- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Thắng Pháp Toát Yếu
Bài học ngày 3.4.2022
Bài 70.
Chương VIII. TOÁT YẾU DUYÊN TRỢ (Paccayasaṅgaha)
PHẦN II. ĐỊNH LÝ Y TƯƠNG SINH (Paṭiccasamuppādanayo) “tiếp theo”
· Bảy vấn đề nên biết trong y tương sinh
Trong y tương sinh, những điều cần được biết là mười hai chi (aṅga), ba thời (addha), bốn yếu lược (saṅkhepa), hai mươi bốn thể (ākāra), ba tục đoan (sandhi), ba luân (vaṭta) và hai căn (mūla).
1. Mười hai chi (dvādas’aṅgāni)
Y tương sinh có 11 duyên trợ như vô minh duyên hành … sanh duyên lão tử. Nhưng cần được biết là có 12 chi (aṅga), đó là (1) Vô minh (avijjā), (2) Hành (saṅkhāra), (3) Thức (viññāṇa), (4) Danh sắc (nāmarūpa), (5) Lục nhập (saḷāyatana), (6) Xúc (phassa), (7) Thọ (vedanā), (8) Ái (taṇhā), (9) Thủ (upādāna), (10) Hữu (bhava), (11) sanh (jāti), (12) Lão tử (jarāmaraṇa). Sầu (sokādi)... là thứ yếu nên không kể.
*
2. Ba thời (tayo addhā)
Thời đây là nói theo thời kiếp sống. Kiếp sống trước gọi là quá khứ; kiếp sống này gọi là thời hiện tại; kiếp sống sau gọi là thời vị lai.
Trong mười hai chi y tương sinh, vô minh và hành thuộc thời quá khứ. Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ và hữu thuộc thời hiện tại. Sanh và lão tử thuộc thời vị lai.
*
3. Bốn yếu lược (catusaṅkhepā)
Yếu lược là tóm tắt y tương sinh theo nhân quả ba thời.
1. Nhân quá khứ, tức là vô minh và hành.
2. Quả hiện tại, tức là thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ.
3. Nhân hiện tại, tức là ái, thủ và hữu.
4. Quả vị lai, tức là sanh và lão tử.
*
4. Hai mươi bốn thể (catuvīsat’ākārā)
Thể hay còn gọi là hành tướng của y tương sinh, là tính chất hiện ẩn, hình bóng của nhân quả.
Trong bốn yếu lược: Nhân quá khứ, quả hiện tại, nhân hiện tại, quả vị lai. Nên biết chi pháp hiện và ẩn trong nhân quả ấy.
Vô minh và hành hiển hiện là nhân quá khứ; tiềm ẩn trong vô minh và hành là ái, thủ và hữu. Như vậy, nhân quá khứ có năm hành tướng (hiện có hai và ẩn có ba).
Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ là quả hiện tại hiển hiện; Trong năm quả hiện tại có tiềm ẩn là sanh và lão tử. Như vậy, quả hiện tại có bảy hành tướng (hiện có năm và ẩn có hai).
Ái, thủ và hữu là nhân hiện tại hiển hiện; trong ba nhân hiện tại ấy có tiềm ẩn là vô minh và hành. Như vậy nhân hiện tại có năm hành tướng (hiện có ba và ẩn có hai).
Sanh và lão tử là quả vị lai hiển hiện; Trong hai quả vị lai ấy có tiềm ẩn là thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ. Như vậy quả vị lai có bảy hành tướng (hiện có hai và ẩn có năm).
Năm nhân quá khứ, bảy quả hiện tại, năm nhân hiện tại và bảy quả vị lai, tổng cộng có 24 hành tướng hay thể.
Về vấn đề này, các vị A xà lê xưa chỉ nói có hai mươi (20) hành tướng. Tức là năm nhân quá khứ (hai pháp hiện và ba pháp ẩn), năm quả hiện tại (năm pháp hiện mà không kể hai pháp ẩn), năm nhân hiện tại (ba pháp hiện và hai pháp ẩn), và năm quả vị lai (không lấy hai pháp hiện mà chỉ kể năm pháp ẩn).
Các Ngài nói, năm nhân quá khứ là vô minh, hành, ái, thủ và hữu.
Năm quả hiện tại là thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ.
Năm nhân hiện tại là ái, thủ, hữu, vô minh và hành.
Năm quả vị lai là thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ.
*
5. Ba tục đoan (tisandhi)
Tục đoan (sandhi) là mối nối giữa nhân và quả trong y tương sinh. Có ba mối nối:
(1) Mối nối giữa nhân quá khứ với quả hiện tại, chính là mối hành duyên thức (saṅkhārapaccayā viññāṇaṃ). Hành là nhân quá khứ; Thức là quả hiện tại.
(2) Mối nối giữa quả hiện tại với nhân hiện tại, chính là mối thọ duyên ái (vedanāpaccayā taṇhā). Thọ là quả hiện tại: Ái là nhân hiện tại.
(3) Mối nối giữa nhân hiện tại với quả vị lai, chính là mối hữu duyên sanh (bhavapaccayā jāti). Nghiệp hữu là nhân hiện tại; sanh là quả vị lai.
Ở đây cần chú ý mối nối thứ hai: Quả hiện tại với nhân hiện tại, tức thọ duyên ái. Tu tập để dừng lại bánh xe luân hồi; Hành duyên thức, mối nối giữa nhân quá khứ với quả hiện tại, là điều tất nhiên không sửa chữa được; Hữu duyên sanh, mối nối giữa nhân hiện tại với quả vị lai, cũng không chặn đứng được.
Nhưng mối nối giũa quả hiện tại với nhân hiện tại thì không phải nhất định “Do thọ duyên ái”. Một người có tu tập, khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý suy nghĩ, do xúc cảnh phát sanh thọ, người ấy có chánh niệm khi thọ phát sanh, rồi khởi lên trí tuệ thẩm sát tính chất vô thường, khổ, vô ngã. Như vậy thay vì thọ duyên ái, vị tu tập chuyển thành thọ duyên trí, hoặc thọ duyên tín… Sự tu tập đối với duyên sinh là thế.
*
6. Ba luân (tīni vaṭṭāni)
Luân (vaṭṭa) là sự xoay vòng. Bánh xe luân hồi có ba đoạn nối nhau thành vòng tròn, gọi đó là ba luân.
(1) Phiền não luân (kilesavaṭta) là chi vô minh, ái, thủ
(2) Nghiệp luân (kammavaṭṭa) là chi hành và hữu.
(3) Quả luân (vipākavaṭṭa) là chi thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, sanh và lão tử.
Bánh xe luân hồi được phân thành hai chặng: Nhân quá khứ quả hiện tại và nhân hiện tại quả vị lai.
Chặng đầu: vô minh (phiền não luân) duyên hành (nghiệp luân); hành (nghiệp luân) duyên thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ (quả luân).
Chặng sau: ái, thủ (phiền não luân) duyên hữu (nghiệp luân); Hữu (nghiệp luân) duyên sanh và lão tử (quả luân).
Phiền não luân và nghiệp luân là nhân; Quả luân là quả của nhân.
Gọi là luân hồi của chúng sanh, khởi dậy phiền não thúc đẩy tạo nghiệp đưa đến quả; Rồi quả luân hồi tiếp tục tái khởi phiền não luân… Cứ như vậy xoay vòng mãi.
*
7. Hai căn (dve mūlāni)
Căn (mūla) là gốc rễ, cội nguồn. Y tương sinh gồm hai chuỗi: Nhân quá khứ quả hiện tại và nhân hiện tại quả vị lai.
Chuỗi nhân quá khứ quả hiện tại là vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ. Trong chuỗi này, vô minh (avijjā) là gốc, hay gọi là căn (mūla).
Chuỗi nhân hiện tại quả vị lai gồm ái, thủ, hữu, sanh và lão tử. Trong chuỗi này thì ái (taṇhā) là gốc.
Như vậy vô minh và ái là hai căn của y tương sinh.
Khi nào hai gốc ấy được bứng nhổ, được phá hủy hoàn toàn bởi đạo tuệ ưng cúng (Arahattamaggañāṇena) thì bánh xe luân hồi dừng lại.
Bậc Đại Sĩ đã trình bày y tương sinh (paṭicasamuppāda) là vòng luân hồi rối rắm, không có khởi điểm
Không có khởi điểm (anādikaṃ), vây vô minh không phải là khởi điểm thì cái gì là tập khởi của vô minh?
Ngài Sāriputta trong kinh Chánh Tri Kiến (sammādiṭṭhisutta) khi được hỏi về tập khởi của vô minh, Ngài đã giải đáp: Lậu hoặc là tập khởi của vô minh (āsavasamudayā avijjāsamudayo).
Thật vậy chúng sinh bị ngâm chìm bởi tứ lậu (āsava) là tham, tà kiến và si nên sống trong bóng tối, từ bóng tối này đi đến bóng tối khác, khởi lên tâm bất thiện và tâm thiện hiệp thế dẫn đi tái sanh.
Chổ nào có tâm bất thiện sanh khởi thì chổ ấy có vô minh, vì si (moha) phối hợp với tất cả tâm bất thiện (akusalacitta).
Dù là tâm thiện hiệp thế, tâm thiện ấy là nghiệp hữu (kammabhava) do ái, thủ làm duyên (tham và tà kiến) nên vô minh cũng từ dục lậu, hữu lậu, kiến lậu mà sanh ra.
Tóm lại, duyên sinh hay y tương sinh là vòng luân hồi lẩn quẩn, trừ khi chứng được đạo quả A la hán, đoạn diệt hai gốc (mūla) vô minh và ái thì mới chấm dứt luân hồi.
(Dứt định lý y tương sinh)
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu