Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Chương IV. TOÁT YẾU SẮC PHÁP (Rūpasaṅgaha) _ Phần IV _ Bài 35. XẾP LOẠI BỌN SẮC (Rūpakalāpayojanā)

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Chương IV. TOÁT YẾU SẮC PHÁP (Rūpasaṅgaha) _ Phần IV _ Bài 35. XẾP LOẠI BỌN SẮC (Rūpakalāpayojanā)

Sunday, 07/11/2021, 11:59 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 7.11.2021


Chương IV. TOÁT YẾU SẮC PHÁP (Rūpasaṅgaha)

Phần IV _ Bài 35. XẾP LOẠI BỌN SẮC (Rūpakalāpayojanā)

Phật học nói về vạn hữu đặc biệt đề cập pháp hành hay pháp hữu vi (saṅkhāra). Thắng Pháp đi xa hơn khi mô tả tất cả hiện tượng tâm pháp và sắc pháp đều mang đặc tính hỗn hợp dù trong một sát na cực vi. Một số lớn người học thường hiểu các pháp như những cá thể biệt lập nhất là khi đọc qua bảng nêu chi pháp (hay biểu đồ chư pháp). Trên thực tế thì dù là tâm pháp hay sắc pháp thì đều mang nhiều thuộc tánh mà ở đây, trong phần sắc pháp gọi là bọn sắc – rūpakalāpa. Phải nhận rõ mỗi trường hợp của các bọn sắc thì mới có thể nhận ra vai trò và sự tồn tại của vật chất theo Thắng Pháp.

Cũng như tâm pháp, một tâm sanh (cittuppāda) là gồm có tâm và nhóm tâm sở đồng sanh, đồng diệt, đồng biết cảnh, đồng nương vật. Cũng như vậy, Sắc pháp hiện khởi có từng tổng hợp, từng bọn (kalāpa) gồm nhiều thứ sắc đồng sanh (ekuppāda), đồng diệt (ekanirodha), đồng nương (ekanisssaya) tức là nương sắc tứ đại.

Các thứ sắc sanh chung nhau với ba điểm đồng, gọi là bọn sắc (rūpakalāpa).

Sắc pháp gồm có 23 bọn là 9 bọn sắc nghiệp, 8 bọn sắc tâm, 4 bọn sắc quí tiết và 2 bọn sắc vật thực.

Thảo luận. Trong sắc pháp sự tương quan giữa sắc tứ đại và sắc y sinh khác biệt thế nào so với sự tương quan giữa tâm và tâm sở trong danh pháp?


· Chín bọn sắc nghiệp (kammajarūpakalāpa)

1. Cakkhudasakakalāpa, bọn nhãn thập sắc.

Là bọn sắc có 10 thứ: sắc thần kinh nhãn làm chính, phụ hoạ có 8 sắc bất ly và sắc mạng quyền.

2. Sotadasakakalāpa, bọn nhĩ thập sắc.

Là bọn sắc có 10 thứ: sắc thần kinh nhĩ làm chính, phụ hoạ có 8 sắc bất ly và sắc mạng quyền.

3. Ghānadasakakalāpa, bọn tỷ thập sắc

Là bọn sắc có 10 thứ: sắc thần kinh tỷ làm chính, phụ hoạ có 8 sắc bất ly và sắc mạng quyền.

4. Jivhādasakakalāpa, bọn thiệt thập sắc.

Là bọn sắc có 10 thứ: Sắc thần kinh thiệt làm chính, phụ hoạ có 8 sắc bất ly và sắc mạng quyền.

5. Kāyadasakakalāpa, bọn thân thập sắc.

Là bọn sắc có 10 thứ: sắc thần kinh thân làm chính, phụ hoạ có 8 sắc bất ly và sắc mạng quyền.

6. Itthibhāvadasakakalāpa, bọn nữ tính thập sắc.

Là bọn sắc có 10 thứ: Sắc nữ tính làm chính, phụ hoạ có 8 sắc bất ly và sắc mạng quyền.

7. Pumabhāvadasakakalāpa, bọn nam tính thập sắc.

Là bọn sắc có 10 thứ: sắc nam tính làm chính, phụ hoạ có 8 sắc bất ly và sắc mạng quyền.

8. Hadayavatthudasakakalāpa, bọn ý vật thập sắc.

Là bọn sắc có 10 thứ: Sắc ý vật làm chính, phụ hoạ có 8 sắc bất ly và sắc mạng quyền.

9. Jīvitanavakakalāpa, bọn mạng cửu sắc.

Là bọn sắc có 9 thứ: Sắc mạng quyền làm chính, phụ hoạ có 8 sắc bất ly.

Chín bọn sắc nghiệp nầy là sắc sanh ra từ nghiệp, nhưng chỉ lấy 17 sắc (trừ sắc giao giới).

Chín bọn sắc nghiệp nầy chỉ sanh cho chúng hữu tình có mạng căn thôi.

Trong mỗi con người chỉ có nhiều lắm là 8 bọn sắc nghiệp, bởi vì bọn sắc nữ tính và bọn sắc nam tính không thể cùng có cả hai trong một con người được. Nếu là người nữ thì có 8 bọn sắc nghiệp ngoại trừ bọn sắc nam tính; Nếu là người nam thì có 8 bọn sắc nghiệp ngoại trừ bọn sắc nữ tính.

Thảo luận. Phải chăng trong tâm pháp thì không thể có hai sát na tâm đồng lúc hiện hữu ở một chúng sanh nhưng điều nầy không áp dụng ở sắc pháp?


· Tám bọn sắc tâm (Cittajarūpakalāpa)

1. Suddhaṭṭhakakalāpa, bọn thuần bát sắc.

Là bọn sắc tâm thuần có 8 thứ, là 8 sắc bất ly do tâm tạo

2. Saddanavakakalāpa, bọn thinh cửu sắc.

Là bọn sắc có 9 thứ, là sắc cảnh thinh và 8 sắc bất ly do tâm tạo.

3. Kāyaviññattinavakakalāpa, bọn thân biểu cửu sắc.

Là bọn sắc có 9 thứ, là thân biểu tri và 8 sắc bất ly do tâm tạo.

4. Vacīviññattisaddadasakakalāpa, bọn khẩu thinh biểu tri thập sắc.

Là bọn sắc có 10 thứ, là khẩu biểu tri, cảnh thinh và 8 sắc bất ly do tâm tạo.

5. Lahutādi_ekādasakakalāpa, bọn đặc biệt thập nhứt sắc.

Là bọn sắc có 11 thứ, gồm 8 sắc bất ly do tâm tạo, có thêm 3 sắc đặc biệt (khinh, nhu, thích tánh).

6. Saddalahutādidvādasakakalāpa, bọn thinh đặc biệt thập nhị sắc.

Là bọn sắc tâm có 12 thứ: 8 sắc bất ly, 3 sắc đặc biệt, 1 sắc cảnh thinh do tâm tạo.

7. Kāyaviññattilahutādidvādasakakalāpa, bọn thân biểu đặc biệt thập nhị sắc.

Là bọn sắc tâm có 12 thứ: 8 sắc bất ly, 3 sắc đặc biệt, 1 sắc thân biểu tri.

8. Vacīviññattisaddalahutāditerasakakalāpa, bọn khẩu thinh biểu tri đặc biệt thập tam sắc.

Là bọn sắc tâm có 13 thứ sắc: 8 sắc bất ly, 3 sắc đặc biệt, 1 sắc khẩu biểu tri và 1 sắc cảnh thinh.

Sắc tâm trình bày 8 bọn là theo Visuddhimagga. Còn trong Abhidhammatthasaṅgaha chỉ trình bày 6 bọn là không có bọn thinh cửu sắc và bọn thinh đặc biệt thập nhị sắc.

Tám bọn sắc tâm nầy chỉ lấy 14 sắc tâm tạo trừ sắc giao giới. Do đó, 8 bọn sắc tâm chỉ sanh cho loài hữu tình ngũ uẩn thôi.

Tám bọn sắc tâm nầy gồm 4 bọn gốc (mūlakalāpa) và 4 bọn ngọn (mūlikalāpa).

Bốn bọn gốc là (1) Bọn thuần bát sắc, (2) Bọn thinh cửu sắc, (3) Bọn thân biểu cửu sắc, (4) Bọn khẩu thinh biểu thập sắc.

Bốn bọn ngọn là (1) Bọn đặc biệt thập nhứt sắc, (2) Bọn thinh đặc biệt thập nhị sắc, (3) Bọn thuần biểu đặc biệt thập nhị sắc, (4) Bọn khẩu thinh biểu đặc biệt thập tam sắc.

Bọn thuần bát sắc là sắc tâm sanh khi không biểu hiện bằng hành động, lời nói, hay tạo âm thanh, mà chỉ là kềm vững oai nghi, tạo hơi thở phồng xộp …v.v… nhưng không được thoải mái. Bọn sắc tâm thuần là bọn gốc, khi có 3 sắc đặc biệt (khinh, nhu, thích tánh) sanh cùng thì tạo nên sự linh hoạt thoải mái, đó gọi là bọn đặc biệt thập nhứt sắc, là bọn ngọn.

Bọn thinh cửu sắc là bọn gốc, bọn thinh đặc biệt là bọn ngọn. Khi tâm tạo âm thanh không liên hệ miệng nói và âm thanh đó sanh từ tâm yếu ớt, phát ra theo hơi thở, hắc xì hơi, ợ hơi, ngáp …v.v… gọi là bọn thinh cửu pháp; Khi có 3 sắc đặc biệt đồng sanh thì âm thanh đó trong trẻo, linh động, êm tai …v.v… gọi là bọn thinh đặc biệt thập nhị sắc.

Bọn thân biểu cửu sắc là bọn gốc, bọn thân biểu đặc biệt thập nhị sắc là bọn ngọn. Khi tâm tạo đại oai nghi, tiểu oai nghi yếu ớt, không vững vàng không linh hoạt thì gọi là thân biểu cửu sắc; Khi có 3 sắc đặc biệt đồng sanh thì thân biểu tri ấy được mạnh mẽ, uyển chuyển, linh hoạt, thì gọi là bọn thân biểu đặc biệt thập nhị sắc.

Bọn khẩu thinh biểu tri thập sắc là bọn gốc, bọn khẩu thinh biểu tri đặc biệt thập tam sắc là bọn ngọn. Khi miệng nói thành tiếng mà yếu ớt thều thào, không rõ ràng …v.v… gọi là bọn khẩu thinh biểu tri thập sắc; Khi có 3 sắc đặc biệt đồng sanh thì khẩu thinh biểu tri ấy được mạnh mẽ, trong trẻo, lời nới dể cuốn hút …v.v… gọi là bọn khẩu thinh biểu tri đặc biệt thập tam sắc.

Thảo luận. Sự biện tài là đặc điểm của khẩu biểu tri hay của tâm thức mẫn tiệp?


· Bốn bọn sắc quí tiết (Utujarūpakalāpa)

Suddhaṭṭhakalāpa, bọn thuần bát sắc

Là bọn sắc quí tiết thuần có 8 thứ, là 8 sắc bất ly do quí tiết (hoả giới) tạo.

Saddanavakakalāpa, bọn thinh cửu sắc

Là bọn sắc quí tiết có 9 thứ, 1 sắc cảnh thinh làm chính và 8 sắc bất ly do quí tiết tạo.

Lahutādi _ ekādasakakalāpa, bọn đặc biệt thập nhứt sắc

Là bọn sắc quí tiết có 11 thứ, gồm 8 sắc bất ly và 3 sắc đặc biệt.

Saddalahutādidvādasakakalāpa, bọn thinh đặc biệt thập nhị sắc

Là bọn sắc quí tiết có 12 thứ, gồm 1 sắc cảnh thinh, 3 sắc đặc biệt và 8 sắc bất ly.

Bốn bọn sắc quí tiết chỉ lấy 12 thứ trừ sắc giao giới.

Hai bọn sắc quí tiết: bọn thuần bát sắc và bọn thinh cửu sắc, gọi là bọn gốc (mūlakalāpa); Hai bọn sắc quí tiết: bọn đặc biệt thập nhứt sắc và bọn thinh đặc biệt thập nhị sắc, gọi là bọn ngọn (mūlikalāpa).

Bọn quí tiết thuần bát là thân nhiệt của tất cả chúng sanh, kể cả vật chất vô tri cũng đều có nóng hoặc lạnh do bọn quí tiết thuần bát; Nhưng quí tiết ấy không dễ chịu thoải mái. Khi có 3 sắc đặc biệt sanh chung thì tạo nên bọn quí tiết đặc biệt, chỉ riêng sanh trong thân chúng hữu tình, thân nhiệt thoải mái dễ chịu.

Bọn quí tiết thinh cửu, là âm thanh phát sinh do hoả giới trong thân chúng sanh như tiếng sôi bụng, tiếng hơi thở nặng nề …v.v… Kể cả âm thanh phát sinh bên ngoài chúng sanh như tiếng lửa reo, tiếng sấm sét …v.v… Nhưng nơi thân chúng sanh khi có 3 sắc đặc biệt đồng sinh với âm thinh quí tiết, lúc thân nhiệt điều hoà, tiếng tim đập, tiếng hơi thở nhẹ nhàng, thì đó là bọn thinh đặc biệt.

Trong chúng sanh có đủ 4 bọn sắc quí tiết. Ở ngoài chúng sanh chỉ có 2 bọn sắc quí tiết là bọn thuần bát và bọn thinh cửu, không có sắc đặc biệt.

Thảo luận. Sắc quý tíết có là biểu hiện của sức khoẻ khang kiện hay suy yếu ở chúng sanh?


· Hai bọn sắc vật thực (Āhārajakalāpa)

Saddhaṭṭhakakalāpa, bọn thuần bát sắc.

Là bọn sắc vật thực thuần có 8 thứ, là 8 sắc bất ly do vật thực tạo… Đây là bọn gốc (mūlakalāpa).

Lahutādi _ ekādasakakalāpa, bọn đặc biệt thập nhứt sắc.

Là bọn sắc vật thực có 11 thứ, gồm 8 sắc bất ly và 3 sắc đặc biệt. Đây là bọn ngọn (mūlikalāpa).

Hai bọn sắc vật thực nầy chỉ lấy 11 thứ trừ sắc giao giới. Hai bọn sắc vật thực nầy chỉ sanh trong sắc thân chúng sanh thôi.

Các loại thực vật phát triển cao lớn, kết hoa, trổ quả do nương nhờ đất, nước, phân bón …v.v… gọi chế định là thực vật ăn đất phân, uống nước. Kỳ thật đất nước, phân tưới cho cây không thành bọn sắc vật thực được mà thực vật cây cỏ chỉ hấp thu bằng rễ theo tự nhiên. Bọn sắc bất ly do nghiệp sanh, do tâm sanh, do quí tiết sanh đều có sắc dinh dưỡng (oja), sắc dinh dưỡng nầy không phải là bọn sắc vật thực.

Bọn sắc vật thực là sắc dinh dưỡng trong các loại đồ ăn đoàn thực (kabaliṅkārāhāra). Do đó khi thân nầy chưa dung nạp đồ ăn từ bên ngoài thì chưa có bọn sắc vật thực.

Khi đã nhai ăn và nuốt vào bụng, thức ăn đó tạo thành vật thực bát thuần, có thể làm cho thân không khoẻ, khó chịu …v.v… Nhưng nếu có 3 sắc đặc biệt phối hợp thì làm cho thân tráng kiện, khoẻ khoắn, dễ chịu, gọi đó là sắc vật thực đặc biệt thập nhứt sắc.

Thảo luận. Sắc dưỡng tố hay sắc vật thực có bi chi phối bởi nghiệp quá khứ?


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng