Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài 19. Toát yếu về cảnh (Ārammaṇasaṅgaha)

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài 19. Toát yếu về cảnh (Ārammaṇasaṅgaha)

Thursday, 09/09/2021, 14:46 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 9.9.2021


Bài 19. Chương III (tiếp theo)

5. Toát yếu về cảnh (Ārammaṇasaṅgaha)

Cảnh (ārammaṇa hoặc ālambaṇa)

Ā abhimukhaṃ ramanti etthā 'ti ārammaṇaṃ, tâm pháp thích chạm mặt với cái gì, thì cái đó gọi là cảnh”. Tức là đối tượng.

cittacetasikehi ālambiyatī 'ti ālambaṇaṃ, cái gì bị tâm và tâm sở nắm bắt, thì cái đó gọi là cảnh”. Tức là sở tri.

Như vậy, cảnh là đối tượng của tâm, là sở tri của tâm.

Nhờ có cảnh trợ cho tâm và tâm sở sanh khởi, gọi là cảnh duyên (ārammaṇapaccayo).

Có sáu cảnh là:

1. Cảnh sắc (rūpārammaṇa) là đối tượng của thị giác, bị mắt thấy. Chi pháp là cảnh sắc.

2. Cảnh thinh (saddārammaṇa) là đối tượng của thính giác, bị tai nghe. Chi pháp là sắc cảnh thinh.

3. Cảnh khí (gandhārammaṇa) là đối tượng của khứu giác, bị mũi ngửi. Chi pháp là sắc cảnh khí.

4. Cảnh vị (rasārammaṇa) là đối tượng của vị giác, bị lưỡi nếm. Chi pháp là sắc cảnh vị.

5. Cảnh xúc (phoṭṭhabbārammaṇa) là đối tượng của xúc giác, bị thân xúc chạm. Chi pháp là sắc đất (cứng, mềm), sắc lửa (nóng, lạnh), sắc gió (căng, dùn).

6. Cảnh pháp (dhammārammaṇa) là đối tượng của ý thức giới, bị ý thức giới biết. Chi pháp là tâm pháp (tâm và tâm sở), sắc pháp (sắc thần kinh và sắc tế), vô vi giới và pháp chế định.

Từ 6 cảnh suy ra thành 21 cảnh là:

1. Cảnh sắc (rūpārammaṇa)

2. Cảnh thinh (saddārammaṇa)

3. Cảnh khí (gandhārammaṇa)

4. Cảnh vị (rasārammaṇa)

5. Cảnh xúc (phoṭṭhabbārammaṇa)

6. Cảnh ngũ (pañcārammaṇa)

7. Cảnh pháp (dhammārammaṇa)

8. Cảnh chơn đế (paramatthārammaṇa)

9. Cảnh chế định (paññattyārammaṇa)

10. Cảnh dục giới (kāmārammaṇa)

11. Cảnh đáo đại (mahaggatārammaṇa)

12. Cảnh níp bàn (nibbānarammaṇa)

13. Cảnh danh pháp (nāmadhammārammaṇa)

14. Cảnh sắc pháp (rūpadhammārammaṇa)

15. Cảnh quá khứ (atītārammaṇa)

16. Cảnh hiện tại (paccuppannārammaṇa)

17. Cảnh vị lai (anāgatārammaṇa)

18. Cảnh ngoại thời (kālavimuttārammaṇa)

19. Cảnh nội phần (ajjhattārammaṇa)

20. Cảnh ngoại phần (bahiddhārammaṇa)

21. Cảnh nội ngoại phần (ajjhattabahiddhārammaṇa)

Bằng cách nào từ 6 cảnh suy ra thành 21 cảnh?

Cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc và cảnh pháp thuộc tâm pháp, sắc pháp, vô vi giới, đó là pháp chân đế, gọi là cảnh chơn đế. Cảnh pháp thuộc chế định, gọi là cảnh chế định. Sắc, thinh, khí, vị và xúc cả 5 đều là đối tượng của ý giới, nên gọi là cảnh ngũ.

Sắc, thinh, khí, vị, xúc và cảnh pháp thuộc sắc pháp, tâm pháp dục giới được gọi là cảnh dục giới. Cảnh pháp thuộc tâm pháp sắc giới và vô sắc giới, được gọi là cảnh đáo đại. Cảnh pháp thuộc vô vi giới, được gọi là cảnh níp bàn.

Sắc, thinh, khí, vị, xúc và một phần cảnh pháp thuộc về sắc, được gọi là cảnh sắc pháp. Cảnh pháp thuộc tâm, tâm sở và níp bàn, được gọi là cảnh danh pháp.

Sắc pháp và tâm pháp đã diệt, gọi là cảnh quá khứ. Sắc pháp và tâm pháp đang hiện khởi, gọi là cảnh hiện tại. Sắc pháp và tâm pháp sẽ sanh khởi, gọi là cảnh vị lai. Cảnh pháp thuộc vô vi giới và chế định, gọi là cảnh ngoại thời (không thuộc ba thời).

Sắc pháp và tâm pháp thuộc thân nầy, cá nhân, gọi là cảnh nội phần. Cái gì ngoài thân nầy mà bị biết, gọi là cảnh ngoại phần. Có những tâm biết tất cả cảnh nội phần và cảnh ngoại phần, đối tượng tâm nầy gọi là cảnh nội ngoại phần.

Cảnh có nhiêu tâm biết?

Cảnh sắc có 48 tâm biết, là 2 tâm nhãn thức (nhất định), 3 tâm ý giới, 41 tâm dục ý thức giới, 2 tâm thông (không nhất định).

Cảnh thinh có 48 tâm biết, là 2 tâm nhĩ thức (nhất định), 3 tâm ý giới, 41 tâm dục ý thức giới, 2 tâm thông (không nhất định).

Cảnh khí có 48 tâm biết, là 2 tâm tỷ thức (nhất định), 3 tâm ý giới, 41 tâm dục ý thức giới, 2 tâm thông (không nhất định).

Cảnh vị có 48 tâm biết, là 2 tâm thiệt thức (nhất định), 3 tâm ý giới, 41 tâm dục ý thức giới, 2 tâm thông (không nhất định).

Cảnh xúc có 48 tâm biết, là 2 tâm thân thức (nhất định), 3 tâm ý giới, 41 tâm dục ý thức giới, 2 tâm thông (không nhất định).

Cảnh ngũ có 46 tâm biết, là 3 tâm ý giới (nhất định), 41 tâm dục ý thức giới, 2 tâm thông (không nhất định).

Cảnh pháp có 110 tâm biết, là 67 tâm thiền (nhất định), 41 tâm dục ý thức giới, 2 tâm thông (không nhất định).

Cảnh chơn đế có 102 tâm biết, là 40 tâm siêu thế, 3 tâm thức vô biên xứ, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng xứ, 8 tâm đại quả, 17 tâm vô nhân trừ khai ý môn (là 71 tâm biết cảnh chơn đế nhất định), tâm khai ý môn, 12 tâm bất thiện, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 2 tâm thông (là 31 tâm biết cảnh chơn đế không nhất định).

Cảnh chế định có 52 biết, gồm 21 tâm biết nhất định là 15 tâm sắc giới, 3 tâm không vô biên xứ, 3 tâm vô sở hữu xứ; gồm 31 tâm biết không nhất định là tâm khai ý môn, 12 tâm bất thiện, 16 đổng lực dục giới tịnh hảo và 2 tâm thông.

Cảnh dục giới có 56 tâm biết, gồm 25 tâm biết nhất định là 17 tâm vô nhân trừ khai ý môn, 8 tâm đại quả; gồm 31 tâm biết không nhất định là tâm khai ý môn, 12 tâm bất thiện, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và 2 tâm thông.

Cảnh đáo đại có 37 tâm biết, gồm 6 tâm biết nhất định là 3 tâm thức vô biên xứ, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng xứ; gồm 31 tâm biết không nhất định là tâm khai ý môn, 12 tâm bất thiện, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và 2 tâm thông.

Cảnh níp bàn có 51 tâm biết, gồm 40 tâm biết nhất định là 40 tâm siêu thế; gồm 11 tâm biết không nhất định là tâm khai ý môn, 4 tâm đại thiện hợp trí, 4 tâm đại tố hợp trí và 2 tâm thông.

Cảnh danh pháp có 89 tâm biết, gồm 46 tâm biết nhất định là 40 tâm siêu thế, 3 tâm thức vô biên xứ, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng xứ; gồm 43 tâm biết cảnh không nhất định là 41 tâm dục ý thức giới và 2 tâm thông.

Cảnh sắc pháp có 56 tâm biết, gồm 13 tâm biết nhất định là 5 cặp thức và 3 ý giới; gồm 43 tâm biết không nhất định là 41 tâm dục giới và 2 tâm thông.

Cảnh quá khứ có 49 tâm biết, gồm 6 tâm biết nhất định là 3 tâm thức vô biên xứ và 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng xứ; gồm 43 tâm biết không nhất định là là 41 tâm dục ý thức giới và 2 tâm thông.

Cảnh hiện tại có 56 tâm biết, gồm 13 tâm biết nhất định là 5 cặp thức và 3 ý giới; gồm 43 tâm biết không nhất định là 41 tâm dục ý thức giới và 2 tâm thông.

Cảnh vị lai có 43 tâm chỉ biết nhất định là 41 tâm dục ý thức giới và 2 tâm thông.

Cảnh ngoại thời có 92 tâm biết, gồm 51 tâm biết nhất định là 15 tâm sắc giới, 3 tâm không vô biên xứ, 3 tâm vô sở hữu xứ, 40 tâm siêu thế; gồm 31 tâm biết không nhất định là tâm khai ý môn, 12 tâm bất thiện, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và 2 tâm thông.

Cảnh nội phần có 62 tâm biết, gồm 6 tâm biết nhất định là 3 tâm thức vô biên xứ, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng xứ, gồm 56 tâm biết không nhất định là 54 tâm dục giới và 2 tâm thông.

Cảnh ngoại phần có 114 tâm biết, gồm 58 tâm biết nhất định là 15 tâm sắc giới, 3 tâm không vô biên xứ, 40 tâm siêu thế, gồm 56 tâm biết không nhất định là 54 tâm dục giới và 2 tâm thông. [Lý giải: 3 tâm không vô biên xứ và 3 tâm vô sở hữu xứ đều có đề mục chế định, nhưng 3 tâm không vô biên xứ biết cảnh ngoại phần, còn 3 tâm vô sở hữu xứ thì không nói là biết cảnh ngoài phần. Vì sao? Bởi vì thiền không vô biên xứ chế định “có” (Hư không vô hạn _ ākāso ananto); còn thiền vô sở hữu xứ thì chế định “không” (không có gì _ natthi kiñci)].

Cảnh nội ngoại phần có 56 tâm biết cũng chỉ là biết bất định, đó là 54 tâm dục giới và 2 tâm thông. [Lý giải: cảnh nội ngoại phần là gom 2 cảnh nội phần và ngoại phần lại gọi chung, không phải là thứ cảnh đặc biệt gì, tâm dục giới và tâm thông biết cả 2 cảnh, tâm dục giới và tâm thông biết cả hai cảnh, khi biết cảnh nội phần, khi biết cảnh ngoại phần. Nên chỉ là tâm biết không nhất định].

Tâm biết được nhiêu cảnh?

Tâm biết chỉ ba cảnh: 3 tâm vô sở hữu xứ biết 3 cảnh là cảnh pháp, cảnh chế định và cảnh ngoại thời.

Tâm biết bốn cảnh: 15 tâm sắc giới, 3 tâm không vô biên xứ biết được 4 cảnh là cảnh pháp, cảnh chế định, cảnh ngoại thời và cảnh ngoại phần.

Tâm biết sáu cảnh: 3 tâm thức vô biên xứ và 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng xứ biết được 6 cảnh là cảnh pháp, cảnh chơn đế, cảnh đáo đại, cảnh danh pháp, cảnh quá khứ và cảnh nội phần. Tâm biết sáu cảnh khác: 40 tâm siêu thế biết 6 cảnh là cảnh pháp, cảnh chơn đế, cảnh níp bàn, cảnh danh pháp, cảnh ngoại thời và cảnh ngoại phần.

Tâm biết tám cảnh: cặp nhãn thức biết 8 cảnh là cảnh sắc, cảnh chơn đế, cảnh dục giới, cảnh sắc pháp, cảnh hiện tại, cảnh nội phần, cảnh ngoại phần, cảnh nội ngoại phần. Cặp nhĩ thức biết 8 cảnh là cảnh khí, cảnh chơn đế …v.v… Cặp tỷ thức biết 8 cảnh là cảnh thinh, cảnh chơn đế …v.v… Cặp thiệt thức biết 8 cảnh là cảnh vị, cảnh chơn đế …v.v… Cặp thân thức biết 8 cảnh là cảnh xúc, cảnh chơn đế, cảnh dục giới, cảnh sắc pháp, cảnh hiện tại, cảnh nội phần, cảnh ngoại phần, cảnh nội ngoại phần.

Tâm biết mười ba cảnh: 3 tâm ý giới biết 13 cảnh là cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc, cảnh ngũ, cảnh chơn đế, cảnh dục giới, cảnh sắc pháp, cảnh hiện tại, cảnh nội phần, cảnh ngoại phần, cảnh nội ngoại phần.

Tâm biết mười bảy cảnh: 3 tâm quan sát, tâm sinh tiếu và 8 tâm đại quả biết được 17 cảnh là trừ bốn cảnh _ cảnh níp bàn, cảnh đáo đại, cảnh chế định và cảnh ngoại thời.

Tâm biết hai mươi cảnh: 12 tâm bất thiện, 4 tâm đại thiện ly trí, 4 tâm đại tố ly trí biết được 20 cảnh là trừ cảnh níp bàn.

Tâm biết hai mươi mốt cảnh: Tâm khai ý môn, 4 tâm đại thiện hợp trí, 4 tâm đại tố hợp trí, 2 tâm thông biết đủ 21 cảnh.

[Bài học tiếp theo: Toát yếu về vật (Vatthusaṅgaha)]

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu


KHÔNG VUI NHƯNG VẪN NÊN HỌC

Cảnh Của Tâm

Có những khái niệm rất quen thuộc khi học Kinh Tạng nhưng đề cập trong Thắng Pháp Tạng thì không hẳn giống vậy. Rắc rối ở chỗ là cũng không hoàn toàn … khác.

Năm cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc làm lớn chuyện nhưng không là chuyện lớn. Trong Kinh Tạng, Đức Phật gọi năm cảnh ấy với tên năm dục trưởng dưỡng hay năm pháp làm tăng trưởng dục ái. Trong rất nhiều bài kinh thì chính năm dục trưởng dưỡng nầy là sự cuốn hút to lớn đối với chúng sanh và là những chi phối mà người tu tập phải hết sức cẩn trọng. Thắng Pháp Tạng, qua sự phân tích vĩ mô, thì năm cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc là những cảnh xuất hiện rất sơ khai trong diễn trình tâm thức. Tâm biết trực tiếp năm cảnh nầy là ngũ song thức (cặp nhãn thức, cặp nhĩ thức, cặp tỷ thức, cặp thiệt thức, cặp thân thức) thì rất muội lược chỉ có bảy thuộc tánh tợ tha biến hành tương hợp. Khi những cảnh ấy được nhận thức một cách tinh tế, rõ ràng thì đã trở thành … cảnh pháp. Thí dụ: nhìn ngắm một bức tranh thuỷ mạc, theo Thắng Pháp, nhãn thức chỉ ghi nhận màu sắc, đường nét đậm nhạt… nhưng để đánh giá hay thưởng thức giá trị nghệ thuật thì không còn nằm trong nhận biết của tâm nhãn thức.

Không có mắt thì không thể thấy cảnh sắc nhưng tâm biết cảnh sắc thì không nhất thiết phải nương mắt. Học Phật Pháp thường hiểu có sự tương đồng của căn, cảnh và thức. Thí dụ: nhãn căn, cảnh sắc và thị giác. Thế nhưng trong Thắng Pháp Tạng có những tâm như tâm đại thiện dục giới hợp trí thì có khả năng biết tất cả 21 cảnh. Như vậy thì nếu nói tâm nhãn thức chỉ biết cảnh sắc là không sai nhưng không thể nói ngược lại cảnh sắc chỉ được biết bởi thị giác hay nhãn thức.

Tưởng là học về tâm mới rối chứ cảnh thì đơn giản thật sự không phải vậy. Cảnh cũng rối luôn. Cảnh tượng mặt trời mọc trên biển được gọi là cảnh sắc, cảnh dục giới, cảnh chơn đế, cảnh hiện tại (…), cảnh ngoại phần… Đủ thứ chuyện nói. Mà nói phải cẩn thận. Cũng là tâm thiền vô sắc mà có tâm chỉ biết cảnh chơn đế, trái lại có tâm chỉ biết cảnh thi thiết.

Nói đại khái mặc dù người ta nói 'tức cảnh sanh tình' nhưng học Thắng Pháp đôi khi “tức cảnh sanh mệt óc”.

Biên soạn: Tỳ kheo Giác Đẳng