Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma - BÀI 50. TOÁT YẾU GIÁC PHẦN (Bodhipakkhiyasaṅgaha) - Thất Giác Chi

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma - BÀI 50. TOÁT YẾU GIÁC PHẦN (Bodhipakkhiyasaṅgaha) - Thất Giác Chi

Sunday, 09/01/2022, 10:12 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 9.1.2022


Chương VI. TOÁT YẾU TƯƠNG TẬP (Samuccayasaṅgaha)

BÀI 50. TOÁT YẾU GIÁC PHẦN (Bodhipakkhiyasaṅgaha)

Thất Giác Chi

Ngày nay người ta nói nhiều về tuệ giác nhưng ít khi nêu rõ tuệ giác là gì. Trong Phật Pháp, tuệ giác được định nghĩa là khả năng quán triệt tự tánh cố nhiên của vạn hữu với 7 thành tố là niệm, trạch pháp, cần, hỷ, tịnh, định và xả. Giống như những pháp trong toát yếu giác phần, thất giác cần được hiểu theo cả hai phương diện pháp học và pháp hành. Tất nhiên trong Thắng Pháp, thất giác chi còn được trình bày với pháp bản thể, điều nầy có lợi ích lớn với người học Phật.

6. Thất giác chi (satta bojhaṅgā), danh từ bojjhaṅga gồm hai từ tố “bojjha” (xuất phát từ động từ bujjhati: tỉnh thức hay giác ngộ), và “aṅga” (chi phần, thành phần), như vậy bojjhaṅga _ giác chi, là chi phần của sự giác ngộ, viết một dạng khác là sambojjhaṅga cũng không biến nghĩa. Có bảy giác chi là:

1/ Niệm giác chi (satisambojjhaṅgo), chánh niệm là một yếu tố giác ngộ, sự ghi nhận đề mục một cách sát sao, gọi là chánh niệm. Chánh niệm trong phạm trù giác phần có nhiều vai trò như niệm xứ, niệm quyền, niệm lực đã được nói đến. Chi pháp niệm giác chi là tâm sở niệm trong tâm thiện đang tu tiến thiền quán.

2/ Trạch pháp giác chi (dhammavicayasambojjhaṅgo), Tuệ thẩm sát danh sắc là một yếu tố giác ngộ, trí thấu triệt ngũ uẩn có đặc tính vô thường, khổ, vô ngã, gọi là tuệ thẩm sát. Trí tuệ trong thiền minh sát mới gọi là trạch pháp giác chi; chữ pháp (dhamma) ở đây là đối tượng của thiền minh sát (vipassanā) là danh uẩn và sắc uẩn; chữ trạch (vicaya) có nghĩa là quán triệt, tức là hiểu tận tường thực tướng của danh sắc. Chi pháp của trạch pháp giác chi là tâm sở trí tuệ hợp tâm thiện đang tu tiến thiền quán.

3/ Cần giác chi (viriyasambojjhaṅgo), chánh tinh tấn là một yếu tố giác ngộ, nhưng lại có ý nghĩa sát sao hơn, tức là sự chuyên tâm hành niệm và trạch pháp một cách tích cực không xao lãng, tuy vậy sự tinh cần nầy cũng phải quân bình, không quá dư, không quá thiếu. Chi pháp cần giác chi là tâm sở cần hợp tâm thiện đang tu tiến thiền quán.

4/ Hỷ giác chi (pītisambojjhaṅgo), phỉ lạc sanh lên trong quá trình hành thiền cũng là một yếu tố hỗ trợ cho giác ngộ; Hỷ pīti không phải là cảm thọ hỷ somanassa, mà là sự no vui, phỉ lạc (pīṇetī 'ti pīti), sự no vui nỗi gai ốc …v.v… Nhưng cũng không phải no vui như thấy nghe điều gì mình thích thú, mà là sự no vui khi quá an bình do hành thiền. Chi pháp hỷ giác chi là tâm sở hỷ hợp trong tâm thiện đang tu tiến thiền quán.

5/ Tịnh giác chi (passaddhisambojjhaṅgo), sự yên tĩnh thân tâm _ kāyapassadhi cittapassaddhi, trong khi hành thiền cũng là một yếu tố trợ cho giác ngộ; Tịnh thân _ kāyapassaddhi là sự tĩnh lặng của các tâm sở; Tịnh tâm _ cittapassaddhi là sự tĩnh lặng của tâm thức; nói chung là sự tĩnh lặng của bốn danh uẩn. Hai tâm sở tịnh thân và tịnh tâm chính là chi pháp của tịnh giác chi, khi chúng hợp tâm thiện và tu quán.

6/ Định giác chi (samādhisambojjhaṅgo), sự nhất tâm bất loạn, an trụ kiên cố trên đề mục thiền quán, là yếu tố đến giác ngộ. Định còn được biết qua nhiều vai trò như định quyền, định lực, chánh định, định giác chi, chỉ khi định tâm vào đối tượng thiền minh sát mới thật là định giác chi. Chi pháp của định giác chi là tâm sở nhất hành hợp tâm thiện đang tu tiến thiền quán.

7/ Xả giác chi (upekkhāsambojjhaṅgo), sự quân bình hay trung hoà của tâm đối với cảnh đề mục, là một yếu tố cho sự giác ngộ. Xả giác chi không phải là thọ xả (upekkhāvedanā) mà là trạng thái trung hoà (tatramajjhattatā), kềm tâm ở mức độ vừa phải, cân bằng tâm lý. Chi pháp của xả giác chi là tâm sở trung hoà trong tâm thiện đang tu tiến thiền quán.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng


Bài đã học: Bài 49. TOÁT YẾU GIÁC PHẦN (Bodhipakkhiyasaṅgaha)

Ngũ Quyền và Ngũ Lực

Bài học tiếp theo: Bài 51. TOÁT YẾU GIÁC PHẦN (Bodhipakkhiyasaṅgaha)

Bát Chi Đạo