇa).

Phản khán tuệ là tuệ thứ 16, và được kể là tuệ thuộc Tri kiến tịnh.

Hành giả sau khi chứng Đạo tuệ và quả tuệ liền quán xét lại những gì mình đã chứng và những gì mình đã đoạn trừ, tuệ quán xét ấy gọi là phản khán tuệ (paccavekkhaṇañāṇa).

Phản khán tuệ khởi lên trong lộ tâm ý môn thông thường với bảy sát na đổng lực thiện dục giới hợp trí, và lộ tâm làm việc phản khán ấy sẽ diễn ra vô số lộ tâm. Sau lộ đắc đạo (maggavīthi) và lộ nhập thiền quả (phalasamāpattivīthi) thường diễn ra lộ phản khán.

Các bậc thánh hữu học có năm tuệ phản khán là phản khán đạo tuệ đã chứng (maggapaccavekkhaṇa), phản khán quả tuệ đã đắc (phalapaccavekkhaṇa), phản khán níp bàn đã thể nhập (nibbānapaccavekkhaṇa), phản khán phiền não đã trừ (pahīnakilesapaccavekkhaṇa), và phản khán phiền não còn dư sót (avasiṭṭhakilesapaccavekkhaṇa). Hai tuệ phản khán phiền não có thể có, và có thể không đối với các bậc thánh hữu học.

Bậc thánh vô học (A La hán) có bốn tuệ phản khán là phản khán đạo tuệ đã chứng, phản khán quả tuệ đã đắc, phản khán níp bàn đã thể nhập, và phản khán phiền não đã trừ.

Tóm lại, Tri kiến tịnh là giai đoạn tịnh pháp cuối cùng trong thất tịnh, được kể là có bốn tuệ: Chuyển tộc tuệ, Đạo tuệ, Quả tuệ, và Phản khán tuệ. Thật ra, Đạo tuệ và Quả tuệ mới là chính trong Tri kiến tịnh vì đó là hai tuệ siêu thế. Còn Chuyển tộc tuệ và Phản khán tuệ là hai tuệ hiệp thế; Nhưng Chuyển tộc tuệ vì bắt cảnh níp bàn nên cũng được kể là Tri kiến tịnh; Phản khán tuệ sanh nơi cơ tánh của bậc thánh nên cũng được kể là Tri kiến tịnh.

e. Bốn hạng thánh nhân (Ariyapuggala)

Trong giáo pháp này, người diệt trừ được phiền não, đắc đạo quả siêu thế, giác ngộ níp bàn, gọi là thánh nhân (ariyapuggala).

Có bốn hạng thánh nhân: Thánh Dự lưu (Sotāpannapuggala), thánh Nhất lai (Sakadāgāmipuggala), Thánh bất lai (Anāgāmipuggala), và Thánh A La Hán (Arahattapuggala).

(1) Thánh Dự lưu (Sotāpannapuggala) là người chứng được tâm đạo dự lưu (sotāpattimaggacitta) hay sơ đạo (paṭhamamaggacitta) và chứng được tâm quả dự lưu (sotāpattiphalacitta) hay sơ quả (paṭhamaphalacitta). Kể từ sát na sơ quả trở đi gọi la thánh Dự lưu hay thánh Tu đà hườn (Sotāpanna).

Được gọi là Thánh Dự lưu vì vị ấy đã nhập vào dòng chảy dẫn đến níp bàn. Dòng chảy (sota) là bát thánh đạo.

Bậc dự lưu đã đoạn tận hai phiền não nghiêm trọng đó là tà kiến (thân kiến, giới cấm thủ) và hoài nghi. Vị ấy cũng đoạn trừ những đặc tính thô của những phiền não còn lại, là những đặc tính mà có thể dẫn xuống cõi khổ. Do đó bậc thánh Dự lưu nhất định không sanh vào khổ cảnh nữa.

Bậc dự lưu có niềm tin bất động đối với Phật (buddha), Pháp (dhamma), Tăng (saṅgha); Vị ấy tuân thủ kiên định năm giới và không vi phạm bất cứ điều nào trong mười bất thiện nghiệp đạo (akusalakammapātha). Bốn tâm tham căn tương ưng tà kiến tà kiến và tâm si căn tương ưng hoài nghi không sanh khởi nơi vị ấy nữa.

Thánh Dự lưu có ba hạng:

a. Hạng dự lưu còn bảy lần tái sanh (sattakkhattuparamasotāpanna)

b. Hạng dự lưu còn tái sanh hai ba đời (kolaṅkolasotāpanna)

c. Hạng dự lưu chỉ một kiếp này hoặc sanh một lần nữa rồi níp bàn (ekabījīsotapanna)

(2) Thánh Nhất lai (sakadāgāmipuggala) là người chứng được tâm đạo Nhất lai (sakadāgāmimaggacitta) hay nhị đạo (dutiyamaggacitta) và chứng được tâm quả Nhất lai (sakadāgāmiphalacitta) hay tâm nhị quả (dutiyaphalacitta). Kể từ sát na nhị quả trở đi gọi là thánh nhất lai hay thánh Tư đà hàm (sakadāgāmi).

Được gọi là thánh nhất lai vì vị ấy nếu còn sanh lại cõi dục thì chỉ một lần thôi, chắc chắn sẽ chứng A la Hán trong kiếp sống ấy.

Bậc Nhất lai thanh tịnh hơn Bậc Dự lưu, dù rằng chưa đoạn tuyệt bảy kiết sử cũng giống như bậc Dự lưu nhưng dục ái triền và phẫn nộ triền bậc Nhất lai đã làm suy yếu, nhẹ đi tánh ái, sân và si so với bậc dự lưu.

Bậc dự lưu (sotāpanna) tu tiến pháp quán (vipassanā) thêm nữa thì sẽ đạt đến đạo quả Nhất lai.

Bốn hạng thánh Nhất lai:

a. Hạng Nhất lai đắc ở cõi nầy rồi viên tịch cõi nầy (Idha patvā idha parinibbāyī).

b. Hạng Nhất lai đắc ở cõi nầy rồi sanh cõi khác viên tịch ở đấy (Idha patvā tattha parinibbāyī).

c. Hạng Nhất lai đắc ở cõi khác rồi viên tịch ở đấy (Tattha patvā tattha parinibbāyī).

d. Hạng Nhất lai đắc ở cõi khác sanh lại cõi này rồi viên tịch ở đây (Tattha patvā idha parinibbāyī).

(3) Thánh Bất lai (Ānāgāmipuggala)

Bậc Nhất lai tu tiến pháp quán thêm nữa sẽ chứng đạt đến thánh Bất lai. Thánh Bất Lai là người chứng được tâm đạo Bất Lai (Anāgāmimaggacitta) hay tam đạo (tatiyamaggacitta) và chứng được tâm quả Bất Lai (Anāgāmiphalacitta) hay tâm tam quả (tatiyaphalacitta). Kể từ sát na tam quả trở đi gọi là thánh Bất lai hay A na hàm (Anāgāmi).

Được gọi là thánh Bất lai vì vị ấy không còn sanh lại cõi dục giới nữa; Nếu trong đời này chưa chứng A la hán, vị ấy sẽ sanh vào cõi Phạm thiên, nhất là cõi Tịnh cư (suddhāvāsa) và chắc chắn sẽ níp bàn tại đấy.

Bậc thánh Bất lai hoàn toàn đoạn tận hai kiết sử là dục ái (kāmarāgasaṃyojana) và phẫn nộ (paṭighasaṃyojana), một vị A na hàm sẽ không có lòng ham muốn lạc thú cảnh trần, và không có sự tức giận, âu lo, sợ hãi hay thọ ưu nào.

Tâm của vị ấy an tịnh, nếu đã chứng thiền sắc và vô sắc, vị ấy cũng có thể nhập thiền diệt (nirodhasamāpatti), tức là diệt thọ tưởng định (vedayitasaññānirodhasamāpatti), làm ngừng sự hoạt động của tâm pháp.

Năm hạng thánh Bất lai:

a. Hạng Bất lai sanh lên cõi nào trong năm cõi tịnh cư khoảng giữa đời thì đắc A la hán, gọi là Trung thọ viên tịch (antarāparinibbāyī).

b. Hạng Bất lai sanh lên cõi nào trong năm cõi tịnh cư đến quá nữa đời sắp chết mới đắc A la hán, gọi là Mãn thọ viên tịch (upahaccaparinibbāyī).

c. Hạng Bất lai sanh lên cõi nào trong năm cõi tịnh cư, không cần gắng sức cũng dễ dàng đắc A la hán, gọi là Vô trợ viên tịch (asaṅkhāraparinibbāyī).

d. Hạng bất lai sanh lên cõi nào trong năm cõi tịnh cư, phải gắng sức mới đắc A la hán gọi là Hữu trợ viên tịch (sasaṅkhāraparinibbāyī).

e. Hạng bất lai sanh lên cõi tịnh cư, từ cõi vô phiền thiên, sanh tiếp cõi vô nhiệt thiên, rồi tiếp thiện hiện thiên, thiện kiến thiên, tới cuối cùng đến sắc cứu cánh thiên mới đắc A la hán, gọi là Thượng lưu sắc cứu cánh (uddhaṃsotākaniṭṭhagāmī).

(4) Thánh A la hán (Arahaṃ)

Bậc Bất lai tiếp tục phát triển pháp quán sẽ chứng đạt A la hán. Thánh A la hán là người chứng được tâm đạo A la hán (arahattamaggacitta) hay tâm tứ đạo (catutthamaggacitta), và chứng được tâm quả a la hán (arahattaphalacitta) hay tâm tứ quả (catutthaphalacitta). Kể từ sát na tứ quả trở đi gọi là thánh A la hán (Arahaṃ).

Vị A la hán là bậc đáng được trời người kính lễ và cúng dường để hưởng quả phước thù thắng. Nên cũng gọi Arahaṃ là bậc “Ưng Cúng”.

Vị A la hán là bậc đã phá vỡ bánh xe luân hồi sanh tử, không còn tái sanh nữa. Nên cũng gọi vị A la hán là bậc “vô sanh”.

Vị A la hán là bậc vô học (asekho) vì không cần trãi qua bất cứ sự tu tập nào nữa. Một vị đã quăng bỏ gánh nặng, việc nên làm đã làm xong. Bậc Dự lưu (sotāpanna), bậc Nhất lai (sakadāgāmi) và bậc Bất lai (anāgāmi) còn là bậc hữu học (sekho) vì còn phải tu tập thêm.

Vị A la hán là bậc hoàn toàn thanh tịnh vì đã đoạn trừ tất cả phiền não (kilesa), mọi kiết sử (saṃyojana) đã cắt đứt. Vị ấy không có tâm bất thiện (akusalacitta), kể cả tâm thiện cũng không. Tâm sanh (cittuppāda) của bậc A la hán chỉ là tâm tố hay tâm duy tác (kiriyācitta).

Có sáu hạng A la hán:

a. Hạng A la hán tín giải thoát (saddhāvimutto). Đây là bậc A la hán không có thiền, chỉ nhờ tu quán có tín quyền mạnh mà đạt được giải thoát, đoạn tận khổ.

b. Hạng A la hán Tuệ giải thoát (paññāvimutto). Đây là bậc A la hán cũng không có thiền, nhờ tu quán có tuệ quyền mạnh mà đạt được giải thoát, đoạn tận khổ.

c. Hạng A la hán câu phần giải thoát (ubhatobhāgavimutto), là bậc A la hán có chứng thiền định trước mới đắc quả giải thoát sau. Cũng gọi là bậc A la hán tâm giải thoát (cetovimutto).

d. Hạng A la hán tam minh (tevijjo), là vị A la hán đắc đạo quả hữu thiền, chứng ba minh là túc mạng minh, sanh tử minh và lậu tận minh.

e. Hạng A la hán lục thông (chalabhiñño) là vị A la hán đắc đạo quả hữu thiền, chứng được sáu thông là biến hóa thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thiên nhãn thông, và lậu tận thông.

Hạng A la hán tứ đạt thông (paṭisambhidāpabhedappatto), là vị A la hán vừa khi chứng đạo quả A la hán đồng thời đắc bốn tuệ phân tích là pháp đạt thông, nghĩa đạt thông, ngữ đạt thông và biện tài đạt thông.

(Dứt phần Toát Yếu Nghiệp Xứ, kết thúc giáo trình Thắng Pháp Toát Yếu)

Biên soạn : Tỳ kheo Tuệ Siêu