Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ BÀI 45. TOÁT YẾU HỖN HỢP (Missakasaṅgaha) _ Về Nhị thập nhị quyền (bāvīsatindriyāni)

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ BÀI 45. TOÁT YẾU HỖN HỢP (Missakasaṅgaha) _ Về Nhị thập nhị quyền (bāvīsatindriyāni)

Sunday, 12/12/2021, 14:58 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 12.12.2021


Chương VI. TOÁT YẾU TƯƠNG TẬP (Samuccayasaṅgaha)

BÀI 45. TOÁT YẾU HỖN HỢP (Missakasaṅgaha)

Về Nhị thập nhị quyền (bāvīsatindriyāni)

Indriya là một thuật ngữ Phật học cần trình bày rõ cả hai phương diện ngữ lẫn nghĩa. Riêng trong Thắng Pháp đề tài nầy bao gồm lãnh vực rộng lớn mà người học cần có cái nhìn tổng quan để nắm vững đề tài nầy. Có thể nói đây là góc nhìn đặc biệt đối với cả hai tâm thức và vật chất. Một học giả nói câu dí dỏm nầy: Khi ở một chúng sanh có nhiều quyền thì trở thành vô chủ, vô quyền. Giáo lý vô ngã đôi khi có thể hiểu qua những đề tài gây ngạc nhiên cho người học Phật.

4. Nhị thập nhị quyền (bāvīsatindriyāni), là hai mươi hai quyền. Gọi là quyền (indriya) là những pháp có chức năng đặc biệt, cai quản một lãnh vực riêng, có tác dụng riêng.

Hai mươi hai quyền là:

1/ Nhãn quyền (cakkhundriyaṃ), có chức năng cai quản việc thấy. Chi pháp là sắc thần kinh nhãn.

2/ Nhĩ quyền (sotindriyaṃ), có chức năng cai quản việc nghe. Chi pháp là sắc thần kinh nhĩ.

3/ Tỷ quyền (ghānindriyaṃ), có chức năng cai quản việc ngửi. Chi pháp là sắc thần kinh tỷ.

4/ Thiệt quyền (jivhindriyaṃ), có chức năng cai quản việc nếm. Chi pháp là sắc thần kinh thiệt.

5/ Thân quyền (kāyindriyaṃ), có chức năng cai quản việc đụng chạm. Chi pháp là sắc thần kinh thân.

6/ Nữ quyền (itthindriyaṃ), chức năng biểu hiện tánh cách nữ. Chi pháp là sắc nữ tính.

7/ Nam quyền (purisindriyaṃ), chức năng biểu hiện tánh cách nam. Chi pháp là sắc nam tính.

8/ Mạng quyền (jīvitindriyaṃ), chức năng duy trì sự sống còn của danh và sắc. Chi pháp là tâm sở mạng quyền và sắc mạng quyền.

9/ Ý quyền (manindriyaṃ), chức năng biết cảnh. Chi pháp là tất cả tâm.

10/ Lạc quyền (sukhindriyaṃ), chức năng hưởng cảnh thân lạc. Chi pháp là tâm sở thọ trong tâm thân thức câu hành lạc.

11/ Khổ quyền (dukkhindriyaṃ), chức năng hưởng cảnh thân khổ. Chi pháp là tâm sở thọ trong tâm thân thức câu hành khổ.

12/ Hỷ quyền (somanassindriyaṃ), chức năng hưởng cảnh vui lòng. Chi pháp là tâm sở thọ trong 62 tâm câu hành hỷ.

13/ Ưu quyền (domanassindriyaṃ), chức năng hưởng cảnh buồn lòng. Chi pháp là tâm sở thọ trong 2 tâm sân câu hành ưu.

14/ Xả quyền (upekkhindriyaṃ), chức năng hưởng cảnh bình thản. Chi pháp là tâm sở thọ trong 55 tâm câu hành xả.

15/ Tín quyền (saddhindriyaṃ), chức năng thanh lọc cho tâm trong sáng. Chi pháp là tâm sở tín trong 91 tâm tịnh hảo.

16/ Tấn quyền (viriyindriyaṃ), chức năng thôi thúc cho tâm năng động. Chi pháp là tâm sở cần trong 105 tâm tương ưng cần (tức trừ 15 tâm quả vô nhân và 11 tâm khai ngũ môn).

17/ Niệm quyền (satindriyaṃ), chức năng ghi nhớ cho tâm biết cảnh xác thực.Chi pháp là tâm sở niệm trong 91 tâm tịnh hảo.

18/ Định quyền (samādhindriyaṃ), chức năng tập trung cho tâm trụ vững vào cảnh. Chi pháp là tâm sở nhất hành trong 104 tâm trừ 16 tâm vô cần và tâm si hoài nghi.

19/ Tuệ Quyền (paññindriyaṃ), chức năng soi sáng cho tâm hiểu biết cảnh tỏ tường. Chi pháp là tâm sở trí tuệ trong 79 tâm tương ưng trí.

20/ Tri vị tri quyền (anaññātaññassāmītindriyaṃ), chức năng biết điều chưa từng biết, tức là tỏ ngộ tứ thánh đế mà trước giờ chưa từng tỏ ngộ. Chi pháp là tâm sở trí tuệ trong tâm sơ đạo.

21/ Tri dĩ tri quyền (aññindriyaṃ), chức năng biết điều đã biết, tức là tỏ ngộ tứ thánh đế mà đã biết rồi. Chi pháp là tâm sở trí tuệ trong tâm sơ quả _ nhị đạo _ nhị quả _ tam đạo _ tam quả _ tứ đạo.

22/ Tri cụ tri quyền (aññātāvindriyaṃ), chức năng biết hoàn toàn, liễu tri tứ thánh đế. Chi pháp là tâm sở trí tuệ trong tâm tứ quả (A la hán).

Hai mươi hai quyền phân theo sắc quyền và danh quyền:

Sắc quyền có 8 thứ là nhãn quyền, nhĩ quyền, tỷ quyền, thiệt quyền, thân quyền, nữ quyền, nam quyền và mạng quyền. Tám sắc quyền nầy có 8 chi pháp là 5 sắc thần kinh, 2 sắc tính và sắc mạng quyền.

Danh quyền có 15 thứ, gồm có 8 chi pháp là 121 tâm là ý quyền; Tâm sở mạng quyền là danh mạng quyền; Tâm sở thọ là lạc quyền, khổ quyền, hỷ quyền, ưu quyền và xả quyền; Tâm sở tín là tín quyền; Tâm sở cần là tấn quyền; Tâm sở niệm là niệm quyền; Tâm sở nhất hành là định quyền; Tâm sở trí tuệ là tuệ quyền, tri vị tri quyền, tri dĩ tri quyền và tri cụ tri quyền.

Tám sắc quyền với mười lăm danh quyền, nhưng nói là hai mươi hai quyền bởi vì sắc mạng quyền và danh mạng quyền kể chung một tên gọi là mạng quyền.


Bài đã học: Bài 44. TOÁT YẾU HỖN HỢP (Missakasaṅgaha)

Về Thập nhị chi đạo (dvādasa maggaṅgāni)

Bài học tiếp theo: Bài 46. Toát yếu hỗn hợp (Missakasaṅgaha) “tiếp theo”

Về Cửu lực (nava balāni) _ Tứ trưởng (cattāro ahipatī) và Tứ thực (cattāro āhārā)


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng