Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _  Bài 25. Lộ ý môn bình nhật _ đặc biệt (tiếp theo) _ Về lộ đắc thiền và lộ nhập thiền

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài 25. Lộ ý môn bình nhật _ đặc biệt (tiếp theo) _ Về lộ đắc thiền và lộ nhập thiền

Thursday, 30/09/2021, 15:38 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 30.9.2021


Bài 25. Lộ ý môn bình nhật _ đặc biệt (tiếp theo)

Về lộ đắc thiền và lộ nhập thiền

1. Lộ đắc thiền (Ādikammikajhānavīthi)

Lộ đắc thiền của người trì căn và lợi căn.

Diễn trình như sau:

Người trì căn có sát na chuẩn bị:

· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Chuẩn bị (1) > Cận hành (1) > Thuận thứ (1) > Chuyển tộc (1) > Thiền chứng (1) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Người lợi căn không có sát na chuẩn bị:

· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Cận hành (1) > Thuận thứ (1) > Chuyển tộc (1) > Thiền chứng (1) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Nhận xét:

Có 18 thiền chứng, là 9 thiện đáo đại và 9 tố đáo đại. Hạng thánh hữu học và phàm tam nhân đắc thiền thiện, bậc A la hán đắc thiền tố.

Lộ đắc thiền thiện có 2 chặng là khai môn và đổng lực (gồm dổng lực dục giới và đổng lực kiên cố) _ có 6 chập là sát na khai ý môn, sát na chuẩn bị, sát na cận hành, sát na thuận thứ, sát na thiền chứng; Hoặc 5 chập là không có sát na chuẩn bị _ có 3 thứ tâm là 1 tâm khai ý môn, 1 trong 4 tâm đại thiện hợp trí và 1 trong 9 tâm thiện đáo đại.

Lộ đắc thiền tố có 2 chặng _ có 6 hoặc 5 chập _ có 3 thứ tâm là 1 tâm khai ý môn, 1 trong 4 tâm đại tố hợp trí và 1 trong 9 tâm tố đáo đại.

2. Lộ nhập thiền (Jhānasamāpattivīthi)

Lộ nhập thiền của người trì căn và lợi căn.

Diễn trình như sau:

Người trì căn có sát na chuẩn bị:

· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Chuẩn bị (1) > Cận hành (1) > Thuận thứ (1) > Chuyển tộc (1) > Tâm thiền sanh vô số sát na > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Người lợi căn không có sát na chuẩn bị:

· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Cận hành (1) > Thuận thứ (1) > Chuyển tộc (1) > Tâm thiền sanh vô số sát na > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Nhận xét:

Có 18 thứ thiền nhập, là 9 thiện đáo đại và 9 tố đáo đại. Hạng phàm tam nhân và thánh hữu học nhập thiền thiện, bậc A la hán nhập thiền tố.

Lộ nhập thiền thiện có 2 chặng là khai môn và đổng lực (gồm đổng lực dục giới và đổng lực kiên cố) _ không thể tính chập tâm vì nhập thiền nên tâm thiền sanh vô số sát na _ có 3 thứ tâm trong lộ nhập thiền thiện nầy là 1 tâm khai ý môn, 1 trong 4 tâm đại thiện hợp trí và 1 trong 9 tâm thiền nhập thiện đáo đại.

Lộ nhập thiền tố có 2 chặng _ vô số chập tâm _ có 3 thứ tâm trong lộ nầy là 1 tâm khai ý môn, 1 trong 4 tâm đại tố hợp trí và 1 trong 9 tâm thiền nhập tố đáo đại.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Nên Đặc Biệt Lưu Ý Thuật Ngữ Thiền

Trong lúc chữ “thiền” được xài với nhiều nghĩa ở Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam … thì chữ “thiền” tại các xứ Phật giáo Nam Truyền theo Tam Tạng Pāli, đặt biệt là theo Thắng Pháp, thì mang ý nghĩa chuyên biệt hơn.

Thiền là Phạm âm của jhāna (người Trung Hoa dọc là “chan”; người Nhật đọc là Zen). Jhāna theo Thắng Pháp đặc biệt nói về tâm định cao với các thiền chi như tầm, tứ, hỷ, lạc, định. Những chi thiền nầy khi được phát triển thuần thục sẽ áp đảo được năm ngăn ngại nội tâm (năm pháp cái) là tham dục, sân độc, hôn thuỵ, trạo hối, giao động. Nói một cách chuyên môn thì thì thiền trong Thắng Pháp là nói về thiền chỉ (samatha).

Trọng điểm của thiền – jhāna – là định lực và kết quả chứng thiền là sự thuần thục xuất nhập các tầng thiền. Thí dụ: trong đời sống hằng ngày chúng ta muốn thể nhập vào trạng thái hưng phấn khi làm việc hay nhẹ nhàng thanh thản khi sắp đi ngủ thường khi không an trú dễ dàng như mong muốn. Một người chứng thiền ngược lại có thể xuất nhập các thiền chứng như ý do tinh luyện thuần thục.

Có sự khác biệt về phân chia thiền chứng theo Kinh Tạng và Thắng Pháp Tạng. Kinh Tạng đề cập bốn thiền chứng dựa theo cõi hay cảnh giới tái sanh trong lúc Thắng Pháp Tạng đề cập năm thiền y cứ trên định tâm có chi tầm và chi tứ (sơ thiền) hoặc chỉ có chi tứ mà không có chi tầm (nhị thiền). Thắng Pháp cũng chỉ nói về bốn cõi sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền chứ không nói về cõi ngũ thiền (…).

Ngày nay người Phật tử Việt Nam thường dùng chữ “hành thiền” nhưng rất ít khi tập thiền đúng nghĩa là samatha. Nếu nói cho đúng nghĩa thì sự hành thiền phải gọi là “tu tập định học tăng thượng (samādhi)” bao gồm sự huân tu chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Và khi người ta dùng chữ “thiền môn” hay cửa thiền để chỉ cho chùa chiền thì hàm ý là nơi tu tập nội tâm một cách tổng quát chứ không nhất thiết là nơi tu thiền jhāna.

Bàn về thiền theo ý nghĩa chuyên môn chuẩn xác nhất là theo Thắng Pháp thì thật không có … thiền vị.

Biên soạn: Tỳ kheo Giác Đẳng