- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma
Bài học ngày 21.11.2021
Chương VI. TOÁT YẾU TƯƠNG TẬP (Samuccayasaṅgaha)
BÀI 39. TOÁT YẾU BẤT THIỆN (Akusalasaṅgaha)
Về Tứ lậu (cattāro āsavā) _ Tứ bộc (cattāro oghā) _ Tứ phối (cattāro yogā) _ Tứ phược (cattāro ganthā) và Tứ thủ (cattāro upādānā)
Phiền não là một đề tài lớn trong Thắng Pháp. Không phải tất cả phiền não đều có tác động giống nhau mặc dù có thể được liệt kê cùng nhóm, cùng loại. Những liệt kê trong bài học nầy đặc biệt liên hệ đến lực đẩy của luân hồi sanh tử. Sự tái tục của vòng luân hồi không đơn giản là sự đưa đẩy tình cờ mà được tiếp diễn bởi những phiền não mang ảnh hưởng rộng lớn mà đôi khi với một người thật tỉnh táo cũng không nhận ra. Những trùng lập trong bài nầy cho thấy một khía cạnh thú vị khác của điều pháp và chi pháp.
Có 72 pháp thực tính gọi là pháp tương tập. Đó là Tâm, 52 Tâm sở, 18 sắc thành tựu và níp bàn.
121 tâm chỉ là một trạng thái biết cảnh, nên kể là 1 pháp.
52 tâm sở là 52 trạng thái khác nhau tương ưng tâm, nên kể là 52 pháp.
28 sắc pháp, trong đó 18 sắc thành (nipphannarūpa) là chính thức được tạo thành bởi bốn nhân (nghiệp, tâm, quí tiết và vật thực), nên chỉ kể là 18 pháp.
Níp bàn là trạng thái tịch tịnh, nên kể là 1 pháp.
Toát yếu tương tập là gom lại những pháp có đặc tính tương đồng.
Tương tập _ samuccaya. Có pāli chú giải: saha uccīyante etthā 'ti samuccayo (chứa đựng tính tương đồng, gọi là tương tập).
Sampiṇḍetvā uccīyante etenā 'ti samuccayo (Tập hợp điểm tựu trung, gọi là tương tập).
Tâm, tâm sở, sắc pháp và níp bàn gom thành 27 sắc pháp tương tập, phân ra có 4 nhóm:
A. Toát yếu bất thiện (Akusalasaṅgaha)
B. Toát yếu hổn hợp (Missakasaṅgaha)
C. Toát yếu giác phần (Bodhipakkhiyasaṅgaha)
D. Toát yếu hàm tận (Sabbasaṅgaha)
A. Toát yếu bất thiện (Akusalasaṅgaha)
Tập hợp những pháp có tính chất không tốt gọi là toát yếu bất thiện. Có chín pháp như sau:
1. Tứ lậu (cattāro āsavā)
2. Tứ bộc (cattāro oghā)
3. Tứ phối (cattāro yogā)
4. Tứ phược (cattāro ganthā)
5. Tứ thủ (cattāro upādānā)
6. Lục cái (cha nīvaraṇāni)
7. Thất tiềm miên (satta anusayā)
8. Thập triền (dasa saṃyojanā)
9. Thập phiền não (dasa kilesā)
Giải thích:
1. Tứ lậu (cattāro āsavā). Lậu hay lậu hoặc _ āsava, là tẩm, ngâm …v.v… như cây ngâm trong nước lâu ngày. Chúng sanh bị tẩm bởi tham, tà kiến, si mê nên bị biến chất, bị chìm đắm trong luân hồi. Có 4 lậu:
1/ Dục lậu (kāmāsavo) là sự ham muốn các dục lạc (sắc, thinh, hương, vị, xúc). Chi pháp là tham tâm sở.
2/ Hữu lậu (bhavāsavo) là sự ham thích trong sắc hữu và vô sắc hữu, hoặc ham muốn sự tái sanh ba cõi. Chi pháp cũng là tâm sở tham.
3/ Kiến lậu (diṭṭhāsavo) và chấp tà kiến sai lạc, thường kiến và đoạn kiến. Chi pháp là tâm sở tà kiến.
4/ Vô minh lậu (avijjāsavo) là si mê, ngu muội, không hiểu chân lý. Chi pháp là tâm sở si.
2. Tứ bộc (cattāro oghā). Bộc hay bộc lưu _ ogha, là những dòng chảy xiết, lũ lụt …v.v… Tham, tà kiến, si mê như là dòng nước lũ cuốn trôi chúng sanh và nhận chìm trong biển khổ luân hồi. Có 4 bộc lưu:
1/ Dục bộc (kāmogho), sự tham đắm các dục. Chi pháp là tâm sở tham.
2/ Hữu bộc (bhavogho), sự tham muốn trong sắc hữu và vô sắc hữu, hoặc tham muốn tái sanh ba cõi. Chi pháp cũng là tâm sở tham.
3/ Kiến bộc (diṭṭhogho), sự chấp tà kiến sai lạc, thường kiến và đoạn kiến. Chi pháp là tâm sở tà kiến.
4/ Vô minh bộc (avijjogho), sự si mê, ngu muội, không hiểu chân lý. Chi pháp là tâm sở si.
3. Tứ phối (cattāro yogā). Phối _ yoga, còn gọi là kết, ách, là thứ làm cho chúng sanh bị dính mắc vào bánh xe luân hồi. Cũng như con trâu hay bò bị mang cái ách để kéo chiếc xe vậy. Có 4 phối:
1/ Dục phối (kāmayogo), sự tham đắm dục lạc ngũ trần như cái ách. Chi pháp là tâm sở tham.
2/ Hữu phối (bhavayogo), sự tham muốn trong sắc hữu và vô sắc hữu, hoặc tham muốn tái sanh ba cõi. Chi pháp cũng là tâm sở tham.
3/ Kiến phối (diṭṭhiyogo), sự chấp tà kiến sai lạc, thường kiến và đoạn kiến. Cũng dịch là kiến ách, tà kiến như cái ách kết buộc chúng sanh. Chi pháp là tâm sở tà kiến.
4/ Vô minh phối hay vô minh ách (avijjāyogo), sự si mê, ngu muội, không hiểu chân lý; vô minh như cái cách kết buộc chúng sanh vào bánh xe luân hồi. Chi pháp là tâm sở si.
Tứ lậu, tứ bộc, tứ phối có điều pháp và chi pháp giống nhau, chỉ khác tên gọi thôi. Có 4 điều pháp là dục, hữu, kiến, và vô minh. Có 3 chi pháp là tâm sở tham (dục lậu, hữu lậu …v.v…), tâm sở tà kiến (kiến lậu …v.v…), tâm sở si (vô minh lậu …v.v…).
4. Tứ phược (cattāro ganthā). Phược _ gantha, là cột trói; Nói đủ là thân phược kāyagantha. Thân kāya gồm có danh thân (nāmakāya) và sắc thân (rūpakāya); Thân phược là sự trói chặc thân danh sắc. Chúng sanh khi vướng vào ác pháp nầy rồi sẽ làm cho thân tâm bị cột trói khó gỡ ra. Có 4 thân phược:
1/ Ái luyến thân phược (abhjjhākāyagantho), sự say đắm dục lạc ngũ trần làm cho thân tâm bị trói chặc. Chi pháp nầy là tâm sở tham.
2/ Sân oán thân phược (byāpādakāyagantho), sự thù hận oan trái làm cho thân tâm bị trói chặc. Chi pháp nầy là tâm sở sân.
3/ Giới chấp thân phược (sīlabbataparāmāsakāyagantho), sự chấp trì hạnh tu cực đoan làm cho thân tâm bị trói chặc. Chi pháp nầy là tâm sở tà kiến.
4/ Thử thực chấp thân phược (idaṃsaccābhinivesakāyagantho), sự cố chấp nghĩ rằng chỉ đây là đúng, người khác nói là sai, làm cho thân tâm bị trói chặc. Chi pháp nầy cũng là tâm sở tà kiến.
5. Tứ thủ (cattāro upādānā). Thủ _ upādāna, là nắm giữ, chấp thủ, bảo thủ. Có 4 chấp thủ:
1/ Dục thủ (kāmupādānaṃ), say đắm dục lạc ngũ trần rồi ôm ấp đam mê lạc ấy. Chi pháp dục thủ là tâm sở tham.
2/ Kiến thủ (diṭṭhupādānaṃ), chấp giữ quan điểm sai lầm như thường kiến, đoạn kiến, vô hành kiến, vô nhân kiến, vô hữu kiến …v.v… Chi pháp kiến thủ là tâm sở tà kiến.
3/ Giới cấm thủ (sīlabbatupādānaṃ), chấp giữ những giới điều vô ích, sai lạc, mà nghĩ là đúng. Chi pháp giới cấm thủ cũng là tâm sở tà kiến.
4/ Ngã luận thủ (attavādupādānaṃ), chấp giữ quan điểm về bản ngã đối với ngũ uẩn, cho rằng sắc thọ tưởng hành thức là ngã, hay ngã là sắc thọ tưởng hành thức. Chi pháp ngã luận thủ cũng là tâm sở tà kiến.
Bài học trước: Bài 38. Toát yếu tương tập (Samuccayasaṅgaha) _ TỔNG QUAN
Bài học tiếp theo: Bài 40. Toát yếu bất thiện (Akusalasaṅgaha) “tiếp theo”
Về Lục cái (cha nīvaranṇāni) và Thất tiềm miên (satt'ānusayā)
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng