- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma
Bài học ngày 12.9.2021
Bài 20. Chương III (tiếp theo)
6. Toát yếu về vật (Vatthusaṅgaha)
Vật (vatthu) đây là sắc vật (vatthurūpa) là trú căn của tâm.
Ở cõi ngũ uẩn (pañcavokāra) danh và sắc trợ nhau, vật làm chỗ trú cho tâm, tâm trợ sanh vật thời tục sinh và trợ cho sắc tồn tại thời bình nhật.
Có sáu vật:
1. Nhãn vật (cakkhuvatthu) là sắc thần kinh nhãn, trú căn của tâm nhãn thức.
2. Nhĩ vật (sotavatthu) là sắc thần kinh nhĩ, trú căn của tâm nhĩ thức.
3. Tỷ vật (ghānavatthu) là sắc thần kinh tỷ, trú căn của tâm tỷ thức.
4. Thiệt vật (jivhāvatthu) là sắc thần kinh thiệt, trú căn của của tâm thiệt thức.
5. Thân vật (kāyavatthu) sắc thần kinh thân, trú căn của tâm thân thức.
6. Ý vật (hadayavatthu) là một thứ sắc nào đó trong thân, trú căn của tâm ý giới và ý thức giới.
· Tâm nương vật nhất định:
- Hai nhãn thức nương trú nhãn vật.
- Hai nhĩ thức nương trú nhĩ vật.
- Hai tỷ thức nương trú tỷ vật.
- Hai thiệt thức nương trú thiệt vật.
- Hai thân thức nương trú thân vật.
- Hai tâm sân, 3 tâm ý giới, 3 tâm quan sát, tâm sinh tiếu, 8 tâm đại quả, 15 tâm sắc giới, 5 tâm sơ đạo nương trú ý vật.
Đó là 37 tâm nương vật nhất định.
· Tâm nương vật bất định
Có 70 tâm nương ý vật bất định là:
- 8 tâm tham
- 2 tâm si
- Tâm khai ý môn
- 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo
- 8 tâm đổng lực vô sắc giới
- 35 tâm siêu thế trừ sơ đạo
Tâm nương vật bất định chỉ là tâm nương ý vật; Những tâm nầy khi hiện khởi trong cõi ngũ uẩn thì nương ý vật, nếu hiện khởi trong cõi tứ uẩn (cõi vô sắc) thì không nương ý vật chỉ nương theo ý môn mà sanh.
· Tâm không nương vật
Có 4 tâm không nương vật, đó là 4 tâm quả vô sắc.
Bốn tâm quả vô sắc chắc chắn không nương vật vì chỉ hiện khởi trong cõi vô sắc, và 4 tâm nầy cũng chắc chắn không nương môn vì là tâm hữu phần.
[Dứt phần TOÁT YẾU CÁC KHÍA CẠNH TÂM SANH]
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu
LẠI MỘT THUẬT NGỮ PHIỀN PHỨC
Đề tài về sáu vật (vatthu) thoạt nghe rất giản dị nhưng kỳ thật có nhiều rối rắm.
Vatthu là một danh từ có nhiều nghĩa trong Phạm ngữ Pāli. Để hiểu rõ ý nghĩa nầy cần xem xét ngữ cảnh cũng như Sớ gỉải. Vatthu có nghĩa là nền tảng, cơ sở; vật thể, đối tượng; thực chất, thực thể; câu chuyện, giai thoạị; và còn nhiều ý nghĩa khác nữa. Sáu vật trong Thắng Pháp có thể hiểu là sáu cơ sở cho tâm thức nương gá như mắt là chỗ nương của nhãn thức… Ý nghĩa nầy rất dễ hiểu đối với nhãn vật, nhĩ vật, tỷ vật, thiệt vật, thân vật nhưng đối với ý vật thì lại là điều rắc rối.
Ý vật chỉ cho cái không ai biết là gì. Trong chánh tạng không chỉ đích xác cái gì thuộc châu thân là nơi nương của ý. Một số ý kiến sau nầy cho là chính là trái tim, hay chi tiết hơn là máu trong tim (…). Cũng có ý kiến ảnh hưởng quan niệm phổ thông ngày nay là não bộ (óc). Mặc dù trong hầu hết các trường hợp khác thì Thắng Pháp nêu đích xác riêng ý vật thì là một ngoại lệ. Ngay cả khi định nghĩa vật là chỗ trú của tâm thì cũng không áp dụng hoàn toàn với ý vật.
Có khi có cũng được không có cũng không sao. Đó là câu nói có thể áp dụng đối với ý vật. Trong lúc năm giác quan thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác đòi hỏi có các căn tương đồng như là điều bắt buộc phải có thì các tâm khác không nhất thiết phải có ý vật. Theo Phật học thì có những cảnh giới không có vật chất (vô sắc). Ở đó tâm thức tồn tại mà không nương gá vật thể. Như vậy tâm thức có thể tồn tại không lệ thuộc vật chất.
Người ta nói học không có thầy dạy là học mò; thế nhưng ngay cả có sách hay có thầy thì vẫn học mò vì đề tài là vậy thôi thì đành vậy.
Biên soạn: Tỳ kheo Giác Đẳng