- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG
Bài học ngày 15.7.2022
THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)
15. Tâm Duy Tác Dục Giới Tịnh Hảo
(kāmāvacara kiriyacittāni)
Chánh văn
17. Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṃkhārikam ekaṃ.
18. Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ sasaṃkhārikam ekaṃ.
19. Somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṃkhārikam ekaṃ.
20. Somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ sasaṃkhārikam ekaṃ.
21. Upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṃkhārikam ekaṃ.
22. Upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ sasaṃkhārikam ekaṃ.
23. Upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṃkhārikam ekaṃ.
24. Upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ sasaṃkhārikam ekan ti.
Imāni aṭṭha pi sahetuka-kāmāvacara-kriyācittāni nāma.
Icc’evaṁ sabbathā pi catuvīsati sahetuka-kāmāvacara-usalavipāka kriyācittāni samattāni.
1 .Tâm duy tác thọ hỷ hợp trí vô trợ
2. Tâm duy tác thọ hỷ hợp trí hữu trợ
3. Tâm duy tác thọ hỷ ly trí vô trợ
4. Tâm duy tác thọ hỷ ly trí hữu trợ
5. Tâm duy tác thọ xả hợp trí vô trợ
6. Tâm duy tác thọ xả hợp trí hữu trợ
7. Tâm duy tác thọ xả ly trí vô trợ
8. Tâm duy tác thọ xả ly trí hữu trợ
Những tâm nầy là tâm duy tác dục giới hữu nhân.
Như vậy tổng cộng có tất cả 24 tâm dục giới tịnh hảo hữu nhân gồm tâm thiện, tâm quả, và tâm duy tác.
(Lưu ý: Số thứ tự trong chánh văn Pāli ghi từ 9 tới 16 theo lược kê 24 tâm dục giới tịnh hảo. Bản dịch ghi từ 1 tới 8 là thứ tự riêng trong đề tài “tâm duy tác dục giới tịnh hảo”)
Chú thích:
Cũng như tâm thiện dục giới tịnh hảo, tâm duy tác dục giới tịnh hảo được chia thành tám dựa trên ba yếu tố: thọ hỷ hay thọ xả, hợp trí hay ly trí, vô trợ hay hữu trợ.
Tâm duy tác dục giới tịnh hảo là tâm hành xử của chư vị a la hán đã đoạn tận phiền não, kể cả Đức Phật toàn giác. Giống như tâm thiện dục giới tịnh hảo đây là thứ tâm đa nhiệm của các bậc không còn lậu hoặc. Ngoài những lúc nhập thiền các Ngài sử dụng tâm duy tác dục giới tịnh hảo cho những sinh hoạt hằng ngày kể cả hạnh nguyện độ sanh như thuyết pháp, họp Tăng, khất thực trì bình ..v.v.. Sự trình bày tâm duy tác dục giới tịnh hảo cho chúng ta biết nhiều về tâm thái của chư vị thánh nhấn hoàn toàn giải thoát, một điều rất khó hiểu hết đối với phàm nhân .
Thuật ngữ kiriya citta ở đây dịch là tâm duy tác mang ý nghĩa là “chỉ có hành động nhưng không có quả báo”. Dịch như vậy không hoàn toàn ổn thoả khi định nghĩa các tâm duy tác vô nhân có nghĩa là chỉ làm việc máy móc chứ không tạo quả. Ngày xưa Ngài Tịnh Sự dịch kiriya citta là “tâm hạnh” hay “tâm đại hạnh” chỉ cho hành xử của các bậc ứng cúng. Chữ hạnh rất đẹp đó giống như trong “hạnh nguyện” = chỉ sống vì cuộc đời không vì tự ngã. Nhưng chữ nầy cũng lấn cấn với tâm duy tác vô nhân như nói trên. Về sau nầy Ngài chọn chữ “tâm tố”. Chữ tố (做) cũng chỉ cho hành động đơn thuần như tố nhân là làm người. Trên phương diện văn tự thì chữ nầy có thể nói là gần nhất để dịch từ vựng kiriya. Giáo trình nầy chọ chữ tâm duy tác thay vì tâm tố vì dễ nhớ, dễ hiểu hơn đối với phần đông.
Hai thứ tâm duy tác
Có thứ tâm duy tác vô nhân chỉ đóng vai trò cơ năng là hai tâm khán ngũ môn và tâm khán ý môn mà phàm hay thánh đều có. Tâm sinh tiếu cũng là duy tác vô nhân. Các tâm duy tác hữu nhân có vai trò xử lý cảnh của bậc vô lậu. Riêng tám tâm duy tác dục giới hữu nhân có thể nói là đóng rất nhiều vai trò. Chữ dục giới ở đây chỉ để nói là thứ tâm không thuộc về thiền sắc và thiền vô sắc.
Còn hạt nhưng mầm đã chết
Tâm phàm phu hay các bậc thánh hữu học khi xử lý cảnh dùn bằng tâm thiện hay bất thiện đều tạo quả nếu gặp điều kiện thích hợp bởi vì còn nằm trong vòng cương toả của vô minh và ái. Chư vị vô lậu ứng cúng vì không còn vô minh và ái nên tất cả hành xử đều không tạo quả tốt xấu. Tất nhiên các Ngài không làm những việc bất thiện như sát sanh, trộm cắp ..v.v.. ngay cả khi làm có việc lành như thuyết pháp, lễ Phật ..v.v.. cũng không tạo “quả tốt”. Pháp sư Giác Chánh đề cập điều nầy dùng thí dụ như hột bắp đã luộc trước khi phơi khô có gieo xuống thì cũng không mọc cây bắp khác vì mầm đã chết. Kinh Pháp Cú có Phật ngôn mô tả điều nầy như chim trời rời ao hồ không để lại dấu vết.
Những trạng thái thọ hỷ thọ xả, hợp trí ly trí, vô trợ hữu trợ trong tâm của các bậc ứng cần được hiểu là rất tế nhị không giống như thường tình.
Thọ hỷ và thọ xả
Các bậc hoàn toàn giải thoát vẫn có tâm thọ hỷ như sự hân hoan rất tế nhị không nên hiểu theo cách “phấn khích” của phàm tâm. Tâm thọ xả điềm đạm của các Ngài là thứ tâm trưởng thành không còn vị cảnh chi phối rất khác với sự vô tư lự của phàm phu. Rất nhiều trường hợp ghi lại tâm thái của tôn giả Sāriputta khi cảm kích trí tuệ siêu việt của Đức Phật hay một vị A La Hán hoan hỷ với sự tịnh lạc của đời sống sa môn so với hạnh phúc cung đình của thời còn là một vương gia. Các Ngài hoan hỷ nhưng không mang sự phấn khích thường tình.
Hợp trí và ly trí
Thời Đức Thế Tôn tại thế có vị giáo chủ đạo Jain là Nigantha Nataputta tuyên bố là trí tuệ siêu đẳng của mình luôn hiện hữu cả ngày lẫn đêm. Đức Phật dạy một bậc đại giác chỉ dùng trí khi cần chứ không phải trong toàn thời gian đi đứng nằm ngồi đều dùng đến. Thí dụ một người rất giỏi tiếng Pháp không phải cả 24 giờ đều dùng khả năng nói tiếng Pháp trôi chảy. Chính vì vậy chư vị A La Hán có những khoảnh khắc dùng tâm ly trí. Nhưng không có nghĩa là thiếu trí.
Vô trợ hay hữu trợ
Phản ứng nhanh chậm của các vị vô lậu giải thoát không thuộc tâm mạnh hay tâm yếu hoặc cần tác động hay không cần tác động. Đơn giản là có những việc cần suy xét. Có những chuyện Đức Phật trả lời sau ba lần thỉnh cầu không có nghĩa là Ngài suy nghĩ chậm thí dụ câu “Như lai nói pháp cẩn trọng chức không phải không cẩn trọng”
Phật dữ Phật tri, thánh dữ thánh tri
Cho dù có nhiều chi tiết được trình bày nhưng không có nghĩa vì vậy phàm nhân có thể biết rõ tâm thái của các bậc hoàn toàn giải thoát. Có thể tạm thí dụ một em nhỏ trong gia đình đông con rất khó hiểu hết tâm trạng của bà mẹ với tình thương chan hoà. Giai tầng nào hiều giai tầng đó. Ngay cả các bậc thánh tầng thấp không hiểu rõ tâm các bậc thánh tầng cao hơn. Một người có thể rất thông thạo về niêm luật làm thơ nhưng không có nghĩa là có thể làm được những áng thơ tuyệt tác. Sự cảm thụ và khả năng phô diễn bằng ngôn ngữ của những thi hào không đơn giản cho một người không cùng trình độ cảm nhận được. Tâm thái các bậc vô lậu giải thoát cũng vậy. “Không phải a la hán rất khó để phân biệt ai là a la hán thật sự.
Tam Tạng Pāli không có đoạn nào nói là một bậc hoàn toàn giải thoát lại có sở hành trái với đời sống hiền thiện như quan niệm “bồ tát nghịch hành” trong Phật giáo Bắc Truyền qua một số hình ảnh như Tế Điên Hoà Thượng hay chuyện thiền sư Nam Tuyền chém mèo (Nam Tuyền trảm miêu). Những câu chuyện mang tinh thần “phương tiện thiện xảo để đời” như vậy là cách nói cao độ về tình thần phá chấp của Phật giáo Đại thừa. Một vài chi tiết ghi lại về những vị a la hán còn có thói quen nhỏ nhặt từ nhiều kiếp quá khứ trong kinh điển Pāli có thể được xem là không gì “đáng nói” so với Phật giáo Bắc Truyền.
Biên soạn: Tỳ khưu Giác Đẳng