Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Chương IV. TOÁT YẾU SẮC PHÁP (Rūpasaṅgaha) _ Phần V _ Bài 36. Sự diễn biến sắc pháp (Rūpapavattikhamo)

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Chương IV. TOÁT YẾU SẮC PHÁP (Rūpasaṅgaha) _ Phần V _ Bài 36. Sự diễn biến sắc pháp (Rūpapavattikhamo)

Thursday, 11/11/2021, 08:42 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 11.11.2021


Chương IV. TOÁT YẾU SẮC PHÁP (Rūpasaṅgaha)

Phần V _ Bài 36. Sự diễn biến sắc pháp (Rūpapavattikhamo)

Sự trình bày diễn biến của sắc pháp trong Thắng Pháp có ba điểm cần lưu ý: Thứ nhất, nói về diễn biến của vật chất liên quan tới chúng sanh hơn là phạm trù vật lý rộng lớn như khoa học ngày nay. Thứ hai, khi nói về diễn trình sắc pháp của chúng sanh thì phần quan trọng là diễn trình sắc pháp liên quan tới diễn trình tâm pháp; có thể nói, đây là phần cần ghi nhớ nhất. Thứ ba, trong lúc chánh tạng đề cập tương đối cô đọng thì phần lớn những giải thích rộng y cứ trên lý giải của những học giả Thắng Pháp sau nầy; rất nhiều lời giải cục bộ vì kiến thức vật lý thời gian đó rất giới hạn cả phía người giảng cũng như người học.


· Những cõi có sắc pháp diễn biến:

Trong 31 cõi, chỉ có 27 cõi là sắc pháp diễn biến _ 11 cõi dục, 15 cõi sắc hữu tưởng và 1 cõi sắc giới vô tưởng.

Mười một cõi dục có đủ 28 sắc pháp.

Mười lăm cõi sắc hữu tưởng có 23 sắc, không có sắc thần kinh tỷ, thần kinh thiệt, thần kinh thân và 2 sắc tính. Cõi sắc hữu tưởng là cõi phạm thiên không hưởng dục nên không có sắc tỷ thiệt, thân; Các phạm thiên không sanh ái dục nam nữ nên không có sắc nữ tính, nam tính. Chư phạm thiên vẫn có sắc nhãn, sắc nhĩ vì còn mong được thấy cao thượng (dassanānuttariyaguṇa) tức là diện kiến đức Toàn giác khi Ngài xuất hiện ở đời; được nghe cao thượng (savanānuttariyaguṇa) tức là nghe pháp khéo thuyết bởi đức Toàn giác.

Cõi sắc giới vô tưởng chỉ có 17 thứ sắc là 8 sắc bất ly, 1 sắc giao giới, 1 sắc mạng quyền, 3 sắc đặc biệt và 4 sắc tướng trạng. Cõi vô tưởng do nguyện lực ngũ thiền nên phạm thiên vô tưởng chỉ có sắc uẩn mà không có bốn danh uẩn (vô tưởng, vô tâm). Và vì không có tâm nên dù có sắc pháp cũng hạn chế.

Nói về cõi vô sắc không có sắc pháp diễn biến, vì các phạm thiên vô sắc sanh lên do mãnh lực tu tiến đề mục “ly tham sắc” (rūpavirāgabhāvana).


· Chia sắc pháp trong các cõi theo bốn sở sanh:

28 sắc pháp trong cõi dục chia theo sở sanh (samuṭṭhāna) có đủ bốn loại sắc là sắc nghiệp, sắc tâm, sắc quí tiết và sắc vật thực.

- Sắc nghiệp 18 thứ kể thêm 4 sắc tướng trạng thì có 22 sắc nghiệp.

- Sắc tâm 15 thứ kể thêm 4 sắc tướng trạng thì có 19 thứ.

- Sắc quí tiết 13 thứ kể thêm 4 sắc tướng trạng thì có 17 thứ.

- Sắc vật thực 12 thứ kể thêm 4 sắc tướng trạng thì có 16 thứ.

Tính gồm tất cả có 74 sắc (22 + 19 + 17 + 16). Nhưng kể thông thường thì có 28 sắc pháp.

23 sắc pháp trong cõi sắc hữu tưởng chia theo sở sanh có ba loại sắc là sắc nghiệp, sắc tâm và sắc quí tiết.

- Sắc nghiệp 13 thứ (trừ tỷ, thiệt, thân, 2 sắc tính) cộng thêm 4 sắc tướng thì có 17 sắc.

- Sắc tâm 15 thứ, cộng thêm 4 sắc tướng thì có 19 sắc.

- Sắc quí tiết 13 thứ, cộng thêm 4 sắc tướng thì có 17 sắc.

Tính gồm tất cả có 53 sắc. Nhưng kể thông thường thì có 23 sắc.

17 sắc pháp trong cõi vô tưởng chia theo sở sanh có hai loại là sắc nghiệp và sắc quí tiết.

- Sắc nghiệp 10 thứ (8 sắc bất ly, sắc giao giới, 1 sắc mạng quyền) cộng thêm 4 sắc tướng thì có 14 sắc.

- Sắc quí tiết 12 thứ (trừ thinh) cộng thêm 4 sắc tướng thì có 16 sắc.

Tính gồm tất cả có 30 sắc. Nhưng kể thông thường thì có 17 sắc.


· Các cõi với sanh loại (yoni)

Chúng hữu tình có 3 sanh loại (yoni):

a. Phúc sanh (gabbhaseyyaka) loài sanh trong bụng mẹ, có hai loại là thai sanh (jalābuja) loại sanh trong tử cung, noãn sanh (aṇḍaja) loại sanh trong võ trứng. Loài phúc sanh phải trải qua chu kỳ chuyển hoá mới trưởng thành sắc pháp.

b. Thấp sanh (saṃsedaja) loài sanh ra nhờ môi trường ẩm thấp, ủ mốc, không cần nương mẹ. Loài thấp sanh, có loại trưởng thành nhanh, có loại chuyển hoá mới trưởng thành.

c. Hoá sanh (opapātika) loài sanh ra tự nhiên xuất hiện và trưởng thành tức thì như chư thiên, phạm thiên, a tu la, ngạ quỷ …v.v…

Cõi dục giới: sáu cõi trời chỉ có hoá sanh; cõi nhân loại thông thường là thai sanh, nhân loại thời sơ kiếp là hoá sanh, cũng có vài nhân loại noãn sanh và thấp sanh (theo chú giải pháp cú); cõi địa ngục, ngạ quỷ, a tu la chỉ là hoá sanh; cõi bàng sanh thì có đủ 4 sanh loại noãn, thai, thấp, hoá.

Cõi sắc giới và vô sắc giới là hoá sanh.


· Sự diễn biến sắc pháp trong đời sống.

Cõi dục giới có đủ 4 loại sắc do nghiệp sanh, do tâm sanh, do quí tiết sanh và do thức ăn sanh.

Sắc nghiệp có từ sát na sanh của tâm tục sinh. Tuy nhiên, cần phải biết là đối với loài thai sanh và noãn sanh lúc tục sinh chỉ khởi lên ba bọn sắc nghiệp là bọn thân thập sắc, bọn tính thập sắc, bọn ý vật thập sắc; Khoảng 7 ngày sau khi tục sinh, bọn mạng quyền cửu sắc tiếp tục khởi lên; Đến khoảng 77 ngày sau khi tục sinh thì khởi lên 4 bọn sắc nghiệp còn lại là bọn nhãn thập sắc, bọn nhĩ thập sắc, bọn tỷ thập sắc và bọn thiệt thập sắc. Đối với loài thấp sanh và hoá sanh cõi dục, lúc tục sinh khởi lên 7 bọn sắc nghiệp là bọn nhãn, bọn nhĩ, bọn tỷ, bọn thiệt, bọn thân, bọn tính và bọn ý vật; vào sát na trụ của tâm tái tục (trễ hơn chút) khởi lên bọn mạng quyền. Sau khi tục sinh khởi lên tiếp tục đủ sắc nghiệp thì trong thời bình nhật chúng sanh cõi dục giới có đủ 8 bọn sắc nghiệp (bọn tính có nam tính hoặc có nữ tính thôi) và diễn tiến sanh diệt trong suốt đời sống.

Sắc tâm xuất hiện vào sát na hữu phần đều tiên (sau tâm tục sinh), khởi lên trong 17 sát na kế tiếp rồi diễn tiến sanh diệt (trong thời bình nhật vào sát na ngũ song thức, sắc tâm không sanh, sau đó mới sanh và diệt).

Sắc quí tiết xuất hiện từ sát na trụ của tâm tái tục do hoả giới của sắc nghiệp; Sắc quí tiết do hoả giới của sắc tâm thì khởi lên từ sát na trụ của tâm hữu phần đầu tiên; Sắc quí tiết do hoả giới của sắc tâm thì khởi lên từ sát na trụ của tâm hữu phần đầu tiên; Sắc quí tiết do sắc bọn vật thực thì khởi lên theo sắc vật thực sanh khởi mà trễ hơn một sát na tiểu. Suốt đời sống luôn luôn có sắc quí tiết.

Sắc vật thực sanh (sắc bọn vật thực) xuất hiện từ khi nào cơ thể tiếp thu chất dinh dưỡng, tiếp tục diễn biến trong đời sống cõi dục giới cho đến khi mạng chung.

Vào thời tử, đối với loài thai sanh và noãn sanh: Sắc nghiệp ngưng sanh khởi từ sát na trụ của tâm thứ 17 trước khi chết, các sắc nghiệp đã sanh tước sẽ diệt dần và chấm dứt đồng thời với sát na diệt của tâm tử; Đối với loài thấp sanh và hoá sanh cõi dục giới thì không có tiến trình diệt nầy. Sắc tâm, sắc quí tiết và sắc vật thực thì đối với loài noãn sanh, thai sanh, thấp sanh vẫn khởi lên vào sát na tử nên chúng sanh ấy chết rồi; 3 nhóm sắc nầy vẫn tồn tại một lát (khoảng 17 chập tâm) mới nhất hẵn; riêng về loài hoá sanh thì các nhóm sắc nầy đồng diệt mất với tâm tử vì loài hoá sanh chết không để lại xác.

Cõi sắc giới hữu tưởng có 3 loại sắc do nghiệp sanh, do tâm sanh và do quí tiết sanh.

Sắc nghiệp cõi sắc giới hữu tưởng lúc tái tực khởi lên bốn bọn là bọn nhãn thập sắc, bọn nhĩ thập sắc, bọn ý vật thập sắc và bọn mạng quyền cửu sắc.

Sắc tâm khởi lên vào sát na sanh của tâm hữu phần đầu tiên (sau tâm tái tục).

Sắc quí tiết khởi lên vào sát na trụ của tâm tái tục, nếu là sắc quí tiết do sắc nghiệp; Khởi lên vào sát na trụ của tâm hữu phần đầu tiên nếu là sắc quí tiết do sắc tâm.

Đến thời tử của các phạm thiên sắc giới hữu tưởng, vì là loài hoá sanh chết không để lại thân xác nên khi tâm tử diệt thì ba loại sắc cũng đồng thời diệt.

Cõi vô tưởng chỉ có hai loại sắc do nghiệp sanh và do quí tiết sanh.

Sắc nghiệp vô tưởng vào lúc tái tục chỉ khởi lên một bọn mạng quyền cửu sắc.

Sắc quí tiết do sắc nghiệp trợ thì khởi lên vào thời bình nhật tức là sau sắc nghiệp sanh một sát na tiểu.

Khi chết, 2 loại sắc đồng thời diệt với sự kết thúc thọ mạng.

Kết luận sự diễn biến luân hồi của sắc pháp:

Iccevaṃ matasattānaṃ

Punadeva bhavantare

Paṭisandhimupādāya

Tathārūpaṃ pavattati.

Chúng sanh chết như vậy,

Tiếp tục sanh hữu mới,

Bắt đầu từ kiết sanh,

Diễn biến sắc cũng thế.


Dứt phần: TOÁT YẾU SẮC PHÁP (Rūpasaṅgaha)

Bài học tiếp theo: TỔNG QUAN VỀ NÍP BÀN


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu