- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma
Bài học ngày 25.11.2021
Chương VI. TOÁT YẾU TƯƠNG TẬP (Samuccayasaṅgaha)
BÀI 40. TOÁT YẾU BẤT THIỆN (Akusalasaṅgaha) “tiếp theo”
Về Lục cái (cha nīvaraṇāni) và Thất tiềm miên (satt'ānusayā)
Phiền não mang nhiều hình thái và tác động. Hai liệt kê sau đây đề cập hai hiện tượng: ngăn che và “trèo cao lặn sâu”. Chính những lúc phiền não khó nhận mặt là lúc chúng sanh dễ rơi vào hệ luỵ. Sáu pháp cái trong Thắng Pháp có phần sai biệt so với năm pháp cái trong Kinh Tạng. Riêng 7 pháp tiềm miên thì cả hai tạng đều giống nhau. Cả hai đề tài nầy của phiền não đều là những pháp phải được thấu hiểu và đối trị bởi hành giả tu thiền cho dù chỉ hay quán.
6. Lục cái (cha nīvaraṇāni)
Cái _ nīvaraṇa, là che lấp, ngăn trở; Pháp cái ngăn che định và tuệ, không tu chứng được thiền và đạo quả.
Có 6 pháp cái:
1/ Dục dục cái (kāmachandanīvaraṇaṃ). Dục _ kāma, là ngũ dục sắc thinh hương vị xúc. Dục _ chanda, là sự mong muốn, khao khát. Dục dục _ kāmachanda, là sự khao khát hưởng ngũ dục, lòng ham muốn dục lạc ngăn che sự tu chứng thiền định, đạo quả. Chi pháp dục dục cái là tâm sở tham.
2/ Sân độc cái (byāpādanīvaraṇaṃ), Lòng hận thù, căm phẫn ngăn che sự tu chứng thiền định, đạo quả. Chi pháp của sân độc cái là tâm sở sân.
3/ Hôn thuỵ cái (thīnamiddhanīvaraṇaṃ). Hôn thuỵ _ thīnamiddha là sự hôn trầm thuỵ miên. Sự dã dượi, buồn ngủ là tình trạng thụ động của tâm, ngăn che sự tu chứng thiền định, đạo quả. Chi pháp của hôn thuỵ cái là 2 tâm sở: hôn trầm và thuỵ miên.
4/ Trạo hối cái (uddhaccakukkuccanīvaraṇaṃ). Trạo là trạo cử (uddhacca), một trạng thái phóng dật, bồn chồn; Hối là hối hận (kukkucca) một trạng thái ân hận, ray rức. Gọi chung là trạo hối, tình trạng bồn chồn ray rức, tâm không yên, ngăn che sự tu chứng thiền định đạo quả. Chi pháp của trạo hối cái là 2 tâm sở: phóng dật và hối hận.
5/ Hoài nghi cái (vicikicchānīvaraṇaṃ) một trạng thái lưỡng lự, phân vân, hoang mang, không quyết tin, ngăn che sự tu chứng thiền định đạo quả. Chi pháp hoài nghi là tâm sở hoài nghi.
6/ Vô minh cái (avijjānīvaraṇaṃ), sự si mê, ngu muội, không biết pháp đáng biết như uẩn, xứ, giới, đế …v.v… là điều ngăn che tuệ quán để tỏ ngộ thực tướng chứng đắc đạo quả. Chi pháp là tâm sở si.
7. Thất tiềm miên (satt'ānusayā)
Tiềm miên _ anusaya, là ngũ ngầm, tức là những tánh bất thiện sâu nặng trở thành tập khí, cố tật, thói nết …v.v… Khi có nhân thích hợp thì bộc phát sanh khởi; Cũng gọi là tuỳ miên, tiềm thuỳ.
Pháp tiềm miên có 7 thứ:
1/ Dục ái tiềm miên (kāmarāgānusayo), thói đam mê ngũ trần dục lạc, khi gặp cảnh khả ái thì trỗi dậy. Chi pháp của dục ái tiềm miên là tâm sở tham.
2/ Hữu ái tiềm miên (bhavarāgānusayo), thói ham muốn sắc hữu và vô sắc hữu, hay ham muốn tái sanh ba cõi, khi tạo phước, hoặc tu thiền, hoặc chán cảnh ngộ hiện tại thì khởi tâm muốn đời sau. Chi pháp của hữu ái tiềm miên cũng là tâm sở tham.
3/ Phẫn nộ tiềm miên (paṭighānusayo), thói sân giận, hận thù thành tập khí nên khi gặp cảnh trái ý nghịch lòng thì tâm sân sanh khởi liền. Chi pháp là tâm sở sân.
4/ Mạn tiềm miên (mānānusayo), thói kiêu ngạo, kiêu hảnh, so sánh mình với người khác …v.v… thành quen nết, khi thấy người thua mình hoặc bằng mình hoặc hơn mình thì mạn khởi lên. Chi pháp mạn tiềm miên là tâm sở mạn.
5/ Tà kiến tiềm miên (diṭṭhānusayo), thói tà kiến, chấp sai theo thường kiến hay đoạn kiến …v.v… thành cố tật khi nghĩ đến sự kiện gì cũng chấp sai. Chi pháp kiến tiềm miên là tâm sở tà kiến.
6/ Hoài nghi tiềm miên (vicikicchānusayo), thói nghi đời, hoang mang, không quyết tin điều đáng tin …v.v… thành cố tật, gặp điều tốt đẹp cũng sanh ngờ vực. Chi pháp của hoài nghi tiềm miên là tâm sở hoài nghi.
7/ Vô minh tiềm miên (avijjānusayo), bản chất si mê, ngu muội, không biết cái đáng biết …v.v… là tính cố hữu của chúng sanh phàm phu. Chi pháp vô minh tiềm miên là tâm sở si.
Bài đã học: Bài 39. TOÁT YẾU BẤT THIỆN (Akusalasaṅgaha)
Về Tứ lậu _ Tứ bộc _ Tứ phối _ Tứ phược và Tứ thủ
Bài học tiếp theo: Bài 41. Toát yếu bất thiện (Akusalasaṅgaha) “tiếp theo”
Về Thập triền (dasa saṃyojanāni, saññojanāni)
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng