Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXVI. Phẩm Bà La Môn (Brahmaṇavagga) _ Kệ số 36 (dhp 418)

Friday, 11/04/2025, 03:54 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

 Bài học thứ năm 10.4.2025

XXVI

Phẩm Bà La Môn

(Brāhmaṇavagga)

XXVI. Phẩm Bà La Môn_Kệ số 36 (dhp 418)

A group of people in orange robes

AI-generated content may be incorrect.

Chánh văn:

36. Hitvā ratiñca aratiñca

sītibhūtaṃ nirūpadhiṃ

sabbalokābhibhuṃ vīraṃ

tamahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ.

(dhp 418)

Thích văn:

Ratiñca [hợp âm ratiṃ ca].

Ratiṃ [đối cách, số ít, nữ tính, danh từ rati] sự vui thích, sự ưa thích, sự hoan hỷ.

Aratiñca [hợp âm aratiṃ ca]

Aratiṃ [đối cách, số ít, nữ tính, danh từ hợp thể arati] sự không thích thú, sự bất mãn, sự ghét bỏ.

Sītibhūtaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể sītibhūta (sīti + bhūta)] trạng thái mát m, trở nên an bình, thản nhiên.

Nirūpadhiṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể nirūpadhi (nir + upadhi)] không còn sanh y, sự diệt sanh y.

Sabbalokābhibhuṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể sabbalokābhibhū (“sabba + loka” + abhibhū”)] bậc chinh phục toàn thế giới, bậc chiến thắng cuộc đời.

Vīraṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ vīra] bậc anh hùng.

Việt văn:

36. Bỏ điều thích, không thích

yên bình, dứt sanh y

bậc chiến thắng, dũng cảm

ta gọi ấy phạm chí.

(pc 418)

Chuyển văn:

36. Ratiṃ ca aratiṃ ca hitvā sītibhūtaṃ nirūpadhiṃ sabbalokābhibhuṃ vīraṃ taṃ ahaṃ brāhmaṇaṃ brūmi.

Người đã dứt bỏ sự ưa và ghét, tâm thái yên bình, không còn sanh y, bậc chinh phục thế gian, bậc dũng cảm. Ta gọi người ấy là vị bà la môn.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật cũng thuyết ở Rājagaha, khi Ngài trú tại chùa Veḷuvana, vì câu chuyện vị tỳ kheo khác cũng nguyên là diễn viên múa.

Vị tỳ kheo này khi còn là diễn viên múa, đi lưu diễn khắp nơi tình cờ nghe được giáo pháp do bậc Đạo sư thuyết, đã phát tâm xuất gia theo đức Phật, vị ấy nổ lực tu tập và đắc quả A la hán.

Một ngày kia, lúc vào thành khất thực cùng với các tỳ kheo, họ thấy đoàn nghệ thuật múa đang biểu diễn. Lúc về chùa, các vị tỳ kheo hỏi vị tỳ kheo xưa nghề diễn viên múa: “Hiền giả thấy đoàn nghệ thuật múa biểu diễn, tâm hiền giả có thích thú không?” Vị ấy đáp: “Tôi không còn thích thú nữa”.

Các tỳ kheo cho rằng vị này nói không đúng sự thật, bèn bạch trình lên đức Phật. Ngài phán: “Này chư tỳ kheo, con trai ta đã trú pháp từ bỏ điều thích và không thích rồi”. Nói xong Ngài thuyết lên bài kệ ngôn này: Hitvā ratiñca aratiñca…v.v…tamahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ’ ti.

Dứt kệ ngôn có nhiều vị tỳ kheo đã chứng đắc thánh quả.

Lý giải:

Ở đời, phàm nhân sống theo cảm tính hỷ, nộ, ái, ố (vui, buồn, thương, ghét); còn đối với thánh nhân A la hán thì đã dứt bỏ hai cảm tính thương và ghét, thích và không thích. Bậc A la hán sống an nhiên, không não phiền.

Gọi là ưa thích (ratiṃ) như thích thú với sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc, hoặc thích thú với những gì hợp ý.

Gọi là không ưa thích (arati) là không thích thú, chán ghét với những gì không hợp ý. Như có người không thỏa thích cảnh sống ở rừng…v.v…

Gọi là tâm thái yên bình (sītibhūtaṃ) là trạng thái mát mẻ, bình an.

Gọi là dứt sanh y (nirūpadhiṃ). Có bốn thứ sanh y (upadhi): dục sanh y (kāmūpadhi), uẩn sanh y (khandhūpadhi), phiền não sanh y (kilesūpadhi), thắng hành sanh y (abhisaṅkhārūpadhi). Trong bài kệ này, nói đến phiền não sanh y; Dứt sanh y có nghĩa là không còn phiền não (nirupakkilesaṃ).

Gọi là bậc dũng cảm chinh phục thế gian (sabbalokābhibhuṃ vīraṃ), là người an trụ tinh tấn đã thấu triệt thế giới ngũ uẩn.

Ta gọi người ấy là vị bà la môn (taṃ ahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ), nghĩa là người đã dứt bỏ sự ưa ghét, tâm an bình, không còn phiền não, trú tinh tấn và thấu triệt ngũ uẩn, người ấy đức Phật gọi là bậc Phạm chí.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.