Bài 3. Chương I (tiếp theo) _ Tâm dục giới bất thiện (kāmāvacara _ akusalacitta) _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 11.7.2021

Bài 3. Chương I (tiếp theo) _ Tâm dục giới bất thiện (kāmāvacara _ akusalacitta) _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 11.7.2021

, 10/07/2021, 19:21 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 11.7.2021


Bài 3. Chương I (tiếp theo) _ Tâm dục giới bất thiện (kāmāvacara _ akusalacitta)

Tâm dục giới bất thiện có 12 thứ:

- 8 thứ tâm tham căn (lobhamūlacitta)

1. Tâm tham câu hành hỷ tương ưng kiến vô trợ (Somanassasahagataṃ diṭṭhisampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ)

2. Tâm tham câu hành hỷ tương ưng kiến hữu trợ (Somanassasahagataṃ, diṭṭhisampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ)

3. Tâm tham câu hành hỷ bất tương ưng kiến vô trợ (Somanassasahagataṃ, diṭṭhivippayuttaṃ asaṅkhārikaṃ)

4. Tâm tham câu hành hỷ bất tương ưng kiến hữu trợ (Somanassasahagataṃ diṭṭhivipayuttaṃ sasankhārikaṃ)

5. Tâm tham câu hành xả tương ưng kiến vô trợ (Upekkhāsahagataṃ diṭṭhisampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ)

6. Tâm tham câu hành xả tương ưng kiến hữu trợ (Upekkhāsahagataṃ diṭṭhisampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ)

7. Tâm tham câu hành xả bất tương ưng kiến vô trợ (Upekkhāsahagataṃ diṭṭhivippayuttaṃ asaṅkhārikaṃ)

8. Tâm tham câu hành xả bất tương ưng kiến hữu trợ (Upekkhāsahagataṃ diṭṭhivipayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ)

- 2 thứ tâm sân căn (dosamūlacitta)

1. Tâm sân câu hành ưu tương ưng phẫn vô trợ (Domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ)

2. Tâm sân câu hành ưu tương ưng phẫn hữu trợ (Domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ)

- 2 thứ tâm si căn (mohamūlacitta)

1. Tâm si câu hành xả tương ưng hoài nghi (Upekkhāsahagataṃ vicikicchāsampayuttaṃ)

2. Tâm si câu hành xả tương ưng phóng dật (Upekkhāsahagataṃ uddhaccasampayuttaṃ)

Giải thích:

Căn bất thiện (akusalamūla) là gốc rễ, nhân tố tạo ra tính chất bất hảo cũa tâm bất thiện. Có ba căn bất thiện là tham căn (lobhamūla), sân căn (dosamūla) và si căn (mohamūla).

- Tham căn là tính chất dính mắc, bám chấp, mê luyến đối tượng. Tham căn là tố chất tạo ra tâm tham. Thật ra tâm tham không phải chỉ có một tố chất tham căn, mà còn có tố chất si căn nữa, tâm bất thiện luôn luôn là trạng thái mê muội.

- Sân căn là tính chất phiền toái, khó chịu với đối tượng, là tố chất tạo ra tâm sân. Tâm sân cũng luôn luôn có hai tố chất là sân căn và si căn.

- Si căn là tính chất tối tâm, mê muội, vô minh là tố chất cơ bản cho tâm bất thiện; si căn đi chung với tham căn tạo ra tâm tham; si căn đi chung với sân căn tạo ra tâm sân; si căn đi đơn độc tạo ra tâm si.

Về cảm thọ (vedanā) của tâm bất thiện. Tâm bất thiện có ba cảm thọ: thọ hỷ (somanassa) cảm giác vui vẻ hài lòng, thọ ưu (domanassa) cảm giác buồn bực không bằng lòng, thọ xả (upekkhā) cảm giác thản nhiên lãnh đạm.

- Tâm tham có hai cảm thọ: thọ hỷ và thọ xả; tâm sân chỉ có cảm thọ ưu; tâm si chỉ có cảm thọ xả. Khi ham muốn cái gì, có thể tham với tâm trạng vui vẻ (hỷ) hay với tâm trạng thản nhiên (xả); Nhưng khi nổi nóng thì luôn luôn bực bội (ưu); còn đối với tâm si, khi nghi ngờ hoặc phóng dật thì chỉ có cảm giác dửng dưng (xả) thôi.

Về tính tương ưng (sampayutta), thì tâm bất thiện có 4 tính tương ưng: tương ưng tà kiến (diṭṭhisampayutta), tương ưng phẫn nộ (paṭighasampayutta), tương ưng hoài nghi (vicikicchāsampayutta) và tương ưng phóng dật (uddhaccasampayutta).

- Danh từ diṭṭhi trong tâm bất thiện có nghĩa là tà kiến (diṭṭhigata = micchādiṭṭhi), quan điểm sai lạc, tri kiến không đúng, thường kiến hay đoạn kiến. Chỉ có tâm tham mới tương ưng tà kiến, vì đặc tính của tà kiến là bám chấp, dính mắc, mới phù hợp với đặc tính của tham. Tuy nhiên, cũng có trường hợp tâm tham không kết hợp tà kiến, đó là tâm tham bất tương ưng tà kiến; Tám tâm tham, có 4 tâm hợp tà kiến, 4 tâm ly tà kiến.

- Danh từ paṭigha do paṭi (ngược lại) + gha (hiệu ứng, cảm ứng); paṭigha tính cách của tâm sân khi chạm cảnh không hài lòng thì “dị ứng hay phản cảm”; trong ngữ cảnh, như paṭighānusaya, paṭighasaṃyojana… thì có nghĩa căm phẫn, phẫn nộ, thù hận, ác ý… Chỉ có tâm sân mới tương ưng phẫn, và luôn luôn tương ưng, không có trường hợp tâm sân bất tương ưng phẫn nộ.

- Danh từ vicikicchā do “vici (chọn lựa, xét đoán) + kiccha (khó khăn, vất vả), vicikicchā “khó chọn lựa, khó quyết đoán, ngờ vực, hoài nghi; nó là một thứ tâm sở chỉ phối hợp với tâm si, gọi là tâm si tương ưng hoài nghi.

- Danh từ uddhacca do tiếp đầu ngữ “u” + căn “dhu (ném, liệng, quăng)”, uddhacca có nghĩa là có nghĩa là “tung lên” như bụi tung lên khi gặp gió, dịch là trạo cử hay phóng dật, một trạng thái không lắng động của tâm bất thiện. Uddhacca là một thứ tâm sở bất thiện biến hành, nó có mặt trong tất cả tâm bất thiện, nhưng vì tâm si thứ hai nầy không có tính chất nào khác, chỉ có tính chất lao chao nên gọi là tâm si tương ưng phóng dật.

Về cách trợ năng (saṅkhārika). Tâm bất thiện sanh khởi do hai cách trợ năng: vô trợ (asaṅkhārika) và hữu trợ (sasaṅkhārika).

- Có 7 thứ tâm bất thiện vô trợ là 4 tâm tham vô trợ, 1 tâm sân vô trợ, 2 tâm si. Bảy tâm nầy sanh khởi một cách tự nhiên không cần động cơ nào thúc đẩy, trợ sanh, nên gọi là tâm sanh vô trợ.

- Tâm bất thiện còn lại: 4 tâm tham hữu trợ và 1 tâm sân hữu trợ, thì chúng khởi lên có điều kiện trợ sanh, có động cơ bên ngoài hoặc bên trong thúc đẩy. Đó gọi là tâm sanh hữu trợ.

Về đối tượng (ārammaṇa). Tâm bất thiện biết cả 6 cảnh là cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc và cảnh pháp.

Về nương môn (dvāra). Do tâm bất thiện biết đủ 6 cảnh nên chúng nương cả 6 môn.

- Tâm bất thiện nương sanh theo lộ nhãn môn để biết cảnh sắc; nương sanh theo lộ nhỉ môn để biết cảnh thinh; nương sanh theo lộ tỷ môn để biết cảnh khí; nương sanh theo lộ thiệt môn để biết cảnh vị; nương sanh theo lộ thân môn để biết cảnh xúc; nương sanh theo lộ ý môn để biết cảnh pháp.

Về trú căn (vatthu), Vật tâm nương. Tâm bất thiện là ý thức giới (manoviññāṇadhātu) nên có trú căn là ý vật (hadayavatthu). Nhưng tâm tham và tâm si hiện khởi cõi ngũ uẩn mới trú ý vật, nếu hiện khởi trong cõi vô sắc thì không trú vật; Tâm sân chỉ hiện khởi trong cõi dục nên nhất định trú ý vật.

Về sở hành (samācāra), có ba loại sở hành là thân hành (kāyasamācāra), khẩu hành (vacīsamācāra), ý hành (manosamācāra). Tâm bất thiện tạo ra cả ba hành ấy.

- Tâm bất thiện tạo ra thân hành là sát sanh, trộm cướp, tà dâm. Thân hành nầy gọi là thân ác hạnh (kāyaduccarita).

- Tâm bất thiện tạo ra khẩu hành là nói láo, nói ly gián, nói độc ác, nói nhãm nhí. Khẩu hành nầy gọi là khẩu ác hạnh (vacīduccarita).

- Tâm bất thiện tạo ra ý hành là tham lam, sân hận, tà kiến. Ý hành nầy gọi là ý ác hạnh (manoduccarita).

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu