Bài 80. DIỄN TRÌNH TÂM NỐI KẾT TỬ SANH  _ Phần II: Cận Tử và Tục Sinh _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 20.6.2021

Bài 80. DIỄN TRÌNH TÂM NỐI KẾT TỬ SANH _ Phần II: Cận Tử và Tục Sinh _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 20.6.2021

Sunday, 20/06/2021, 18:53 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 20.6.2021


Bài 80. DIỄN TRÌNH TÂM NỐI KẾT TỬ SANH

Phần II: Cận Tử và Tục Sinh

Cận tử và tục sinh thường được sắp xếp riêng trong các giáo trình Thắng Pháp truyền thống. Tuy vậy trong giáo trình nầy được xếp chung vì sự liên hệ mật thiết giữa hai hiện tượng cận tử và tục sinh. Người học Thắng Pháp cần có khái niệm chung về hiện tượng tử sanh trước khi đi sâu vào diễn trình tâm cận tử và tục sinh.

Không dễ dàng để cắt đứt giòng sanh tử

Theo Phật Pháp sự hiện hữu của mỗi chúng sanh là một giòng cuồng lưu nối tiếp bởi những sát na sanh diệt mà trong đó chủ yếu là giòng tâm thức. Do duyên và nghiệp lực giòng hiện hữu luôn tái diễn và tiếp diễn. Nói cho cùng bởi vì kiếp trầm luân sanh tử là sản phẩm của vô minh và ái nên luôn bất toàn. Đôi khi người ta nói cuộc sống mỏng manh. Nói vậy không có nghĩa là có thể kết thúc giòng sanh tử dễ dàng. Cả ba yếu tố: phiền não, nghiệp, quả đều không thể đoạn tận một cách đơn giản. Lấy một thí dụ trong đời sống bình thường giữa những người trong một xóm làng hay trong một cộng đồng khi có những chuyện thị phi xẩy ra thì không thể bảo rằng mình không thích thị phi thì kể như không có thị phi. Có hằng trăm thứ đưa đẩy nằm ngoài ý muốn. Phải hiểu được điều nầy mới nhận thức được hệ luỵ của luân hồi sanh tử.

Cái gì tác động giây phút cận tử

Phật Pháp nêu rõ: giây phút cận tử mang yếu tố quyết định cho kiếp lai sinh. Vậy thì cái gì xẩy ra đối với một người trong giây phút cận tử? Có bốn thứ tạo nên cảnh của tâm cận tử:

a. Những gì liên quan tới ngũ quan gây ấn tượng mạnh. Những hình ảnh, âm thanh, mùi hương, cảm xúc đau đớn... có thể chi phối mạnh mẽ tâm thức ở diễn trình tâm cuối cùng. Có những cảnh khiến tâm nhẹ nhàng hoan hỷ mà cũng có những cảnh khiến tâm tham luyến, bực bội.

b. Sở hành trong đời sống hằng ngày. Một điều cũng thường xẩy ra trong giây phút lâm chung là nhớ nghĩ lại những hạnh nghiệp nào đó trong đời sống bình thường như trồng trọt, đánh cá, làm từ thiện, chiêm bái Phật tích… Những hạnh nghiệp gây ấn tượng mạnh hay thường được nhắc lại dễ dàng hiện khởi trong giây phút cận tử.

c. Biểu tướng từ sở hành (nghiệp tướng). Sự trạng lại của ký ức đôi khi đến từ những biểu tướng. Thí dụ: phấn trắng, bảng đen với nghề dạy học; cần câu với người câu cá; bàn phím với người sử dụng computer…

d. Cảm ứng cảnh giới thọ sanh. Có một số trường hợp giờ phút lâm chung lại có “dự cảm” đối với với cảnh giới sắp thọ sanh. Thiên giới, địa ngục, nhân gian … đều tạo những cảm ứng đặc trưng.

Vai trò của vô minh và ái

Tâm xử lý (javana) của diễn trình tâm cuối cùng tạo nên tâm tục sanh (patisandhi)

Nếu tâm xử lý sanh khởi ở một người đã đoạn tận vô minh (tức bậc a la hán) thì sẽ không có tâm tục sanh. Giống như hạt giống đã luộc chín không còn có thể nẩy mầm.

Nếu một người đoạn tận dục ái (bậc thánh a na hàm) thì không còn sanh vào cõi dục giới. Nếu một vị đoạn luôn cả ba dục ái, sắc ái, vô sắc ái thì không còn sanh tử trong tam giới.

Có một điểm cần lưu ý. Vô minh và ái dục là phiền não bất thiện. Vô minh và ái dục chi phối sự tái sanh qua hai dạng thức: trực tiếp và gián tiếp. Một người khi lâm chung tham luyến của cải cất giấu để rồi sanh là chúng sanh tiếp cận tài sản đó là sự chi phối trực tiếp của vô minh và ái. Cũng có người lâm chung với tâm hiền thiện nên sanh vào cảnh giới an lạc. Tâm hiền thiện đó không phải là phiền não bất thiện và cũng không chứa đựng vô minh và ái nhưng vẫn chịu ảnh hưởng gián tiếp của hai lực đẩy nầy. Theo giáo lý duyên khởi tất cả nghiệp, dù thiện hay bất thiện, đều do duyên vô minh và ái. Nếu không có vô minh và ái thì không có lực đẩy đi tái sanh. Nói rốt ráo thì cảnh giới nào trong tam giới đều bất toàn. Còn mong cầu sanh y thì còn bị chi phối bởi vô minh và ái.

Tâm tử: dấu chấm hết?

Theo Thắng Pháp thì tâm tục sinh (sát na tâm khởi đầu kiếp sống), tiềm thức trong đời sống hằng ngày (cũng gọi là tâm hộ kiếp), và tâm tử (sát na cuối cùng của kiếp sống) cùng là một thứ tâm và biết cùng một cảnh. Điều nầy có nghĩa là nếu một người tục sanh bằng tâm quả dục giới tịnh hảo thọ hỷ, hợp trí, vô trợ thì tiềm thức cũng thứ tâm đó và tâm tử cũng thứ tâm đó. Tuy vậy không nên hiểu tâm tử đơn giản chỉ là tiềm thức cuối cùng. Có một chức năng trong 14 chức năng của tâm là chức năng kết thúc kiếp sống (sự tử). Chức năng nầy khác với chức năng tiềm thức mặc dù cùng là một thứ tâm. Thí dụ như một người đến chỗ lạ. Ngày đầu tiên có khác với những ngày sau đó. Và ngày cuối cùng cũng khác với ngày trước đó. Tiềm thức là chiêu cảm của trì nghiệp. Tâm tử là chiêu cảm của đoạn nghiệp. Phải có kết thúc mới sang trang.

Ảnh hưởng quan trọng của giây phút cận tử đối với tục sinh

Có một luật cố định là diễn trình tâm cuối cùng của kiếp sống quyết định tâm tục sinh. Nếu tâm xử lý (javana) là thiện thì tâm tục sinh là tâm quả tịnh hảo và kiếp sống kế tiếp sẽ là chúng sanh ở cõi an lạc. Điều nầy cũng hiểu tương tự nếu tâm xử lý là tâm bất thiện. Tâm tục sinh không những là quả của tâm xử lý của diễn trình tâm cuối cùng của kiếp trước mà còn có cùng cảnh (trạng lại) và mang những đặc tính tương tự như cảm thọ, sự mẫn tiệp…Điều nầy có nghĩa là đối với Phật Pháp những gì nên làm cho người thân lúc lâm chung là thời khắc cận tử. Một khi đã chết thì có thể nói “sự đã rồi” dù là để yên 8 giờ (như truyền thống Tây Tạng) hay tụng kinh bảy tuần thất cũng không quan trọng như sự trợ duyên thiết thực giây phút cận tử (…)

Rất khó để lượng định tâm thái của người chết bằng sự quan sát

Đôi khi người ta hay bàn luận về cảnh giới tái sanh của một người chết do quan sát những sự kiện xẩy ra ở giây phút sau cùng. Kỳ thật thì vô cùng khó khăn để xác định điều nầy. Diễn trình tâm mệnh chung và tục sinh nhanh hơn nháy mắt. Sự biến hoá khôn lường của tâm thức rất khó cho người bình thường nhận ra.

Một người chết trong hôn mê vẫn có những hoạt thức sanh khởi vào giây phút cuối. Nói cách khác không có cái chết xẩy ra mà không có diễn trình tâm cận tử. Con người chỉ có thể quan sát cái chết qua sự đo đạt của nhịp tim, vốn quá thô thiển để nói về cái chết theo tâm thức.

Một người có hiểu biết Phật Pháp chỉ làm những gì nên làm cho người sắp mất mà không đưa ra những kết luận dựa trên suy đoán. Ngoài Đức Phật thì có rất ít những bậc có khả năng biết rõ tâm thái và cảnh giới tái sanh của chúng sanh trong đời.

Quả của nghiệp không phải chỉ có sanh báo nghiệp

Có rất nhiều người mặc nhiên tin rằng cảnh giới tái sanh đời kế tiếp là quả báo của hành động đời nầy. Theo giáo lý nghiệp báo thì nghiệp tạo quả đời tiếp theo gọi là sanh báo nghiệp. Ngoài ra còn hiện báo nghiệp, hậu báo nghiệp và vô hiệu nghiệp. Cả đời người vốn có nhiều nghiệp thiện và bất thiện được làm. Nghiệp không phải chỉ được tạo đời nầy mà còn từ nhiều đời quá khứ. Nghiệp trỗ quả do điều kiện thích hợp. Có rất nhiều khả năng nghiệp xấu, tốt trỗ quả. Không phải tất cả người ác kiếp nầy đều chắc chắn sanh vào cõi khổ. Không phải tất cả người thiện đều cõi vui. Nói đại lược có ba trường hợp:

a. Giây phút cận tử có thể chi phối bởi những gì xuất hiện giờ chót như được khai thị nhờ nghe pháp, hay giận dữ vì kẻ thù xuất hiện trước mặt.

b. Những nghiệp đã làm trong kiếp sống hiện tại nhất là nghiệp thường làm hay nghiệp gây ấn tượng mạnh.

c. Những nghiệp đã làm trong những kiếp trước đời hiện tại.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng