- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Sinh hoạt đặc biệt
Ngày 24.2.2024
ĐẠI LỄ THƯỢNG NGUYÊN
MĀGHA PŪJĀ
- Lời mở đầu
- Đạo từ
- Nghi thức cúng dường đại lễ THƯỢNG NGUYÊN
- Ý nghĩa Đại lễ
- Tưởng niệm nhân ngày huý nhật Hoà thượng Giác Chánh
- Cung tuyên tiểu sử
- Nghi thức huý nhật
- Cảm niệm một bậc thầy
- Hồi hướng – hoàn mãn
Ý Nghĩa Đại Lễ Rằm Tháng Giêng
Tỳ khưu Giác Ðẳng
Người Việt có câu "phép vua thua lệ làng." Những phong tục dân gian lắm lúc được biết nhiều hơn là những nguyên tắc chánh truyền. Lễ Thượng Nguyên Rằm Tháng Giêng là một trường hợp điển hình. Tên Phạn ngữ của đại lễ là Māgha Pūjā có nghĩa là lễ hội ngày rằm tháng Māgha – tương đương với tháng Giêng theo lịch Trung Hoa. Gọi là Thượng Nguyên là cách phân chia theo Âm Lịch cùng với Rằm tháng Bảy là Trung Nguyên và Rằm tháng Mười là Hạ Nguyên. Người Phật tử Việt Nam thường đi chùa xin dâng sớ cầu an cúng sao giải hạn. Vì là ngày Rằm đầu năm nên các chùa tổ chức lễ rất trọng thể.
Ðại lễ Rằm Tháng Giêng theo truyền thống Phật Giáo mang hai ý nghĩa: Thứ nhất kỷ niệm ngày đức Phật thuyết kinh Giải Thoát Giáo tại Thánh Hội Tăng Già. Thứ hai kỷ niệm đánh dấu ngày Ðức Phật công bố Giáo Pháp đã được thiết lập vững vàng và Ngài sẽ viên tịch trong ba tháng nữa.
Kinh Giải Thoát Giáo - Ovadàpatimokkha- là bài kinh cô đọng về giáo pháp của chư Phật, căn bản của đời sống tu tập và tôn chỉ hoằng pháp. Mở đầu bài kinh đức Thế Tôn dạy rằng sự cúng dường đức Phật bằng cách cao quí nhất là sự hành trì Phật Pháp:
* Ai hành trì chánh Pháp
Là cúng dường đức Phật
Bằng cách cao quí nhất
Trong các sự cúng dường
Pháp mà Ngài dạy có thể tóm lược trong ba điều: không làm các ác nghiệp, huân tu hạnh lành và thanh lọc tâm ý. Câu kinh nầy đã trở thành lời toát yếu Phật Pháp quen thuộc với mọi người Phật tử:
* Không làm các nghiệp ác
Năng tu tập hành hạnh lành
Thanh lọc tâm thạnh tịnh
Là huấn ngôn chư Phật
Tiếp theo đức Phật nhấn mạnh khả năng kham nhẫn trong cuộc sống tu tập. Vị sa môn trên đường đạo phải học đức chịu đựng nhẫn nại. Trước hết là đối với bản thân. Ðức Từ Phụ nhắc nhở về con đường giải thoát mà chư Phật truyền dạy đều đòi hỏi sự kiên tâm. Tự chế không nuôi hiềm hận, nghiêm trì giới luật, phòng hộ các căn, tiết độ trong ăn uống, sống thanh tịnh độc cư, sống với tâm hướng thượng là những pháp căn bản của người cầu đạo giải thoát:
* Diệt ác bằng nhẫn nại
Là pháp môn tối thắng
Chứng giải thoát Niết-bàn
Là thành tựu tối thượng
* Sa môn không hiềm hận
Luôn tinh nghiêm giới luật
Sống phòng hộ các căn
Tiết độ trong ẩm thực
Sống thanh tịnh độc cư
Hướng tâm cầu giải thoát
Ði xa hơn đức Phật dạy thế nào là cái đẹp, cái được, cái nổi bật mà một người trên đường đạo nên mong mỏi. Pháp nhẫn nại là trang sức đẹp nhất; là điều kiện tất yếu cho các thiện pháp phát triển; là trang sức của người trí; là vẻ đẹp của người hiền; là điều kiện dẫn đến những thành tựu trong cuộc sống. Nhẫn nại là phương cách diệu dụng hoá giải mọi tranh chấp:
* Tất cả các hạnh lành
Lớn mạnh nhờ kiên tâm
Với hiền trí trong đời
Dùng nhẫn là sức mạnh
*Làm sang bằng nhẫn nại
Làm đẹp bằng nhẫn nại
Làm giàu bằng nhẫn nại
Thành công với nhẫn nại
Những tranh chấp lớn nhỏ
Hoá giải nhờ nhẫn nại
Ðức Phật cũng nêu rõ tôn chỉ hoằng pháp khi Ngài dạy chư Tăng: Ðời sa môn sống vì lợi ích của muôn loài. Không dụ dỗ, hăm dọa, hay dùng phỉ báng, phá hoại tha nhân. Con đường giải thoát giác ngộ là con đường của những người tự giác:
* Không mê hoặc, doạ hẩm
Không gây thương tổn ai
Sa môn hoằng đạo cả
Vì lợi lạc cho đời
Một học giả Phật giáo gọi kinh Giải Thoát Giáo là bản tuyên ngôn về tôn chỉ tu tập và hoằng pháp của Tăng lữ. Bản tuyên ngôn đó đã được Ðức Phật long trọng trình bày trước một thính chúng toàn bậc thánh nhơn giải thoát. Tất cả đã im lặng mặc nhiên đón nhận.
Thánh Hội Tăng Già là một sự cố hy hữu xẩy ra duy nhất một lần trong thời Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thuở ấy, Ðức Ðiều Ngự đang trú ở chùa Trúc Lâm tại thành Ràjagaha. Ðó ngày trăng Rằm tháng Magha (tháng Giêng). Mặc dù không một lời mời nào, 1250 vị thánh Tăng tự vân tập về. Tất cả đều là bậc thánh tứ quả vô lậu giải thoát và đều xuất gia bằng lời gọi của Ðức Phật: "ehi bhikkhu - thiện lai tỳ kheo". Những bậc phước huệ vẹn toàn đó đã ngồi vây quanh dưới chân của Ðấng Ðại Giác trong sự im lặng tuyệt đối. Những lời giản dị nhưng thâm sâu của Phật được đón nhận bởi những tâm hồn cao khiết. Dưới ánh trăng vằng vặc sáng trong vườn trúc, tiếng nói giác ngộ được nói lên bởi con người giác ngộ cho một hội chúng giác ngộ. Quả là một cuộc gặp gỡ vô tiền khoáng hậu.
Rằm Tháng Giêng cũng kỷ niệm ngày Ðức Phật tuyên bố đạo tròn duyên mãn và Ngài sẽ viên tịch trong ba tháng nữa. Sau 45 năm hoằng đạo, đức Phật kết thúc năm sau cùng bằng cuộc hành trình dài. Năm ấy Ngài đã 80 tuổi. Con đường từ Ràjagaha về Kusinara ghi lại nhiều sự cố quan trọng. Tại Vesalì, Ðức Ðiều Ngự "với cái nhìn của con voi chúa" đưa mắt quanh núi đồi thanh tú của xứ Vajji lần sau cùng. Buổi trưa hôm đó tôn giả Ananda vị thị giả của đức Như Lai cảm nhận sự rung chuyển mạnh của một cơn động đất trong khi đang thiền tịnh. Tôn giả đến gặp bậc Ðạo Sư và từ kim khẩu của Phật tôn giả được biết rằng Ðức Phật đã quyết định sẽ viên tịch sau 3 tháng tới. Không cầm được nước mắt, người đệ tử trung kiên nầy đã khẩn cầu đức Phật trụ thế lâu hơn. Ðức Phật ôn tồn:
- Hỡi Ananda, các con còn chờ đợi gì nữa ở Như Lai. Giáo pháp đã được truyền dạy đầy đủ không có gì giấu kín. Bốn chúng đệ tử đã được hướng dẫn đầy đủ trong việc tu học. Pháp và Luật đã được giảng giải tường tận.
Rất dễ dàng cho hậu thế chia sẻ tâm trạng của tôn giả Ananda nhưng cũng không thể quên rằng sự hoàn tất ngôi nhà giáo pháp của Ðức Phật là một sự kiện thiêng liêng để kỷ niệm.
Rằm Tháng Giêng cũng được gọi là Ngày Pháp Bảo - Dhamma Day. Cùng với ngày Phật Bảo (đại lễ Rằm Tháng Tư) và ngày Tăng Bảo (Lễ Kathina tháng Mười.) Bởi vì nội dung kinh Giải Thoát Giáo được xem là tôn chỉ của giáo Pháp nên đại lễ nầy được gọi là Ngày Pháp Bảo.
Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam tại hải ngoại đã thông qua ba ngày lễ trên là những ngày truyền thống của Phật giáo và những ngày lễ chính thức khác trong năm như ngày Cha Mẹ (Vu lan), Ngày Thiếu Nhi (Trung thu) ... Quyết định được công bố vào tháng 11 năm 1997.
Thọ Trì Hạnh Ðầu Ðà là cách cúng dường bằng sự tu tập. Lời xưa Phật dạy ai hành trì chánh pháp là cúng dường Như Lai bằng cách cao thượng. Nay những đệ tử cúng dường Phật bằng một đêm tu học không ngủ. Chữ đầu đà là phạn âm của từ ngữ Dhutanga có nghĩa là pháp tiêu trừ phiền não. Có tất cả là 13 hạnh đầu đà. Quyển Thanh Tịnh Ðạo (Visuddhimagga) giải thích tường tận về mỗi hạnh với hiệu năng đối trị những phiền não khác nhau. Hạnh đầu đà trong đại lễ là hạnh sau cùng của mười ba hạnh. Ðây là pháp tiết chế sự mê ngủ bằng cách chỉ đi, đứng, ngồi chứ không nằm. Nói cách khác đây là một đêm không ngủ tu tập cúng dường đức Phật. Thiền sư Buddhadàsa ghi lại những kinh nghiệm bản thân khi Ngài thức đêm thiền định trong rừng: "thế giới về đêm quả có nhiều điểm kỳ diệu. Hình như trong sự yên tĩnh của màn đêm có cả bao nhiêu sự sống động tiềm ẩn. Những ai theo đuổi cuộc sống tinh thần không nên bỏ qua kinh nghiệm quí báu nầy."
Tùy theo mỗi chùa, đêm đầu đà có thể bao gồm nhiều tiết mục tu học. Thường thì gồm có thuyết pháp, luận đạo, tụng kinh, kệ kinh, hành thiền, kinh hành, v.v... Nói chung là những sinh hoạt tu học khó tìm thấy ở những đại lễ khác.
Cúng đèn cũng là một nghi thức đặc biệt của đại lễ. Túc Sanh Truyện cho chúng ta biết không phải chỉ có trong thời Ðức Phật đến nay mới có việc cúng đèn. Từ thời xa xưa đã có cách dúng dường như vậy. Nền văn minh Ấn hà có tục thờ lửa nên xem đèn như như một lễ phẩm quan trọng trong nghi thức tôn giáo. Thời xưa đèn là một nhu yếu cho các pháp hội buổi tối. Vì thế cúng đèn cũng là cúng dường Pháp Bảo. Dù làm cho sáng hay cho đẹp thì theo lý Nhân Quả người cúng đèn có phước quả sanh làm người có gương mặt sáng lạng ngoài ra nếu có nguyện lực cũng là nhân sanh trí huệ. Người Phật tử Việt nam xem hương, đăng, hoa, quả là bốn lễ phẩm cúng dường chính cho bàn thờ.
Vì lễ thọ đầu đà tổ chức buổi tối nên cúng đèn mang lại không khí thiêng liêng đặt biệt. Hai mươi tám (28) ngọn đèn được thắp để cúng dường 28 vị Chánh Ðẳng Chánh Giác như trong Buddhavamsa (Phật sử) ghi chép. Một trăm lẻ tám (108) ngọn đèn để tiêu tai bạt nghiệp từ 6 căn, 6 cảnh, 6 thức thuộc nội phần và ngoại phận trong ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai (6+6+6) x 2 x 3 =108). Tục cúng cúng sao giải hạn vào lễ Thượng Nguyên cũng lấy việc cúng đèn làm nghi thức chánh.
Nói chung dù theo truyền thống hay tập tục thì lễ Thượng Nguyên vẫn có hai điểm nổi bật là cúng dường ngày Pháp Bảo và cầu an cho bản thân và gia đình.
Kệ Tụng Đại Lễ Rằm Tháng Giêng
Nay tháng Giêng trăng tròn âm lịch
Tiết nguyên tiêu sự tích còn ghi
Hào quang rạng ánh từ bi
Tăng già thắng hội nan nghì nhân duyên
Cả hội chúng thánh hiền cụ túc
Nghìn hai trăm năm chục Tỳ khưu
Thiện Lai nhập đạo tối ưu
Viên thông tứ quả gương lưu cõi đời
Tự vân tập không lời mời thỉnh
Chốn đạo tràng thanh tịnh Trúc Viên
Hướng về hội chúng trang nghiêm
Phật ban giáo chỉ thiêng liêng bảo tồn
Hỡi Tăng chúng Thế Tôn quá khứ
Hội Thánh Tăng đầy đủ ba lần
Tháng Giêng bố tát ngày rằm
Biệt Giải Thoát Giáo pháp âm lưu truyền
Nay ta chỉ một phiên thánh hội
Bởi nhân duyên tùy mỗi thời kỳ
Vì rằng tuổi thọ hiện thời
Ngắn hơn những kiếp loài người thịnh hưng
Hỡi Tăng chúng lắng lòng nghe rõ
Thầy Tỳ khưu sùng mộ Như Lai
Là người chơn chánh triển khai
Tam học diệu pháp Như Lai giáo truyền
Các điều ác cần chuyên dứt bỏ
Những hạnh lành gắng cố trau giồi
Giữ tâm thanh tịnh trọn đời
Ấy lời chư Phật ba thời dạy khuyên
Pháp nhẫn nại thắng duyên tối thượng
Quả niết bàn lạc tịnh tối ưu
Xuất gia không hận không thù
Giữ lòng từ ái cho dù hiểm nguy
Không phỉ báng không gây thương tổn
Giữ mình theo giới bổn thọ trì
Uống ăn tiết độ quán tri
Ðộc cư thiền định chuyên trì công phu
Nhẫn nại pháp tối ưu căn bản
Khiến hạnh lành giới định đặc thù
Diệu năng nhẫn nại đoạn trừ
Căn nguyên lầm lỗi cho dù tế thô
Mọi tranh chấp hơn thua phải quấy
Dùng nhẫn kham hoá giải chấp tranh
Nhẫn nại trang phục tuyệt trần
Của hàng trí giả đạo căn kiên cường
Pháp nhẫn nại là nguồn cội phúc
Là bạn hiền tài lộc uy danh
Tự tha lợi lạc phúc lành
Trời người quí kính thác sinh cõi trời
Cuối sanh tử chứng ngôi bất tử
Liễu niết bàn bất khứ bất lai
Ðúng là ngưỡng mộ Như Lai
Cúng dường chư Phật cách này tối ưu
Nam Mô Phật, Pháp, Tăng Tam Bảo
Tiểu sử
Hoà thượng Giác Chánh Bodhisamma Mahathero
Ngài sinh năm 1947 tại Vĩnh Long, thế danh là Phạm Văn Chánh. Thân phụ ngài là cụ ông Phạm Văn Trị (1904-1996), thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Hai (1910-1966). Thời tuổi trẻ ngài sống chung với cha mẹ, đến năm 20 tuổi lập gia đình với cô Nguyễn Thị Mười và có một cô con gái duy nhất tên Phạm Thị Lý. Năm 1967, chỉ vài tháng sau khi cô con gái chào đời, ngài bỏ nhà đi xuất gia với hòa thượng Tịnh Sự ở chùa Viên Giác (Long Hồ, Vĩnh Long) và theo chân thầy học đạo, đặc biệt chuyên tâm tạng A-Tỳ-Đàm suốt 5 năm.
Năm 1970, ngài tháp tùng hòa thượng bổn sư tìm ra Hòn Nghệ nằm ngoài khơi biển Kiên Giang để tu tập thiền định trong hoàn cảnh một thầy một trò. Năm 1971 ngài xin phép thầy ra chùa Tam Bảo (Vũng Tàu) học thiền Tứ Niệm Xứ với hòa thượng Giới Nghiêm trong một năm. Năm 1973, ngài vào tòng học ở Phật Học Viện Phật Bảo cũng của hòa thượng Giới Nghiêm.
Trong khoảng thời gian từ 1970 đến 1975, ngài là một giảng sư ở Sài Gòn và các tỉnh ( Vũng Tàu, Mỹ Tho, Vĩnh Long) và đã dành thời giờ biên soạn, ấn hành các đầu sách như Pháp Âm (2 tập), Pháp Thừa (2 tập), Chánh Đạo Ngâm Khúc (Thi hóa nội dung kinh Cát Tường - Mangalasutta), Đạo Trường Siêu Thanh (không xuất bản), Vi Diệu Pháp Nhập Môn (in sau 1975).
Năm 1976, ngài đã cùng hòa thượng Thiện Pháp vào rừng Bình Sơn (liền dãy với An Diễn, Suối Trầu, Cẩm Đường bây giờ) để xây dựng ngôi chùa Thiền Quang mái tranh vách đất và nuôi dạy gần 20 sa di cùng giới tử (Sư TK cũng có trong số này). Đây chính là chỗ xuất thân của một thế hệ vàng gồm nhiều vị tăng thành tựu đạo nghiệp sau này như ngài Giác Giới viện chủ tổ đình Viên Giác hôm nay, ngài Bửu Chánh viện chủ thiền viện Phước Sơn, ngài Giác Đẳng viện chủ chùa Pháp Luân (Hoa Kỳ), ngài Giác Trí viện chủ chùa Hộ Pháp (Vũng Tàu), ngài Chánh Minh viện chủ chùa Bồ Đề (Vũng Tàu) lúc đó là cư sĩ ngoại thiền cũng biết đến A-Tỳ-Đàm vào thời điểm này. Bên cạnh đó là những vị đã hồi tục như sư Giác Liêm, sư Giác Hải (hiện ở Canada), sư Giác Quang là dịch giả Luật Tạng hiện ở Vũng Tàu, hoặc đã viên tịch như ngài Giác Lý, ngài Giác Niệm, ngài Giác Tâm viện chủ chùa Tứ Phương Tăng ở Bình Phước, sư Ngộ Đạo (vừa viên tịch trước tết 2020).
Điều đáng nói là trong thời điểm 1977-1980 điều kiện sinh hoạt cực kỳ khó khăn, cả chùa phải ăn cơm độn khoai mì, nhưng các lớp học A-Tỳ-Đàm vẫn đều đặn. Có vị, như hoà thượng Giác Đẳng, vừa tu học ở rừng vùa vào dạy ở Sài Gòn (ở hai tư gia cư sĩ đường Nguyễn Thiện Thuật và Trần Hưng Đạo). Đặc biệt với số lượng vừa vặn 12 vị tăng trẻ, ngài Giác Chánh và hòa thường Thiện Pháp (nay là viện chủ chùa Thiền Quang I) đã thành lập Ban Hoằng Pháp với các tiểu ban Pháp Chế, Giảng Sư, Giám Luật... Người ít nhưng làm việc hiệu quả, với sự hỗ trợ đắc lực của các cư sĩ như Cô Bảy Vĩnh Phúc (một giáo thọ A-Tỳ-Đàm), gia đình cô Song Ánh, cô Diệu Lạc (nay đã xuất gia với thiền sư Kim Triệu), cô Nguyễn Thị Bền (nay đang ở Đức) và cả cụ Đốc Hiểu (đã cúng dường bộ Tam Tạng tiếng Thái trước khi mất năm 1978).
Chính ngài sơ tổ Hộ Tông và đại lão hòa thượng Hộ Giác cũng từng vào tận ngôi chùa rừng này để hỗ trợ tinh thần nhóm tăng trẻ. Xúc động nhất là ngài tăng thống đương nhiệm của Nam Tông Việt Nam lúc đó là đại lão Ấn Lâm ở trụ sở Kỳ Viên đã tự tay phơi khô từng ổ bánh mì khất thực được ở Sài Gòn để gởi người mang ra chùa rừng Thiền Quang nuôi nhóm tăng trẻ và tạo điều kiện cho các vị vào dạy học tại chùa Kỳ Viên là trụ sở giáo hội thời đó.
Số lượng thành viên Ban Hoằng Pháp tuy không nhiều, nhưng phần hành của mỗi tiểu ban rất rõ ràng và làm việc hiệu quả. Ban Giảng Sư đến từ các từ các tỉnh, mỗi ba tháng có cuộc họp mặt tại chùa rừng Thiền Quang để báo cáo những việc đã làm được hay trình bày những khó khăn đang gặp phải. Ban Giám Luật có trách nhiệm quan sát và kiểm tra các giới tử trước khi chư tăng bỏ phiếu quyết định có đồng thuận cho đắp y thọ giới hay không. Tất cả đều là phiếu kín. Các giới tử muốn thọ giới sa di phải thuộc lòng 105 giới sa di bằng tiếng Pāli và 14 phận sự tăng sĩ bằng tiếng Việt, cùng với phần hạnh kiểm được chư tăng tại chùa nhận xét.
Hoạt động của Ban Hoằng Pháp kéo dài đến cuối năm 1981 thì vì nhiều chướng duyên đã đình chỉ sau gần 20 phiên họp tam cá nguyệt. Sau đó ngài Giác Chánh đã rời khỏi chùa Thiền Quang về an cư một mùa mưa tại chùa Bửu Long (khi đó ngài sơ tổ Hộ Tông đã đi Pháp). Sau mùa an cư này, ngài trở về Long Thành nhận đất cúng dường của bà Đại Tín để xây dựng chùa Thiền Quang II. Và tất cả chư tăng huynh đệ gọi chùa Thiền Quang cũ trong rừng là Thiền Quang I. Cả hai Thiền Quang I và Thiền Quang II tiếp tục tồn tại cho đến bây giờ.
Đầu năm 1983, ngài Giác Chánh phát động phong trào học thuộc Tam Tạng Pāli bằng cách giao cho mỗi vị một bộ kinh để học thuộc lòng, đều bằng tiếng Pāli, và mỗi 3 tháng lại có một cuộc thi trùng tụng. Bất cứ chư tăng hay cư sĩ nào trong 3 tháng trước đó đã học xong 120 trang kinh tạng Pāli thì được trao tặng một phần thưởng có tên gọi là Giải Nibbāna. Ba lần Nibbāna thì được một lần Saddhamma với phần thưởng nhiều gấp đôi. Những người nhận học và thi Tam Tạng Pāli thời đó theo phát động của ngài có khoảng 20 người, có thể kể lại đại khái như sau: Sư Giác Tấn và cô Diệu Ngọc chịu trách nhiệm bộ Paṭṭhāna, sư Ngộ Giới chịu trách nhiệm bộ Yamaka, sư Chánh Ngữ chịu trách nhiệm bộ Kathāvatthu, sư Chánh Pháp chịu trách nhiệm bộ Vibhaṅga, sư TK và sư Chánh Nghiệp chịu trách nhiệm bộ Dhammasaṅganī, sư Giác Tông chịu trách nhiệm bộ Tăng Chi,... Bên cạnh phong trào học thuộc Tam Tạng, các giảng sư phải trải qua các buổi khảo nghiệm trình độ A-Tỳ-Đàm với chính ngài Giác Chánh. Lúc này hòa thượng Tịnh Sự vẫn còn tại tiền. Và nhân chứng cho các sự kiện trên đây hiện vẫn còn không ít người.
Cũng do nhân duyên, phong trào học thuộc lòng Tam Tạng cũng chỉ kéo dài khoảng được 3 năm thì ngừng hẳn. Đến đầu năm 1987, ngài Giác Chánh lại tiếp tục phát động phong trào phiên dịch kinh điển từ các nguồn tiếng Anh và tiếng Thái. Phần tiếng Thái là do cư sĩ Ngô Văn Kỷ đứng ra hướng dẫn tiếng Thái cho chư Tăng. Các sách tiếng Thái được đặt mua từ Thái Lan do cư sĩ Trần Bá Thế mang về. Do xét thấy phần Luật Tạng chưa được phiên dịch ở Việt Nam nên ngài đã ra phần thưởng hậu hỷ cho những vị nào dịch sách Luật. Chính nhờ phong trào này mà toàn bộ giáo trình A-Tỳ-Đàm của đại học Rakhang của Thái được dịch toàn bộ sang tiếng Việt và phổ biến rộng rãi trong chư tăng.
Chính ngài Giác Chánh là người đầu tiên mà cũng là duy nhất tổ chức pháp hội mỗi ba tháng ở các chùa trong nhóm đệ tử hòa thượng Tịnh Sự. Nội dung của các pháp hội này là những chư tăng hay cư sĩ nào có viết bài thuyết trình về các đề tài giáo lý đều có thể ghi danh và được sắp xếp thời gian để thay phiên nhau lên thuyết trình trong mỗi kỳ pháp hội với thời gian kéo dài suốt đêm. Ở các chùa ngoài nhóm thì mỗi năm chỉ có nhiều lắm là 2 đêm pháp hội và nội dung không dày đặc như vậy. Thường chỉ là một hai thời pháp của chư tăng rồi tiếp theo là các tiết mục tụng kinh, ngâm kệ Pāli, ngồi thiền đại chúng và đố vui Phật Pháp. Việc khích lệ chư tăng và cư sĩ thuyết trình Phật Pháp đã được ngài đặc biệt quan tâm và tổ chức từ trước năm 1980 cho đến sau 1990.
Từ năm 1989, ngài rời khỏi Long Thành và về xây dựng chùa Bửu Đức ở Biên Hòa trên ngôi chùa cũ được gia đình sư Pháp Bửu hiến cúng. Tại đây mỗi chủ nhật chùa đều có một buổi giảng pháp cho Phật tử địa phương do chính ngài hoặc chư tăng trong chùa đảm nhiệm.
Theo thời gian, tuổi đời càng lớn, ngài từ chối dần công việc của giáo hội, chỉ còn giữ lại vai trò giảng sư cho các trường hạ trong tỉnh Đồng Nai, không còn hoằng pháp nơi xa nữa.
Thời gian tịnh cư tại chùa Bửu Đức đã cho ngài cơ hội đọc sách và biên soạn kinh điển theo đúng ước mơ từ thời trẻ. Năm 1991, theo lời yêu cầu của một phật tử thân tín, ngài đã tra lục kinh điển để thực hiện bộ trường thi có tên là Phật Sử Diễn Ca dài 10.000 câu, gấp năm lần truyện Kiều. Bộ này khi được tái bản được đặt tựa mới là Đấng Thiên Nhân Sư Gotama. Từ sau năm 2000, ngài dành nhiều thời gian để nghiên cứu và thực tập pháp môn Niệm Xứ.
Đương nhiên không ai ở Việt Nam có đủ thẩm quyền để đưa ra một đánh giá so sánh là vị nào hơn kém vị nào, nhưng những ai đã từng đọc và nghe ngài, chắc chắn đều phải nhận rằng ngài là một chuyên gia về A-Tỳ-Đàm của Nam Truyền và Duy Thức Học của Bắc phái. Ngài không sở hữu bất cứ một bằng cấp học vị nào mà mọi sở tri đều là tự học, nhưng có nghe và đọc ngài mới hiểu kiến văn của ngài là không bờ mé.
Từ năm 2005, ngài đã dành trọn thời gian để đọc kỹ và san định hai bộ Thanh Tịnh Đạo và Vô Ngại Giải Đạo. Tiếc là mãi cho đến lúc viên tịch, công trình này dầu đã hoàn tất, vẫn chưa được ấn hành. Bên cạnh công việc này ngài đã nhận lời thỉnh cầu của chư tăng vào góp mặt trong các buổi giảng Paltalk. Ngài khiêm tốn nói rằng chỉ đảm nhận vai trò của một lão tướng thủ thành, điền khuyết vào những buổi giảng mà các giảng sư trẻ tuổi vắng mặt. Sự có mặt của ngài đã làm cho các buổi giảng trở nên ấm cúng và chắc chắn là có phần thâm hậu hơn.
Song song theo đó, sau các buổi thiền tập một mình, ngài đã viết lại tất cả kinh nghiệm vào trong bộ Chiếu Kiến Nghiệp Xứ dày khoảng 400 trang, tất cả chỉ được phát hành nội bộ. Mong là chúng ta có đủ nhân duyên để phát hành bộ sách này và những công trình khác của ngài vào một ngày gần nhất.
Đời ngài chỉ vỏn vẹn 74 năm với 50 năm mặc áo tu nhưng tâm nguyện của ngài không biết cho đến thế hệ nào mới có thể làm tròn được. Và dấu ấn mà ngài để lại cho Phật Giáo Việt Nam biết bao lâu mới có thể phai mờ. Thậm chí nhiều người đã nhận được nguồn ân trạch của ngài qua các trung gian cũng không hề biết đến điều này. Đối với hòa thượng Tịnh Sự, ngài giống như Khuy Cơ của ngài Huyền Trang hay Tăng Triệu với La Thập. Không có hòa thượng Tịnh Sự thì người Việt không biết đến tạng A-Tỳ-Đàm và ngài Giác Chánh chính là người thay mặt thầy giao phó viên ngọc báu này đến tận tay nhiều người, qua nhiều phương tiện và nhiều trung gian. Thậm chí có thể nói rằng pháp môn Tứ Niệm Xứ và giáo lý Duyên Khởi đã nhờ hai ngài mà được xiển dương và nhận thức đúng đắn dù chỉ ở một số ít người tại Việt Nam giữa một thời buổi mà Phật Giáo hình thức đã đẩy lùi Phật Giáo nội dung.
Mối quan tâm lớn nhất thuở bình sinh của hòa thượng không phải là kiến tạo chùa chiền, mà lại nhằm vào hai việc khác là đào tạo các thế hệ tăng tài và truyền bà giáo pháp, đặc biệt giáo lý A Tỳ Đàm và pháp môn Tứ Niệm Xứ. Hòa thượng đã để lại những người học trò có thể ít nhiều tiếp nối được lý tưởng của ngài và một số ngôi chùa do ngài khai sơn hoặc tiếp nhận mà mục đích vẫn là để hoằng truyền Phật Pháp. Có thể kể ra đây một số ngôi chùa do ngài trực tiếp hoặc gián tiếp xây dựng như Thiền Quang II (thượng tọa Chí Tâm trụ trì), chùa Nguyên Thủy (Cát Lái), chùa Quảng Nghiêm (thượng tọa Tuệ Quyền trụ trì), chùa Cồ Đàm (thượng tọa Chơn Thiện trụ trì), chùa Siêu Lý Vĩnh Long, chùa Ngọc Đạt Phước Tân (hòa thượng Trí Đức trụ trì)....chưa kể những ngôi chùa có quan hệ đặc biệt như Thiền Quang I, Siêu Lý Phú Định (thượng tọa Pháp Nhiên trụ trì), Viên Giác Vĩnh Long, Tứ Phương Tăng Cần Thơ.
Ngài không có nhiều đệ tử truyền giới, trước sau có lẽ không hơn 20 vị. Hai vị đệ tử đầu tiên của ngài là thượng tọa Trí Quảng (hiện là trụ trì chùa Bửu Môn, Texas, Hoa Kỳ), thượng tọa Trí Tịnh (trụ trì chùa Phật Pháp, Florida, Hoa Kỳ) và người đệ tử cuối cùng là đại đức Pháp Tín, người thị giả tận tụy đã chăm sóc ngài trong những năm tháng cuối đời cho đến tận phút viên tịch và hiện cũng đang là người kế thừa tổ đình Bửu Đức (Biên Hòa), đồng thời cũng là một giảng sư trên Paltalk.
Ngài đã ra đi nhưng vẫn còn đó. Cho đến bao giờ còn có người cần đến ánh nắng cho hơi ấm và ánh sáng, còn cần đến dưỡng khí để mà thở và còn cần biết đến cái gì là biển rộng trời cao giữa nhân gian tù đọng này.
Tampa, mùa tang 2020
Pháp tử Toại Khanh kính ghi