Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG - THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA) - 13. Tâm Quả Dục Giới Tịnh Hảo (kāmāvacara-kusalacittāni)

Friday, 08/07/2022, 18:02 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: THẮNG PHÁP PHỔ THÔNG

Bài học ngày 8.7.2022


THẮNG PHÁP TẬP YẾU (ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA)

13. Tâm Quả Dục Giới Tịnh Hảo

(kāmāvacara-kusalacittāni)

Chánh văn

(Kāmāvacara-vipākacittāni)

9. Somanassasahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ asaṁkhārikam ekaṃ.

10. Somanassasahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ sasaṁkhārikam ekaṃ.

11. Somanassasahagataṁ ñāṇavippayuttaṁ asaṁkhārikam ekaṃ.

12. Somanassasahagataṁ ñāṇavippayuttaṁ sasaṁkhārikam ekaṃ.

13. Upekkhāsahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ asaṁkhārikam ekaṃ.

14. Upekkhāsahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ sasaṁkhārikam ekaṃ.

15. Upekkhāsahagataṁ ñāṇavippayuttaṁ asaṁkhārikam ekaṃ.

16. Upekkhāsahagataṁ ñāṇavippayuttaṁ sasaṁkhārikam ekaṃ.

Imāni aṭṭha pi sahetuka-kāmāvacara-vipākacittāni nāma.

1.Tâm quả thọ hỷ hợp trí vô trợ

2. Tâm quả thọ hỷ hợp trí hữu trợ

3. Tâm quả thọ hỷ ly trí vô trợ

4. Tâm quả thọ hỷ ly trí hữu trợ

5. Tâm quả thọ xả hợp trí vô trợ

6. Tâm quả thọ xả hợp trí hữu trợ

7. Tâm quả thọ xả ly trí vô trợ

8. Tâm quả thọ xả ly trí hữu trợ

Những tâm nầy là tâm quả dục giới hữu nhân.

(Lưu ý: Số thứ tự trong chánh văn Pāli ghi từ 9 tới 16 theo lược kê 24 tâm dục giới tịnh hảo. Bản dịch ghi từ 1 tới 8 là thứ tự riêng trong đề tài “tâm quả dục giới tịnh hảo”)

Chú thích:

Cũng như tâm thiện dục giới tịnh hảo, tâm quả dục giới tịnh hảo được chia thành tám dựa trên ba yếu tố: thọ hỷ hay thọ xả, hợp trí hay ly trí, vô trợ hay hữu trợ.

Tâm quả là tâm tạo nên bởi tâm thiện qua quá trình hoàn chỉnh như từ hạt gieo tới lúc trổ quả và trong quả có hạt.

Tâm quả dục giới tịnh hảo mang những đặc tính tương đồng với tâm thiện qua các yếu tố thọ hỷ hay thọ xả, hợp trí hay ly trí, vô trợ hay hữu trợ. Điều thú vị là các tâm bất thiện không tạo tâm quả với trạng thái tương đồng.

Tâm quả trong vai trò tiềm thức có những chi phối nhất định đối với hoạt thức thí dụ tiềm thức là tâm quả ly trí thì không thể nào tu tập chứng thiền, đắc đạo quả.

Chữ vipākacittta thường dịch là tâm quả còn gọi là tâm dị thục (dị thời nhi thục) là thành quả hoàn chỉnh của tác nhân thí dụ gieo hột cam mọc thành cây cam. Cây cam không là quả mà phải trổ hoa, kết trái. Trái cam chính là quả dị thục.

Tâm quả dục giới tịnh hảo là tâm được tạo thành bởi tâm thiện dục giới tịnh hảo theo cách “thành quả” chứ không phải là “hệ quả”. Chính vì vậy tâm nầy có trạng thái gần giống như tâm thiện. Điều nầy có nghĩa là nếu nhân là tâm thiện thọ hỷ, hợp trí, vô trợ thì tâm quả sở tạo cũng mang những thuộc tánh tương tự. Tuy vậy gọi là gần giống có nghĩa khi tâm thiện có những năm thuộc tánh chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, bi, tuỳ hỷ thì tâm quả không có năm thuộc tánh đó (…). Để hiểu rõ những gì vừa nêu nên lưu ý vài điểm sau:

Có sự khác biệt giữa hệ quả, hậu quả và thành quả.

Tâm quả cũng được dịch là tâm dị thục; nói cho đủ là dị thời nhi thục nghĩa là trổ quả khác thời gian.

Một người làm việc lành, trong lúc đang làm tâm hân hoan đó là sự hưởng thụ quá trình. Tâm hân hoan đó không gọi là tâm quả dị thục.

Một người làm việc lành thường xuyên tạo thành thường nghiệp. Tâm quen làm đó không gọi là tâm quả dị thục.

Một người làm việc lành được nhiều người mến mộ nên tâm an lạc. Tâm an lạc đó không gọi là tâm quả dị thục.

Một người làm việc lành; do nghiệp lành tạo thành sanh báo nghiệp. Khi kiếp sống hiện tại chấm dứt thì kiếm sống mới bắt đầu. Tâm khởi đầu là tâm tục sinh; tâm tục sinh nầy mang trạng thái giống như tâm thiện. Thí dụ làm thiện với tâm thọ hỷ, hợp trí, vô trợ thì tâm quả tục sinh cũng mang ba đặc tánh như vậy (tâm quả dục giới tịnh hảo không có các thuộc tánh giới phần và vô lượng phần như tâm thiện (…) điều nầy sẽ được nói chi tiết ở các bài học sau). Tục sinh bằng tâm gì thì tiềm thức trong cuộc (hộ kiếp) sống bằng thứ tâm đó và tử cũng bằng thứ tâm đó. Tâm quả dục giới tịnh hảo căn bản đóng ba vai trò: tục sinh, tiềm thức và tử. Ngoài ra những tâm quả nầy còn đóng vai trò của dư hưởng trong tiến trình tâm và đôi khi đóng vai trò “bán tiềm thức, bán hoạt thức (āgantukabhavaṅga) mà Ngài Tịnh Sự dịch là hộ kiếp khách.

Do bốn vai trò của tâm quả dục giới tịnh hảo những tâm nầy chỉ có trong cõi dục (trong lúc tâm thiện dục giới tịnh hảo có mặt trong 30 cõi hữu tâm)

Những tâm quả dị thục có hai một là tâm quả dị thục vô nhân gồm có tâm ngũ quan và các tâm cơ năng khác như tiếp nhận, quan sát. Những tâm nầy cũng sanh do nghiệp quá khứ nhưng quả nghiệp có năng lực tạo thành những hiện tượng ngoại giới như sắc, thinh, khí, vị, xúc trong lúc các tâm quả dục giới tịnh hảo là những “dấu ấn nội tâm”. Điều nầy là một trong những điểm tinh tế về nghiệp báo chỉ có thể tìm thấy trong Thắng pháp Abhidhamma.

Một khái niệm rất phổ thông trong Phật học Hán ngữ là chánh báo và y báo. Trong cách so sánh tương đối thì chánh báo là tương đồng với các tâm quả tục sinh, tiềm thức tạo nên cá tính, chủng loại và trì nghiệp của chúng sanh. Trong lúc y báo có phần tương đồng với những tâm quả vô nhân khác như các tâm ngũ quan. Tuy nhiên trong Thắng Pháp những tâm quả hữu nhân không có sự chi phối trực tiếp, mặc dù có liên hệ, đối với các tâm quả vô nhân. Thí dụ một người sanh ra thông minh đĩnh đạt là một chuyện mà giàu có phú túc may mắn là một chuyện khác. Cá tánh có ảnh hưởng cuộc sống nhưng không có một cá tánh nào bảo đảm cho tất cả thành công danh lợi, tiện nghi ..v.v..

Vai trò của tiềm thức trong cuộc sống

Muốn hiểu tâm quả dục giới tịnh hảo thì cần phải hiểu vai trò của tiềm thức. Thắng Pháp Abhidhamma nêu rõ tục sinh bằng tâm nào thì tiềm thức và tâm tử cũng là thứ tâm đó. Nói cách khác tuy ba vai trò nhưng cũng chỉ là một thứ tâm.

Một người sanh bằng tâm quả dục giới tịnh hảo thọ hỷ, hợp trí, vô trợ thì tiềm thức trong đời sống hằng ngày cũng mang những thuộc tánh giống vậy. Tiềm thức thọ hỷ thì biểu hiện cả tánh vui tươi; tiềm thức thọ xả thì cá tính điềm đạm. Tiềm thức hợp trí thì có tư chất mẫn tiệp; tiềm thức ly trí thì tư chất thiếu thông minh. Tiềm thức vô trợ thì phản ứng nhanh lẹ; tiềm thức hữu trợ thì phản ứng chậm chạp. Như vậy tiềm thức tạo nên cá tánh và cá tánh có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đời sống hằng ngày. Một người tục sinh bằng tâm ly trí (thiếu căn vô si) thì không thể đắc thiền, đắc đạo quả được. Như vậy tiềm thức có ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt hằng ngày mặc dù không phải tất cả hoạt thức đều do chịu ảnh hưởng tiềm thức. Liên hệ giữa tiềm thức và hoạt thức có thể thí dụ như hai người cùng học ngoại ngữ. Một người có căn bản văn hoá và ngôn ngữ mẹ đẻ thì sự cảm nhận khác với một người không có căn bản trình độ. Tiềm thức tuy không chi phối hoàn toàn hoạt thức như có ảnh hưởng không nhỏ về thái độ lạc quan, mẫn tiệp, ứng đối bặt thiệp ..v.v..

Biên soạn: Tỳ khưu Giác Đẳng