- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma
Bài học ngày 3.3.2022
Bài 64.
Chương VIII. TOÁT YẾU DUYÊN TRỢ (Paccayasaṅgaha)
PHẦN I: ĐỊNH LÝ DUYÊN HỆ (Paṭṭhānanayo) “tiếp theo”
12. Trùng dụng duyên (Āsevanapaccayo)
Trùng dụng duyên là mãnh lực trợ duyên trùng lập nhiều lần một thứ tâm đổng lực thiện, hay bất thiện, hay tố trong lộ trình tâm. Được thí dụ như công việc làm được thuần thục nhờ thao tác lặp đi lặp lại nhiều lần.
Trùng dụng duyên cũng là hình thức vô gián duyên; vô gián duyên của dòng tâm thức tiếp nối nhau đến chặng đổng lực thì gọi là trùng dụng duyên.
Chánh tạng giải thích:
Āsevanapaccayo’ti - Purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṃpacchimānaṃ kusalānaṃ dhammānaṃ āsevanapaccayena paccayo - Purimā purimā akusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ āsevanapaccayena paccayo - Purimā purimā kiriyābyākatā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ kiriyābyākatānaṃ dhammānaṃ āsevanapaccayena paccayo.
Gọi là trùng dụng duyên, như – Các pháp thiện sanh kế trước trợ các pháp thiện sanh kế sau bằng trùng dụng duyên – Các pháp bất thiện sanh kế trước trợ các pháp bất thiện sanh kế sau bằng trùng dụng duyên – Các pháp vô ký tố sanh kế trước trợ các pháp vô ký tố sanh kế sau bằng trùng dụng duyên.
Chú giải:
Trong lộ tâm có chặng đổng lực thiện, sát na đổng lực trước làm năng duyên trợ sát na đổng lực sau làm sở duyên, cùng giống thiện gọi là thiện trợ thiện bằng trùng dụng duyên.
Trong lộ tâm có chặng đổng lực bất thiện, sát na đổng lực trước làm năng duyên trợ sát na đổng lực sau làm sở duyên, cùng giống bất thiện, gọi là bất thiện trợ bất thiện bằng trùng dụng duyên.
Trong lộ tâm có đổng lực tố, sát na đổng lực trước làm năng duyên trợ sát na đổng lực sau làm sở duyên, cùng giống vô ký tố, gọi là vô ký trợ vô ký bằng trùng dụng duyên.
*
13. Nghiệp duyên (Kammapaccayo)
Nghiệp duyên là sự trợ giúp bằng mãnh lực điều hành tạo tác. Chính cetanā (Tư tâm sở) là vai trò nghiệp (kamma), có Phật ngôn rằng: Cetanā’haṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi – Này chư Tỳ kheo, ta nói Tư là nghiệp. Tư (cetanā) được ví như người thợ cái trong cơ sở sản xuất, anh ta điều hành mọi người làm việc và tạo ra sản phẩm.
Có ba loại nghiệp duyên: Dị thời nghiệp duyên (Nānakkaṇikakammapaccaya), Vô gián nghiệp duyên (Anantarapaccaya), câu sanh nghiệp duyên (Sahajātapaccaya).
Chánh tạng giải thích:
Kammapaccayo’ti - Kusalākusalaṃ kammaṃ vipākānaṃ khandhānaṃ kaṭattā ca rūpānaṃ kammapaccayena paccayo - Cetanā sampayuttakānaṃ dhammānaṃ taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ kammapaccayena paccayo.
Gọi là nghiệp duyên, như là – Nghiệp thiện và bất thiện trợ tạo các danh uẩn quả và các sắc nghiệp bằng nghiệp duyên – Tư trợ các pháp tương ưng và các sắc tâm bằng nghiệp duyên.
Chú giải:
Tư tâm sở tương ưng 12 tâm bất thiện, chính là nghiệp bất thiện (akusalakamma). Nghiệp bất thiện này tạo ra bốn danh uẩn quả bất thiện, cùng 18 sắc nghiệp cõi khổ. Tư trợ quả danh sắc ấy gọi là dị thời nghiệp duyên.
Tư tâm sở tương ưng 37 tâm thiện, chính là nghiệp thiện (kusalakamma). Nghiệp thiện dục giới và sắc giới tạo ra bốn danh uẩn quả và sắc nghiệp tục sinh trong cõi vui ngũ uẩn; Nghiệp thiện vô sắc giới chỉ trợ tạo danh uẩn quả tục sinh cõi vô sắc, không tạo ra sắc nghiệp. Nghiệp thiện siêu thế, (Tư trong tâm thiện siêu thế) trợ sanh quả siêu thế, đây là trường hợp đặc biệt. Tâm đạo không phải là nghiệp luân hồi (kammavaṭṭa), tâm quả siêu thế không phải là quả luân hồi.
Vì rằng Tư (cetanā) thiện siêu thế cũng trợ sanh quả siêu thế nên vẫn gọi là nghiệp duyên. Mặt khác, theo chú giải giải thích: Tâm đạo (maggacitta) trợ tâm quả (phalacitta) liền kề trong lộ tâm đắc đạo quả, gọi là vô gián nghiệp duyên (Anantarakammapaccaya); Mãnh lực tâm đạo trợ tâm quả khởi lên về sau khi nhập thiền quả (phalasamāpatti) thì đây gọi là dị thời nghiệp duyên (Nānakkhaṇikakammapaccaya).
Tư tâm sở trong 121 tâm còn có vai trò điều hành tâm và tâm sở tương ưng với nó, và trợ tạo sắc tâm đồng sanh. Trường hợp này gọi là câu sanh nghiệp duyên (Sahajātakammapaccaya).
*
14. Quả duyên (Vipākapaccayo)
Quả duyên là sự trợ giúp bằng vai trò dị thục của nghiệp. Nghiệp tạo ra tâm quả, bốn danh uẩn quả lại tương trợ lẫn nhau. Cũng ví như bốn người đi lạc trong rừng, họ đồng cảnh ngộ giúp nhau, nương tựa nhau vậy.
Chánh tạng giải thích:
Vipākapaccayo’ti vipākā cattāro khandhā arūpino aññamaññaṃ vipākapaccayena paccayo.
Gọi là quả duyên, tức bốn danh uẩn quả trợ giúp lẫn nhau bằng quả duyên.
Chú giải:
Bốn danh uẩn quả ở đây là 52 tâm quả và 38 tâm sở tương ưng.
Trợ giúp lẫn nhau nghĩa là một uẩn trợ ba uẩn, ba uẩn trợ một uẩn, hai uẩn trợ hai uẩn.
Đó là quả duyên phần chính, còn phần phụ là bốn uẩn quả trợ sắc tâm đồng sanh bằng quả duyên – Trong sát na tục sinh cõi ngũ uẩn, uẩn quả tái tục trợ sắc nghiệp tái tục cũng bằng quả duyên.
*
15. Vật thực duyên (Āhārapaccayo)
Vật thực là mãnh lực trợ duyên bằng cách nuôi lớn, làm điều kiện cho sở duyên sanh khởi và phát triển. Như đất nuôi cây cỏ vậy.
Vật thực duyên có hai duyên chia theo chi pháp là Sắc vật thực duyên (rūpāhārapaccaya) và Danh vật thực duyên (nāmāhārapaccaya).
Chánh tạng giải thích:
Āhārapaccayo’ti - Kabaḷīṅkāro āhāro imassa kāyassa āhārapaccayena paccayo – Arūpino āhārā sampayuttakānaṃ dhammānaṃ taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ āhārapaccayena paccayo.
Gọi là vật thực duyên, như – Đoàn thực trợ thân này bằng vật thực duyên – Các phi sắc thực trợ các pháp tương ưng và các sắc tâm bằng vật thực duyên.
Chú giải:
Có 4 loại vật thực là Đoàn thực (kabaliṅkārāhara), Xúc thực (phassāhāra), Tư niệm thực (sañcetanāhāra) và Thức thực (viññāṇāhāra).
Đoàn thực là sắc vật thực; vật thực ngoại là cơm, bánh, rau, trái… để nhai ăn; vật thực nội là dưỡng tố (oja) trong bọn sắc bất ly. Cả hai thứ sắc vật thực này là năng duyên trợ nuôi dưỡng thân sắc uẩn này, gọi là sắc vật thực duyên (rūpāhārapaccaya).
Xúc thực là tâm sở xúc, là thức ăn cho thọ uẩn.
Tư niệm thực là tâm sở tư, là thức ăn cho tâm quả.
Thức thực là tất cả tâm, là thức ăn cho các tâm sở tương ưng và sắc tâm.
Tuy vậy, ba danh thực (nāmāhara) này vẫn làm năng duyên trợ chung cho sở duyên là làm tâm, tâm sở, sắc tâm và sắc nghiệp tái tục bằng danh vật thực duyên (nāmāhārapaccaya).
*
16. Quyền duyên (Indriyapaccayo)
Quyền duyên là mãnh lực trợ giúp bằng chức năng quản lý. Cũng như vị bộ trưởng quản lý những bộ phận trong guồng máy cai trị, theo sở trường chuyên môn của họ vậy.
Quyền duyên theo chi pháp chánh tạng giải thích thì phân thành ba duyên là vật tiền sanh quyền duyên (Vatthupurejātindriyapaccaya), Sắc mạng quyền duyên (Rūpajīvitindriyapaccaya), Câu sanh quyền duyên (Sahajātindriyapaccaya).
Chánh tạng giải thích:
Indriyapaccayo’ti - Cakkhundriyaṃ cakkhuviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ indriyapaccayena paccayo - Sotindriyaṃ sotaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ indriyapaccayena paccayo - Ghānindriyaṃ ghānaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ jndriyapaccayena paccayo - Jivhindriyaṃ jivhāviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ indriyapaccayena paccayo - Kāyindriyaṃ kāyaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ indriyapaccayena paccayo - Rūpajīvitindriyaṃ kaṭattārūpānaṃ indriyapaccayena paccayo - Arūpino indriyā sampayuttakānañca dhammānaṃ taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ indriyapaccayena paccayo.
Gọi là quyền duyên, như – Nhãn quyền trợ nhãn thức giới và các pháp tương ưng bằng quyền duyên – Nhĩ quyền trợ nhĩ thức giới và các pháp tương ưng bằng quyền duyên – Tỷ quyền trợ tỷ thức giới và các pháp tương ưng bằng quyền duyên – Thiệt quyền trợ thiệt thức giới và các pháp tương ưng bằng quyền duyên – Thân quyền trợ thân thức giới và các pháp tương ưng bằng quyền duyên – Sắc mạng quyền trợ các sắc nghiệp bằng quyền duyên – Các quyền phi sắc trợ các pháp tương ưng và các sắc tâm bằng quyền duyên.
Chú giải:
Trong 22 quyền (bāvīsatindriyāni) ở chương VI – Toát yếu tương tập, hai sắc tính (nữ quyền và nam quyền) không thành quyền duyên. Các quyền ngoài ra hai sắc tính thì thành quyền duyên.
Năm quyền: Nhãn quyền, nhĩ quyền, tỷ quyền, thiệt quyền, thân quyền trợ cho 5 thức (nhãn thức giới, nhĩ thức giới, tỷ thức giới, thiệt thức giới, thân thức giới) và 7 tâm sở phối hợp ngũ song thức bằng quyền duyên. Đây gọi là vật tiền sanh quyền duyên, vì nhãn quyền, ..v.v.. là năm sắc vật sanh trước đủ lực trợ ngũ song thức và thời điểm trung thọ.
Mạng quyền (jīvitindriyaṃ) trong 22 quyền là tâm sở mạng quyền (jīvitindriyacetasika) và sắc mạng quyền (tức sắc mạng – jīvitarūpa).
Sắc mạng quyền trợ các sắc nghiệp đồng bọn (kalāpa) bằng quyền duyên. Đây gọi là sắc mạng quyền duyên.
Các quyền phi sắc hay danh quyền (arūpinoindriyā) gồm có 15 quyền trong 22 quyền:
Mạng quyền tức tâm sở mạng quyền.
Ý quyền tức 121 tâm.
Lạc quyền, khổ quyền, hỷ quyền, ưu quyền, xả quyền, 5 quyền này chi pháp là tâm sở thọ.
Tín quyền, tức tâm sở tín.
Tấn quyền, tức tâm sở cần.
Niệm quyền, tức tâm sở niệm.
Định quyền, tức tâm sở nhất hành.
Tuệ quyền, tri vị tri quyền, tri dĩ tri quyền, tri cụ tri quyền, 4 quyền này chung chi pháp là tâm sở trí tuệ.
Mười lăm danh quyền có tám chi pháp.
Tám danh quyền trợ các pháp đồng sanh với chúng, và trợ các sắc tâm hữu quyền bằng quyền duyên. Đây gọi là câu sanh quyền duyên.
(còn tiếp)
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu