Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - II. Phẩm Không Dể Duôi _ Kệ số 11 & 12

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ - II. Phẩm Không Dể Duôi _ Kệ số 11 & 12

Thursday, 30/06/2022, 09:07 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học ngày 30.6.2022


II. Phẩm Không Dể Duôi _ Kệ số 11 & 12

Kệ số 11

Duyên sự:

Bài kệ nầy đã được đức Phật thuyết cho vị tỳ kheo thấy cháy rừng, khi Ngài ngự tại Jetavana gần thành Sāvatthi.

Có vị tỳ kheo nọ học đề mục thiền quán từ nơi bậc Đạo Sư rồi đi vào rừng thực hành.

Hành thiền một thời gian nhưng không đạt kết quả, tỳ kheo ấy nghĩ là phải học kỹ lại đề mục với bậc Đaọ Sư, bèn trở về Sāvatthi.

Trên đường đi về, vị tỳ kheo ấy gặp đám cháy rừng, nên đi lên ngọn đồi trọc để tránh lửa. Ngồi đó vị ấy nhìn ngọn lửa cháy lan, thiêu rụi cây cỏ nhỏ lớn khi lửa đi qua. Vị tỳ kheo ấy ngẫm nghĩ nếu nhen nhóm được ngọn lửa tuệ quán ắt sẽ thiêu huỷ mọi triền phược.

Ngay khi ấy đức Phật ở tại Jetavana với thiên nhãn thấy biết vị tỳ kheo đang suy tư chánh hướng, Ngài liền hiện ra trước mặt tỳ kheo ấy và sách tấn bằng bài kệ nầy: “Appamādarato bhikkhu, tỳ kheo thích chuyên cần ..v.v.. khi đức Phật nói dứt kệ ngôn vị tỳ kheo ấy đắc quả A la hán với tuệ đạt thông, liền bay lên hư không gieo mình đảnh lễ tán dương bậc Đạo Sư rồi ra đi.

*

Chánh văn:

Appamādarato bhikkhu

pamāde bhayadassi vā

saṃyojanaṃ aṇuṃ thūlaṃ

ḍahaṃ aggī’ va gacchati.

(dhp 31)

*

Thích văn:

appamādarato [chủ cách số ít của tính từ hợp thể appamādarata (appamāda + rata)] vui trong sự không dể duôi, vui trong sự chuyên cần.

bhikkhu [chủ cách số ít của danh từ nam tính bhikkhu] vị tỳ kheo, tỳ khưu.

pamāde [định sở cách số ít của danh từ nam tính pamāda] trong sự dể duôi, trong sự giải đãi.

bhayadassi [nguyên từ bhayadassī _ chủ cách số ít của tính từ hợp thể bhayadassī (bhaya + dassī) thấy sợ hãi.

[liên từ] hoặc là, hay là.

saṃyojanaṃ [đối cách số ít của danh từ trung tính saṃyojana / saññojana] dây trói buộc, thằng thúc, kiết sử, triền phược.

aṇuṃ [đối cách số ít của tính từ aṇu] phần nhỏ, vi tế.

thūlaṃ [đối cách số ít của tính từ thūla] phần lớn, phần thô, to béo.

ḍahaṃ [đối cách số ít của hiện tại phân từ ḍahanta (ḍaha + nta)] đang đốt cháy, đang thiêu huỷ.

aggī’ va [hợp âm (aggi iva)]

aggi [chủ cách số ít của danh từ nam tính aggi] lửa, ngọn lửa.

iva [bất biến từ] ví như, thí dụ như.

gacchati [thì hiện tại ngôi III số ít (gam + a + ti)] đi tới, đi đến, tiến đến.

*

Việt văn:

Tỳ kheo vui chuyên cần

thấy sợ hãi buông lung

tiến tới như lửa rừng

thiêu kiết sử nhỏ lớn.

(pc 31)

*

Chuyển văn:

Appamādarato pamāde vā bhayadassī bhikkhu aṇuṃ thūlaṃ saññojanaṃ ḍahaṃ gacchati aggi iva.

Vị tỳ kheo vui trong sự không dể duôi hoặc thấy sợ hãi sự giải đãi, tiến tới thiêu đốt kiết sử nhỏ lớn, ví như lửa rừng.

*

Lý giải:

Đức Thế Tôn là bậc thầy của trời người, Ngaì dạy pháp tuỳ theo căn cơ khuynh hướng của mỗi người. Khi thấy biết vị tỳ kheo nọ đang suy tư về sự tàn phá của lửa rừng lửa cháy lan đến đâu thì thiêu rụi cây cỏ nhỏ lớn đến đấy, Ngài xuất hiện để dạy tỳ khưu ấy, lấy hình ảnh ngọn lửa rừng mà điển hình cho ngọn lửa tuệ minh sát thiêu huỷ kiết sử lớn nhỏ.

Kiết sử hay dây trói buộc (saṃyojana / saññojana) có hai loại:

Kiết sử nhỏ (aṇuṃ saṃyojanaṃ) là năm hạ phần kiết sử (orambhāgiyasaṃyojanaṃ) tức là thân kiến, hoài nghi, dục ái và phẫn nộ.

Kiết sử lớn (thūlaṃ saṃyojanaṃ) là năm thượng phần kiết sử (uddhambhāgiyasaṃyojanaṃ) tức là sắc ái, vô sắc ái, mạn, phóng dật và vô minh.

Vị tỳ kheo thấy sợ hãi trong sự giải đãi vì biết rằng dể duôi là con đường dẫn đến tử sanh, là căn nguyên đưa vào khổ cảnh.

Khi vị tỳ kheo chuyên cần không giải đãi, trú niệm vững vàng, thì tuệ quán bừng sáng như ngọn lửa rừng có khả năng thiêu huỷ tất cả kiết sử, đạt đến quả vị giải thoát.


Kệ số 12

Duyên sự:

Bài kệ nầy được đức Phật thuyết ở Jetavana Sāvatthi, do câu chuyện của tỳ kheo Nigamavāsitissa.

Gần thành Sāvatthi, có một thị trấn vùng ven. Trong thị trấn ấy có một thiện nam tử Tissa xuất gia theo Phật Pháp, chư tăng gọi vị ấy là Tissa Thị trấn (Nigamavāsitissa) để khỏi nhầm lẫn với các vị trưởng lão trùng tên.

Đại Đức Nigamavāsitissa ưa sống độc cư, và là một vị tỳ kheo thiểu dục tri túc. Đại đức chỉ đi khất thực trong phạm vi thị trấn nơi sinh quán của mình thôi, chứ không đi đâu xa. Cho đến những cuộc lễ trai tăng trong thành Sāvatthi do các đại thí chủ như trưởng giả Anāthapiṇḍika tổ chức, hoặc cuộc cúng dường vô song thí của vua Pasenadi thực hiện, đại đức Tissa cũng không đến dự. Chư tỳ kheo thấy vắng mặt đại đức Tissa trong các cuộc trai tăng lớn như vậy, mới bảo nhau rằng: vị nầy chỉ thân cận với quyến thuộc, không đi đâu hết.

Nghe chư tỳ kheo nói chuyện như vậy, đức Phật cho gọi tỳ kheo Tissa ấy về Jetavana và hỏi chuyện có thật thế không?

Đại Đức Tissa đáp: “Con không quyến luyến lân la với quyến thuộc. Con chỉ thích sống độc cư và giữ hạnh thiểu dục tri túc, hằng ngày khất thực quanh vùng có chi ăn nấy để không bận tâm”.

Sau khi nghe đại đức Tissa trình bày, đức Thế Tôn đã khen ngợi đại đức trước Tăng chúng:

Lành thay, nầy chư tỳ kheo, vị tỳ kheo nầy sống hạnh thiểu dục tri túc. Đã hành đúng theo truyền thống của Như Lai. Xưa kia khi còn là một vị bồ tát, ta cũng giữ hạnh thiểu dục như vậy.

Rồi theo lời thỉnh cầu của chư tăng, đức Phật đã nhắc lại bổn sanh chim két chúa sống tri túc với những trái trên cây sung, không đi xa kiếm ăn ..v.v..

Kết thúc bổn sanh chim két chúa, đức Phật đã nói lên bài kệ pháp cú tán thán vị tỳ kheo chuyên cần sẽ chứng níp bàn. Vừa nghe xong bài kệ, đại đức Nigamavāsitissa chứng đắc A la hán cùng với tuệ đạt thông. Những tỳ kheo khác cũng nhiều vị đắc thánh quả tu đà hườn.

*

Chánh văn:

Appamādarato bhikkhu

pamāde bhayadassi vā

abhabbo parihānāya

nibbānasseva santike.

(dhp 32)

*

Thích văn:

abhabbo [chủ cách số ít nam tính của tính từ abhabba (na + bhabba)] không thể, không có khả năng, bất khả.

parihānāya [chỉ định cách số ít của danh từ nữ tính parihānā] đến sự thối đoạ, sự thối thất, sự lui sụt.

nibbānasseva [hợp âm (nibbānassa eva)]

nibbānassa [sở thuộc cách số ít của danh từ trung tính nibbāna] níp bàn, sự tịch diệt.

eva [bất biến từ] từ đệm, từ nhấn mạnh.

santike [định sở cách số ít của tính từ santika] ở gần, đến gần, gần kề.

*

Việt văn:

Tỳ kheo vui chuyên cần

thấy sợ hãi buông lung

không thể có thối đoạ

ắt cận kề níp bàn.

(pc 32)

*

Chuyển văn:

Appamādarato pamāde vā bhayadassī bhikkhu parihānāya abhabbo nibbāṇassa santike_y_eva

Vị tỳ kheo vui trong sự không dể duôi hoặc thấy sợ hãi sự giải đãi, vị ấy không thể bị thối đoạ, tất nhiên đối diện níp bàn.

*

Lý giải:

Một lần nữa đức Phật tán thán vị tỳ kheo vui trong sự không dể duôi và thấy sợ hãi trong sự giải đãi. Nhưng trong bài kệ nầy đức Phật khẳng định kết quả của hạnh chuyên cần, vị tỳ kheo vui hạnh không dể duôi, thấy sợ sự giải đãi như vậy sẽ không thể bị thối đoạ và chắc chắn đối diện với níp bàn.

Không thể bị thối đoạ (abhabbo parihānāya) nghĩa là vị chuyên cần không dể duôi sẽ không làm mất đi các pháp tu tập chỉ và quán (samathavipassanā dhammehi parihānāya abhabbo), hoặc không làm mất đi đạo quả sắp chứng đắc (maggaphalehi vā parihānāya abhabbo).

Chắc chắn đối diện với níp bàn (nibbānasseva santika) nghĩa là nhất định chứng ngộ “phiền não níp bàn” (kilesaparinibbānassa santike_y_eva), cũng như chứng ngộ “vô thủ trước níp bàn” (anupādāparinibbānassāpi santike_y_eva).

Ví như người đã luyện nội công thâm hậu thì việc ra những chiêu thức sẽ không khó khăn.

(Dứt phẩm thứ hai - Phẩm không dể duôi)

Biên soạn giáo trình: Tỳ khưu Tuệ Siêu