Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma - BÀI 57. CHƯƠNG VII. TOÁT YẾU TÂM NGOẠI LỘ (Vīthimuttacittasaṅgaha) - Tổng Quan

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma - BÀI 57. CHƯƠNG VII. TOÁT YẾU TÂM NGOẠI LỘ (Vīthimuttacittasaṅgaha) - Tổng Quan

Sunday, 06/02/2022, 09:26 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 6.2.2022


BÀI 57.

CHƯƠNG VII. TOÁT YẾU TÂM NGOẠI LỘ (Vīthimuttacittasaṅgaha)

Tổng Quan

Hầu hết những khía cạnh tâm lý đã được đề cập trong giáo trình nầy nói về hoạt thức. Điều nầy không có nghĩa là tiềm thức – bhavaṅga – không quan trọng. Phải nói rằng một người học Thắng Pháp không thể không biết về vai trò của tiềm thức trong cuộc sống. Để hiểu rõ cần phải nói về ba lãnh vực: người, cõi, và nghiệp. Ba lãnh vực nầy trực tiếp nói lên vai trò của các tâm quả – những thứ tâm đóng vai trò tục sinh, tiềm thức, và mệnh chung. Tiềm thức còn nói lên cá tính trong hiện kiếp và ảnh hưởng đối với hoạt thức. Rất thú vị là trong Luận Tạng của Phật giáo Bắc Truyền lại đề cập đến tiềm thức qua “tàng thức” hay a lại da thức.

Cả ba lãnh vực người, cõi, và nghiệp đều được nói tới trong Kinh Tạng nhưng chính Thắng Pháp Tạng trình bày một cách tế nhị hơn. Cụ thể mà nói thì Kinh Tạng không nói về bhavaṅga – tiềm thức vì thuộc về bản thể vi tế.

Cũng chính khi nói về người, cõi, nghiệp sẽ “hoá giải” một số dị biệt giữa Kinh Tạng và Thắng Pháp Tạng như khi nói về bốn thiền chứng và năm thiền chứng; hoặc giải thích tại sao có những chúng sanh ưu việt về thần lực như long chủng lại không thể chứng đắc thiền định, đạo quả (…)

Tất nhiên dù nói thế nào thì qua những trình bày về cả hai hiện tượng vật chất cũng như tâm lý thì Phật Pháp dạy rõ tại sao “tam giới như hoả trạch” vì sự hiện hữu của tất cả pháp hữu vi đều mang cả ba đặc tính: sanh diệt, bất toàn, không nằm trong bất cứ chủ quyền hằng hữu nào.


Trong chương IV đã đề cập đến tiến trình tâm lộ. Nay sẽ nói đến những tâm ngoại lộ (Vīthimuttacitta) là những tâm làm việc tục sinh, hữu phần và tử cho chúng sanh trong các cõi.

Các tâm ngoại lộ này là 19 tâm tục sinh, gồm: 2 tâm quả vô nhân ý thức giới thọ xả, 8 tâm quả dục giới hữu nhân, 5 tâm quả sắc giới, và 4 tâm quả vô sắc giới. Tuy nhiên, 2 tâm quả vô nhân ý thức giới thọ xả (tức 2 tâm quan sát thọ xả) đôi khi là tâm lộ (vīthicitta), lúc làm việc quan sát trong lộ ngũ môn, làm việc mót cảnh trong lộ ngũ môn và lộ ý môn; 8 tâm quả dục giới hữu nhân (tức 8 tâm đại quả) đôi khi là tâm lộ (vīthicitta), lúc làm việc mót cảnh trong lộ ngũ và lộ ý.

Mười chín tâm ngoại lộ này làm việc tục sinh cho các chúng sinh sanh vào những cõi tương ứng, rồi sau đó làm việc hữu phần (bhavaṅga) và việc tử (cuti) luôn cho các chúng sanh ấy.

Tâm quả bất thiện ý thức giới thọ xả (tâm quan sát quả bất thiện) là tâm làm việc tục sinh cho người khổ vô nhân (duggati ahetukapuggala) trong cõi bất hạnh (apāyabhūmi).

Tâm quả bất thiện vô nhân ý thức giới thọ xả (âm quan sát quả thiện thọ xả) là tâm làm việc tục sinh cho người lạc vô nhân (sugati ahetukapuggala) trong cõi vui dục giới thấp (kāmasugatibhūmi) là cõi Nhân loại và cõi Tứ đại thiên vương.

Bốn tâm đại quả ly trí là tâm làm việc tục sinh cho người nhị nhân (dvihetukapuggala) trong bảy cõi vui dục giới (kāmasugatibhūmi) là cõi Nhân loại, cõi Tứ đại thiên vương, cõi Đao lợi, Cõi Dạ ma, cõi Đâu suất, cõi Hóa lạc, và cõi Tha hóa tự tại.

Bốn tâm đại quả hợp trí là tâm làm việc tục sinh cho người tam nhân (tihetukapuggala) trong bảy cõi vui dục giới (kāmasugatibhūmi) là cõi nhân loại, ..vv..

Tâm quả sơ thiền sắc giới làm việc tục sinh cho người tam nhân (tihetukapuggala) trong ba cõi sắc giới sơ thiền (paṭhamajjhānarūpabhūmi) là cõi: Phạm chúng thiên, cõi Phạm phụ Thiên, cõi Đại phạm thiên.

Tâm quả nhị thiền và tâm quả tam thiền sắc giới làm việc tục sinh cho người tam nhân (tihetukapuggala) trong ba cõi sắc giới nhị thiền (dutiyajjhānarūpabhūmi) là cõi: Thiểu quang thiên, cõi Vô lượng quang thiên, cõi Biến quang thiên.

Tâm quả tứ thiền sắc giới làm việc tục sinh cho người tam nhân (tihetukapuggala) trong ba cõi sắc giới tam thiền (tatiyajjhānarūpabhūmi) là: cõi Thiểu tịnh thiên, cõi Vô lượng tịnh thiên, Cõi biến tịnh thiên.

Tâm quả ngũ thiền sắc giới làm việc tục sinh cho người tam nhân (tihetukapuggala) trong sáu cõi sắc giới tứ thiền (catutthajjhānarūpabhūmi) không kể cõi vô tưởng, sáu cõi tứ thiền hữu tưởng là: cõi Quảng quả thiên và năm cõi Tịnh cư: Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên, Thiện kiến thiên, Thiện hiện thiên và Sắc cứu cánh thiên.

Tâm quả Không vô biên xứ làm việc tục sinh cho người tam nhân (tihetukapuggala) trong cõi Vô sắc Không vô biên xứ (Ākāsānañcāyatana – arūpabhūmi).

Tâm quả Thức vô biên xứ làm việc tục sinh cho người tam nhân (tihetukapuggala) trong cõi vô sắc thức vô biên xứ (viññāṇañcāyatana – arūpabhūmi).

Tâm quả Vô sở hữu xứ làm việc tục sinh cho người tam nhân (tihetukapuggala) trong cõi vô sắc vô sở hữu xứ (Ākiñcaññāyatana – arūpabhūmi).

Tâm quả Phi tưởng phi phi tưởng xứ làm việc tục sinh cho người tam nhân (tihetukapuggala) cõi vô sắc phi tưởng phi phi tưởng xứ (Nevasaññānāsaññāyatana-arūpabhūmi).

Chú thích: Người nhị nhân và người tam nhân trong cõi trời dục giới gọi là Thiên tiên (deva hay devatā), người tam nhân trong cõi Sắc giới và cõi Vô sắc giới gọi là Phạm thiên (Brahma)

Liên quan đến tâm ngoại lộ cần phải biết về Người (puggala), cõi (bhūmi), nghiệp (kamma) và tử (maraṇa).


Bài đã học:

Bài 56. TOÁT YẾU HÀM TẬN (Sabbasaṅgaha)

TỨ THÁNH ĐẾ

Bài học tiếp theo:

Bài 58. Chương VII. TOÁT YẾU TÂM NGOẠI LỘ (Vīthimuttacittasaṅgaha)

GIẢI VỀ 12 HẠNG NGƯỜI (Puggalabheda)


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng