Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma - BÀI 52. TOÁT YẾU HÀM TẬN (Sabbasaṅgaha) - Tổng quan

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma - BÀI 52. TOÁT YẾU HÀM TẬN (Sabbasaṅgaha) - Tổng quan

Sunday, 16/01/2022, 14:32 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 16.1.2022


Chương VI. TOÁT YẾU TƯƠNG TẬP (Samuccayasaṅgaha)

BÀI 52. TOÁT YẾU HÀM TẬN (Sabbasaṅgaha)

Tổng quan

Toát yếu hàm tận là phần nói về uẩn, xứ, giới, đế. Chương nầy mang nội dung phổ quát bao gồm toàn diện vạn hữu; tứ đế lại nói luôn cả chân đế vô vi.

Nếu Thắng Pháp được biết đến qua những trình bày điểm cực vi của vạn hữu như từng sát na thì uẩn. xứ, giới, đế là một tầm nhìn đại quan về các pháp. Cũng như trong âm nhạc không phải chỉ giải thích về các nốt nhạc mà còn cần đến sự phô diễn toàn bộ qua các thể loại.

Sự trình bày toàn diện sẽ giúp cho người học Phật, đặc biệt là là hành giả tu tập thiền quán, không nuôi ảo giác về một thực thể chân ngã ẩn khuất đâu đó ngoài thế giới của hữu vi sanh diệt.

Ở đây có sự gặp gỡ quan trọng của cả hai Kinh Tạng và Thắng Pháp Tạng. Trong Kinh Tạng Đức Phật dạy: chính trong tấm thân dài một sải tay nầy Như Lai tuyên bố sự khổ, nguyên nhân sanh khổ, sự diệt khổ, và con đường đưa dến sự diệt khổ. Khi đi sâu vào Thắng Pháp Tạng thì Phật ngôn trên lại càng rõ nét. Uẩn. xứ, giới, đế vừa là cá thể vừa là đại thể. Không có sự phân lập giữa nhận thức về thế giới chủ quan và khách quan. Thấu triệt tự thể cũng là thấu triệt thế giới.

Cũng cần nói thêm là mặc dù các tông phái Phật giáo ngày nay mang nhiền sắc thái dị biệt nhưng cả ba hệ Nguyên Thuỷ, Đại thừa, Kim cang thừa đều nhấn mạnh sự quán triệt năm uẩn, mười hai xứ và mười tám giới. Ba phạm trù về pháp giới nầy tự nhiên tôn lên ý nghĩa siêu tuyệt của tứ đế. Học Thắng Pháp, nói một cách không sợ sai lầm, là đào sâu uẩn, xứ, giới, đế. Hiểu được điều nầy là nhận ra được giá trị của Thắng Pháp, của Phật Pháp và của hành trình giác ngộ giải thoát của người con Phật.


Tập hợp những đề tài bao gồm tất cả pháp chân đế (paramattha dhamma) đồng thể loại, gọi là toát yếu hàm tận. Có 5 đề tài là:

1. Ngũ uẩn (pañcakhandhā) gồm 5 uẩn là sắc uẩn (rūpakkhandho), thọ uẩn (vedanākkhandho), tưởng uẩn (saññākkhandho), hành uẩn (saṅkhārakkhandho) và thức uẩn (viññāṇakkhandho).

2. Ngũ thủ uẩn (pañcupādānakkhandhā) gồm 5 thủ uẩn là sắc thủ uẩn (rūpupādānakkhandho), thọ thủ uẩn (vedanupādānakkhandho), tưởng thủ uẩn (saññupādānakkhandho), hành thủ uẩn (saṅkhārupādānakkhandho) và thức thủ uẩn (viññāṇupādānakkhandho).

3. Thập nhị xứ (dvādas'āyatanāni) gồm 12 xứ là nhãn xứ (cakkhāyatanaṃ), nhĩ xứ (sotāyatanaṃ), tỷ xứ (ghānāyatanaṃ), thiệt xứ (jivhāyatanaṃ), thân xứ (kāyāyatanaṃ), ý xứ (manāyatanaṃ), sắc xứ (rūpāyatanaṃ), thinh xứ (saddāyatanaṃ), khí xứ (gandhāyatanaṃ), vị xứ (rasāyatanaṃ), xúc xứ (phoṭṭhabbāyatanaṃ) và pháp xứ (dhammāyatanaṃ).

4. Thập bát giới (aṭṭhārasa dhātuyo) gồm 18 giới là nhãn giới (cakkhudhātu), nhĩ giới (sotadhātu), tỷ giới (ghānadhātu), thiệt giới (jivhādhātu), thân giới (kāyadhātu), sắc giới (rūpadhātu), thinh giới (saddadhātu), khí giới (gandhadhātu), vị giới (rasadhātu), xúc giới (phoṭṭhabbadhātu), nhãn thức giới (cakkhuviññāṇadhātu), nhĩ thức giới (sotaviññāṇadhātu), tỷ thức giới (ghānaviññāṇadhātu), thiệt thức giới (jivhāviññāṇadhātu), thân thức giới (kāyaviññāṇadhātu), ý giới (manodhātu), pháp giới (dhammadhātu) và ý thức giới (manoviññāṇadhātu).

5. Tứ thánh đế (cattāri ariyasaccāni) có 4 thánh đế là khổ thánh đế (dukkhaṃ ariyasaccaṃ), khổ tập thánh đế (dukkhasamudayo ariyasaccaṃ), khổ diệt thánh đế (dukkhanirodho ariyasaccaṃ) và khổ diệt hành lộ thánh đế (dukkhanirodhagāminīpatipadā ariyasaccaṃ).


Bài đã học: Bài 51. TOÁT YẾU GIÁC PHẦN (Bodhipakkhiyasaṅgaha)

Bát Chi Đạo

Bài học tiếp theo: Bài 53. TOÁT YẾU HÀM TẬN (Sabbasaṅgaha)

Ngũ Uẩn và Ngũ Thủ Uẩn


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng