Bài 78. DIỄN TRÌNH TÂM Ý MÔN CHIÊM BAO (SUPINAVĪTHI) _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma  _ Bài học ngày 10.6.2021

Bài 78. DIỄN TRÌNH TÂM Ý MÔN CHIÊM BAO (SUPINAVĪTHI) _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 10.6.2021

Thursday, 10/06/2021, 18:50 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 10.6.2021


Bài 78.

DIỄN TRÌNH TÂM Ý MÔN CHIÊM BAO (SUPINAVĪTHI)

Chiêm bao là hiện tượng tâm lý thường xảy ra đối với con người và một số chúng sanh. Có rất nhiều khía cạnh thú vị về chiêm bao được tìm thấy trong kinh điển. Đây cũng là đề tài quen thuộc trong cuộc sống bình thường nhưng con ngưởi cũng chỉ biết một cách mơ hồ về hiện tượng nầy. Cũng nên nhắc lại về vai trò của tiềm thức (bhavaṅga) đối với giấc ngủ. Theo Thắng Pháp thì khi ngủ sâu chỉ có tiềm thức sanh khởi liên tục. Lúc chiêm bao thường có sự sanh khởi của hoạt thức - một thứ hoạt thức diễn kịch (…) không tạo quả nghiệp. Thắng Pháp chỉ nói về tác động một chiều của những nguyên nhân chiêm bao nhưng không nói hoặc hay nói nhiều về tác động của chiêm bao đối với thân nhưng trong tâm lý học ngày nay nói về hiện tượng REMS (rapid eye movement sleep) như bản công bố của hai giáo sư tâm lý học Nathaniel Kleitman và Eugene Aserinsky.

Chiêm bao có thể liên hệ tới ngũ quan nhưng được xem là thuần ý môn

Âm thanh, như tiếng gõ cửa, hay sự tê nhức của thân có thể tác động diễn trình tâm chiêm bao nhưng Thắng Pháp không nói về diễn trình tâm chiêm bao ngũ môn. Điều nầy có thể hiểu là những gì liên quan tới ngũ quan là cảnh thực (cảnh chơn đế) trong lúc diễn trình tâm chiêm bao được xem ảo.

Chiêm bao có thể là chiêu cảm quả của nghiệp nhưng không tạo nghiệp

Một người chiêm bao có thể thấy mình làm chuyện sát sanh, trộm cắp … nhưng theo Phật Pháp thì tất cả tư niệm tạo tác đó không tạo quả nghiệp vì thuần ảo giác. Điều nầy tương tự như những diễn viên đóng kịch nhập vai dù là phản diện nhưng hung ác giết người, cướp của… nhưng không có trách nhiệm gì trước pháp luật vì chỉ là diễn xuất.

Tuy chiêm bao không tạo nghiệp vẫn có thể là quả của nghiệp.

Chiêm bao có thể xem là “vô thưởng vô phạt” nhưng bậc đoạn tận phiền não không có chiêm bao.

Mặc dù chiêm bao khi hoạt thức sanh khởi hoàn toàn không tạo tác (nghiệp) nhưng chư vị đã đoạn tận phiền não (các bậc A la hán) không bao giờ chiêm bao. Sớ giải cũng ghi rằng các bậc tam quả (a na hàm) nếu có thiền chứng thì cũng không có chiêm bao do năng lực của thiền.

Điều nầy có thể hiểu là tuy chiêm bao không tạo nghiệp nhưng biểu hiện phiền não vẫn là thứ tập khí khi vô minh và ái chưa hoàn toàn diệt tận.

Chiêm bao có thể là ảo giác nhưng cũng có thể là “thực mộng”

Người ta thường phân cảnh của tâm với hai trường hợp thực và mộng. Nhưng theo Phật Pháp thì chiêm bao có thể là kế cấu cả hai tạm gọi là “thực mộng”.

Bốn nguyên nhân của chiêm bao được ghi nhận là:

A. Do ảnh hưởng của thân thể (dhātukhobha) như hệ tiêu hoá, hệ tuần hoàn có những xáo trộn tạo nên.

B. Do cảnh trạng lại (anubhūtanimitta) như trường hợp lúc thức có ấn tượng sâu đậm về điều gì đó khi ngủ trạng lại.

C. Do chư thiên báo mộng (devatopasaṅharana) đây là hiện tượng do nhân duyên các hàng phi nhân có uy lực muốn báo điều gì đó tạo nên mộng triệu.

D. Do nghiệp chiêu cảm (pubbanimitta) đây là những điềm mộng cảm ức do túc nghiệp đã tạo.

Nhìn vào những nguyên nhân kể trên thì chiêm bao không hẳn hoàn toàn là ảo vì có những trường hợp rất thực. Tuy nhiên tâm cảnh của chiêm bao vẫn là ảo.

Chiêm bao không hẳn là mơ hồ muội lược

Có khi thức dậy sau chiêm bao nhớ rõ những gì trong giấc một. Có lúc nhớ mang máng. Có lúc rất mờ nhạt. Những sai biệt nầy do diễn trình tâm chiêm bao có cả bốn trường hợp của diễn trình ý môn lúc tỉnh táo:

a. Diễn trình tâm chiêm bao cảnh rất rõ.

Có thể xảy ra với một trong ba trường hợp:

- Kết thúc với công đoạn dư hưởng vì ấn tượng quá mạnh.

- Kết thúc với tiềm thức trung hoà vì có sự sai biệt lớn giữa hoạt thức thọ ưu và tiềm thức thọ hỷ.

- Kết thúc với công đoạn xử lý (javana).

b. Diễn trình tâm chiêm bao cảnh rõ kết thúc bằng công đoạn xử lý và không bao giờ có công đoạn dư hưởng. Phân loại diễn trình tâm nầy có thể xảy ra trong hai trường hợp: kết thúc đơn thuần là công đoạn xử lý hay chuyển tiếp qua tiềm thức với tiềm thức trung hoà (hộ kiếp khách).

c. Diễn trình tâm chiêm bao cảnh không rõ kết thúc ở khai ý môn.

d. Diễn trình tâm chiêm bao cảnh mơ hồ thật sự chỉ có có tiềm thức giao động chưa bao giờ có hoạt thức sanh khởi.

Chiêm bao chỉ xảy ra ở một số cảnh giới tương đối hữu hạn

Thắng Pháp dạy rằng hiện tượng chiêm bao chỉ xẩy ra ở bốn cõi: cõi nhân loại, cõi bàng sanh, cõi ngạ quỷ, cõi a tu la.

Chúng sanh trong địa ngục luôn chịu đựng khổ tho liên tục nên không có chiêm bao.

Chư thiên các cõi trời do thể chất luôn luôn ngủ sâu nên không có chiêm bao.

Chư vị Phạm thiên với tiềm thức là tâm thiền nên hoàn toàn không có chiêm bao.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng