- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma
Bài học ngày 10.10.2021
Bài 28. Lộ ý môn thời cận tử (Maraṇāsannavīthi)
Lộ ý môn diễn ra lần cuối của kiếp sống trước khi chết, gọi là lộ ý môn thời cận tử.
Phàm nhân và thánh hữu học có thể chết bằng lộ ngũ môn, gọi là lộ ngũ môn cận tử (pañcadvāramaraṇāsannavīthi), có thể chết bằng lộ ý môn, gọi là lộ ý môn cận tử (manodvāramaraṇāsannavīthi), Bậc A la hán thì luôn luôn tử bằng lộ ý môn; Lộ ý môn cận tử của bậc A la hán gọi là lộ ý môn viên tịch để phân biệt với lộ ý môn cận tử của phàm nhân và thánh hữu học.; Lộ ý cận tử thì có tâm tái tục tiếp nối, còn lộ viên tịch thì chấm dứt tái sanh.
Lộ ý môn cận tử có 3 trường hợp:
1. Lộ cận tử của phàm nhân và thánh hữu học
2. Lộ viên tịch thông thường của bậc A la hán
3. Lộ viên tịch đặc biệt của bậc A la hán
1. Lộ ý cận tử của phàm nhân thánh hữu học có 4 cách:
a. Chót mót cảnh, liền tử
b. Chót mót cảnh, xen hữu phần rồi tử
c. Chót đổng lực, liền tử
d. Chót đổng lực, xen hữu phần rồi tử
Diễn trình bốn lộ ý cận tử nầy như sau:
1a. Lộ ý cận tử chót mót cảnh, liền tử
· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực (5) > Mót cảnh (2) > Tâm tử (1) > Tâm tái tục kiếp sống mới.
1b. Lộ ý cận tử chót mót cảnh, xen hữu phần rồi tử
· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực (5) > Mót cảnh (2) > Hữu phần (1) > Tâm tử (1) > Tâm tái tục kiếp sống mới.
1c. Lộ ý cận tử chót đổng lực, liền tử
· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực (5) > Tâm tử (1) > Tâm tái tục kiếp sống mới.
1d. Lộ ý môn cận tử chót đổng lực, xen hữu phần phần rồi tử
· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực (5) > Tâm tử (1) > Hữu phần (1) > Tâm tử (1) Tâm tái tục kiếp sống mới.
Nhận xét:
Hai lộ ý cận tử chót mót cảnh (1a và 1b) có 8 chập tâm là 1 sát na khai ý môn, 5 sát na đổng lực, 2 sát na mót cảnh _ có 3 chặng là chặng khai môn, chẳng đổng lực và chặn mót cảnh _ có 32 thứ tâm là 1 tâm khai ý môn, 12 đổng lực bất thiện, 8 đổng lực đại thiện, 11 tâm mót cảnh.
Hai lộ ý cận tử chót đổng lực (1c và 1d) có 6 chập tâm vì không có 2 sát na mót cảnh) _ có 2 chặng là chặng khai môn và chặng đổng lực _ Có 21 thứ tâm là 1 tâm khai ý môn, 12 đổng lực bất thiện, 8 đổng lực đại thiện.
2. Lộ viên tịch thông thường của bậc A la hán có 4 cách:
a. Chót mót cảnh, liền viên tịch
b. Chót mót cảnh, xen hữu phần rồi viên tịch
c. Chót đổng lực, liền viên tịch
d. Chót đổng lực, xen hữu phần rồi viên tịch
Diễn trình bốn lộ viên tịch nầy như sau:
2a. Lộ viên tịch chót mót cảnh, liền viên tịch
· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực (5) > Mót cảnh (2) > Tâm tử, vô dư níp bàn.
2b. Lộ viên tịch chót mót cảnh, xen hữu phần rồi viên tịch
· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực (5) > Mót cảnh (2) > Hữu phần (1) > Tâm tử, vô dư níp bàn.
2c. Lộ viên tịch chót đổng lực, liền viên tịch
· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực (5) > Tâm tử, vô dư níp bàn.
2d. Lộ viên tịch chót đổng lực, xen hữu phần rồi viên tịch
· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực (5) > Hữu phần (1) > Tâm tử, vô dư níp bàn.
Nhận xét:
Hai lộ viên tịch chót mót cảnh (2a và 2b) có 8 chập tâm là 1 sát na khai ý môn, 5 sát na đổng lực, 2 sát na mót cảnh _ có 3 chặng là chặng khai môn, chặng đổng lực và chặng mót cảnh _ có 21 thứ tâm là 1 tâm khai ý môn, 9 tâm đổng lực tố dục giới, 11 tâm mót cảnh.
Hai lộ viên tịch chót đổng lực (2c và 2d) có 6 chập tâm vì không có 2 sát na mót cảnh _ có 2 chặng là chặng khai môn và chặng đổng lực _ có 10 thứ tâm là 1 tâm khai ý môn và 9 tâm đổng lực tố dục giới.
3. Lộ viên tịch đặc biệt của bậc A lan hán có 4 cách:
a. Lộ viên tịch liên thiền (jhānasamanantaravīthi)
b. Lộ viên tịch phản khán (paccavekkhaṇasamanantaravīthi)
c. Lộ viên tịch liên thông (abhiññāsamanantaravīthi)
d. Lộ viên tịch đắc đạo tột mạng (jīvitasamasīsīvīthi)
3a. Lộ viên tịch liên thiền (jhānasamanantaravīthi)
Diễn trình như sau:
· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Chuẩn bị (1) > Cận hành (1) > Thuận thứ (1) > Chuyển tộc (1) >Tâm thiền sanh vô số sát na > Tâm tử, vô dư níp bàn.
· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Chuẩn bị (1) > Cận hành (1) > Thuận thứ (1) > Chuyển tộc (1) > Tâm thiền sanh vô số sát na >Hữu phần (1) > Tâm tử, vô dư níp bàn.
· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Cận hành (1) > Thuận thứ (1) > Chuyển tộc (1) Tâm thiền sanh vô số sát na > Tâm tử, vô dư níp bàn.
· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Cận hành (1) > Thuận thứ (1) > Chuyển tộc (1) > Tâm thiền sanh vô số sát na > Hữu phần (1) > Tâm tử, vô dư níp bàn.
Nhận xét:
Bậc thánh vô sanh khi gần viên tịch níp bàn, có trường hợp Ngài nhập thiền trước để an tịnh hoặc để chế ngự thân khổ thọ. Gọi trường hợp nầy là Lộ viên tịch liên thiền (jhānasamanantaravīthi).
Lộ viên tịch liên thiền diễn ra với hạng trì căn thì có sát na chuẩn bị; với hạng lợi căn thì không có sát na chuẩn bị.
Lại nữa, lộ sát na chuẩn bị có hai hình thức là xuất thiền, liền viên tịch; xuất thiền xen hữu phần mới viên tịch; Lộ không có sát na chuẩn bị củng có hai hình thức: xuất thiền, liền viên tịch và xuất thiền xen hữu phần mới viên tịch.
Lộ viên tịch liên thiền không biết số chập tâm sanh vì là nhập thiền có vô số sát na tâm thiền _ có 2 chặng là chặng khai môn và chặng đổng lực (gồm đổng lực dục giới và đổng lực kiên cố) _ có 14 thứ tâm là 1 tâm khai ý môn (chặng khai môn), 1 trong 4 tâm đại tố (chặng đổng lực dục giới), 1 trong 9 tâm thiền tố đáo đại (chặng đổng lực kiên cố).
3b. Lộ viên tịch phản khán chi thiền (paccavekkhaṇasamanantaravīthi), diễn trình gồm ba giai đoạn, giai đoạn 1 nhập thiền, giai đoạn 2 phản khán chi thiền, giai đoạn 3 cận tử.
Diễn trình như sau:
· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Chuẩn bị (1) > Cận hành (1) > Thuận thứ (1) > Chuyển tộc (1) > Tâm thiền sanh vô số sát na > Hữu phần (4) > Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực phản khán (7) > Hữu phần (4) > Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực cận tử (5) > Tâm tử, vô dư níp bàn.
Nhận xét:
Gọi là lộ viên tịch phản khán chi thiền vì trước khi sanh lộ cận viên tịch có lộ phản khán chi thiền sau khi nhập thiền. Lấy lộ phản khán chi thiền mà gọi tên cho trường hợp viên tịch nầy.
Giai đoạn 1 là lộ nhập thiền tố. Số chập, số chặng, số thứ tâm, nên hiểu giống như lộ nhập thiền tố bình nhật vậy. Có hoặc không có sát na chuẩn bị.
Giai đoạn 2 là lộ phản khán chi thiền. Có 8 chập tâm là 1 sát na khai môn, 7 sát na đổng lực. Có 2 chặng là khai môn và đổng lực. Có 5 thứ tâm là 1 tâm khai ý môn và 4 tâm đại tố hợp trí.
Giai đoạn 3 là lộ cận viên tịch. Có 6 chập tâm là sát na khai môn và 5 sát na đổng lực, có 2 chặng là khai môn và đổng lực. Có 9 thứ tâm là 1 tâm khai ý môn và 8 tâm đại tố. Dứt đổng lực liền viên tịch, hay dứt đổng lực xen hữu phần mới viên tịch.
Lộ viên tịch phản khán chi thiền và lộ viên tịch liên thiền (3a) khác nhau ở điểm: Lộ viên tịch liên thiền là nhập thiền xuất thiền rồi viên tịch; còn lộ viên tịch phản khán là cũng nhập thiền nhưng sau khi xuất thiền còn xét lại chi thiền và sanh lộ ý cận tử mới níp bàn.
3c. Lộ viên tịch liên thông (abhiññāsamanantaravīthi), diễn trình gồm hai giai đoạn , giai đoạn 1 nhập thiền cơ (pādakajhāna), giai đoạn 2 hiện thông rồi viên tịch.
Diễn trình như sau:
· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Chuẩn bị (1) > Cận hành (1) > Thuận thứ (1) > Chuyển tộc (1) > Tâm ngũ thiền sắc giới sanh vô số sát na > Hữu phần (4) > Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Chuẩn bị (1) > Cận hành (1) > Thuận thứ (1) > Chuyển tộc (1) > Tâm thông tố (1) > Tâm tử, vô dư níp bàn.
Nhận xét:
Trên đây chỉ đơn cử một diễn trình lộ viên tịch liên thông.
Vị A la hán sắp níp bàn nếu có duyên cớ như bậc Đạo Sư bảo thi triển thần thông, hoặc vị ấy muốn cảm hoá quần chúng, hoặc tiếp độ quyến thuộc, hoặc muốn tự giải quyết nhục thể …v.v… thì vị ấy hiện thông rồi viên tịch. Đây gọi là viên tịch hiện thông.
Thông (abhiññā) là năng lực siêu nhiên của định ngũ thiền sắc giới tu chứng với đề mục biến xứ (kasiṇa), vì thế, muốn hiện thông là phải nhập ngũ thiền trước, gọi là nhập thiền cơ. Tất nhiên thiền cơ trong trường hợp vị A la hán viên tịch hiện thông là ngũ thiền tố sắc giới.
Xuất thiền cơ, vị ấy khởi ước nguyện thực hiện điều gì rồi lộ hiện thông khởi lên. Nếu là vị trì căn thì có sát na chuẩn bị, nếu là vị lợi căn thì không có sát na chuẩn bị giữa khai ý môn và cận hành. Sau khi kết thúc tâm thông liền khỏi lên tâm tử, vô dư níp bàn hoặc kết thúc tâm thông, có xen Hữu phần rồi mới khởi lên tâm tử vô dư níp bàn.
Giai đoạn nhập thiền cơ có vô số chập tâm là vì tâm thiền sanh liên tục vô số sát na. Có hai chặng là chặng khai môn và chặng đổng lực (gồm đổng lực dục giới và đổng lực kiên cố). Có 3 thứ tâm là 1 tâm khai ý môn, 2 tâm đại tố thọ xả hợp trí, 1 tâm tố sắc giới ngũ thiền.
Giai đoạn hiện thông có 6 hoặc 5 chập tâm là sát na khai ý môn, sát na chuẩn bị (hoặc không có), sát na cận hành, sát na thuận thứ, sát na chuyển tộc và sát na tâm thông tố. Có hai chặng là chặng khai môn và chặng đổng lực (gồm đổng lực dục giới và đổng lực kiên cố). Có 3 thứ tâm là 1 tâm khai ý môn, 2 tâm đại tố thọ xả hợp trí, 1 tâm thông tố.
3d. Lộ viên tịch đắc đạo tột mạng (jīvitasamasīsīvīthi) diễn trình ba giai đoạn, giai đoạn 1 đắc đạo quả, giai đoạn 2 phản khán đạo quả, giai đoạn 3 cận viên tịch.
Diễn trình như sau:
· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Chuẩn bị (1) > Cận hành (1) > Thuận thứ (1) > Khiết hoá (1) > Tứ đạo (1) > Tứ quả (2) > Hữu phần (4) > Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực (7) > Hữu phần (4) > Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực (5) > Tâm tử, vô dư níp bàn.
Nhận xét:
Một người bị mệnh chung do già bệnh tự nhiên, hay do kẻ khác giết hại, hoặc do tự sát, người ấy trước khi chết chứng đắc đạo quả A la hán rồi níp bàn, trường hợp viên tịch kiểu đó gọi là viên tịch đắc đạo tột mạng. Cụm từ “đắc đạo tột mạng” trong tiếng pāli “jīvitasamasīsī” nghĩa là cùng lúc kết liễu mạng sống.
Nếu là phàm tam nhân đắc đạo tột mạng thì giai đoạn đắc đạo sẽ liên tục sanh bốn lộ đắc đạo (lộ đắc sơ đạo, lộ đắc nhị đạo, lộ đắc tam đạo, lộ đắc tứ đạo) rồi viên tịch.
Nếu là vị thánh Dự lưu đắc đạo tột mạng thì giai đoạn đắc đạo sẽ liên tục sanh khởi ba lộ đắc đạo cao (lộ đắc nhị đạo, lộ đắc tam đạo, lộ đắc tứ đạo) rồi viên tịch.
Nếu là vị thánh Nhất lai đắc đạo tột mạng thì giai đoạn đắc đạo sẽ liên tục sanh khởi hai lộ đắc đạo cao (lộ đắc tam đạo, lộ đắc tứ đạo) rồi viên tịch.
Nếu là vị thánh Bất lai đắc đạo tột mạng thì giai đoạn đắc đạo sẽ sanh khởi lộ đắc tứ đạo, tứ quả, rồi níp bàn.
Lộ tâm giai đoạn đắc đạo quả thì chặng đổng lực dục giới vẫn luôn là tâm đại thiện hợp trí.
Lộ tâm giai đoạn phản khán đạo quả, níp bàn … sau cùng trước khi chết thì chặng đổng lực dục giới là tâm đại tố hợp trí.
Và, lộ tâm giai đoạn cận viên tịch thì đổng lực dục giới là tâm đại tố, một trong tám.
Dứt phần: TOÁT YẾU LỘ TRÌNH TÂM
Bài học tiếp theo: Phụ chú tâm lộ đổng lực và mót cảnh
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu
KHÔNG VUI NHƯNG RẤT NÊN HỌC
Sau Khi Viên Tịch Đức Phật Bây Giờ Ra Sao?
Khi học về diễn trình tâm viên tịch niết bàn, một số lớn các vị giảng sư và người học Thắng Pháp Abhidhamma thường kết luận viên tịch niết bàn là sự chấm dứt hoàn toàn sự hiện hữu của danh sắc – và từ điểm nầy đưa đến kết luận – viên tịch niết bàn là không còn gì.
Đây là điểm rất tế nhị trong Phật học và tạo nên sự phân hoá lớn giữa các tông phái Phật giáo.
Ba điểm cần thảo luận liên hệ tới đề tài nầy”
1. Nếu Niết bàn chỉ đơn thuần là sự chấm dứt của pháp hữu vi thì niết bàn có thể chăng để niết bàn được liệt kê là một trong bốn pháp chân đế?
2. Nếu Niết bàn là “không còn gì cả” thì có nên xem là cứu cánh của sự tu tập? Nhưng nếu còn thì còn gì?
3. Nếu Niết bàn là “không còn gì cả” thì có đi quá xa chăng khi chính Đức Phật cũng không trả lời câu “Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”.
Thử đọc bài kinh sau trong Tương Ưng Bộ để làm tiền đề thảo luận vấn đề nêu trên:
44.2. Anurādha.
Chương 44: Tương Ưng Không Thuyết
[Kinh Tương Ưng Bộ, Bản dịch của HT Thích Minh Châu]
Một thời Thế Tôn trú ở Vesālī, tại Ðại Lâm, ở Trùng Các giảng đường.
Lúc bấy giờ Tôn giả Anuràdha đang ở một ngôi chòi trong rừng không xa Thế Tôn bao nhiêu.
Rồi rất nhiều du sĩ ngoại đạo đi đến Tôn giả Anuràdha; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Anuràdha những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
Ngồi một bên, các ngoại đạo du sĩ ấy thưa với Tôn giả Anuràdha:
—Này Hiền giả Anurādha, Như Lai là bậc Thượng Nhân, là bậc Tối thắng nhân, là bậc đã đạt được địa vị tối thượng. Bậc Như Lai ấy đã được trình bày dưới bốn trường hợp: “Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”.
—Thưa chư Hiền, Như Lai ấy là bậc Thượng nhân, bậc Tối thắng nhân, là bậc đã đạt được địa vị tối thượng. Bậc Như Lai ấy được trình bày ngoài bốn trường hợp sau đây: “Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”.
Khi được nghe nói vậy, các du sĩ ngoại đạo ấy nói với Tôn giả Anurādha:
—Tỷ-kheo này có lẽ là mới tu, xuất gia không bao lâu. Hay nếu là vị trưởng lão, thời vị này là ngu si, không có thông minh.
Các du sĩ ngoại đạo ấy, sau khi chê trách (apasādetvā) Tôn giả Anurādha là người mới tu và ngu si, liền từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
Rồi Tôn giả Anurādha, sau khi các du sĩ ngoại đạo ấy ra đi không bao lâu, liền suy nghĩ: “Nếu các du sĩ ngoại đạo ấy hỏi ta thêm câu hỏi nữa, ta phải trả lời như thế nào để câu ta trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy là đúng với lời Thế Tôn, ta không có xuyên tạc Thế tôn với điều không thật. Ta trả lời đúng pháp, thuận pháp, và những ai nói lời tương ứng đúng pháp, không có cơ hội để chỉ trích”.
Rồi Tôn giả Anuràdha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, Tôn giả Anurādha bạch Thế Tôn:
—Ở đây, bạch Thế Tôn, con trú trong một ngôi chòi trong rừng, không xa Thế Tôn bao nhiêu. Rồi, bạch Thế Tôn, rất nhiều du sĩ ngoại đạo đi đến con, sau khi đến, nói lên với con những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn, các du sĩ ngoại đạo ấy nói với con: “Này Hiền giả Anuràdha, Như Lai là bậc Thượng nhân, là bậc Tối thắng nhân, là bậc đã đạt được địa vị tối thượng. Bậc Như Lai ấy đã được trình bày dưới bốn trường hợp: ‘Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết’”. Bạch Thế Tôn, khi được nói vậy, con nói với các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Thưa chư Hiền, Như Lai là bậc Thượng nhân, là bậc Tối thắng nhân, là bậc đã đạt được địa vị tối thắng. Bậc Như Lai ấy được trình bày ngoài bốn trường hợp như sau: ‘Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết” ”. Khi được nói vậy, các du sĩ ngoại đạo ấy nói với con: “Tỷ-kheo này có lẽ là mới tu, xuất gia chưa bao lâu. Hay nếu là vị trưởng lão, thời vị này là ngu si, không có thông minh”. Các du sĩ ngoại đạo ấy, sau khi chê trách con là người mới tu và ngu si, liền từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
Bạch Thế Tôn, khi các vị du sĩ ngoại đạo ấy đi không bao lâu con suy nghĩ như sau: “Nếu các vị du sĩ ngoại đạo ấy hỏi ta thêm câu hỏi nữa, ta phải trả lời như thế nào để câu trả lời của ta cho các du sĩ ngoại đạo ấy là đúng với lời Thế Tôn, ta không có xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật. Ta trả lời đúng pháp, thuận pháp và những ai nói lời tương ưng đúng pháp, không có cơ hội để chỉ trích”.
—Ông nghĩ thế nào, này Anurādha, sắc là thường hay vô thường?
—Là vô thường, bạch Thế Tôn.
—Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
—Là khổ, bạch Thế Tôn.
—Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi”?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Thọ là thường hay vô thường?. Tưởng là thường hay vô thường? … Các hành là thường hay vô thường?. Thức là thường hay vô thường?
—Là vô thường, bạch Thế Tôn.
—Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
—Là khổ, bạch Thế Tôn.
—Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi”?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Do vậy, này Anurādha, phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi. Cái này không phải là tôi. Cái này không phải tự ngã của tôi”. Phàm có thọ gì, quá khứ, vị lai, hiện tại … Phàm có tưởng gì … Phàm có các hành gì … Phàm có thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả thức cần phải như thật quán với chánh trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi. Cái này không phải là tôi. Cái này không phải tự ngã của tôi”.
Thấy vậy, này Anurādha, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với các hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán nên vị ấy ly tham. Do ly tham nên vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, khởi lên trí biết rằng: “Ta đã được giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.
Ông nghĩ thế nào, này Anurādha, Ông có quán sắc là Như Lai không?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Ông có quán thọ là Như Lai không?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Ông có quán tưởng là Như Lai không?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Ông có quán các hành là Như Lai không?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Ông có quán thức là Như Lai không?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Ông nghĩ thế nào, này Anurādha, Ông có quán Như Lai ở trong sắc không?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Ông có quán Như Lai ở ngoài sắc không?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Ông có quán Như Lai ở trong thọ không?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Ông có quán Như Lai ở ngoài thọ không?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Ông có quán Như Lai ở trong tưởng không?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Ông có quán Như Lai ở ngoài tưởng không?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Ông có quán Như Lai ở trong các hành không?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Ông có quán Như Lai ở ngoài các hành không?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Ông có quán Như Lai ở trong thức không?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Ông có quán Như Lai ở ngoài thức không?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Ông nghĩ như thế nào, này Anurādha, Ông có quán Như Lai là sắc, thọ, tưởng, hành, thức hay không?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Ông có quán Như Lai là không có sắc, không có thọ, không có tưởng, không có các hành, không có thức hay không?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Ở đây, này Anurādha, Ông ngay trong hiện tại không có nắm được Như Lai một cách chân thật, một cách xác chứng, thời có hợp lý chăng khi Ông tuyên bố về Như Lai rằng:
“Thưa chư Hiền, Như Lai là bậc Thượng nhân, là bậc Tối thắng nhân, là bậc đã đạt được địa vị tối thượng. Bậc Như Lai ấy được biết đến ngoài bốn trường hợp sau đây: ‘Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết” ”.
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Lành thay, lành thay! Này Anurādha. Trước đây và hiện nay, này Anurādha, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ.
Biên soạn: Tỳ kheo Giác Đẳng