Bài 71. DIỄN TRÌNH TÂM THỨC: TỔNG QUAN _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày ngày 13.5.2021

Bài 71. DIỄN TRÌNH TÂM THỨC: TỔNG QUAN _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày ngày 13.5.2021

Thursday, 13/05/2021, 19:15 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 13.5.2021

Bài 71

DIỄN TRÌNH TÂM THỨC: TỔNG QUAN

Theo Phật Pháp thì giòng sanh diệt của tâm thức là diễn tiến nhanh nhất được biết đến trong tất cả hiện tượng. Lấy một thí dụ khi bài nầy được viết thì computer processor có tên là Intel® Core™ i9 Processors là một trong những chip nhanh nhất có thể xử lý hằng bao nhiêu triệu dữ kiện trong một giây. Có thể nói vượt xa tất cả khả năng tưởng tượng của chúng ta. Thế nhưng dù bất cứ hiện tượng vật chất nào cũng không nhanh như tâm thức. Chính vì điểm nầy khi học về giòng sanh diệt của tâm thì nên hiểu đây là sự mô tả vĩ mô hoàn toàn khác với những gì được nói trong đời sống hằng ngày. Khi người ta nói “tâm lý phức tạp” hay “người đó tâm tánh rắc rối” hoặc “một cảm xúc bồi hồi pha lẫn khó tả” thì vẫn là cách nói đại loại chưa nói lên cấu trúc hết sức vi tế của hiện tượng gọi là diễn trình tâm – cittavīthi – cũng như khi nói đến kiến trúc cầu kỳ của một toà lâu đài hoàn toàn khác biệt với cách nói về những thứ đinh ốc có thể chịu được độ nặng của các vật liệu xây cất kết nối, chồng lấn lên nhau.

Chung quanh cái gọi là sát na

Ngày nay trong vật lý người ta nói đến hiện tượng cực vi của vật chất là nguyên tử. Trong Phật học, nói rõ hơn là trong Thắng Pháp Abhidhamma, đơn vị cực vi của tâm thức là khana (sát na). Sát na là sự hiện hữu được tính bằng ba điểm sanh, trụ, diệt cộng lại. Khác với vật chất, tâm thức vốn vô hình và sự ghi nhận hiện hữu của sát na tâm chỉ dựa trên thời gian. Tất nhiên khi nói rằng trong một tích tắc có triệu triệu sát na sanh diệt nối tiếp thì vượt ngoài tất cả sự hình dung bình thường. Thí dụ như chúng ta xem một đoạn phim video với hình ảnh di động đôi khi có những thứ xẩy ra rất nhanh như một tia chớp nhưng tất cả chỉ là là xuất hiện rất nhanh của những hình ảnh bất động (frame) tạo nên hình ảnh di động.

Từng chập và từng chập

Một điều thường bị hiểu lầm bởi những người học Thắng Pháp là khi học về diễn trình của tâm qua các thí dụ người ngủ dưới gốc xoài hay thí dụ về trình tự tiếp khách hành của một công ty (…) thì dường như mỗi diễn trình tâm thức, dài nhất 17 sát na, đã xử lý xong việc nhận biết, phản ứng đối với cảnh. Kỳ thực thì không phải vậy. Cứ tạm gọi một diễn trình với nhiều sát na như vậy là “một chập tư tưởng” thì trong một tích tắc có hằng triệu chập tư tưởng như vậy sanh diệt tiếp nối không giống như phản ứng cảm xúc mà chúng ta biết trong sinh hoạt hằng ngày. Nó là một sự lập đi lập lại của diễn trình tâm thức tương tư như một người học Thắng Pháp rất xa lạ với các khái niệm và từ ngữ chuyên môn đôi khi phải đọc tới đọc lui nhiều lần bài học mới từ từ nhận ra nội dung của bài viết.

Tiềm thức và hoạt thức

Khi nói về diễn trình tâm thức, Thắng Pháp đề cập đến hai thứ tâm: tiềm thức 

mūlabhavaṅgacitta – (trong các sách Vi Diệu Pháp tiếng Việt thường gọi là tâm chủ quan) và hoạt thức – vimūlacitta – (thường gọi là tâm khách quan). Tiềm thức là loại tâm tiềm tàng với cảnh muội lược quá khứ (…) trong lúc hoạt thức là loại tâm xuất hiện khi có “cảnh mới” xuất hiện. Tiềm thức có một vai trò ít khi được nhắc tới là làm “trái độn” giữa các diễn trình của hoạt thức. Nói như vậy có nghĩa là không phải khi các hoạt thức đang sanh khởi thì tiềm thức không có. Như một ngày làm việc bận rộn không phải chỉ có giải quyết công việc mà còn có nhiều khoảnh khắc trở lại với sinh hoạt bình thường hằng ngày như ăn, uống, vệ sinh…

Ngũ môn và ý môn

Trong cách nói theo bình diện rộng thường tìm thấy ở Kinh Tạng thì sáu cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc, pháp có thể chia làm hai là ngoại giới (sắc, thinh, khí, vị, xúc) và nội giới (cảnh pháp). Trong Thắng Pháp nói đến 6 môn. Những gì sanh khởi qua nhãn môn không đơn thuần chỉ có cảnh sắc. Ngược lại những gì được biết là cảnh pháp có thể liên hệ tới cảnh sắc. 5 môn là nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn có liên hệ tới năm ngoại cảnh vật chất nên trình tự sanh diệt của tâm thức khác biệt so với ý môn. Sự phân biệt nầy rất rõ nét khi nói về diễn trình tâm.

Vĩ mô và đại loại

Trong Kinh Tạng có hình ảnh mô tả một sự việc xẩy ra như lời khen chê. Nếu một người có hiểu biết và tu tập thì phản ứng đầu tiên với “khéo tác ý hay chánh tư niệm – yoniso manasikara – “sau đó là cảm xúc khác biệt thường tình. Đây là một mô tả đại loại. Một thí dụ khác khi nói về “nhãn xúc sở sanh thọ” tức là cảm xúc sanh ra do con mắt tiếp xúc cảnh sắc “nếu vị ấy không chấp tướng chung hoặc tướng riêng thì tham luyến không sanh khởi” đây cũng là cách nói đại loại khác. Trên phương diện vĩ mô thì tâm thức sanh diệt rất nhanh. Mặc dù có nói đến những sát na tâm xử lý cảnh nhưng hoàn toàn không nên hiểu theo cách xử lý thông thường. Người học Thắng Pháp, đặc biệt là khi học về diễn trình tâm thức, nên nhận rõ tánh cách khác biệt giữa cách nói vĩ mô và đại loại.

Giòng hiện hữu là sự hỗn hợp của nhân, quả, phi nhân quả

Một trong những điểm phức tạp khi học về diễn trình tâm thức là sự pha trộn của nhân, quả, và những sát na phi nhân quả. Riêng điểm nầy cũng nói lên phần nào tánh cách vĩ mô đã đề cập đoạn trước. Ngày nay trong y học người ta nói về DNA rất dễ bị hiểu lầm là cơ thể con người hoạt động hoàn toàn do yếu tố di truyền. Thực tế thì di truyền là một trong những yếu tố. Lối sống hiện tại cũng quan trọng không kém. Nói đến tâm thức cũng vậy. Có những duyên (paccaya) liên quan tới nghiệp quá khứ, có những duyên đến từ cảnh do chức năng máy móc tự nhiên của tâm thức và bao nhiêu thứ khác. Tất cả tạo thành guồng máy phức tạp. Người học cần giữ thái độ ghi nhận khách quan, thông thoáng để tiếp nhận hơn là đánh giá bằng định kiến.

Diễn trình tâm thức là tinh hoa của Phật Pháp

Mặc dù ba chữ “sát na tâm” được tìm thấy đó đây trong văn hoá Phật giáo nhưng mô tả về diễn trình sanh diệt của sát na tâm chỉ có trong Tam Tạng Pāli, và chính xác hơn, là Thắng Pháp Abhidhamma. Luận Tạng của Phật giáo Bắc Truyền, kể luôn cả Duy Thức, đều không đề cập phần nầy.

Diễn trình tâm – cittavīthi – là một minh hoạ khẳng định không có cái gọi là “linh hồn thường hằng” mà chỉ là giòng tâm thức với những sát na sanh diệt nối tiếp.

Diễn trình tâm nêu rõ hiện tượng hỗn hợp nhân quả qua tiềm thức và hoạt thức vốn nằm ngoài cả hai lập thuyết định mệnh và duy ý chí.

Diễn trình tâm nêu rõ tánh giả hợp của tâm lý vốn phức tạp hơn cả vật chất chứ không mơ hồn nói về thứ “tâm thể” ưu việt gần như bất biến đối lập với hiện tượng vật chất như nhiều tôn giáo cổ súy.

Diễn trình tâm thức nêu rõ vai trò và ảnh hưởng của cảm thọ, phiền não, trí tuệ với những tương tác tự nhiên của hiện tượng giới chứ không phải là quan điểm hoặc lý luận thường thức.

Có thể nói không lầm diễn trình của tâm thức là tinh hoa của Thắng Pháp, cũng là tinh hoa của Phật học.

Biên soạn giáo trình : Tỳ kheo Giác Đẳng