Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXVI. Phẩm Bà La Môn (Brahmaṇavagga) _ Kệ số 37, 38 (dhp 419, 420)

Tuesday, 15/04/2025, 05:09 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

 Bài học thứ hai 14.4.2025

XXVI

Phẩm Bà La Môn

(Brāhmaṇavagga)

XXVI. Phẩm Bà La Môn_Kệ số 37, 38 (dhp 419, 420)

Chánh văn:

37. Cutiṃ yo vedi sattānaṃ

upapattiñca sabbaso

asattaṃ sugataṃ buddhaṃ

tamahaṃ brūmi brāhmanaṃ.

(dhp 419)

38. Yassa gatiṃ na jānanti

devā gandhabbamānusā

khīṇāsavaṃ arahantaṃ

tamahaṃ brūmi brāhmanaṃ.

(dhp 420)

Thích văn:

Cutiṃ [đối cách, số ít, nữ tính, danh từ cuti] sự chết.

Yo [chủ cách, số ít, nam tính, quan hệ đại từ ya] ai, người nào.

Vedi [thì quá khứ của động từ vidati, “vid + a + i”, ngôi III, số ít, parassapada] đã biết, đã hiểu rõ, đã tìm thấy.

Sattānaṃ [sở thuộc cách, số nhiều, nam tính, danh từ satta] của các chúng sanh.

Upapattiñca [hợp âm upapattiṃ ca].

Upapattiṃ [đối cách, số ít, nữ tính, danh từ upapatti] sự sanh khởi, sự tái sanh.

Sabbaso [trạng từ] trọn vẹn, mọi mặt.

Asattaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ asatta (a + satta quá khứ phân từ của động từ sajjati] không bám víu, không dính mắc.

Sugataṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ sugata (su + gata quá khứ phân từ của động từ gacchati)] có hành trình tốt đẹp, đã đến đích tốt đẹp.

Buddhaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ buddha (quá khứ phân từ của động từ bujjhati)] đã giác ngộ, đã thấu triệt.

Yassa [sở thuộc cách, số ít, nam tính, quan hệ đại từ ya] của ai, của người nào.

Gatiṃ [đối cách, số ít, nữ tính, danh từ gati] lộ trình, cảnh giới tái sanh.

Jānanti [động từ hiện tại, tiến hành cách, parassapada, ngôi III, số nhiều, “ñā + nā + nti”] họ biết.

Devā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ deva] các tiên thiên, các thiên nhân, các vị trời.

Gandhabbamānusā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ hợp thể gandhabbamānusa (gandhabba + mānusa)] nhạc thần và nhân loại, càn thát bà và loài người.

Khīṇāsavaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể khīṇāsava (khīṇa + āsava)] có lậu hoặc được đoạn trừ, lậu tận.

Arahantaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ arahanta] có ba nghĩa: (1) Arahanta hiện tại phân từ của động từ arahati, “bậc xứng đáng, bậc ứng cúng”. (2) Arahanta tính từ hợp thể ara + hanta “bẻ gãy căm xe, dứt luân hồi”. (3) Arahanta giải tự kilesehi ārakattā “xa lìa phiền não”.

Việt văn:

37. Ai hiu rõ hoàn toàn,

sanh tử loài hữu tình,

vô nhiễm, thiện đáo, giác

ta gọi ấy phạm chí.

(pc 419)

38. Trời, người, càn thát bà

không biết được, lộ trình,

bậc lậu tận, ứng cúng,

ta gọi ấy phạm chí.

(pc 420)

Chuyển văn:

37. Yo sattānaṃ cutiṃ ca upapattiṃ ca sabbaso vedi asattaṃ sugataṃ buddhaṃ taṃ ahaṃ brāhmaṇaṃ brūmi.

Ai hiểu hoàn toàn sự chết và sự tái sanh của các loài hữu tình, không dính mắc, đã đến mục đích tốt đẹp, đã giác ngộ, ta gọi người ấy là bà la môn.

38. Yassa devā gandhabbamānusā gatiṃ na jānanti khīnāsavaṃ arahantaṃ taṃ ahaṃ brāhmaṇaṃ brūmi.

Đối với người mà, chư thiên, nhạc thần, nhân loại không biết được lộ trình, người ấy, bậc lậu tận, A la hán, ta gọi là vị bà la môn.

Duyện sự:

Hai bài kệ này, đức Phật thuyết khi Ngài trú tại chùa Jetavana, gần thành Sāvatthi, vì chuyện trưởng lão Vaṅgīsa.

Ở kinh thành, có một bà la môn tên Vaṅgīsa có biệt tài khi gõ vào sọ đầu người chết thì biết người chết ấy tái sanh ở đâu, sanh địa ngục hay ngạ quỉ, hay bàng sanh, hay cõi người hay đã tái sanh cõi trời.

Các bà la môn thân cận nghĩ rằng: “Nương vào người này chúng ta sẽ có miếng ăn sung sướng”. Họ bèn cho bà la môn Vaṅgīsa đắp tấm choàng đỏ, để ngi trên chiếc xe rồi đưa đi khắp nơi và đến đâu họ cũng rao truyền biệt tài của bà la môn Vaṅgīsa nếu gõ vào sọ đầu người chết là biết được sanh thú của quyến thuộc mình. Thế là dân chúng đua nhau mời về nhà để hỏi số phận của thân nhân mình, tùy theo khả năng mà cho tiền thưởng.

Nhóm bà la môn đưa Vaṅgīsa đi tuần tự đã đến kinh thành Sāvatthi và dừng chân trú tại một điểm gần chùa Jetavana.

Vào buổi sáng, họ thấy dân chúng tay cầm hương hoa đi về hướng Jetavana, hỏi ra biết dân chúng đi nghe đức Phật thuyết pháp. Các bà la môn ấy bảo với mọi người: “Quí vị đến đó có ích lợi gì chứ, không ai giỏi hơn bà la môn Vaṇgīsa của chúng tôi đâu, vị ấy chỉ gõ vào sọ đầu người chết thì biết người chết sanh về đâu. Hãy hỏi sanh thú của bà con mình đi!”. Dân chúng nói: “bà la môn Vaṅgīsa là ai chứ! Không ai ngang bằng với bậc Đạo sư của chúng tôi cả”. Không bên nào thuyết phục được bên nào. Cuối cùng, nhóm bà la môn chịu đi theo hội chúng đến chùa gặp đức Phật.

Đức Thế Tôn biết được sẽ có bà la môn Vaṅgīsa đến, nên Ngài đã bảo một người mang đến năm chiếc sọ đầu gồm bốn chiếc sọ của người sanh địa ngục, bàng sanh, nhân loại và thiên giới, với một chiếc sọ của bậc thánh Vô Lậu, rồi đặt xuống đất một hàng theo thứ tự. Khi các bà la môn đưa bà la môn Vaṅgīsa đến, đức Phật hỏi Vaṅgīsa: “Nghe nói ngươi sau khi gõ lên sọ đầu người chết thì biết được sanh thú của người ấy phải chăng ?” _ “Thưa vâng, tôi biết !”.

Rồi đức Phật chỉ cho Vaṅgīsa từng chiếc đầu lâu và hỏi sanh thú. Bà la môn Vaṅgīsa đều trả lời đúng cả bốn cái sọ đầu của người sanh địa ngục, bàng sanh, nhân loại và chư thiên. Đức Phật khen và xác nhận là đúng.

Nhưng cái sọ đầu của vị A la hán thì Vaṅgīsa không thể biết cảnh giới tái sanh. Bà la môn Vaṅgīsa thú thật là không biết và hỏi đức Phật, Ngài biết không? Đức Phật phán: “Ta biết !”. Bà la môn Vaṅgīsa xin đức Thế Tôn dạy cho mình chú thuật để biết loại sọ đầu như vậy.

Đức Phật bảo chỉ dạy cho người xuất gia thôi. Vaṅgīsa nói với các vị bà la môn hãy trú ở đây vài ngày, ta sẽ xuất gia để học chú thuật.

Bà la môn Vaṅgīsa đã xuất gia thọ cụ túc giới với đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã dạy đề mục thiền quán thích hợp cơ tánh của tỳ kheo Vaṅgīsa. Vị ấy tinh tấn nổ lực tác ý đến đề mục như thể để luyện chú thuật. Thỉnh thoảng các bà la môn đến hỏi đã học chú thuật xong chưa, vị ấy nói đang luyện tập.

Vài ngày sau đó tỳ kheo Vaṅgīsa chứng đắc đạo quả A la hán. Nhóm bà la môn lại đến hỏi việc học chú thuật nữa, trưởng lão Vaṅgīsa bảo với họ rằng “các ông hãy đi đi. Nay ta không cần học nữa”. Chư tỳ kheo nghe câu nói này cho rằng trưởng lão Vaṅgīsa khoe pháp thượng nhân, nói không thật. Bèn trình lên bậc Đạo sư.

Đức Phật phán: “Này chư tỳ kheo, các ngươi chớ nói như vậy. Bây giờ Vaṅgīsa đã rành mạch trong việc sanh và tử rồi, không còn phải học tập gì nữa”. Nói xong, Thế Tôn đã thuyết lên hai bài kệ này: Cutiṃ yo vedi sattānaṃ…v.v…tamahaṃ brūmi brāhmaṇan’ ti.

Dứt pháp thoại, có nhiều vị tỳ kheo đắc chứng thánh quả.

Lý giải:

Duyên sự này đức Phật thuyết hai bài kệ.

Bài kệ thứ nhất, đức Phật xác chứng quả vị A la hán của trưởng lão Vaṅgīsa.

Ta gọi vị ấy là bà la môn (taṃ ahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ), nghĩa là Ngài gọi một người hoàn toàn hiểu rõ sự sanh tử của các loài hữu tình do trí giác, không phải do chú thuật hay suy đoán cảnh giới tái sanh của người chết, đó là cái biết của bậc đã chứng ngộ. Người ấy, đức Phật gọi là vị Bà la môn lậu tận.

Lại nữa, vị Lậu tận ấy là bậc vô nhiễm, không dính mắc, không dùng sự hiểu biết sanh thú của người chết mà trục lợi.

Vị A la hán là người có hành trình tốt đẹp, đã đạt đến cứu cánh tốt đẹp là níp bàn.

Vị A la hán là vị đã giác ngộ bốn chân lý, khổ, tập, diệt, đạo.

Một người như trưởng lão Vaṅgīsa bây giờ, hoàn toàn hiểu rõ sự sanh và tử của loài hữu tình, không còn dính mắc danh lợi, đã hoàn tất cuộc hành trình, đã giác ngộ tứ đế, đức Phật gọi vị ấy đích thực là vị Bà la môn.

Bài kệ thứ hai trong duyên sự này, đức Phật nói đến một vị A la hán vô dư y níp bàn, không để lại dấu vết tái sanh, không ai tìm được sanh thú của vị A la hán vô dư y níp bàn.

Đó là vị đã đoạn tận lậu hoặc (Khīṇāsavaṃ), vị đã bẻ gãy căm bánh xe luân hồi (arahantaṃ).

Một người như vậy, đức Phật gọi là Bà la môn đích thực.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.