Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | VIII. Phẩm ngàn (sahassavagga) _ Kệ số 1 (dhp 100)

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | VIII. Phẩm ngàn (sahassavagga) _ Kệ số 1 (dhp 100)

Sunday, 08/01/2023, 09:32 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 8.1.2023


VIII

PHẨM NGÀN

(sahassavagga)

(Gồm có 16 bài kệ với 14 duyên sự)

VIII. Phẩm ngàn _ Kệ số 1 (dhp 100)

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết khi Ngài ngự tại Veḷuvana gần thành Rājagaha, nhân câu chuyện của người đao phủ Tambadāṭhika.

Ở Rājagaha có người đao phủ chuyên thi hành án xử chém tội nhân, đao phủ ấy làm việc nầy mấy mươi năm. Khi già yếu nghĩ việc về nhà ông cứ bị ám ảnh mãi cảnh chặt đầu tội nhân.

Một ngày kia, ông Tambadāṭhika đang ngồi chuẩn bị ăn sáng chợt thấy một vị sa môn đứng khất thực trước cửa nhà. Đó là trưởng lão Sāriputta, ngày ấy trưởng lão vừa xả thiền diệt quán xét thấy duyên lành của đao phủ thủ Tambadāṭhika nên Ngài đi khất thực đến nhà ông. Ông Tambadāṭhika vừa thấy Ngài đã phát tâm tịnh tín, nghĩ rằng cuộc đời ta đã làm nghề tội ác, nay ta hãy tạo chút ít phước.

Nghĩ vậy, ông Tambadāṭhika bước ra quì trước mặt trưởng lão và thỉnh vào nhà để cúng dường. Trưởng lão Sāriputta đi vào nhà ông và ngồi trên chỗ ngồi được soạn sẵn. Ông Tambadāṭhika kính cẩn sớt vật thực vào bát của trưởng lão.

Trưởng lão thọ thực xong mới thuyết pháp phúc chúc cho thí chủ. Ông Tambadāṭhika không thể chú tâm nghe pháp.

Trưởng lão Sāriputta biết tâm gia chủ bị xáo trộn bất an không lãnh hội pháp nên Ngài hỏi vì sao gia chủ không chú tâm nghe pháp?

Ông Tambadāṭhika đáp: “vì tôi hành nghề đao phủ nhiều năm, giết quá nhiều sinh mạng nên bị ám ảnh mãi, bởi thế tôi không thể tập trung tư tưởng nghe pháp được”.

Trưởng lão Sāriputta mới hỏi: “Ông tự ý muốn giết người, hay làm theo mệnh lệnh của vua?”.

“Bạch Ngài, tôi làm theo mệnh lệnh của vua”.

“Vậy thì ông hãy nghĩ rằng, do vua ra lệnh ta làm chứ ta không muốn”.

Ông Tambadāṭhika nghe thế thì tâm yên không bị ray rức nữa, ngồi chăm chú nghe trưởng lão thuyết pháp. Dứt pháp thoại ông đắc quả Tu đà hườn.

Khi trưởng lão Sāriputta từ biệt ra về, ông Tambadāṭhika tiễn chân trưởng lão một đoạn đường rồi quay về. Trên đường về ông Tambadāṭhika bị một nữ dạ xoa báo oán nhập vào con bò cái chạy đến húc chết, ông được tái sanh vào cõi trời Đâu Suất.

Các vị tỳ kheo biết việc người đao phủ Tambadāṭhika làm nghề thất đức, khi nghĩ việc đã cải tà qui chánh, hôm nay đã mệnh chung sau khi cúng dường cho tôn giả Sāriputta bữa ăn và nghe pháp. Không biết ông ta đã tái sanh về đâu nhỉ?

Đức Phật ngự đến giảng đường nghe chư tỳ kheo trình bày sự việc của ông thiện nam ấy và hỏi Ngài cõi tái sanh của ông thiện nam ấy.

Đức Phật phán bảo: “Ông ấy nhờ gặp được bậc hiền trí Sāriputta và được nghe pháp đã chứng pháp nhãn, sau khi mệnh chung đã sanh về cõi trời Đâu Suất”.

Các tỳ kheo tán thán giáo pháp: “Một người với thời gian dài làm đao phủ giết chết nhiều sanh mạng như thế mà nhờ nghe pháp được đắc quả và sanh về cõi trời. Giáo pháp thật tuyệt vời.

Đức Phật nhấn mạnh: “Quả thật vậy, Pháp ta thuyết là pháp có lợi ích, dù chỉ nghe một câu cũng an tịnh, tốt hơn cả ngàn câu nói vô ích. “Rồi đức Phật nói lên bài kệ: “Sahassamapi ce vācā … yaṃ sutvā upasammatī ’ti”.

Dứt pháp thoại có nhiều vị tỳ kheo đắc thánh quả.

*

Chánh văn:

Sahassamapi ce vācā

anatthapadasaṃhitā

ekaṃ atthapadaṃ seyyo

yaṃ sutvā upasammati.

(dhp 100)

*

Thích văn:

sahassamapi [hợp âm sahassaṃ api]

sahassaṃ [chủ cách số ít của số mục tính từ trung tính sahassa] một ngàn.

api ce [bất biến từ] cho dù, dẩu rằng.

vācā [chủ cách số nhiều của danh từ nữ tính vācā] lời nói.

anatthapadasaṃhitā [chủ cách số nhiều nữ tính của hợp thể tính từ (anatthapada + saṃhita)] liên kết câu từ vô nghĩa, có nội dung vô ích, bao gồm các câu vô bổ.

ekaṃ [chủ cách số ít trung tính của số mục tính từ eka] một, số một.

atthapadaṃ [chủ cách số ít của hợp thể danh từ trung tính atthapada (attha + pada)] câu nói ý nghĩa, câu nói có lợi ích.

seyyo [bất biến từ] tốt hơn.

yaṃ [đối cách số ít trung tính của quan hệ đại từ ya] cái mà, điều mà, điều nào.

sutvā [bất biến quá khứ phân từ của động từ suṇāti (căn su + tvā)] sau khi nghe, nghe xong.

upasammati [động từ hiện tại ngôi III số ít (upa + căn sam + ya)] được anh tịnh, được tĩnh lặng, được tịnh lạc.

*

Việt văn:

Cho dù ngàn lời nói

gồm những câu vô ích

một câu ích tốt hơn

vì nghe được an tịnh.

(pc 100)

*

Chuyển văn:

Anatthapadasaṃhitā vācā sahassaṃ api ce ekaṃ atthapadaṃ yaṃ sutvā upasammati seyyo.

Dù cho cả ngàn lời toàn những câu vô ích, một câu có lợi ích mà nghe xong được an tịnh vẫn tốt hơn.

*

Lý giải:

Lời nói vô ích (anatthapadasaṃhitā vācā) ở đây là ám chỉ lời nói không liên hệ đến lợi ích giải thoát, lợi ích níp bàn, hoặc lời nói mà khiến người nghe không sanh tâm thiện, chỉ sanh phiền não.

Câu nói hữu ích (atthapadaṃ) là câu nói có liên hệ lợi ích giải thoát, hoặc là lời nói khiến người nghe sanh tâm thiện, yên tịnh phiền não.

Có hai sự lợi ích: lợi ích hiệp thế hay lợi ích thế gian, và lợi ích siêu thế hay lợi ích xuất thế gian. Ở đây trong bài kệ nầy đức Phật nói đến lợi ích siêu thế. Người đao phủ Tambadāṭhika về già tâm luôn ám ảnh việc làm chặt đầu tội nhân, cả lúc tôn giả Sāriputta thuyết pháp cho ông nghe, ông cũng không thể giữ tâm an tịnh để nghe pháp, nhưng sau đó tôn giả đã nói một câu mà khiến tâm của ông đao phủ yên tịnh và nghe pháp chứng quả dự lưu.

Trong đời thường, cũng có thể áp dụng ý nghĩa bài kệ nầy. Khi thăm viếng một người bệnh hoặc người sắp chết, tinh thần họ bị bấn loạn hoang mang, vị tỳ kheo viếng thăm người ấy không cần phải nói nhiều, chỉ nói một lời pháp trấn tỉnh họ được, lời nói ấy quí hơn ngàn lời không có lợi ích.

Hoặc một lời nói khiến người bất lương cải tà qui chánh, đó cũng là lời nói hữu ích tốt hơn ngàn lời vô ích …

Tỳ khưu Tuệ Siêu biên soạn