Môn học: Phật Pháp Cơ Bản - Phần II: Phật Pháp - DUYÊN SINH (trước khi đi vào chi tiết thập nhị duyên khởi)

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản - Phần II: Phật Pháp - DUYÊN SINH (trước khi đi vào chi tiết thập nhị duyên khởi)

Monday, 22/08/2022, 19:14 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 15.8.2022


Phần II: Phật Pháp

DUYÊN SINH

Tổng quan

Duyên sinh là một trong phần quan trọng của Phật Pháp. Đây cũng là một trong những điểm khó hiểu vì những liên hệ chằng chịt. Rất nhiều đoạn kinh nói về duyên sinh nhưng người mới đọc thoáng qua không nhận ra. Một người có niềm tin chân chánh ở Tam Bảo phải có hiểu biết tương đối về duyên sinh. Một vị Phật trong đêm thành đạo cũng thắp sáng tuệ giác quán chiếu duyên sinh.

Duyên sinh, hay duyên khởi, là giáo nghĩa về nguyên nhân, động thái, và tác động của vạn hữu. Hầu hết tôn giáo đưa ra lập thuyết Sáng Tạo Chủ để nói về một đấng quyền năng tối cao tạo ra tất cả hiện hữu. Tin vào một tạo hoá duy nhất tạo ra tất cả thuộc về bản năng, hiểu những tương quan phức tạp của đời sống đòi hỏi lý trí nhận thức.

Giáo lý duyên sinh không phải chỉ nói về nguồn gốc tập khởi mà còn nói về những dịch chuyển, tương tác trong hiện tại, và tác động tạo nên hệ quả ở tương lai. Nói cách khác trong duyên sinh không có sự an bài, định mệnh mà là một dòng hiện hữu sinh động ở bất cứ thời điểm nào. Phật Pháp không dạy rằng đời sống hiện tại là một thành phẩm của quá khứ mà mọi thứ đã được lập trình sẳn với tên gọi tiền định.

Giáo lý duyên sinh nêu rõ cái gì có thể và không có thể trong nỗ lực chuyển hoá cuộc sống. Không có một nhân tố quyết định tất cả, ngược lại, sự tồn tại của mỗi cá thể không thể bị huỷ diệt bởi mãnh lực ngoại tại nào. Người học Phật cần đặc biệt lưu ý trong giáo lý duyên khởi chứa đựng những trọng điểm mà người tu tập có thể chuyển hoá thân tâm.

Với định lý “do có cái nầy nên có cái kia”, sự hiểu biết về duyên sinh tạo nên cái nhìn rất khác biệt với phản ứng vui buồn chỉ y cứ trên một điểm. Thí dụ có một chiếc xe mới không phải chỉ có hưởng thụ chuyện có xe mà còn phải chấp nhận những phiền luỵ khi có một chiếc xe.

Một đặc điểm của duyên sinh là trình bày rõ giáo lý vô ngã. Câu Phật ngôn quán chiếu “cái nầy không phải là ta, không phải là của ta, không phải là tự ngã của ta” chỉ thật sự tỏ rõ khi hiểu theo định luật duyên khởi. Trên cả hai phương diện pháp học và pháp hành thì điểm nầy đều quan trọng.

Thập nhị nhân duyên hay mười hai duyên khởi là nội dung chính của duyên sinh.

*

Bài học ngày 22.8.2022

Một đặc điểm khi tìm hiểu về giáo lý duyên khởi là không nên “đóng khung” những khái niệm. Thập nhị nhân duyên có thể hiểu theo nhiều chiều kích và phạm trù khác nhau. Do điểm nầy nên chú ý về cách trình bày.

Một cách ngắn gọn thì duyên khởi có nghĩa là “cái nầy có thì cái kia có” như trường hợp trong cõi dục giới thì có năm cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc; có năm dục trưởng dưỡng thì có năm pháp cái là tham dục, sân độc, hôn thuỵ, trạo hối, nghi hoặc; có năm pháp cái thì tâm không an định nếu không tu tập chỉ tịnh. Đây là một thí dụ về sự liên đới nếu nhìn theo thập nhị nhân duyên vẫn có thể được nhưng là những “mảng rời rạc”.

Thập nhị nhân duyên có thể hiều theo cách đại loại (marco) là sự hiện hữu rõ nét có thể nhận diện ngay trong cuộc sống hằng ngày thí dụ thấy ai có món gì rất đẹp nên sanh tâm thích thú rồi cố gắng tìm cách để có được được. Quá trình đó có thể nhận diện từ xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ và thủ duyên hữu.

Thập nhị nhân duyên cũng có thể hiểu theo cách vĩ mô (micro), một cách tinh xác nhất nếu y cứ theo Thắng Pháp Abhidhamma. Ở đây thập nhị nhân duyên có thể nói về sự tương tác giữa các sát na trong một diễn trình tâm thức. Điều nầy tương tự như chúng ta nói trái chuối là loại trái cây có nhiều dinh dưỡng như cách nói chung chung (marcro) nhưng chỉ có sự phân định chuẩn xác thì mới hiểu tại sao chuối có nhiều potassium rất cần cho sức khoẻ mà rất hại cho người bị bệnh đường huyết.

Thập nhị nhân duyên cũng có thể hiểu theo “tam sinh”: đời trước, đời nầy, và đời sau trong tiến trình sanh tử. Theo cách nầy thì vô minh, hành thuộc kiếp trước. Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu thuộc đời nầy. Sanh, lão tử thuộc đời sau. Đây là cách trình bày rộng rãi nhất về tiến trình luân hồi cho chúng ta có cái nhìn đại quan về sự hiện hữu của chúng sanh.

Với những điểm trên thì cách trình bày nào cũng có vẻ như phiến diện. Giống như mô tả về một toà lâu đài theo du khách, theo người cư trú, theo kiến trúc sư đều đúng nhưng không giống nhau. Phải rất cởi mở và hiểu đang nói ở phạm trù nào mới không có sự phản bác đối với những dị biệt.

Những trình bày về mười hai nhân duyên trong bài nầy cố gắng bắt đầu từ định nghĩa của mỗi duyên sanh, sự liên đới giữa mấu chốt nầy sang mấu chốt khác và nói theo cách gần gũi dễ hiểu nhất. Nếu cần đi xa hơn, như giảng theo Thắng Pháp, thì xem như là phần phụ chú. Nên nhớ đây là đề tài rất tế nhị và khó trình bày trong Phật học.

Phần tiếp theo: Vô Minh Duyên Hành (avijjā paccayā sankhārā)

Biên soạn : Tỳ khưu Giác Đẳng