- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG
Bài học ngày 10.2.2023
THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)
37. Nhóm Thuộc Tánh Tịnh Hảo (sobhanacetasikā)
Sáu Cặp Thuộc Tánh: Tĩnh, Khinh, Nhu, Thích, Thuần, Trực
Sáu cặp thuộc tánh tịnh hảo biến hành tĩnh thân, tĩnh tâm, khinh thân, khinh tâm, nhu thân, nhu tâm, thích thân, thích tâm, thuần thân, thuần tâm, chánh thân, chánh tâm cần được nhìn thuần Thắng Pháp hơn là hiểu theo cách nói đại loại.
Trước khi đi vào chi tiết của sáu cặp thuộc tánh kể trên cần lưu ý một vài điểm sau:
Danh pháp là sự hỗn hợp của tâm và các thuộc tánh
Trong ngôn ngữ của Thắng Pháp Tạng tâm thức và vật chất được đề cập đến với tên gọi danh (nāma) và sắc (rūpa). Danh hay nāma – đôi khi cũng gọi là danh pháp – bao gồm tâm và các thuộc tánh. Tất cả tâm đều đi chung với thuộc tánh. Sự kết hợp giữa tâm và các thuộc tánh tạo nên nhiều biến thể từ một cho tới 121 thứ tâm. Người học Thắng Pháp cần thường xuyên lưu ý về sự có mặt của các thuộc tánh trong mỗi thứ tâm. 6 cặp thuộc tánh tĩnh thân, tĩnh tâm, khinh thân, khinh tâm, nhu thân, nhu tâm, thích thân, thích tâm, thuần thân, thuần tâm, chánh thân, chánh tâm nằm trong nhóm thuộc tánh tịnh hảo biến hành (tổng cộng có 19 thuộc tánh) có nghĩa là đã gọi là tâm tịnh hảo thì không thể thiếu 6 cặp thuộc tánh nầy.
Một sát na tâm thức – gồm tâm và thuộc tánh – vận hành như bộ máy
Cái khó khi học Thắng Pháp Tạng với nhiều người là tánh cách hỗn hợp trong tâm pháp. Ở Kinh Tạng, thường nói theo cách đại loại, thì những pháp như tín, niệm, tàm, quý … được hiểu như những trạng thái riêng biệt trong lúc Thắng Pháp Tạng dạy tâm thức, dù là một sát na, cũng bao gồm thọ, tưởng, hành, thức. Do vậy luôn luôn cần nhớ rằng các cetasika là những thuộc tánh (attribute hay factor) chứ không phải là những đơn vị (unit). Thí dụ như nói đến sự vận hành của máy bay người ta nói đến động khí học không phải chỉ có máy phản lực hay chong chóng mà là một sự kết hợp đầy đủ của thân, cánh, đuôi, máy ... 6 cặp thuộc tánh tĩnh thân, tĩnh tâm, khinh thân, khinh tâm, nhu thân, nhu tâm, thích thân, thích tâm, thuần thân, thuần tâm, chánh thân, chánh tâm không thể hiểu theo cách riêng lẻ mà phải hiểu theo cách tổng hợp.
Có những ảnh hưởng riêng biệt đối với tâm và các thuộc tánh
Nói về danh pháp hay tâm thức thì Thắng Pháp thường đề cập tâm (citta) và các thuộc tánh (cetasika). Theo cách nói ngũ uẩn thì tâm thuộc thức uẩn và các thuộc tánh là thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn. Dù bốn danh uẩn đồng sanh, đồng diệt, đồng nương một căn, đồng biết một cảnh nhưng có những trường hợp chịu ảnh hưởng khác nhau. Trước đây trong phần nói về những thuộc tánh bất thiện có hai thuộc tánh được nói tới là hôn trầm (thina) và thuỵ miên (middha). Cả hai đều là trạng thái trì trệ, dã dượi nhưng hôn trầm chi phối tâm (thức uẩn) còn thuỵ miên chi phối các thuộc tánh (thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn). Khái niệm nầy không tìm thấy trong Kinh Tạng. 6 cặp thuộc tánh tĩnh thân, tĩnh tâm, khinh thân, khinh tâm, nhu thân, nhu tâm, thích thân, thích tâm, thuần thân, thuần tâm, chánh thân, chánh tâm cũng tương tự như vậy. Trong từng cặp có một thuộc tánh chi phối thức uẩn và một chi phối ba uẩn còn lại.
Đừng để từ ngữ làm rối trí
Thắng Pháp Tạng (Abhidhamma) có cả rừng ngôn từ và ý niệm xa lạ. Người học cần có thái độ “chính danh”: từ ngữ đó xài ở đâu, đi với pháp gì.. để không bị lẫn lộn. Trong trường hợp 6 cặp thuộc tánh tĩnh thân, tĩnh tâm, khinh thân, khinh tâm, nhu thân, nhu tâm, thích thân, thích tâm, thuần thân, thuần tâm, chánh thân, chánh tâm thì chữ thân và tâm không được hiểu theo cách thường được hiểu.
Thân – kāya – ở đây chỉ cho các thuộc tánh (cetasika) hay ba uẩn thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn. Tâm – citta – chỉ cho thức uẩn. (Ngay cả khi học Thắng Pháp, chữ tâm có khi được nói riêng lẻ nhưng thường là tổng hợp của cả bốn danh uẩn. Thí dụ nói tâm tham thì gồm tâm (sự biết cảnh của thức uẩn) và một số các thuộc tánh tợ tha, bất thiện cộng chung lại).
Trong tất cả ngôn ngữ liên hệ tới môn học nầy dùng Việt ngữ, Hán ngữ, hay Phạm ngữ dù xưa cũng như nay, những thuật ngữ Thắng Pháp Tạng đều được định chế để diễn đạt ý nghĩa đặt biệt nào đó vốn không có trong Kinh Tạng hay thường thức. Chính vì vậy người học nếu không nhận rõ dễ dàng bối rối và hiểu lầm.
Thuộc Tánh Tĩnh Tánh (Kāyapassaddhi cetasika) & Thuộc Tánh Tĩnh Tâm (Cittapassaddhicetasika)
Tĩnh – passadhi – là trạng thái lắng đọng, không giao động. Tĩnh tánh và tĩnh tâm là hai chất liệu khiến danh pháp xua tan những quấy nhiễu. Đây là trạng thái đối lập với phóng dật (giao động hay trạo cữ) và hối quá. Tĩnh ở đây không có nghĩa là không lao xao mà là khả năng xua tan những quấy động.
Trên phương diện vĩ mô, hai thuộc tánh tĩnh tánh và tĩnh tâm có vai trò khiến cho bốn danh pháp thọ, tưởng, hành, thức không bị chi phối bỡi những quấy động. Thí dụ như trong một ngôi nhà có đông người trong đó có một người điềm đạm tạo nên ảnh hưởng giúp cả nhà xua tan những lao xao, xáo trộn nhờ vậy được an bình.
Trong Hán ngữ chữ 静 có thể đọc cả với hai âm “tịnh” và “tĩnh”. Ngài Tịnh Sự chọn chữ tịnh nên hai thuộc tánh kāyapassaddhi và cittapassaddhi được dịch là tịnh thân và tịnh tâm. Trong giáo trình nầy chọn chữ “tĩnh tánh và tĩnh tâm” vì chữ tịnh có thể hiểu là thanh tịnh, trong sạch (visuddhi) trong lúc ở đây chữ passaddhi có nghĩa là yên tĩnh.
Thuộc Tánh Khinh Tánh (Kāyalahutā cetasika) & Thuộc Tánh Khinh Tâm (Cittalahutā cetasika)
Trong tất cả những gì thuộc danh pháp thì hai thuộc tánh khinh tánh (kāyalahutā cetasika) và khinh tâm (cittalahutā cetasika) tương đối khó hiểu. Khinh nghĩa là nhẹ. Nói tới nhẹ, nặng là nói tới trọng lượng – một ý niệm thuộc vật lý hơn là tâm lý. Sự nhẹ nhàng ở đây cũng là pháp thực tính chứ không phải là cách nói ví von do vậy cần được suy nghiệm để hiểu chính xác đặc tánh và vai trò của thuộc tánh nầy.
Khinh tánh (kāyalahutā cetasika) và khinh tâm (cittalahutā cetasika) là hai thuộc tánh có chức năng làm nhẹ nhàng các danh pháp đồng sanh. Sự nhẹ nhàng ở đây có thể hiểu như sự rỗng rang, nhẹ tênh của tâm thức. Chính sự nhẹ nhàng nầy tạo nên tác dụng linh hoạt, không trì trệ của tâm.
Để hiểu khinh tánh, khinh tâm trên phương diện vĩ mô cần hiểu trạng thái đối lập của thuộc tánh nầy là hôn trầm và thuỵ miên. Đó là hai trạng trái khiến tâm ý nặng nề, mất đi khả năng hoạt dụng. Sự trĩu nặng hay trì trệ của thân hoặc tâm có thể cảm nhận với sự thiếu linh hoạt, nhạy bén, hân hoan. Trái lại khi tâm nhẹ nhàng cảm giác thư thới thì tạo thành sự khinh khoái giống như một người trả hết nợ hay tâm không còn bị vướng vấp những phiền luỵ vì lý do gì đó.
Thuộc Tánh Nhu Tánh (Kāyamudutā) & Thuộc Tánh Nhu Tâm (Cittamudutā)
Nhu có nghĩa là mềm dẻo. Đây là trạng thái đối lập với cứng nhắc, thiếu linh động, thiếu uyển chuyển. Sự mềm dẻo nầy giống như ý nghĩa của câu ngạn ngữ “răng cứng thì gãy, lưỡi mềm thì còn” hoặc như câu “nhu thắng cương, nhược thắng cường”. Trong đạo học của Trung Hoa thì chữ nhu được xem là đặc tánh của người quân tử có hiểu biết.
Trạng thái đối lập của nhu tánh, nhu tâm là tà kiến và ngã mạn. Cả hai pháp đối lập đều mang đặc tính cứng nhắc, cố chấp, cực đoan. Nhu tánh nhu tâm trái lại là sự mềm mỏng, cởi mở. Điều nầy khiến cho các pháp đồng sanh trở nên linh hoạt. Hai thuộc tánh nầy giúp cho những tâm pháp đồng sanh không rơi vào sự cang ngạnh, cực đoan giống nhưng trong một gia đình có người luôn biết dùng lời từ tốn, phải chăng để hoá giải các cực đoan của những thành viên.
Thuộc Tánh Thích Tánh (Kāyakammaññatā) & Thích Tâm (Cittakammaññatā)
Sự thích nghi ở đây không phải là một thái độ mà là chất liệu khiến tâm pháp hoà quyện với thực tại. Nên lưu ý thuộc tánh vô sân là sự hoà dịu mát mẻ đối với nghịch cảnh còn nhu tánh, nhu tâm là sự mềm dẻo trong lúc thích tánh, thích tâm là tố chất khiến bốn danh uẩn thích nghi trong mọi trường hợp nghịch cũng như thuận ở nhiều mức độ khác nhau.
Thích nghi là khả năng tồn tại trước những khác biệt như câu “khi ở La Mã thì làm như người La Mã”. Sự thích nghi không có nghĩa là chỉ đối với nghịch cảnh mà còn đối với thuận cảnh. Hoá thân không có nghĩa là vong thân. Sự sống còn luôn đòi hỏi khả năng thích ứng trong mọi tình huống. Có thể thí dụ như một người tạo lập một cửa hàng buôn bán không phải chỉ buôn bán những thứ mình thích mà còn tìm cách đáp ứng nhu cầu của khách hàng vốn thay đổi thường xuyên. Khả năng thích nghi nầy giống như trình bày về sự biến dạng để tồn tại theo môi trường theo thuyết tiến hoá của Charles Darwin. Chính khía cạnh thích nghi nầy tạo nên sự hoà quyện của tất cả tâm tịnh hảo.
Thuộc Tánh Thuần Tánh (Kāyapāguññatā) & Thuần Tâm (Cittapāguññatā)
Thuần – pāguññatā – chỉ cho sự trưởng thành, tinh luyện, chính chắn. Sự chín chắn ở đây được tạo nên bởi chất liệu xua tan những phân vân, thiếu tin tưởng, thiếu ổn định vì non nớt. Có thể lấy một thí dụ là một người có bản lãnh thật sự thì dù trong một hoàn cảnh xa lạ hay giải quyến một vấn đề mới lạ vẫn có phong độ chững chạc của người có nội hàm.
Thuật ngữ pāguññatā từ paguṇā cũng có nghĩa là sự thông thạo hay học hiểu thấu đáo có thể khiến người học lầm tưởng là một thứ trí tuệ. Trong ý nghĩa của hai thuộc tánh nầy chỉ đơn thuần là thuần thục, thành thạo, quen thuộc. Thí dụ một người giữ vai trò gì đó trong công ty có thể thấy thoải mái, lanh lẹ trong công việc chỉ vì quá quen thuộc chứ không nhất thiết là do quá giỏi hay quá thông thái.
Cũng như vật lý, tâm lý có mức độ khoẻ khoắn, lành mạnh đôi khi rất khó nhận diện nhưng có thể hình dung là tất cả tâm tịnh hảo đều sự sự vững chãi nhất định. Thí dụ như một người xuất hiện trước đám đông nếu đó là người có khả năng, trình độ thì dù là hội chúng xa lạ thì vẫn có thần thái của một người tự tin. Tâm tịnh hảo không thể hiện hữu trong sự non nớt, giao động, nghi hoặc.
Thuộc Tánh Trực Tánh (Kāyujukatā) & Trực Tâm (Cittujukatā)
Hai thuộc tánh nầy được Ngài Tịnh Sự dịch là chánh thân và chánh tâm. Ý nghĩa thì không khó hiểu nhưng về cách dùng từ thì cần nhiều cân nhắc. Đối với những người đã quen với chữ dịch trước kia thì ngay cả âm đọc cũng khó thoải mái.
Từ ngữ ujukatā có nghĩa là thẳng thắn, chánh trực, không quanh co. Theo cách nói theo bình diện rộng thì không cần bàn cãi nhiều nhưng khi nói đây là một thuộc tánh tịnh hảo biến hành thì có vẻ như khó hiểu. Ngay cả khi dùng chữ “chánh” được hiểu như chơn chánh thì lại càng khó hiểu. Người học cần có gắng phân biệt giữa trạng thái vĩ mô và cách nói theo bình diện rộng. Ở đây nên hiểu là sự trực nhận, đi thẳng vào vấn đề, xữ lý trực tiếp hơn là quan niệm chánh tà.
Trực tánh, trực tâm là hai tố chất khiến tâm pháp mang tánh trực tiếp, thẳng thắn, không quanh co. Có thể thí dụ như trong thời đại người ta rất bận rộn mà thì giờ lại hạn chế thì trong cách nói hay biểu đạt không dài dòng, lung khởi mà thường đi thẳng vào cái gì muốn nói một cách chính xác, trực tiếp, thẳng thừng. Tâm pháp thiếu tố chất nầy thì quanh co, lấp lửng, không đối diện trực tiếp được. Có thể nói giống như vai trò của một người có trách nhiệm điều hành một công ty cần dám nhìn thẳng vào những vấn đề cần cải thiện chứ không phải là che dấu cái xấu hay chỉ biết ca ngợi cái tốt.
Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn