Bài 67. Sáu Khía Cạnh Quan Trọng Của Tâm Thức: 5. CẢNH (Ārammaṇa) – (Phần 2 của 3 phần) _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 22.4.2021

Bài 67. Sáu Khía Cạnh Quan Trọng Của Tâm Thức: 5. CẢNH (Ārammaṇa) – (Phần 2 của 3 phần) _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 22.4.2021

Thursday, 22/04/2021, 19:21 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 22.4.2021

Bài 67

Sáu Khía Cạnh Quan Trọng Của Tâm Thức:

5. CẢNH (Ārammaṇa) – (Phần 2 của 3 phần)

Khi nói hẹp thì có 6 cảnh: Cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc, cảnh pháp. Đây là sáu cảnh hoàn toàn khác biệt.

Khi nói rộng thì có thêm 15 cảnh: Cảnh ngũ, cảnh chơn đế, cảnh thi thiết, cảnh dục giới, cảnh đáo đại, cảnh niết bàn, cảnh danh pháp, cảnh sắc pháp, cảnh quá khứ, cảnh hiện tại, cảnh vị lai, cảnh ngoại thời, cảnh nội phần, cảnh ngoại phần, cảnh nội và ngoại phần. Khi nói rộng thì không nói một cách riêng biệt. Thí dụ cảnh sắc cũng là cảnh dục giới, cảnh chân đế, cũng có thể là cảnh hiện tại, cảnh ngoại phần…

Cảnh ngũ là cách nói gom chung năm cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc. Có rất nhiều trường hợp trong sự trình bày của Thắng Pháp cảnh ngũ được nêu lên để chỉ cho năm cảnh trần.

Cảnh chơn đế là cảnh của thực tướng đối ngược với cảnh của khái niệm thi thiết. Thí dụ âm thanh được nghe bằng tai đó là cảnh chơn đế nhưng gọi đó loại nhạc gì là khái niệm thi thiết.

Cảnh tục đế hay thi thiết là cảnh giả lập thí dụ một tảng đá đặt trong khu vườn nhìn rất hợp cách để gọi là “giả sơn” hay có nét “thiền vị”, “cổ kính”… đều là những khái niệm chế định của tâm.

Cảnh dục giới là cảnh liên hệ tới năm dục trưởng dưỡng (sắc, thinh, khí, vị, xúc) mang tánh hạn hẹp, giao động so với cảnh của tâm thiền.

Cảnh đáo đại là cảnh rộng lớn của thiền chứng khác với cảnh dục giới.

Cảnh niết bàn là cảnh siêu thế vượt ngoài tất cả hạn cuộc của pháp hữu vi.

Cảnh danh pháp là cảnh phi vật chất bao gồm tâm, thuộc tánh của tâm và niết bàn.

Cảnh sắc pháp là cảnh thuộc vật chất cho dù sắc thô hay sắc tế.

Cảnh quá khứ là những đối tượng của tâm thuộc về những gì đã từng hiện hữu bây giờ không còn nữa.

Cảnh hiện tại là đối tượng của tâm đang hiện hữu.

Cảnh vị lai là đối tượng của tâm thuộc về những gì chưa sanh khởi.

Cảnh ngoại thời là cảnh không nằm trong ý niệm thời gian. Đây là một điểm thú vị và rất đặc biệt của Phật Pháp. Ngoại thời có thể là vượt thời gian chính là niết bàn; mà ngoại thời cũng là cái gì không phải là thực hữu là cảnh thiền chế định (…).

Cảnh nội phần là đối tượng của của tâm thuộc về danh sắc nội thân.

Cảnh ngoại phần là đối tượng của của tâm thuộc về danh sắc ngoại thân.

Cảnh nội ngoại phần là đối tượng của của tâm thuộc về danh sắc nội và ngoại thân.

Chính những ý niệm về nội, ngoại phần tạo nên hiệu ứng nhân ngã bỉ thử.

Những trình bày trên mang tính giản lược. Khi nói về tâm biết bao nhiêu cảnh và mỗi cảnh có bao nhiêu tâm nhận biết được thì sẽ có những lý giải chi tiết. Định nghĩa ngắn gọn để dễ nhớ nhưng không nghĩa là không có những điều quan trọng cần nhớ. Người học Thắng Pháp cần lưu ý nhiều về tâm thức. Nói đến tâm không thể không nói tới đối tượng của tâm hay cảnh.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng