Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - III. Phẩm Tâm_ Kệ số 5

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - III. Phẩm Tâm_ Kệ số 5

Thursday, 14/07/2022, 08:05 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 14.7.2022


III. Phẩm Tâm_ Kệ số 5

Duyên sự:

Bài kệ nầy đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Jetavana ở Sāvatthi, do câu chuyện của tỳ kheo chái trai Trưởng lão Saṅgharakkhita.

Chuyện rằng Trưởng lão Saṅgharakkhita một vị A la hán, Trưởng lão có người cháu trai gọi Ngài là cậu. Người cháu trai ấy cũng xuất gia tỳ kheo do Trưởng lão tế độ, chư Tăng gọi tỳ kheo ấy là Saṅgharakkhitabhāgineyya.

Thời gian sau, có lần tỳ kheo Saṅgharakkhitabhāgineyya nhập hạ ở một ngôi chùa làng, nhận được hai tấm vải, một tấm dài tám hắc tay, một tấm dài bảy hắc tay. Vị tỳ kheo cháu nhớ đến sư cậu cũng là thầy tế độ muốn cúng dường sư cậu tấm vải tám hắc tay, bèn trở về tịnh thất của sư cậu sau khi ra hạ.

Trưởng lão Saṅgharakkhita không nhận tấm vải, nói rằng đã đủ tam y. Vị tỳ kheo cháu buồn lòng, trong lúc cầm quạt đứng quạt hầu sư cậu mới nghĩ ngợi: “Thầy tế độ cũng là sư cậu của ta, Ngài đã từ chối nhận tấm vải, Ngài đối xử với ta lạnh nhạt. Thôi thì ta huỷ hoàn tục bán hai tấm vải lấy tiền mua con cừu về nuôi. Cừu sanh sản một bầy. Ta bán bầy cừu có nhiều tiền, rồi cưới vợ. Vợ sẽ sanh cho ta một đứa con trai. Ta sẽ dẫn vợ bế con đến chùa thăm sư cậu. Trên đường đi con khóc, vợ không dổ được nên ném con xuống đất, ta nổi giận cầm roi đánh vợ một phát vào lưng …”.

Đang miên man nghĩ ngợi, ông sư cháu bất giác đánh cây quạt vào đầu sư cậu. Vị trưởng lão có tha tâm thông biết tư tưởng của sư cháu, mới bảo: “Sao ngươi đánh người phụ nữ ấy mà lại trúng vào đầu ta vậy?”.

Vị tỳ kheo trẻ hoảng hốt, ngượng ngùng, ném cái quạt và chạy trốn. Bị các tỳ kheo trong chùa bắt lại và dẫn đến đức Phật. Bậc đạo sư hỏi nguyên do, tỳ kheo ấy thú nhận sự việc cũng vì chán nản nên suy nghĩ vẩn vơ.

Đức Phật đã khiển trách tỳ kheo ấy, và Ngài nói lên bài kệ: “Duraṅgamaṃ ekacaraṃ… Dứt bài kệ, vị tỳ kheo ấy chứng đắc quả Dự lưu.

*

Chánh văn:

Dūraṅgamaṃ ekacaraṃ

asarīraṃ guhāsayaṃ

ye cittaṃ saṃyamessanti

mokkhanti mārabandhanā.

(dhp 37)

*

Thích văn:

dūraṅgamaṃ [đối cách số ít trung tính của tính từ hợp thể dūraṅgama (dūraṃ + gama)] đi xa, chạy xa, hành trình xa xôi.

ekacaraṃ [đối cách số ít trung tính của tính từ hợp thể ekacara (eka + cara)] độc hành, đi một mình, sống một mình.

asarīraṃ [đối cách số ít trung tính của tính từ hợp thể asarīra (na + sarīra)] không thân xác, vô hình.

guhāsayaṃ [đối cách số ít trung tính của hợp thể tính từ guhāsaya (guhā + āsaya)] nằm trong cái hang, ẩn hang sâu.

ye [chủ cách số nhiều nam tính của liên quan đại từ ya] những ai, những người nào.

cittaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính citta] tâm, tư tưởng.

saṃyamessanti [có chổ viết là saññamessanti. Thì vị lai ngôi III số nhiều của động từ saṃyameti/saññameti (saṃ + căn yam + e)] sẽ kềm chế, sẽ chế ngự.

mokkhanti [thì hiện tại ngôi III số nhiều của động từ mokkhati (mokkh + a)] giải thoát, thoát khỏi.

mārabandhanā [xuất xứ cách số ít trung tính của danh từ hợp thể mārabandhana (māra + bandhana)] sự trói buộc của ma, sự giam cầm của ma, ma phược, ma tù.

*

Việt văn:

Đi xa, sống một mình

không thân, ẩn hang sâu

những ai chế ngự tâm

sẽ thoát khỏi ma tù.

(pc 37)

*

Chuyển văn:

Ye dūraṅgamaṃ ekacaraṃ asarīraṃ guhāsayaṃ cittaṃ saṃyamessanti (te) mārabandhanā mokkhanti.

Những ai chế ngự được tâm vốn đi xa, độc hành, vô hình, ẩn náu trong hang, (những người ấy) sẽ thoát khỏi ngục tù ma.

*

Lý giải:

Tâm đi xa (duraṅgamaṃ) là tư tưởng nghĩ ngợi, suy diễn lung tung.

Tâm độc hành (ekacaraṃ) là tâm sanh khởi chỉ từng một sát na, một sát na thôi, không thể có hai chập tư tưởng sanh cùng một lúc; sát na tâm nầy diệt mới có sát na tâm khác tiếp nối sanh khởi.

Tâm vô hình (asarīraṃ) là tâm thuộc danh (nāma), phi sắc (arūpī), tâm không có hình hài, không màu sắc. Đúng ra chữ asarīraṃ nghĩa là không thân thể, không có xác thân.

Tâm ẩn hang sâu, nương náu cái hang (guhāsayaṃ), tức là tâm sanh cõi ngũ uẩn luôn luôn nương trú sáu sắc vật (vatthurūpa). Nhãn thức nương sắc nhãn vật, nhĩ thức nương sắc nhĩ vật, tỷ thức nương sắc tỷ vật, thiệt thức nương sắc thiệt vật, thân thức nương sắc thân vật, tâm ý giới và ý thức giới (ngoại trừ bốn tâm quả vô sắc) nương trú sắc ý vật (hadayavatthu).

Những ai chế ngự tâm (ye cittaṃ saṃyemessanti), tâm cần phải chế ngự chính là tâm tham, tâm sân, tâm si, những tâm tương ứng với phiền não. Trước hết là tu tập tâm thiện dục giới, dùng tâm thiện dục giới tu tập chỉ (samatha) và quán (vipassanā) để chế ngự tâm bất thiện và chứng đắc tâm thiền đáo đại khống chế phiền não, rồi chứng đắc đạo quả đoạn trừ phiền não.

Người chế ngự được tâm bất thiện như thế sẽ thoát khỏi ngục tù ma (mārabandhanā mokkhanti). Ngục tù ma (mārabandhana) đây có nghĩa là ba cõi luân hồi (tebhūmakavaṭṭa) tức cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc.

Vị A la hán là người đã thoát khỏi sự trói buộc của phiền não và thoát khỏi luân hồi ba cõi.

Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu