Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 68 - Chương VIII - PHẦN II.  ĐỊNH LÝ Y TƯƠNG SINH (Paṭiccasamuppādanayo) “tiếp theo”

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma - Bài 68 - Chương VIII - PHẦN II. ĐỊNH LÝ Y TƯƠNG SINH (Paṭiccasamuppādanayo) “tiếp theo”

Sunday, 20/03/2022, 10:16 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 20.3.2022


Bài 68.

Chương VIII. TOÁT YẾU DUYÊN TRỢ (Paccayasaṅgaha)

PHẦN II.ĐỊNH LÝ Y TƯƠNG SINH (Paṭiccasamuppādanayo) “tiếp theo”

4. Nāmarūpapaccayā saḷāyatanaṃ sambhavati – Do duyên danh sắc có lục nhập (hay danh sắc duyên lục nhập)

Lý giải:

Khởi đầu một kiếp sống mới ở cõi ngũ uẩn, danh sắc khởi sanh đầy đủ; cõi tứ uẩn vào thời điểm tái tục chỉ có danh (nāma). Danh tái tục là bốn uẩn quả (thức, thọ, tưởng, hành); Sắc tái tục là sắc nghiệp (tứ đại và sắc y sinh). Thức uẩn quả là trọng tâm trợ cho thọ, tưởng, hành, đồng sanh và trợ sắc nghiệp đồng sanh lúc tái tục, gọi là thức duyên danh sắc (đã nói mối tương quan thứ 3).

Sau tâm tái tục, tiếp nối là 16 hữu phần (bhavaṅga) cũng là danh uẩn quả như tâm tái tục. Tâm hữu phần thứ 16 (hữu phần dứt dòng – bhavaṅgupaccheda) trợ cho tâm khai ý môn (không còn là danh uẩn quả mà là danh uẩn tố  kiriyā); Tâm khai môn diệt trợ tâm đổng lực tham (là danh uẩn bất thiện)… Tâm nối nhau sanh diệt suốt kiếp sống không gián đoạn. Sắc pháp trong đời sống bình nhật cũng tồn tại nương vào tâm pháp. Chính do danh sắc diễn biến này mà tạo nên các giác quan bắt cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc, pháp.

Do đó, mối tương sinh thứ 4 “Danh sắc duyên lục nhập” được nói đến cần hiểu: Danh (nāma) gồm 52 tâm sở phối hợp tâm; Sắc (rūpa) gồm 28 sắc pháp.

Lục nhập (saḷāyatana) tức sáu nội xứ (cha ajjhattikāyatanāni): nhãn xứ là sắc thần kinh nhãn, nhĩ xứ là sắc thần kinh nhĩ, tỷ xứ là sắc thần kinh tỷ, thiệt xứ là sắc thần kinh thiệt, thân xứ là sắc thần kinh thân, ý xứ là tất cả tâm (gồm nhãn thức giới, nhĩ thức giới, tỷ thức giới, thiệt thức giới, thân thức giới, ý giới và ý thức giới).

Danh sắc duyên lục nhập bằng cách duyên hệ (paṭṭhānapaccaya) như sau:

- Danh là ba danh uẩn tâm sở trợ ý nhập (ý xứ) là tâm hay thức uẩn bằng sáu duyên căn bản: câu sanh duyên, câu sanh y duyên, câu sanh hiện hữu duyên, câu sanh bất ly duyên, hổ tương duyên và tương ưng duyên. Ngoài ra, tùy theo danh năng duyên là gì mà thêm bảy duyên trợ khác như nhân duyên, câu sanh nghiệp duyên, dị thục quả duyên, danh vật thực duyên, câu sanh quyền duyên, thiền na duyên, đồ đạo duyên.

- Danh là ba danh uẩn quả thời tái tục trợ ngũ nhập thô là nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ và thân xứ bằng 6 duyên: Quả duyên, câu sanh duyên, câu sanh y duyên, câu sanh bất tương ưng duyên, câu sanh hiện hữu duyên, và câu sanh bất ly duyên.

- Danh là ba danh uẩn thời bình nhật trợ ngũ nhập thô bằng 4 duyên: Hậu sanh duyên, hậu sanh, hậu sanh bất tương ưng duyên, hậu sanh hiện hữu duyên và hậu sanh bất ly duyên.

- Sắc là sắc nghiệp tứ đại trợ ngũ nhập thô là 5 sắc thần kinh đồng bọn bằng 4 duyên: câu sanh duyên, câu sanh y duyên, câu sanh hiện hữu duyên, và câu sanh bất ly duyên.

- Sắc là sắc nghiệp mạng quyền trợ ngũ nhập thô đồng bọn bằng 3 duyên: sắc mạng quyền duyên, quyền hiện hữu duyên, và quyền bất ly duyên.

- Sắc là sắc nghiệp vật thực nội trợ ngũ nhập thô đồng bọn bằng 3 duyên: sắc vật thực duyên, vật thực hiện hữu duyên, và vật thực bất ly duyên.

- Sắc là sắc nghiệp ý vật thời tái tục trợ ý nhập là tâm tái tục cõi ngũ uẩn bằng 6 duyên: Hổ tương duyên, câu sanh duyên, câu sanh y duyên, câu sanh bất tương ưng duyên, câu sanh hiện hữu duyên, và câu sanh bất ly duyên.

- Sắc là sắc nghiệp ý vật thời bình nhật trợ ý nhập là tâm ý giới và ý thức giới (trừ quả vô sắc), bằng 5 duyên: vật tiền sanh duyên, vật tiền sanh y duyên, vật tiền sanh bất tương ưng duyên, vật tiền sanh hiện hữu duyên, và vật tiền sanh bất ly duyên.

- Sắc là sắc nghiệp thần kinh thời bình nhật trợ ý nhập là ngũ song thức, bằng 6 duyên: Tiền sanh quyền duyên, vật tiền sanh duyên, vật tiền sanh y duyên, vật tiền sanh bất tương ưng duyên, vật tiền sanh hiện hữu duyên và vật tiền sanh bất ly duyên.

*

5. Saḷāyatanapaccayā phasso sambhavati – Do duyên lục nhập có xúc (hay lục nhập duyên xúc)

Lý giải:

Lục nhập đây là sáu nội xứ, tức nhãn xứ (nhãn nhập), nhĩ xứ (nhĩ nhập), tỷ xứ (tỷ nhập), thiệt xứ (thiệt nhập), thân xứ (thân nhập), ý xứ (ý nhập).

Nhãn nhập, nhĩ nhập, tỷ nhập, thiệt nhập và thân nhập có chi pháp là năm sắc thần kinh. Năm nhập này gọi tên chung là ngũ nhập thô. Ý nhập hay ý xứ chi pháp là tất cả tâm (theo bộ vibhaṅga, phần paccayākāra) vì tâm nào cũng có xúc tương ưng.

Xúc (phassa hay samphassa) là sự chạm mặt đối tượng, xúc cảnh, chi pháp là tâm sở xúc (phassacetasika) đồng sanh với 121 tâm. Nói theo kinh tạng 6 xúc là (1) Nhãn xúc (cakkhusamphassa), (2) Nhĩ xúc (sotasamphassa), (3) Tỷ xúc (ghānasamphassa), (4) Thiệt xúc (jivhāsamphassa), (5) Thân xúc (kāyasamphassa), (6) ý xúc (manosamphassa).

(1) Nhãn xúc là xúc của nhãn thức, sanh khởi do mắt đối chiếu cảnh sắc.

(2) Nhĩ xúc là xúc của nhĩ thức, sanh khởi do tai đối chiếu cảnh thinh.

(3) Tỷ xúc là xúc của tỷ thức, sanh khởi do mũi đối chiếu cảnh khí.

(4) Thiệt xúc là xúc của thiệt thức, sanh khởi do lưỡi đối chiếu cảnh vị.

(5) Thân xúc là xúc của thân thức, sanh khởi do thân đối chiếu cảnh xúc.

(6) Ý xúc là xúc của ý thức (manoviññānaṃ), sanh khởi do ý đối chiếu cảnh pháp.

Sự hội tụ của ba yếu tố: căn, cảnh, và thức, gọi là xúc. Điều này cho thấy rằng sáu căn, sáu cảnh và sáu thức đều làm duyên cho sáu xúc. Nhưng trong duyên sinh chỉ nói lục nhập (sáu căn) duyên xúc, vì lục nhập là cửa ngõ (dvāra) của xúc.

Nhãn nhập là mắt, của ngõ cho cảnh sắc hiện vào và nhãn thức khởi lên, khi ấy có nhãn xúc

Nhĩ nhập … Ý nhập là ý căn, cửa ngõ cho cảnh pháp hiện vào và ý thức khởi lên, khi ấy có ý xúc.

Lục nhập duyên xúc phân tích theo duyên hệ (paṭṭhānapaccaya) như sau:

- Nhãn nhập là sắc thần kinh nhãn trợ nhãn xúc là danh uẩn, bằng sáu duyên là: tiền sanh quyền duyên, vật tiền sanh duyên, vật tiền sanh y duyên, vật tiền sanh bất tương ưng duyên, vật tiền sanh hiện hữu duyên và vật tiền sanh bất ly duyên.

- Nhĩ nhập trợ nhĩ xúc cũng bằng sáu duyên.

Tỷ nhập trợ tỷ xúc cũng bằng sáu duyên.

- Thiệt nhập trợ thiệt xúc cũng bằng sáu duyên.

- Thân nhập trợ thân xúc cũng bằng sáu duyên.

- Ý nhập là tất cả tâm (trừ ngũ song thức) trợ ý xúc là hành uẩn xúc hiệp trong các tâm ấy, bằng chín duyên là: câu sanh duyên, câu sanh y duyên, câu sanh quyền duyên, câu sanh hiện hữu duyên, câu sanh bất ly duyên, hổ tương duyên, tương ưng duyên, danh vật thực duyên, và thêm quả duyên nếu ý nhập là 22 tâm quả hiệp thế (trừ ngũ song thức) trợ ý xúc. Ý nhập đây không kể ngũ song thức vì nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc đã có ngũ nhập thô (5 sắc thần kinh) trợ duyên phần chính rồi.

*

6. Phassapaccayā vedanā sambhavati – Do duyên xúc có thọ (hay xúc duyên thọ)

Lý giải:

Trước đã nói có sáu xúc là nhãn xúc (cakkhusamphasso), nhĩ xúc (sotasamphasso), tỷ xúc (ghānasamphasso), thiệt xúc (jivhāsamphasso), thân xúc (kāyasamphasso) và ý xúc (manosamphasso).

Do sáu xúc ấy duyên cho sáu thọ:

1/ Thọ sanh do nhãn xúc (cakkhusamphassajavedanā)

2/ Thọ sanh do nhĩ xúc (sotasamphassajavedanā)

3/ Thọ sanh do tỷ xúc (ghānasamphassajavedanā)

4/ Thọ sanh do thiệt xúc (jivhāsamphassajavedanā)

5/ Thọ sanh do thân xúc (kāyasamphassajavedanā)

6/ Thọ sanh do ý xúc (manosamphassajavedanā)

Thọ sanh khởi do sáu xúc trợ, có hai trường hợp là tâm sở xúc trợ tâm sở thọ đồng sanh trong tâm ấy, và hai là do xúc sáu cảnh nên sanh khởi cảm thọ trong đời sống.

- Thế nào là tâm sở xúc trợ tâm sở thọ đồng sanh trong tâm ấy?

Khi mắt thấy cảnh sắc thì nhãn thức câu hành xả khởi lên, trong tâm nhãn thức ấy có xúc duyên thọ xả.

Khi tai nghe tiếng thì nhĩ thức câu hành xả khởi lên, trong tâm nhĩ thức ấy có xúc duyên thọ xả.

Khi mũi ngửi mùi thì tỷ thức câu hành xả khởi lên, trong tâm tỷ thức ấy có xúc duyên thọ xả.

Khi lưỡi nếm vị thì thiệt thức câu hành xả khởi lên, trong tâm thiệt thức ấy có xúc duyên thọ xả.

Khi thân chạm cảnh xúc thì thân thức câu hành khổ và thân thức câu hành lạc khởi lên, trong tâm thân thức ấy có xúc duyên thọ khổ, có xúc duyên thọ lạc.

Khi ý nghĩ cảnh pháp có ý thức câu hành ưu, ý thức câu hành hỷ, ý thức câu hành xả khởi lên, trong các tâm ấy có xúc duyên thọ ưu, xúc duyên thọ hỷ, xúc duyên thọ xả.

Trường hợp này nói theo duyên hệ thì xúc duyên thọ bằng tám duyên là câu sanh duyên, câu sanh y duyên, câu sanh hiện hữu duyên, câu sanh bất ly duyên, hổ tương duyên, tương ưng duyên, danh vật thực duyên, dị thục quả duyên (bằng quả duyên nếu xúc hợp tâm quả).

- Thế nào là do xúc sáu cảnh nên sanh khởi cảm thọ trong đời sống?

Trong kinh Pháp Môn Đốt Nóng (Ādittapariyāyasutta) Đức Phật thuyết: Sabbaṃ bhikkhave ādittaṃ … yampi’ daṃ cakkhusamphassapaccayā upajjati vedayitaṃ sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkhamasukhaṃ vā tampi ādittaṃ ..vv..

Này chư tỳ kheo, tất cả bị đốt nóng… cảm thọ nào sanh khởi do duyên nhãn xúc như lạc, hoặc khổ hoặc phi khổ phi lạc, thọ ấy đều bị đốt nóng ..vv..

Theo Phật ngôn đây thì, nhãn xúc duyên thọ lạc, khổ và phi khổ phi lạc; Nhĩ xúc duyên thọ lạc, khổ và phi khổ phi lạc; Tỷ xúc duyên thọ lạc, khổ và phi khổ phi lạc; Thiệt xúc duyên thọ lạc, khổ và phi khổ phi lạc; Thân xúc duyên thọ lạc, khổ và phi khổ phi lạc; Ý xúc duyên thọ lạc, thọ khổ và thọ phi khổ phi lạc.

Thật vậy, chúng sanh thấy sắc vừa lòng thì vui, gặp sắc không vừa lòng thì buồn bực, gặp sắc bình thường thì dửng dưng; cũng vậy, khi nghe tiếng … ngửi mùi … nếm vị … xúc chạm. … ý suy nghĩ cảnh vừa lòng thì vui, cảnh không vừa lòng thì buồn bực, cảnh bình thường thì dửng dưng.

Trường hợp này, sáu xúc duyên thọ lạc hay thọ khổ hay thọ xả nói theo duyên hệ thì trợ bằng thường cận y duyên.

*

7. Vedanāpaccayā taṇhā sambhavati – Do duyên thọ có ái (hay Thọ duyên ái)

Lý giải:

Thọ đây là lạc thọ, khổ thọ, phi khổ phi lạc thọ khởi lên do nhãn xúc, nhĩ xúc ..vv

Mắt thấy sắc dù thọ nào cũng duyên ái được.

Ái do duyên sáu thọ nên cũng có sáu thứ ái là: sắc ái (rūpataṇhā), thinh ái (saddataṇhā), khí ái (gandhataṇhā), vị ái (rasataṇhā), xúc ái (phoṭṭhabbataṇhā) và pháp ái.

Ái cảnh sắc gọi là sắc ái; Ái cảnh thinh gọi là thinh ái; Ái cảnh khí gọi là khí ái; Ái cảnh vị gọi là vị ái; Ái cảnh xúc gọi là xúc ái; Ái cảnh pháp gọi là pháp ái.

Nếu ái cảnh dục không liên quan tà kiến hoặc cầu tái sanh thì gọi là dục ái (kāmataṇhā); Nếu ái cảnh dục có liên quan chấp thường kiến hoặc khát vọng tái sanh ba cõi thì gọi là hữu ái (bhavataṇhā); Nếu ái cảnh dục có liên quan chấp đoạn kiến thì gọi là phi hữu ái (vibhavataṇhā). Có người hiểu lầm rằng hữu ái (bhavataṇhā) là ái cõi thiền sắc giới, phi hữu ái (vibhavataṇhā) là ái cõi thiền vô sắc giới.

Dục ái (kāmataṇhā) và phi hữu ái (vibhavataṇhā) là lấy theo cảnh; Còn hữu ái (bhavataṇhā) là ái theo 5 cách:

- Ái dục hữu (kāmabhava) khao khát sanh làm người, trời cõi dục giới.

- Ái sắc hữu (rūpabhava) khao khát sanh làm phạm thiên cõi sắc.

- Ái vô sắc hữu (arūpabhava) khao khát sanh làm phạm thiên cõi vô sắc.

- Ái thiền lạc (jhānanikanti) ưa thích hạnh phúc thiền chứng.

- Ái thường kiến (sassatadiṭṭhi) ái chấp ngũ uẩn có linh hồn, bản ngã vĩnh hằng; Sống hưởng thụ, chết đi tái sinh đều do linh hồn dẫn dắt.

Trở lại vấn đề thọ duyên ái: Thọ lạc duyên ái là lẽ thường, chúng sanh khi gặp cảnh vừa lòng thì ưa thích say đắm, nhiễm cảnh, ngoại trừ bậc Tứ quả. Bậc Tam quả không còn dục ái nhưng cũng còn sắc ái và vô sắc ái.

Thọ khổ duyên ái, trong đời cũng có những chúng sanh lấy khổ thân khổ tâm làm nguồn cảm hứng để sống mơ mộng khát vọng.

Thọ phi khổ phi lạc tức là thọ xả duyên ái, chúng sanh có người sống vô tư lự, cho rằng là thanh nhàn rồi vui thú với đời sống thanh nhàn ấy.

Nói theo duyên hệ thì thọ duyên ái bằng thường cận y duyên.

*

8. Taṇhāpaccayā upādānaṃ sambhavati – Do ái có thủ (hoặc ái duyên thủ)

Lý giải:

Ái đây là ba ái tập đế (samudayasacca) tức dục ái, hữu ái và phi hữu ái, hay sáu ái theo cảnh là sắc ái, thinh ái, khinh ái, vị ái, xúc ái và pháp ái. Chi pháp là tâm sở tham.

Thủ (upādāna) là sự chấp cứng, bám víu vào những gì ưa thích. Có 4 thủ:

- Dục thủ (kāmupādāna) là sự bám víu cảnh khả ái như sắc, thinh, khí, vị, xúc và pháp hấp dẫn. Chi pháp là tâm sở tham.

- Kiến thủ (diṭṭhupādāna) là sự bám chặt quan điểm sai lầm như thường kiến, đoạn kiến. Chi pháp là tâm sở tà kiến.

- Giới cấm thủ (sīlabbatupādāna) là sự chấp cứng tà giới, nghi thức mê tín dị đoan. Chi pháp cũng là tâm sở tà kiến.

- Ngã luận thủ (attavādupādāna) là sự chấp cứng thuyết bản ngã, cái tôi hiện hữu trong thân ngũ uẩn. Đồng nghĩa với thân kiến (sakkāyadiṭṭhi). Ngã luận thủ có chi pháp cũng là tâm sở tà kiến.

Giải về 4 trường hợp ái duyên thủ:

a. Ái duyên dục thủ - Ái là tâm sở tham, dục thủ cũng là tâm sở tham, không thể đồng sanh. Ái có trước trợ dục thủ có sau; dĩ nhiên phải ưa thích cái gì rồi mới dính mắc cái ấy, ví như thoa lớp keo rồi mới dán dính được vậy. Ái duyên dục thủ, nói theo duyên hệ thì trợ bằng cách thường cận y duyên.

b. Ái duyên kiến thủ - Do ái mà sanh chấp thường kiến hay đoạn kiến. Như người ưa thích cảnh khả ái rồi say đắm hưởng dục với tâm quan niệm lạc này bất biến; hoặc say đắm hưởng thụ với quan niệm chết là hết nên phải tận hưởng.

c. Ái duyên giới cấm thủ - Như có người ước muốn sanh nơi lạc cảnh rồi chấp trì hạnh con bò, hạnh con chó, hạnh nằm trên gai, hạnh thờ lửa, ..v.v..

d. Ái duyên ngã luận thủ - có người vì ái luyến bản thân nên đưa ra luận thuyết về Ngã (atta), chấp “cái ta” trong thân ngũ uẩn.

Ái duyên kiến thủ, giới cấm thủ, và ngã luận thủ gọi chung là ái trợ cho tà kiến.

Ái trợ sanh tà kiến nói theo duyên hệ (paṭṭhānapaccaya), có hai trường hợp:

Ái sanh trước trợ ba thủ tà kiến sanh sau bằng một duyên là thường cận y duyên.

Nếu ái là tâm sở tham trợ cho ba thủ là tâm sở tà kiến cùng sanh trong sát na tâm tham thì bằng bảy duyên là: nhân duyên, hổ tương duyên, tương ưng duyên, câu sanh duyên, câu sanh y duyên, câu sanh hiện hữu duyên, và câu sanh bất ly duyên.

(còn tiếp)

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu