Bài 64. Sáu Khía Cạnh Quan Trọng Của Tâm Thức : 3. CHỨC NĂNG (KICCA) "tiếp theo" _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ 1.4.2021

Bài 64. Sáu Khía Cạnh Quan Trọng Của Tâm Thức : 3. CHỨC NĂNG (KICCA) "tiếp theo" _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ 1.4.2021

Thursday, 01/04/2021, 18:09 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 1.4.2021

Bài 64

Sáu Khía Cạnh Quan Trọng Của Tâm Thức:

3. CHỨC NĂNG (KICCA) “tiếp theo”

Cho đến nay đã có 8 chức năng của tâm được đề cập đến là kiết sanh thức, tiềm thức, tử thức và ngũ song thức (hay ngũ quan). Trong cuộc sống hằng ngày thì tiềm thức (bhavaṅga) có thể xem là sự tồn tại của đời sống khi không có những “hoạt thức” sanh khởi. Ngũ quan là một loại hoạt thức. Tất cả những chức năng được kể dưới đây cũng đều thuộc hoạt thức: khai môn (āvajjana), tiếp nhận (sampaṭicchana), kiểm tra (santīraṇa), xác định (votthapana), xử lý (javana), dư hưởng (tadālambana). Trước khi đi vào từng chức năng cần nêu lên vài điểm sau:

Tâm thức sanh diệt và diễn tiến với tốc độ cực nhanh. Trong một tíc tắc có triệu triệu sát na sanh diệt nối tiếp nhau. Với tốc độ đó không thể hiểu những diễn biến theo cái nhìn bình thường mà phải hiểu theo cách vĩ mô.

Giòng tâm thức là sự pha trộn của cả hai tiềm thức và hoạt thức xen kẻ lẫn nhau. Một “chập” hoạt thức dài nhất chỉ 17 sát na trong triệu triệu sát na của một khoảnh khắc.

Tiềm thức (bhavaṅga) là loại tâm quả sanh ra do nghiệp lực quá khứ trong lúc hoạt thức hỗn hợp cả những tâm quả, tâm tạo quả và tâm cơ năng phi nhân phi quả.

Rất nhiều tâm với chức năng máy móc được đề cập trong Thắng Pháp Abhidhamma chỉ là hiện tượng tự nhiên (cittaniyama) chứ không mang màu sắc tôn giáo, triết lý, hay luận lý. Về điểm nầy phần lớn Thắng Pháp Abhidhamma có thể hiểu như một thứ “khoa học tự nhiên.

Sáu chức năng sau đây cần được hiểu như những vai trò cần thiết của hoạt thức khi tiếp xúc cảnh:

Khai môn (āvajjana) đây là chức năng ngưng dòng hiện hữu của tìm thức và khởi sự cho các hoạt thức sanh khởi giống như trong một công ty hay một gia đình giàu có khi có tiếng bấm chuông thì có người trách nhiệm ra cửa xem là ai. Đôi khi còn được dịch là “khán môn” đúng theo từ āvajjana có nghĩa là hướng tâm đến cảnh. Trong trường hợp năm cảnh ngoại là sắc, thinh, khí, vị, xúc hiện khởi thì tâm khai môn là tâm khán ngũ môn (pañcadvārāvajjana) và trong trường hợp cảnh pháp hiện khởi thì tâm khai môn là tâm khán ý môn (manodvārāvajjana).

Tiếp nhận (sampaṭicchana) là tâm sanh sau ngũ song thức (ngũ quan) là sự đón nhận cảnh như nhân viên làm việc ở bàn lễ tân (reception). Tâm nầy cũng là một thứ tâm quả chiêu cảm nghiệp lực giống như ngũ song thức.

Kiểm tra (santīraṇa) là tâm xem xét cảnh như một nhân viên có trách nhiệm tìm hiểu sơ bộ về khách vừa đến. Tâm nầy cũng là một thứ tâm quả chiêu cảm nghiệp lực giống như ngũ song thức và tâm tiếp nhận.

Xác định (votthapana) đây là tâm chuyển tiếp từ sự thu thập dữ kiện sơ bộ (kiểm tra) để chuyển sang giải quyến (xử lý). Đây là vai trò hoàn toàn máy móc không chiêu cảm bởi nghiệp lực dù là quả nghiệp hay nhân tạo nghiệp. Tâm là việc xác định là tâm khán ý môn (manodvārāvajjana).

Xử lý (javana) đây chính là tâm phản ứng, thụ lý hay “hưởng cảnh”. Chính giai đoạn nầy của hoạt thức tạo nghiệp nếu là chúng sanh chưa đoạn tận vô minh và ái dục. Khâu xử lý luôn luôn có 7 sát na (lại là con số 7 thú vị (…) xuất hiện nhiều nơi. Tâm nầy không phải là quả của nghiệp mà chính là nghiệp. Có thể nói ý chí tạo tác nằm ở đây. Không có một chữ dịch tương đương cho thuật ngữ javana. Trong Phạn ngữ, javana nghĩa là chạy nhanh với lực mạnh đôi khi dịch là đổng tốc, đổng lực, tốc hành tâm. Ngày xưa Ngài Tịnh Sự còn dịch là “tâm thực” với ý nghĩa hưởng cảnh. HT. Minh Châu dịch là “đồng sở duyên tâm” có nghĩa là cùng cảnh với tâm xử lý.

Dư hưởng (tadālambana) là tâm bắt cảnh tồn đọng khi cảnh là ấn tượng mạnh. Tâm nầy sanh sau các tâm xử lý (javana). Ngài Tịnh Sự trước kia xài nhiều chữ dịch cho chức năng nầy là tâm mót, thập di, na cảnh.

Để hiểu và nhớ rõ thêm về các chức năng của hoạt thức chúng ta nên nhắc lại thí dụ cổ điển sau đâu được tìm thấy trong hầu hết sách dạy Thắng Pháp Abhidhamma:

Một người nằm ngủ dưới gốc cây xoài, một trái xoài rớt xuống và lăn đến bên mình người ấy. Người ấy giựt mình ngồi dậy và tìm biết cái gì đã làm mình giựt mình thức giấc. Người này thấy trái xoài, lượm lên, ngửi và xem xét trái xoài. Biết trái xoài đã chín, người ấy ăn trái xoài. Khi ăn xong, người ấy còn cạp thêm vài cái mới bỏ hột xoài ra và nằm xuống ngủ tiếp.

- Người đang ngủ" chỉ cho trạng thái thụ động của tâm thức, đang trôi chảy không có gì làm giao động, trạng thái này gọi là Hộ kiếp (Bhavaṅga) hoặc Hữu Phần hay tiềm thức.

- Ngồi dậy và tìm biết cái gì đã làm mình thức giấc" chỉ cho trạng thái muội lược của tâm thức, khi tâm thức đang tìm xem ngoại trần kích thích mình thuộc về mắt, tai, mũi, lưỡi hay thân. Tâm này gọi là tâm Khán ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) hay Ngũ Môn Hướng tâm.

- "Thấy trái xoài" chỉ cho sự sanh khởi của thức hoặc thuộc về mắt, hoặc thuộc bốn căn khác. Thức này hoàn toàn thuần túy, không có một chút suy tư gì cả (thọ xả).

- "Lượm trái xoài" chỉ cho trạng thái của tâm thức, lảnh thọ sự kích thích của ngoại vật. Tâm này gọi là tâm tiếp nhận (sampaticchana).

-“Ngữi và xem xét trái xoài" chỉ cho trạng thái của tâm thức suy nghĩ và tìm hiểu đối tượng bằng những kinh nghiệm quá khứ của mình. Tâm này gọi là tâm kiểm tra (santīrana).

- "Xác định trái xoài đã chín" chỉ cho tâm thức xác định vị trí của đối tượng theo sự hiểu biết của mình. Tâm này gọi là tâm xác định (voṭṭhapana).

- "Ăn trái xoài" chỉ cho tâm thức xử sự với đối tượng. Ðây là trạng thái tâm thức quan trọng nhất, chính nghiệp thiện hay bất thiện được thành đạt ở thời điểm này. Tâm này được gọi là tâm xử lý (Javana).

- "Cạp thêm vài cái" chỉ trạng thái tâm thức tiếp tục đối xử với cảnh còn lại, trạng thái này giống như tâm Ðổng Tốc nhưng không có khả năng tạo quả nên được gọi là tâm dư hưởng (Tadālambana).

- “Nằm ngủ tiếp" chỉ trạng thái của tâm thức sau khi lộ trình tâm chấm dứt, trở về lại với trạng thái tiềm thức.

(Thí dụ trên được trích từ “Vi Diệu Pháp Giảng Giải” của Pháp sư Giác Chánh với sự thay đổi về tên các chức năng để phù hợp với giáo trình)

(còn tiếp)

Choose link bên dưới để xem nội dung: 

https://chuaphapluan.com/vn/bai-64-sau-khia-canh-quan-trong-cua-tam-thuc-3-chuc-nang-kicca-tiep-theo-giao-trinh-thang-phap-abhidhamma-21-3-2021.html

https://chuaphapluan.com/vn/bai-64-sau-khia-canh-quan-trong-cua-tam-thuc-3-chuc-nang-kicca-tiep-theo-giao-trinh-thang-phap-abhidhamma-28-3-2021.html